Có thể nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh này rồi: một cô học sinh ngồi học trong một đêm mưa rào, với chiếc tai nghe ngăn cách cô khỏi thế giới xung quanh và chú mèo nằm dài thư giãn. Và có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nhạc lofi khi nhìn thấy hình ảnh này, vì chắc họ đã từng nghe lofi để cày đống bài vở ngập đầu.
Trong bài viết này, mình sẽ đi qua lịch sử của lofi, và đưa ra vài giải thích cho sự thịnh hành của lofi trong vòng vài năm trở lại đây.

Lofi là gì

Lofi là viết tắt của low fidelity, có nghĩa là chất lượng thấp. Có thể hiểu rằng nhạc lofi là dòng nhạc có chất lượng ghi âm và phối khí thấp hơn các dòng nhạc thông dụng.
Lofi được lấy cảm hứng nhiều từ hiphop những năm 90, với bộ beat mang phong cách boombap và tiếng nhạc cụ đậm chất jazz. Lofi thường không có lời hoặc có chút ít lời được lặp lại liên tục, tốc độ được chỉnh chậm đi, beat lặp đi lặp lại, và những lỗi kỹ thuật có chủ đích đan xen trong bài nhạc. Thay vì những bản nhạc được lọc hết tạp âm và chỉnh sửa cho đến khi đạt được sự hoàn hảo nhất định, những lỗi kỹ thuật như tạp âm, âm nhiễu, tiếng nhạc bị bóp méo, tiếng xước đĩa than, tiếng môi trường xung quanh, tiếng vọng, tất cả được rải rác khắp nơi trong một bài nhạc lofi.

Lịch sử lofi

Lofi lần đầu xuất hiện từ những năm 50, khi mà một số producer muốn giảm chi phí bài nhạc và chọn cách làm nhạc có chất lượng thấp hơn, và thế là low fidelity ra đời. Nhiều nhà sản xuất nhạc, hay điển hình là những người làm nhạc phòng ngủ (bedroom producer), muốn được tự tay làm nhạc, nhưng khả năng tài chính không quá dư giả khiến họ không thể mua được những thiết bị âm nhạc đắt tiền.
Một ví dụ của dàn máy móc làm nhạc của một bedroom producer
Rồi tới những năm 80, hip hop ra đời. Và một trong những thể loại quan trọng nhất của hip hop là boombap đã làm mưa làm gió những năm 90. Các bài boombap thường có các đoạn sample từ những tác phẩm jazz, với beat đập rất mạnh, đầm tai, và được lặp đi lặp lại. Điều này đã đặt tiền đề cho phong cách mà lofi hip hop theo đuổi sau này. Những producer như J Dilla hay Nujabes đã tạo chút tiếng vang cho lofi khi những tác phẩm của họ với beat lofi được đón nhận rộng rãi.
Trong những năm tiếp theo, lofi cháy âm ỉ giữa văn hoá đại chúng, với một bộ phận nhỏ người nghe trung thành. Lofi lúc này chưa có được chỗ đứng vững chắc, mà hoà lẫn vào những thể loại anh chị em của nó như vaporwave, chillwave, indie hay bedroom pop.
Năm 2015, channel ChilledCow (nay đã đổi tên thành Lofi Girl) ra đời và họ bắt đầu stream nhạc 24/7 vào năm 2017. Livestream càng ngày càng có nhiều người nghe hàng ngày, và hàng loạt các kênh livestream lofi ra đời, mang lofi đến với đại chúng với tốc độ rất nhanh nhờ sức lan toả của social media.

Lofi xuất hiện ở đâu

Nhạc lofi xuất hiện ở khắp các nền tảng nhạc trên internet, bao gồm Youtube, Spotify, Soundcloud, etc. Một số ví dụ điển hình là livestream 24/7 “lofi hip hop radio - beats to relax/study to” của ChilledCow như đã nói ở trên. Ngoài những kênh livestream lofi, còn có rất nhiều kênh tổng hợp nhạc lofi theo chủ đề và tâm trạng, vài tiêu đề ví dụ như là old songs but it's lofi remix, RAINING IN OSAKA, HEARTBROKEN.
Các rapper cũng thường hay sử dụng lofi beat cho bài nhạc của họ, và các bedroom producer thường xuyên remix lại các bài nhạc cũ thành lofi và đăng tải tác phẩm của họ trên Soundcloud và Spotify. Với sự đơn giản trong khâu sản xuất so với các dòng nhạc khác, rất nhiều producer chưa có tên tuổi chọn lofi làm hướng đi ban đầu của họ. Với giai điệu và beat có tính chất đơn giản và lặp lại, họ không mất quá nhiều thời gian và công sức cho việc làm ra một tác phẩm. Họ còn lấy sample từ những bài pop hits, hoặc là những bản nhạc kinh điển đã cũ, và remix lại. Thế là nhạc lofi xuất hiện khắp nơi trên internet.

