Vì sao "Bohemian Rhapsody" của Queen lại hay?
Nếu đã nhắc đến The Beatles như là một huyền thoại của làng âm nhạc, những “con người mang hơi thở của thời đại” đã thay đổi hoàn...
Nếu đã nhắc đến The Beatles như là một huyền thoại của làng âm nhạc, những “con người mang hơi thở của thời đại” đã thay đổi hoàn toàn văn hóa âm nhạc của đại chúng, thì chúng ta cũng không thể nhắc đến những “gã điên” - Queen đã tiếp bước “Fab Four” để một lần nữa đưa nền âm nhạc của Anh Quốc bước tới đỉnh cao.
Khi tận hưởng những trận cầu nảy lửa, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã quá quen thuộc khi hòa vào dòng người xa lạ và cùng nhau cất vang những câu từ mang âm điệu của chiến thắng “We are the champion”, hay có những tràng pháo tay đồng thanh để đi theo giai điệu của bài hát “We will rock you”. Sức ảnh hưởng cùng những giá trị mà Queen mang lại vào thời điểm đó và ngay cả bây giờ thì không thể nào chối cãi. Trong số những ca khúc đã đi theo năm tháng đỉnh cao sự nghiệp của họ, “Bohemian Rhapsody” chính là viên ngọc trai chói lòa nhất.
Câu chuyện về "Bohemian Rhapsody"
Để bài hát vĩ đại này có thể ra đời thì cũng là cả một quá trình đấu tranh gian nan giữa các thành viên với ban quản trị của hãng thu âm EMI Records. Do thời lượng của bài hát lên đến 6 phút, đi ngược lại hoàn toàn xu hướng thời lượng âm nhạc thời bấy giờ là chỉ có 3 phút, thêm vào đó là những câu từ mang tính “độc nhất” mà Freddie (tác giả chính của bài) mong muốn mang vào đứa con tinh thần mà anh đã ấp ủ bấy lâu. Sau một thời gian đấu tranh dai dẳng và không ngừng nghỉ, “Bohemian Rhapsody” đã chính thức được ra mắt vào năm 1975. Và ngay khi phát hành ra thị trường, “Bohemian Rhapsody” đã thật sự tạo nên cơn sốt với vị trí dẫn đầu BXH ở nhiều nước trên thế giới, đánh dấu sự thành công to lớn về mặt thương mại của tác phẩm để đời này của Queen.
Tuyệt tác mang tên "Bohemian Rhapsody"
Đơn giản vì “Bohemian Rhapsody” không chỉ đơn thuần là một bài hát, mà nó còn là một kiệt tác vĩ đại do những nghệ sĩ vĩ đạt tạo ra. Sự kết hợp giữa bốn thể loại khác nhau vào một bản nhạc thật sự là một điều điên rồ vào thời điểm đó và thậm chí cho đến hiện tại, hiếm có nghệ sĩ nào muốn thử sức như cách những chàng trai Queen đã từng làm. Cappella, Ballad, Opera và Rock, thật sự điên rồ khi tất cả chỉ gói gọn trong một bản nhạc kéo dài 6 phút. Hơn hết, khi nhìn vào gốc độ công nghệ thu âm những năm 70 của thế kỷ trước, chỉ với những trang thiết bị thô sơ và phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công, chỉ riêng việc “Bohemian Rhapsody” có thể ra đời thôi đã là điều hết sức phi thường vời thời điểm ấy.
Cái tên "Bohemian Rhapsody" có ý nghĩa gì?
Ngay từ tựa bài đã khiến cho người nghe cảm thấy thích thú và tò mò về ý nghĩa thật sự của tên bài bài hát. “Bohemian” là từ bắt nguồn từ tiếng Pháp là “Bohémien” để chỉ những người Di-gan. Về sau, “Bohemian” để chỉ những người nghệ sĩ có lối sống tự do, phóng túng, không muốn bị gò bó bởi những khuôn mẫu của xã hội khô càn và những luật lệ hà khắc. Từ “Rhapsody” trong âm nhạc thì dùng để miêu tả những bản nhạc có cấu trúc tuy không được hoàn hảo nhưng lại truyền tải một cảm xúc mạnh mẽ và gây hưng phấn cho người nghe. Do đó, ta có thể hiểu “Bohemian Rhapsody” chính là “bản tráng ca của người nghệ sĩ”.
