Mà nó là thế này - Nguồn hình ảnh: simplypsychology.org
Lần đầu tiên mình biết về tháp nhu cầu của Maslow (tại trường đại học), mình cũng tưởng tầng cuối cùng của ông là 'Thể hiện bản thân' hay 'Khẳng định bản thân' - giảng viên dạy như vậy mà. Sau này, khi thấy có người nhắc tới tháp nhu cầu này, đa số cũng lại nói nhu cầu cao nhất của con người là thể hiện bản thân. Wiki cũng nói vậy nữa: Link.
Nhưng càng tìm hiểu sâu về Maslow, càng trở nên yêu quý cái trường phái triết học/tâm lý ông theo đuổi, mình càng thấy khó chịu về cách hiểu này - vì cụm từ này đi ngược lại hoàn toàn quan điểm của Maslow, cũng như quan điểm của trường phái nhân văn.
// MASLOW LÀ MỘT NHÀ TÂM LÝ HỌC THUỘC TRƯỜNG PHÁI NHÂN VĂN
Ở phương Đông cổ đại, có 3 quan niệm về con người luôn luôn gây tranh cãi từ xưa đến nay - 'nhân chi sơ tính bổn thiện', 'nhân chi sơ tính bổn ác', hay 'trẻ em như tờ giấy trắng, viết gì lên sẽ trở thành nấy'.
Thì phương Tây cũng có cuộc tranh luận này luôn. Chỉ xét trong lĩnh vực tâm lý học, Phân tâm là đại diện của 'nhân chi sơ tính bổn ác', Hành vi là đại diện của 'trẻ em như tờ giấy trắng', còn Nhân văn tuyệt nhiên đi theo triết lý 'nhân chi sơ tính bổn thiện'.
Phần này mình lấy thông tin từ bài giảng của T.sĩ Trì Thị Minh Thuý, giảng viên khoa tâm lý ĐHXHNV TPHCM và simplypsychology.org/carl-rogers.html---
Triết lý cốt lõi của trường phái nhân văn coi 'bản chất con người là tích cực': con người 'tốt lành' và 'có tiềm năng '
Abraham Maslow cùng với Carl Rogers là 2 đại diện tiêu biểu của tâm lý nhân văn. Trong đó, Carl Rogers được xem là nhà sáng lập.
Học thuyết của ông xoay quanh 2 nhu cầu căn bản của con người
1, Self-actualization (hiện thực hoá bản thân/phát huy hết tiềm năng): Con người muốn được phát huy hết tiềm năng của bản thân - gồm 5 yếu tố: Cởi mở với trải nghiệm, Sống hiện sinh với thực tại, Chân thành với trải nghiệm cảm xúc, Sáng tạo, Sống một cuộc sống trọn vẹn. (Để tìm  hiểu sâu thêm, bạn có thể tham khảo sách: Tiến trình thành nhân của ông)
2, Unconditional positive regard (được quan tâm tích cực vô điều kiện): Con người muốn được yêu thương vô điều kiện, nghĩa là được yêu thương vì là chính con người họ. Ngược với điều này là 'yêu thương có điều kiện': "Con được điểm 10 thì mẹ sẽ yêu thương con", "Để xứng đáng làm bạn tao mày phải uống hết được chai bia này", "Anh không được giận em, anh không thương em nữa đúng không" v.v..
Theo ông, để hiện thực hoá được bản thân thì Self-Concept (Cái tôi mà mình nhận thức) và Experiencing Self (Cái tôi mình trải nghiệm được) của mình phải trùng nhau càng nhiều càng tốt.
Nguồn hình ảnh: Link
Có nhiều lý do khiến chúng ta không trung hoà được 2 khái niệm này trong mình. Và lý do Carl Rogers đề cập đến là không được quan tâm tích cực vô điều kiện.
Vì khi không được quan tâm vô điều kiện, chúng ta sẽ cảm thấy giá trị bản thân (self-worth/self-esteem) mình rất thấp, chúng ta không được khuyến khích hành động như chính con người mình. Thay vào đó, chúng ta phải hành động theo cách mọi người kỳ vọng.
Khi không được chấp nhận như chính con người mình, thì self-concept - cách thức ta nhìn nhận về bản thân mình sẽ có độ vênh experiencing self - cái bản thân mà chúng ta đang trải nghiệm hàng ngày. Chúng ta đang cảm thấy tức giận, nhưng mọi người xung quanh đều coi ta là 1 người hiền như bụt, và buồn thay chính ta cũng muốn được họ yêu thương và vì thế chúng ta cũng muốn hiền như bụt - vậy thì chúng ta đâu có được tức giận, cái cảm giác hiện giờ không thể là tức giận được, mình đâu có giận đâu - chúng ta buộc ta nghĩ thế mặc dù chúng ta thật sự đang rất tức giận! Sự vênh giữa 2 khái niệm xảy ra.
Để có tương quan so sánh, bạn có thể so với khái niệm 'Chánh niệm' trong Phật giáo.
kết thúc--->
Với 1 trường phái như này thì khó có thể tưởng tượng rằng họ lại nói nhu cầu cao nhất của con người là khẳng định mình, là thể hiện, là khuếch đại cái tôi của mình ra. Nhu cầu cao nhất của con người theo nhân văn là được trải nghiệm bản thân của mình đúng với thực tế, được khai phá hết tiềm năng của bản thân, được sáng tạo (viết lách cũng là một cách sáng tạo) và chấp nhận mọi điểm tốt & xấu của mình.
// TẦNG THỨ 5 TRONG THÁP MASLOW LÀ 'HIỆN THỰC HOÁ BẢN THÂN'
Maslow sử dụng chữ self-actualization cùng nghĩa với Rogers. Mình sẽ trích nguyên văn trong bài luận 'Một lý thuyết về Động lực con người' năm 1943 của Maslow, được đăng trên tạp chí Psychological Review.
The need for self-actualization. -- Even if all these needs are satisfied, we may still often (if not always) expect that a new discontent and restlessness will soon develop, unless the individual is doing what he is fitted for. A musician must make music, an artist must paint, a poet must write, if he is to be ultimately happy. What a man can be, he must be. This need we may call self-actualization.  