Một vài producer Việt Nam làm lofi

Mặc dù làm nhạc lofi không còn là cái gì quá mới mẻ ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam thì trong vài năm trở lại đây mới xuất hiện một số producer cho ra những bản lofi đậm chất riêng. Ngoài ra cũng có những kênh sưu tầm lofi có nhiều người theo dõi. Xin chia sẻ một vài cái tên tiêu biểu trên Soundcloud Youtube:

Tại sao lofi trở thành một hiện tượng văn hoá

Một lý do làm cho lofi phổ biến là sự tập trung mà nó mang lại cho người nghe. Rất nhiều các livestream nhạc lofi trên youtube miêu tả lofi như là thứ giúp bạn thư giãn hay tập trung vào học hành và công việc. 
Lúc nào cũng có tầm 25k người đang xem cái này
Và đúng thế, với nhiều người, giờ đây lofi sẽ là âm thanh nền của tâm trí họ. Với họ, mặc dù sự im lặng tuyệt đối là yếu tố tiên quyết cho sự tập trung, nhưng sự tập trung đó rất dễ bị chen ngang chỉ với chút âm thanh không mong muốn. Vì vậy, khi lofi phục vụ người nghe như một bức tường âm thanh, phần nào cản bớt những âm thanh ngoài, và khi đó lofi sẽ là sự im lặng mới. Họ nghe lofi với mục đích là quên đi mình đang nghe lofi, nhưng chắc chắn một điều họ sẽ nhận ra nếu đoạn nhạc lofi dừng lại.
Không chỉ vậy, lofi còn mang lại cho người nghe những cảm xúc hoài niệm và mông lung. Lofi gợi lên những cảm xúc này bằng cách mô phỏng lại những bài nhạc cũ được ghi trên đĩa than, được làm ra bởi những máy móc cũ đầy sự không hoàn hảo, được phát ở những nơi đời thường như góc nhỏ của quán cà phê hay vọng sang từ phòng bên cạnh. Ngoài ra, các video lofi trên Youtube còn dùng ảnh nền từ những sản phẩm văn hoá nổi tiếng trong quá khứ, điển hình là những đoạn phim lấy từ hoạt hình cũ như anime của Ghibli hay cartoon nhà Simpson, hay những cảnh ngắn trong phim và những đoạn hội thoại từ các show hoạt hình tuổi thơ của chúng ta, thêm vào chút hiệu ứng VHS giống như những đoạn phim từ băng cát sét ta xem hồi bé.
Một vài ảnh nền mà các video nhạc lofi hay dùng:
Ghibli anime luôn là lựa chọn hàng đầu của ảnh cover nhạc lofi
The Simpsons cũng vậy, với một vài cảnh phim được chỉnh thêm chút sắc tím và làm vỡ đôi chút để tạo hiệu ứng cũ kỹ
Pixel art cũng là lựa chọn phổ biến vì nó mang âm hưởng của game 8bit ngày xưa
Lướt qua những comment trên các video nhạc lofi, có thể thấy được rất nhiều người thực sự cảm thấy sự nhớ nhung những khoảng thời gian họ chưa từng có hay những con người họ chưa từng gặp. Họ nhớ những thứ chưa từng xảy ra, và ước rằng nó đã từng. Họ thấy sự liên hệ từ khoảng thời gian không tồn tại đó đến một thời điểm trong đời họ khi mọi thứ đều tốt đẹp và vô tư vô lo. Ngoài ra, lofi đem tới cho họ cảm giác như khi họ đang ngắm nhìn thành phố về đêm, hay đang lái xe trên con đường dài vô tận, hay đang ngồi trong quán cà phê và ngắm những người đi đường một cách vô định.
Những cảm giác trên, khi gặp phải những người có nhu cầu chia sẻ cao, sẽ lan rộng rất nhanh nhờ có social media. Những story trên insta hay snapchat, với những đoạn chữ kiểu thế này m o o d đính kèm với một mẩu lofi ngắn và bắt tai và được post lúc nửa đêm của những người trẻ lạc lối, một phần nào đó đã đưa lofi đi khắp nơi một cách lặng lẽ.

Tương phản với chính mình

Lofi mang những nét tính cách như nổi loạn, dị biệt, phóng khoáng, và xen lẫn vào đó là sự mông lung, sự trầm cảm, nỗi hoài niệm, nỗi buồn không lí do và cảm giác bình yên giữa thế giới xoay vần từng giây.
Như là đang xem đoạn băng ghi lại chính mình của một thời đã qua
Thêm vào đó, lofi chứa đầy những sự tương phản rõ rệt, và điều đó làm nó trở thành một hiện tượng văn hoá độc đáo. Khi mà âm thanh được thêm vào sự hoài cổ bởi những máy móc hiện đại, được chăm chút để làm ra một cách vụng về, làm người nghe hoài niệm đến những ngày tháng chưa từng tồn tại, làm họ nghe để không nghe, lofi trở nên vừa edgy vừa mainstream, vừa bình thường vừa bất thường, vừa hoàn hảo lại vừa đầy xước xát. 
Lofi vẫn luôn đứng giữa, ở vùng xám của sự lạc lối và chơi vơi, hệt như những người vẫn luôn nghe và cảm nhận nó.