Ý nghĩa thật sự của "Bohemian Rhapdody"
Cho tới bây giờ, ý nghĩa của bài hát luôn là một điều gây tranh cãi cho những ai đã từng nghe qua nó. Đã có nhiều giả thuyết đặt ra về nội dung thật sự đằng sau bản nhạc đình đám ấy. Thế nhưng, nếu nhìn từ khía cạnh của Freddie Mercury - giọng ca chính và là linh hồn của cả ban nhạc - người sáng tác lời cho ca khúc “Bohemian Rhapsody” thì ta có thể hiểu thêm được phần nào về sự thật của ca khúc kinh điển này. Trước hết, ta phải biết được rằng Freddie là một người đồng tính nam và câu chuyện về người đồng tính luôn là đề tài nhạy cảm vào những năm 70-80 của TK XX ở xứ sở sương mù. Bản thân Freddie cũng không nhận ra mình là một người đồng tính trước đó, thậm chí ông cũng đã có một mối quan hệ lâu dài với Mary Austin vào những năm đầu thập niên 70, người mà về sau trở thành người bạn thân thiết với ông suốt cả quãng đời còn lại. Freddie cũng đã từng viết riêng một bài hát nói về mối tình của ông với Marry - “Love of my life”. Nhưng đến giữa thập niên 70, khi thiên hướng tính dục của Freddie ngày càng rõ nét, ông đã không dần kiểm soát được bản thân và đi đến con đường ngoại tình với một người đàn ông khác. Bài hát “Bohemian Rhapsody” như một lời thú tội của ông, về chính sự những sự thay đổi của bản thân ông và những tội lỗi mà ông cho rằng mình đang phải gánh chịu.
Phân đoạn Cappella
“Bohemian Rhapsody” đã được mở đầu với câu hát:
“Is this the real life
Is this just fantasy?”
Có thể thấy bản thân Freddie đang tự đặt những câu hỏi cho chính bản thân, về những sự thay đổi mà ngay cả ông cũng không thể định hình được. Và chính những sự thay đổi đó đang dần xâm chiếm tâm trí, đè nén lên ông những nỗi lo, những suy tư về bản chất của con người thật sự ở sâu bên trong của ông. Dần dần, ông trở nên bế tắc và ngày càng chìm sâu xuống chiếc “hố của sự tội lỗi”. Tất cả những điều đó đã được thể hiện qua hai câu kế tiếp:
“”Caught in a landslide,
No escape from reality”
Và một Freddie nhỏ bé, tội nghiệp nhận ra bản thân ông không thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận và dần làm quen con người thật sự ở sâu bên trong ông - một người đồng tính. Mặc cho lời qua tiếng lại của những con người đương thời, ông vẫn sẵn sàng, mạnh mẽ và kiên cường để đứng lên và chiến đấu với những nhiều đó.
“Any way the wind blows, doesn’t matter to me”
Phân đoạn Ballad
Mang những giai điệu nhẹ nhàng nhưng lại ẩn bên trong là những sự suy tư, sầu lắng của một con người đang cảm thấy lạc lối giữa chính dòng đời. Freddie đã mở đầu bằng một câu hát đầy bi thương, nhưng sâu bên trong chính là sự ngấm ngầm khẳng định với sự ra đời của một Freddie Mercury hoàn toàn mới:
“Mama, just killed a man”
“Mama” được nhắc tới có thể chính là những con người trong xã hội, những người yêu quý ông và cũng là những con người mà ông yêu quý. “Man” ở đây chính là bản thân ông và ông đã giết đi chính con người trước kia của mình, giết đi một Freddie yếu đuối, luôn trốn tránh với những sự thật và chấp nhận một cuộc sống mà bản thân hoàn toàn không mong muốn.
“Mama, life had just begun”
“But now I've gone and thrown it away”
Xuyên suốt phần ballad của bài được dựng lên như một “tòa án công lý”, một phiên tòa để phán xét bản thân Freddie hiện tại. Xét xử về những vết thương mà ông đã gây ra cho những người yêu quý ông và đau đớn hơn tất cả, phải kể đến Mary Austin - người mà đã đem toàn bộ tình yêu của cô trao cho Freddie. Trong tình yêu, các cặp đôi tan vỡ chỉ vì họ đã cạn kiệt tình cảm, họ chia xa nhau vì họ không thể cùng chấp nhận được những khuyết điểm của đối phương. Đằng này, Marry phải rời xa Freddie vì lý do “anh là một người đồng tính”, đó là nỗi đau quá sức chịu đựng với cô và hơn ai hết, bản thân Freddie thấu hiểu điều đó. Nhưng đó là sự thật mà cả hai không thể thay đổi được.
“Mama, didn’t make you cry
If I’m not back again this time tomorrow
Carry on, carry on as if nothing really matters”
Mặc dù không công khai, Freddie cũng đã hé mở việc ông là một người đồng tính cho công chúng. Sẽ có những sự ngỡ ngàng, những sự ngờ vực hay thậm chí là những sự kỳ thị dành cho ông, sự kỳ thị của một xã hội thời bấy giờ vẫn chưa thể cởi mở về vấn đề đồng tính. Nhưng mặc cho những điều đó, Freddie vẫn là Freddie, một Freddie Mercury sống thật với chính con người mình, một Freddie mạnh mẽ và cá tính mỗi khi bước lên sân khấu vẫn sẵn sàng cháy hết mình, hòa vào dòng người chen chúc, hòa vào tràng vỗ tay náo nhiệt, những tiếng rò heo mạnh mẽ.