This term, first coined by Kurt Goldstein, is being used in this paper in a much more specific and limited fashion. It refers to the desire for self-fulfillment, namely, to the tendency for him to become actualized in what he is potentially. This tendency might be phrased as the desire to become more and more what one is, to become everything that one is capable of becoming.

The specific form that these needs will take will of course vary greatly from person to person. In one individual it may take the form of the desire to be an ideal mother, in another it may be expressed athletically, and in still another it may be expressed in painting pictures or in inventions. It is not necessarily a creative urge although in people who have any capacities for creation it will take this form.  

The clear emergence of these needs rests upon prior satisfaction of the physiological, safety, love and esteem needs. We shall call people who are satisfied in these needs, basically satisfied people, and it is from these that we may expect the fullest (and healthiest) creativeness. Since, in our society, basically satisfied people are the exception, we do not know much about self-actualization, either experimentally or clinically. It remains a challenging problem for research.

Dịch thoáng là: Ngay cả khi chúng ta đã thoả mãn hết những nhu cầu phía trên (4 bậc đầu), thì chúng ta cũng sớm phát triển thêm những điều không thoả mãn và cần đáp ứng thêm - việc này sẽ diễn ra không dừng lại. Trừ khi, cá nhân đó được làm những thứ anh ta sinh ra để làm. Một người nhạc sĩ phải làm nhạc, một hoạ sĩ phải vẽ, một nhà thơ phải viết, nếu anh ta muốn hạnh phúc tột cùng. Nếu một người có thể trở thành gì, anh ta phải trở thành điều đó. Đây là sự hiện thực hoá bản thân. [...]
Cái thứ gọi là 'khẳng định bản thân' theo mình có thể xếp vào nhu cầu bậc 3 và bậc 4: nhu cầu được thuộc về (yêu thương) [thể hiện mình có giá trị để được mọi người yêu quý] và nhu cầu về giá trị bản thân [để cảm thấy mình có giá trị thông qua việc mọi người thấy mình có giá trị].
Phần này mình lấy thông tin từ bài giảng của cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, giảng viên khoa tâm lý ĐHXHNV TPHCM---
Đích đến của tâm lý học nhân văn, và hầu như mọi trường phái tâm lý khác, cũng giống như đích đến của hầu hết mọi tôn giáo: là hướng đến giá trị chiều sâu bên trong con người.
kết thúc--->
Hiện thực hoá bản thân rõ ràng nhắm đến mục đích này, khác hẳn với 'khẳng định bản thân' có vẻ như hướng đến những giá trị bên ngoài bản thân mình.
Nói dông dài để giới thiệu cho mọi người về một trường phái tâm lý rất hay, và để truyền thông đúng đắn cho nó. Hy vọng mọi người sau này thấy ai hiểu sai về tháp nhu cầu, nếu được hãy đính chính cho họ hiểu :D
"Cuộc sống tốt đẹp là một quá trình, không phải là trạng thái hiện hữu. Đó là một hướng đi không phải là đích đến". (Rogers, 1967)
P/s: Các nguồn tham khảo mình đã nêu rõ trong bài, tuy nhiên ý tưởng bao trùm bài viết vẫn là quan điểm của mình và mình chịu trách nhiệm với những nội dung này.