Yo minna-san! Là mình đây, lâu ngày mới trở lại.
Do cuộc đời bận rộn quá nên cả năm nay chả viết thêm được gì, CCĐ cũng vì thế mà treo theo dòng đời. Tuy nhiên có một số bạn đã inbox riêng mình nài nỉ xin được chia sẻ tiếp. Ừ thì, cũng được đấy, tính tớ cũng hơi dễ mủi lòng, cũng đang cách ly dịch giã mà phải tranh thủ chớ?
Nghĩ tới nghĩ lui thì mình sẽ chọn chủ đề này để viết. Một chủ đề mang tính cảm nhận nhiều hơn là chọi mớ kiến thức chuyên sâu vào đầu các bạn. Do thời gian ngâm cứu nhạc lý của mình giờ rất hạn chế nên các CCĐ sau này (nếu có thể) sẽ đi về hướng chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn của cá nhân, ít động chạm hơn đến nhạc lý để tránh bớt những tranh cãi so đo với vị này vị kia. Nói tóm lại, hòa bình và hái hoa dân chủ nếu như mình viết chưa được chuẩn hén.
“Cảm âm” – hai chữ nghe nó cũng nhạy cảm phết đây.
Hồi còn đi dạy đàn thì mấy em học trò của mình rất sợ những buổi tập cảm âm. Vì nó là một khái niệm linh động, tùy biến, không có một nguyên tắc chi li cụ thể để mọi người nhìn vào mà tuân theo. Nếu chỉ gói gọn trong 90 phút lên lớp thì khó có thể thấm nhuần hết được, thế nên người học đàn thường khá tuyệt vọng khi thấy thầy/cô mình chỉ mất có vài mươi giây để xác định tông giọng, hợp âm chủ của bài hát; hoặc tốn thêm tí xíu nữa để đánh lại bản nhạc nghe được. Lâu ngày chứng kiến khoảng cách xa vời quá thì đâm ra lại nghĩ đây là một phần học tẻ nhạt, lan man, thiếu trọng tâm hay đày đọa lỗ tai gì đó. Tổng hợp những cảm xúc tiêu cực này lại xin được gói gọn trong cụm từ “cực hình”
Nhưng mình nói nè, cảm âm không phải là cực hình đâu. Và nó cũng chẳng bao giờ là một cực hình cả. Cái cách chúng ta thường nghĩ rằng cảm âm nó là một cái khả năng cao siêu thực ra lại bình dân hết mức đấy. Một phần năng khiếu, chín mươi chín phần rèn luyện là chúng ta có thể thành thạo và vận dụng được ngay cho các bản nhạc thị trường bây giờ.
Cảm âm - yếu tố rất quan trọng đối với cả người hát & người chơi nhạc
Vậy thì, cảm âm là gì?
Nếu chưa rõ định nghĩa thì đây là quá trình phân tích những âm thanh nghe được bằng tai, và diễn dịch nó ra thành cách chơi nhạc của mình. Nôm na là khi chúng ta lắng nghe một cái gì đó, chúng ta có thể xác định được các yếu tố như là cao độ, trường độ, tiết tấu, tempo, màu sắc hợp âm…nhằm mục đích cover, chuyển soạn lại, biến tấu hoặc cao hơn nữa là sáng tác (tùy dụng ý người nghe họ muốn gì).
Có 2 dạng cảm âm: tương đối (relative) & tuyệt đối (perfect).
Cảm âm tuyệt đối (Perfect pitch) gần như là thiên khiếu của một số rất ít người, hoặc phải ăn dầm nằm dề cùng âm nhạc trong một quãng thời gian rất dài thì mới đạt được. Đối với trường hợp này, người nghe sẽ có thể xác định ngay và luôn được mọi thuộc tính của mỗi nốt nhạc phát ra và ký xướng âm tức thì với độ chuẩn xác tiệm cận hoàn hảo. Nếu may mắn có được khả năng cảm âm tuyệt đối, việc học nhạc sẽ vô cùng dễ dàng vì ta có thể đốt cháy giai đoạn tiếp cận & hình thành phản xạ gần như triệt để; cảm giác chơi nhạc với họ sẽ là bản năng tự nhiên chứ không cần giáo viên phải đốc thúc tận đít đâu. Còn nhược điểm thì cũng thấy rồi đấy, có quá ít người có thể đạt đến cảnh giới này. Thế cho nên trọng tâm của bài viết này sẽ đề cập vào dạng cảm âm còn lại hén.