“Too late, my time has come
Sends shivers down my spine, body’s aching all the time
Goodbye, everybody, I’ve got to go
Gotta leave you all behind and face the truth”
Phân đoạn Opera
Freddie vốn là một người dành tình yêu đặc biệt cho những vở opera, thậm chí ông cũng đã có một bài hát opera rất thành công với nữ danh ca xứ catalan - Mostserrat Caballé với tên gọi “Barcelona”. Vì thế, ông đã sử dụng rất nhiều những từ ngữ “độc lạ” thường dùng trong các vở opera.
“Scaramouche, Scaramouche, will you do the Fandango”
Scaramouche trong là một từ có gốc từ tiếng Ý (Scaramuccia) là một nhân vật hề của nghệ thuật hài kịch hoạt họa trong văn học của Ý, xuất hiện vào thế kỷ XVI. Freddie có thể đã ẩn dụ đến phiên bản trước kia của ông thông qua nhân vật Scaramouche vì một trong những tính cách đặc trưng của nhân vật ấy chính là sự hèn nhát và thường đặt bản thân rơi vào những tình thế gây hại cho bản thân (có thể ám chỉ để cuộc sống của ông với Mary Austin).
Fandango vốn một điệu nhảy nổi tiếng có nguồn gốc từ Bồ Đào Nha và Tây Ba Nha. Tuy nhiên, trong lịch sử, điệu Fandango từng cho là điệu nhảy của những “kẻ vô thần” và bị lên án mạnh mẽ bởi Giáo hội Tây Ba Nha. Và khi một nhân vật hèn nhát đã dám đứng lên để nhảy điệu nhảy chống lại thần linh như Scaramouche thì như một lời nhấn mạnh cho sự chống lại định kiến xã hội bấy giờ của ông.
“Galileo, Galileo, Galileo, Galileo, Galileo”
Galileo ở đây có thể là nhà thiên văn học vĩ đại của Ý, nổi tiếng với câu nói “Dù sao Trái đất vẫn quay”, ông là người đã công khai ủng hộ mạnh mẽ thuyết nhật tâm của Kopernik về việc Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Sự ủng hộ đó đã khiến cho ông đi ngược với những giáo lý của Giáo hội thời bấy giờ và Galileo bị gán cho mắc “kẻ dị giáo”. Trong bài hát, Freddie dường như đang cầu xin “Galileo”, người có thể dẫn lối ông bước qua những sự chỉ trích từ xã hội.
“Beelzebub has put a devil aside for me”
Beelzebub trong tôn giáo Abraham chính là tên gọi của một trong bảy hoàng tử của Địa ngục. Trong Kitô giáo, Beelzebub còn là tên gọi khác của quỷ Satan. Có thể, Freddie đã dùng cái tên Beelzebub để ám chỉ con quỷ trong chính người ông, thứ đã làm cho Freddie trở nên khác thường so với mọi người (ở đây đang nói đến việc xu hướng tính dục đang bộc phát mạnh mẽ ngay ở bên trong ông).
Bước vào đoạn opera của bài, Freddie đã một lần nữa cho thấy, ông sẽ không thể nào qua trở về như trước kia nữa. Và cho dù điều đó mang đến những góc nhìn tiêu từ xã hội hay thậm chí bị coi là trái với những quy luật của Chúa tạo ra. Nhưng tất cả cũng không thể thay đổi việc bản thân ông đã chấp nhận con người đồng tính ở bên trong mình (Freddie đã ám chỉ sự thay đổi hoàn toàn của bản thân bằng cách cho con quỷ (Beelzebub) xâm chiếm bản thân).
Phân đoạn Rock
Chắc hẳn sẽ có những lời phỉ báng, những ánh mắt xem thường đến từ xã hội dành cho ông. Nhưng chính sức mạnh đến từ gia đình, bạn bè, những người yêu quý con người thật sự của Freddie đã giúp cho ông có thể tiếp dùng đứng lên và từ đó dùng chính tài năng của bản thân, cùng những thành viên của Queen tiếp tục tạo nên cơn địa chấn khắp toàn cầu.
“So you think you can stop me and spit in my eye
So you think you can love me and leave to die
Oh, baby, can’t do this to me, baby”
Lời kết
Cho đến bây giờ, câu chuyện đằng sau “Bohemian Rhapsody” vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng những thành tựu và ảnh hưởng của tác phẩm kinh điển ấy đem lại cho nhân loại là không thể chối cãi được. “Bohemian Rhapsody” sẽ luôn là câu chuyên để bàn tán và sẽ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ nghệ sĩ tiếp theo.
Có thể nói sự ra đời của “Bohemian Rhapsody” là cột mốc vĩ đại của Queen nói riêng và cả nền âm thời thời bấy giờ nói chung, chính nó đã mở ra một khoảng trời sáng tạo mênh mông không bờ bến cho các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiếp theo. Và cho đến mãi bây giờ, “Bohemian Rhapsody” vẫn còn là câu chuyện bàn tán mạnh mẽ về câu chuyện thật sự đằng sau nó.
(bài viết chỉ mang tính chất cá nhân và đa số các thông tin được tham khảo từ nhiều nguồn)
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất