DMITRI SHOSTAKOVICH

Shostakovich được xem là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Âm nhạc của ông thường nhuốm một tông màu u ám xám xịt. Qua các tác phẩm nổi tiếng của mình như Symphony No.5 No.11, Shostakovich vẽ nên bức tranh âm thanh về một nước Nga ảm đạm không có ánh mặt trời, về một bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt luôn đè lên người ông.
Cách để chơi các tác phẩm của Shostakovich một cách đúng điệu
Mặc cho những người cùng thời miêu tả Shostakovich là một nhà soạn nhạc yếu đuối, mong manh, xa cách, dễ lo âu, dễ bị tổn thương, mặt cắt không còn một giọt máu khi gặp Stalin và có nhiều biểu hiện của hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ông đã thành công trong việc tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc thể hiện sức mạnh cảm xúc khổng lồ. Những cảm xúc mãnh liệt, trầm uất dồn nén, ứ đọng, không thể diễn tả bằng lời được ông đưa vào những tác phẩm của mình.
Cùng số phận với Stravinsky Prokofiev và những nhà soạn nhạc người Nga khác ở giai đoạn này, các tác phẩm của Shostakovich luôn phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ Liên bang Soviet. Đỉnh điểm là khi Stalin tuyên bố vào năm 1936 rằng tất cả các tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc từ đó sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Đảng. Shostakovich đã phải sáng tác nhạc trong một nỗi sợ hãi sẽ bị bắt bớ, thanh trừng. Bởi có rất ít lòng khoan dung dành cho những trí thức bất đồng chính kiến thời đó, việc bắt giữ và đưa vào các trại lao động cải tạo là chuyện thường ngày ở huyện.
Là nhà soạn nhạc chính thức cho chế độ, Shostakovich buộc phải tuân theo đường lối của Đảng, phải tạo ra một thứ âm nhạc mang tính đại chúng. Việc để lại dấu ấn cá nhân trong các tác phẩm là một điều cấm kỵ. Đó là một thời kỳ đầy mâu thuẫn, khi mà bề ngoài họ muốn nghệ thuật Nga tôn vinh các giá trị đạo đức và xã hội của cách mạng, nhưng bên trong họ lại lo sợ bất kỳ ý tưởng mang tính cách mạng nào của các nhà trí thức có thể sẽ thách thức quyền lực của họ.
Shostakovich đã có một mối quan hệ phức tạp và gian truân với chính phủ, khi ông thường hứa sẽ sáng tác các tác phẩm mà chế độ muốn, trong khi thực sự viết một cái gì đó hoàn toàn khác. Thế nên dù nhận được sự bảo trợ của nguyên soái Liên Xô, Mikhail Tukhachevsky, con đường sự nghiệp của Shostakovich vẫn bấp bênh, thăng trầm, lúc vinh hiển, lúc thất thế, nhục nhã. Năm 1935, tờ báo Pravda đã viết một bài tấn công Shostakovich, mô tả tác phẩm của ông là “một mớ hỗn độn thay vì âm nhạc”. Năm 1948, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Soviet tối cao, Andrei Zhdanov, đã buộc tội Shostakovich và các nhà soạn nhạc khác viết nhạc không phù hợp với đường lối của Đảng và lạc lối theo chủ nghĩa hình thức. Hai lần cáo buộc này khiến cuộc đời Shostakovich như sống trong địa ngục, phải mất rất nhiều nỗ lực để ông gầy dựng lại thanh danh cho mình.
Symphony No. 5