Cảm âm tương đối (Relative pitch): tương tự như định nghĩa trên, chúng ta vẫn sẽ xác định được các thuộc tính của mỗi nốt nhạc nhưng không phải theo kiểu bặp phát trúng liền. Chúng ta sẽ cần đến một yếu tố trung gian để đạt được điều đó, ở đây chính là cây đàn cúng cơm của chúng ta á. Ví dụ như khi dạo một khúc intro để người ca sỹ bắt đầu hát, dùng một cây guitar đánh lại đoạn nhạc nghe loáng thoáng qua…đó là những ứng dụng thực tế nhất của cảm âm tương đối. Hoặc chí ít là khi chỉ nghe thôi, chúng ta biết được cây đàn đó có đang được tune dây chuẩn hay chưa, hợp âm chỗ đó có đang bị chõi/phô với âm giai và giọng ca sỹ hay không, nhịp phách chỗ đó có bị chệch với tempo và tiết tấu chung của bài hay không. Rất nhiều điều mà bạn có thể nhận ra sau mỗi nhạc phẩm nhờ vào kỹ thuật cảm âm tương đối này.
Trong thời buổi hiện nay thì nguồn nhạc phổ (tab/sheet), theo mình thấy, vô cùng hạn chế. Soạn tab/sheet là một công việc rất mất thời gian, chưa kể còn bị dính líu bản quyền nếu hồn nhiên chia sẻ lung tung. Sách vở ngoài tiệm thì toàn nhạc cũ. Mua tab/sheet trên website của các musician thì còn tùy thuộc vào kinh tế mỗi người, còn đi giao lưu học hỏi trực tiếp thì lại càng khó khăn nữa. Hopamchuan thì cũng thấy sai be bét (không có ý công kích web/app ấy đâu, nhưng thực tế đúng là vậy) thế nên cảm âm sẽ là cứu cánh để chúng ta tự thân vận động mà chơi được những bản nhạc mình thích ở mức độ tương đối.
Rồi, vậy giờ làm thế nào để luyện cảm âm đây?
Có rất nhiều cách luyện tập để đạt được. Muốn khổ d** thì cũng có cách mà muốn nhẹ nhàng sương sương cũng sẽ có cách, nhưng dù sao thì mỗi cái đều phải tốn thời gian thích nghi và tùy trường hợp va chạm mà sẽ có phương cách phù hợp, nên thôi mình kết hợp cả hai là tốt nhất. Một chút thưởng thức, một chút khổ sở và một đống đam mê sẽ giúp ta nhanh chóng hoàn thiện mình hơn.
Đầu tiên, ta sẽ cần có một số bài tập nho nhỏ làm quen với việc tạo phản xạ tự nhiên cho tai. Cách thức rất đơn giản, chúng ta sẽ tự đánh (hoặc nhờ ai đó đánh dùm) một chùm khoảng từ 3 – 5 nốt, không cần nhiều lắm đâu nếu mới sơ nhập chưa quen. Xác định sẵn nốt đó luôn, rồi chúng ta sẽ đánh qua đánh lại các nốt ấy và yêu cầu người luyện cảm âm phải nói chính xác nốt đó là gì. Liên tục duy trì bài tập đến tầm khoảng 5 phút mà thấy hòm hòm rồi thì ta có thể đổi gió, chuyển sang đánh qua đánh lại các hợp âm và yêu cầu người luyện phải xác định đó là hợp âm gì.
Nếu cảm thấy lé vồ này còn quá dễ thì, OK thôi, ta bắt đầu tăng thêm số lượng nốt/hợp âm cho bài tập. Chơi full nốt trong một quãng tám hoặc full hợp âm trong một âm giai luôn. Một số trick nho nhỏ có thể được tính đến nhằm tăng độ khó cho game như là thêm nốt thăng, giáng vào hay thêm hợp âm ngoài âm giai vào để yêu cầu người luyện nhận ra sự không đồng nhất khi xướng lên. Giống như làm bài tập tiếng Anh vậy, ngoài việc chọn câu đúng thì cũng có màn bắt câu sai, và luyện cảm âm ở đây ta cũng sẽ áp dụng nguyên lý tương tự.
Ở cấp độ cao hơn nữa, ta sẽ mở rộng dần phạm vi của quãng tám & âm giai ra. Cũng với quy tắc lắng nghe-trả lời như vầy, người luyện cảm âm sẽ phải xác định các nốt trong các quãng trưởng/thứ khác, nốt của quãng tám cao/thấp hơn, nốt thăng/giáng và thậm chí là mix các quãng lại với nhau. Đối với hợp âm, ta cũng sẽ yêu cầu người luyện nhận biết các tiến trình hợp âm trưởng/thứ; mix các loại hợp âm 7, 9, dim, sus, aug…tả bí lù vào nhau.
Nếu đến đây mà cũng thành thạo nốt thì xem như ta tạm có đủ “đồ chơi" để chiến mấy bản nhạc. Nhưng nói trước hén, tập cái này sẽ khá buồn ngủ và căng thẳng đấy vì phải tập trung lắng nghe liên tục cũng như chấp nhận sự lặp đi lặp lại của âm thanh, giai điệu đến ngưỡng lùng bùng cái đầu. Và cũng đừng quên là ta cũng sẽ phải kết hợp với việc cảm tiết tấu nữa. Việc cảm tiết tấu, bao gồm nhịp phách, điệu hay bất kỳ một loại tiết tấu đặc thù nào đó, theo mình nên thực chiến từ các bản nhạc có sẵn là tốt nhất.
Cảm âm là một dạng phản xạ mang tính thích ứng của con người, thế nên nó sẽ không bao giờ “nguyên vẹn” mãi mãi đâu, trái lại nó còn rất phụ thuộc vào môi trường và mức độ sử dụng của chúng ta. Nói có vẻ hàn lâm quá nên ta tém tém lại thế này đi: đôi tai mình vốn có khả năng nhận biết âm thanh, nhưng nếu không có sự rèn luyện dành cho nó thì khả năng này sẽ ngày một lụi tàn đi. Việc ta khổ sở khi luyện cảm âm trong thời gian đầu, đó cũng là minh chứng cho thấy từ trước giờ ta không quen với việc bắt đôi tai mình làm việc nhiều đến vậy thôi. Thay đổi thói quen cũ, tạo thói quen mới chưa bao giờ là dễ dàng cả. Nhưng ở đây ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phó mặc hoàn toàn cho những bài tập cảm âm ở trên mà đánh mất đi sự va chạm với âm nhạc trong cuộc thường ngày, đó là tư duy lỗi lắm luôn đấy. Học từ lý thuyết mà ra nhưng học từ thực tiễn trở vào cũng là điều tối cần thiết, theo mình đánh giá cán cân cũng phải 40/60 là ít.
Một khi đã đủ can trường để tạo thói quen cảm âm rồi, ta sẽ nhận ra ngay rằng, duy trì sự nhận biết và rung động với các âm thanh nó cũng thiết yếu y như cách chúng ta đánh răng rửa mặt vào mỗi sáng sớm, tắm rửa mỗi ngày hay dùng đủ ba bữa thôi mà. Chúng ta sẽ thấy sau một khoảng thời gian, rằng âm nhạc với ta nó là thứ không thể thiếu được, và chúng ta tiếp nhận nó rất đỗi tự nhiên chứ không phải như cái gì đó ép uổng ta phải dung nạp vào. Thế nhé, “cực hình” chấm dứt tại đây và nhường chỗ cho “trải nghiệm” hén.
Nghe nhạc, chơi nhạc, đánh band…không đâu khác chính là những cách duy trì sự cảm âm gần gũi nhất. Nếu gắn bó với những thói quen này trong thời gian đủ dài, đôi tai mình sẽ gián tiếp lĩnh hội được sự phản xạ với từng yếu tố của bài nhạc. Phản xạ đúng thì khi thi triển thì ta mới nhận ra được sự đúng đắn trong cách chơi của mình, tránh những lỗi sai cơ bản hay những lối mòn, những pha kết hợp không phù hợp trong bản nhạc của mình.