WALTZ NO. 2

Với một tiểu sử chỉ có mỗi một màu xám xịt như thế, càng làm cho điệu Waltz No.2 của Shostakovich trở nên nổi bật hơn cả, khi nó lại nhiều màu sắc hơn, nhiều cung bậc cảm xúc hân hoan, yêu đời hơn. Các bạn biết tại sao lại có sự đối lập giữa tác phẩm này với các tác phẩm khác của Shostakovich không?
Điệu Waltz No.2 là chương thứ năm trong Tổ khúc cho Dàn nhạc Đa dạng, được sáng tác vào năm 1956, ba năm sau khi Stalin qua đời. Nó như một cái thở phào nhẹ nhõm, đồng thời như một làn gió mới thổi vào thư viện âm nhạc của ông. Năm đó cũng là năm Shostakovich kết hôn với người vợ thứ hai của mình, thế nên hẳn phải lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng rồi, nhỉ?
Waltz No.2 được biểu diễn bởi nghệ sĩ André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss
Tác phẩm này được sáng tác cho điệu nhảy waltz, một điệu nhảy theo nhịp ba duyên dáng, lả lướt với những động tác xoay vòng uyển chuyển. Bởi thế nên tác phẩm này cũng mang nhịp 3/4. Cứ mỗi nhịp, chúng ta sẽ có một phách mạnh giữ nhịp và hai phách nhẹ đệm theo sau. Để cho dễ hiểu, bạn cứ nhẩm trong đầu bùm, chát, chát, bùm, chát, chát, ... theo điệu nhạc là sẽ ra nhịp 3/4. Trong tác phẩm, phách mạnh được chơi bởi các nhạc cụ bassline chạy xuyên suốt, nổi bật nhất là double bass. Còn hai phách nhẹ được chơi bởi nhạc cụ nổi bật nhất là snare drum.
Unknown artwork
Ngay từ đầu của tác phẩm, Shostakovich đã cho thấy sự phá cách trong âm nhạc của ông, cũng như làm nổi bật khía cạnh đa dạng của dàn nhạc, khi để cho giai điệu chính đầu tiên được chơi bởi alto saxophone và đệm bởi tenor saxophone. Bởi chẳng những saxophone không phải là nhạc cụ waltz truyền thống của Vienna, mà nó còn là một nhạc cụ chiết trung, đề cao sự tự do và phá vỡ mọi quy tắc, phong cách.
Trong tác phẩm này, dàn strings (violin, viola, cello, double bass) có vai trò dùng để đệm và giữ cho nhịp điệu bùm, chát, chát được tiếp diễn, cũng như dẫn dắt vào những đoạn điệp khúc chính của tác phẩm. Còn vai trò của dàn winds (flute, oboe, bassoon, clarinet, saxophone) và brass (trumpet, trombone) dùng để làm nổi bật cấu trúc giai điệu của tác phẩm, đồng thời sử dụng phạm vi cực hạn về giai điệu của chúng để tạo ra âm thanh tương tự như bộ gõ.
Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến màn solo trombone đầy bóng bẩy ở giữa tác phẩm, được đánh bóng lên thêm bởi dàn trumpet tiếp sau đó. Đoạn solo này luôn khiến mình liên tưởng đến khung cảnh vừa sáng vừa tối trong ánh nến. Nơi có chiếc khăn trải bàn với những họa tiết thêu tay tỉ mỉ. Và phảng phất trong không khí là mùi hoa huệ, xen lẫn với hương thơm tinh tế, nhẹ nhàng hơn của nhài tỏa lên từ tách trà.
Home by Sylar113
Đôi khi mình cảm thấy thật kỳ quặc, khi mà âm nhạc đôi khi có thể khơi gợi những ký ức có được từ những giác quan khác, những ký ức mà mình chẳng tài nào nhớ nổi chúng từ đâu đến. Mình tự trấn an rằng hẳn những người khác cũng có trải nghiệm tương tự khi nghe nhạc, và rằng mình không bị điên. Bởi lẽ âm nhạc kích thích một cấu trúc phức tạp gọi là hệ thống limbic, nằm bên dưới vỏ não. Hệ thống này liên quan đến trí nhớ cũng như phản ứng cảm xúc của chúng ta. Hẳn là vậy. Mình gật gù rồi an tâm viết tiếp.
Được chuyển thể từ điệu Waltz được sáng tác cho bộ phim The First Echelon, và sau này được dùng trong bộ phim Eyes Wide Shut, điệu Waltz No.2 của Shostakovich không chỉ thành công vang dội mà còn trở thành một biểu tượng quốc tế. Mặc dù chỉ là một điệu waltz ngắn, tác phẩm này đã đứng vững trước thử thách của thời gian. Sự thành công ngay lập tức của nó không hề bị lung lay cho đến ngày nay, khi nó là một trong những tác phẩm không thể thiếu trong những buổi hòa nhạc lưu diễn mang tầm quốc tế của nghệ sĩ André Rieu và dàn nhạc Johann Strauss.
Với giai điệu bắt tai, điệu waltz tràn đầy năng lượng này vẫn sẽ còn nhảy múa, ám ảnh trong tâm trí chúng ta rất lâu sau khi kết thúc. Đặc biệt là nhịp điệu 3/4 của nó, thường khiến mình liên tưởng đến main theme của Don’t Starve, một nhịp điệu 3/4 đầy ám ảnh khác mà mỗi lần nhớ đến, vẫn còn văng vẳng trong đầu mình tiếng sủa vang vọng của bầy chó địa ngục và tiếng gầm gừ của Deerclops. Hay đôi khi là bản Merry go round of Life với giai điệu tuyệt đẹp về cuộc phiêu lưu và câu chuyện tình lãng mạn của nàng Sophie trong bộ phim Howl's Moving Castle của Hayao Miyazaki.
Merry go round of Life by Grissini Project
----------
[Các bài viết cùng chủ đề]