Tự tune dây đàn của mình cũng là một cách rèn luyện tốt, giúp ta nhận ra được tiếng đàn của mình có chuẩn xác hay chưa. Nhưng nhớ là ngay từ đầu phải refer tiếng chuẩn của mỗi dây rồi mới tự vọc theo nhé. Nếu ngộ nhận rằng tiếng đàn chưa chuẩn là tiếng đàn đúng thì ta rất dễ nương theo sai lầm, tune đâu sai đó cho xem.
Chỉnh dây đàn đã đời rồi thì hãy tạo thêm thói quen ôm sẵn cây đàn khi nghe nhạc. Nhạc nổi lên, ta tập trung lắng nghe, chân khẽ dậm nhịp, nhớ lại trong đầu giai điệu đã diễn ra như thế nào rồi diễn dịch lại đúng cao độ, trường độ trên cây đàn của mình. Sai cũng được, chậm cũng được nhưng hồi sẽ tăng tốc và chuẩn xác dần lên. Nhất định sẽ vậy.
Đối với những ai đi theo học thầy cô bên ngoài, hãy mạnh dạn kêu họ luyện cảm âm ngay từ đầu đi. Theo mình thấy, đi học đàn mà thầy cô chỉ chăm chăm chỉ thế bấm hợp âm, cách đánh bài này bài kia, đú top thịnh hành youtube/tiktok mà không rèn dũa ta cách sử dụng đôi tai là có vấn đề. Hãy chấp nhận đánh đổi cái sự chán như con gián của thời gian đầu để đổi lại những lợi ích to lớn của cảm âm cho việc chơi nhạc sau này. Căn sao cho hết giai đoạn nhạc lý cơ bản mà ta đạt được mức cảm âm tối thiểu là vừa chuẩn y bài luôn. Có cảm âm, sau này trở đi vỡ bài sẽ rất nhanh, bắt lợn sẽ cực lẹ và thấu hiểu được những hòa âm/phối khí mới lạ sẽ rất dễ. Khi theo học, bạn cũng có thể để ý (thậm chí yêu cầu thẳng luôn) nhằm đánh giá ngược lại khả năng cảm âm của người giáo viên mình và nhận biết ngay người này thực sự có trình độ hay chỉ là một tay chơi bập bõm đang lòe vài thứ lơ tơ mơ để moi tiền bạn.
Và sau cùng: công nghệ nhạc nhẽo giờ cũng hiện đại lắm đây, nhưng đừng để bị lệ thuộc vào nó và để nó chi phối cách chơi nhạc, làm nhạc của mình. Không khó để thấy mấy ông trẻ bây giờ dò hợp âm, dò tông giọng, dò đủ thứ bằng các phần mềm xử lý đâu. Điều này hại chết được, nó chẳng khác gì ta tự bỏ phế đi đôi tai mình cả. Hãy nên nhớ, phần mềm chỉ là công cụ, còn tiêu điểm vẫn là ở chính chúng ta. Là đôi tai, bàn tay và khối óc của người chơi nhạc chứ không phải thứ gì khác được.  

Thôi tóm lại thì, cảm âm luôn là một quá trình lâu dài để đạt được thành công nhất định. Không chỉ tập theo các module có sẵn, bạn còn phải nghe nhạc - chơi nhạc rất nhiều cho đến khi nó thành nếp sống, hơi thở của mình thì khi đó đôi tai bạn sẽ có phản xạ nhạy bén hơn.  
Gian nan thì cũng lắm mà thấm nhuần rồi thì sẽ rất hảo lớ, vì chúng ta sẽ có thể:
- Bắt tông, giọng, hợp âm nhanh gọn lẹ.
- Đàn/hát đâu trúng đó, chấp đổi tông đổi giọng lên xuống luôn vẫn có thể chiến được.
- Giải quyết được các bài tập nghe hiểu, phân tích nhạc nhanh chóng.
- Chuyển soạn, sáng tác mượt mà.
- Thấu hiểu được những sự sáng tạo trong âm nhạc, làm tiền đề cho sự sáng tạo của chính mình sau này.
Trở thành một người thể hiện âm nhạc tuyệt vời, hay thành mấy ông mấy bà hát tào lao thiên địa ở mấy buổi đám cưới là ở sự giác ngộ, kiên trì và lòng say mê ở chính các bạn :)