Có bao giờ bạn tiết kiệm tiền để mua một thứ hằng mong muốn, nhưng khi tiết kiệm đủ thì lại nghĩ rằng “hay mình ráng thêm tí nữa để mua một cái xịn xò hơn” không?
Có bao giờ bạn ăn một món ăn, mà lúc nào cũng để chừa lại miếng ngon nhất để ăn sau cùng không?
Đó là tâm lý chung của hầu hết chúng ta, luôn nghĩ rằng những điều trước mắt không quan trọng, vì dù gì nó cũng sẽ qua, thay vào đó hay chuẩn bị tốt nhất cho những thứ sau đó, những thứ mà chúng ta nghĩ là lâu dài, là đích đến cuối cùng. Nhưng liệu nó có phải là cuối cùng chưa?
Tôi thường cho rằng cuộc sống giống như đi trên một con đường, một con đường dài vô tận, nơi chúng ta - những con luôn xem nhẹ quá trình, đặt nặng mục tiêu và điểm đến - tự đặt ra những đích đến ngắn hạn cho bản thận. Thực chất khi xã hội loài người mới phát triển, những đích đến ngắn hạn đó thường mông lung, đơn giản, con người thời bấy giờ chỉ cần được đáp ứng đủ nhu cầu để tồn tại là đã thấy thỏa mãn. Con đường mang tên "cuộc sống" của họ mới chỉ mon men hình thành, họ có thể đi bất cứ hướng nào, dừng ở bất cứ đâu, miễn là còn tồn tại, họ không đặt những mục tiêu như "phải thành công trong cuộc sống", "phải đạt đủ KPI một ngày", vì đối với họ, mỗi một ngày tồn tại đã là một thành công rồi.
Khi xã hội loài người phát triển hơn, phát triển đủ lâu,những thế hệ đi trước là những người mò mẫm, mở đường, còn chúng ta – những thế hệ sau – là những người kế thừa họ, đi theo con đường mà các thế hệ trước đã mở. Đi theo con đường có sẵn, hay theo lối mòn tất nhiên sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn, đi xa hơn, tuy nhiên lại vô tình hạn chế sự sáng tạo, đột phá. Nó khiến những ai đi trên con đường có sẵn mặc nhiên cho rằng đây là con đường tốt nhất, hay thậm chí là duy nhất, khiến chúng ta hiển nhiên hóa việc bỏ qua những thứ không nằm trên con đường đó, hay e ngại trong việc mở ra những ngã rẽ mới. Tuy nhiên, ở đây tôi không nói rằng việc đi theo con đường có sẵn là xấu – ít nhất là ở thời điểm hiện tại, ngược lại, việc đi nhanh hơn, xa hơn sẽ giúp chúng ta bắt kịp một phần nào đó lượng tri thức của nhân loại mà các thế hệ đi trước để lại. Không chỉ dừng ở đó, một số người còn vượt qua nó, nối tiếp con đường còn dang dở, mở ra những nhánh mới, hướng tới những vùng đất mới mà thế hệ trước đó còn chưa khám phá ra.
Mặc nhiên mỗi chúng ta khi sinh ra đều đi theo con đường đã mở không chút đắn đo, hoài nghi, thậm chí còn cho rằng ý nghĩa cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào việc mình đi theo con đường đó xa đến đâu và không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với quãng đường mình đã vượt qua. Sự không thỏa mãn được thể hiện rất rõ ràng ở việc, mỗi chúng ta đều tự đặt ra một đích đến, để rồi dùng hết sức lực, trí lực của bản thân để chạy thật nhanh đến cái đích đó, sau khi đã đến nơi, chúng ta lại tiếp tục đặt ra cho mình một đích đến thứ 2, thứ 3, thứ 4,… và rồi cứ lặp lại quá trình đó cho đến khi bản thân không còn khả năng nữa. Không còn khả năng nữa ở đây, nếu may mắn, thì là do tuổi già. Vậy liệu khi thời khắc đó tới, chúng ta sẽ nghỉ ngơi chăng? Đúng vậy, hầu hết sẽ chọn con đường nghỉ ngơi, nhưng không phải nghỉ ngơi một cách hoàn toàn, thoải mái, không lo nghĩ, mà sẽ chọn gửi gắm cho thế hệ sau, từ đó, họ chuyển mọi mục tiêu của mình từ “đi thật xa” thành “chuẩn bị thật tốt cho hậu duệ của mình để chúng có thể đi thật xa”.
Quan điểm trên thật sự rất tuyệt vời, vì nó là cái mà xã hội loài người muốn mỗi cá thể con người hướng tới, lý do là với chính suy nghĩ đó, xã hội loài người sẽ được phát triển nhanh nhất có thể, đồng thời duy trì lâu nhất có thể. Tuy nhiên, xét trên phương diện cá thể, “cắm đầu cắm cổ” chạy đua với những mục đích mà bản thân đặt ra hết lần này tới lần khác, đôi mắt chỉ chăm chăm nhìn về con đường dài vô tận phía trước khiến chúng ta bỏ qua biết bao nhiêu cảnh đẹp xung quanh, bỏ qua cơ hội duy nhất được tạo hóa ban tặng để tận hưởng chuyến đi gọi là “cuộc đời”.
Hầu hết chúng ta đều chọn đi theo con đường có sẵn
Hầu hết chúng ta đều chọn đi theo con đường có sẵn
Tôi từng nghĩ, mà chắc nhiều người cũng nghĩ, nếu sống theo đúng cuộc sống của một con người bình thường hiện nay, thì phải đến gần 60 tuổi ta mới có được cái gọi là nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc đời, nhưng mà 60 tuổi rồi thì sức đâu mà tận hưởng nữa? Thực tế không éo le đến vậy đâu, bất cứ cơ quan, công ty, hay chủ thể sử dụng lao động nào cũng sẽ có quy định về ngày nghỉ phép hàng năm, về số ngày/số giờ làm việc một tuần, tức là bên cạnh thời gian chạy đua, chúng ta vẫn có thời gian đi dạo, đi dạo trong lúc bản thân còn chưa quá tuổi lục tuần!
Để tăng thêm số thông tin tích cực, có lẽ gần đây mọi người đã đọc đươc 2 tin khá thú vị này: Một là “trào lưu nghỉ hưu non của giới trẻ Trung Quốc” và hai là “Nước Anh thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần giữ nguyên lương để tăng năng suất lao động”. Đây có lẽ là biểu hiện của việc chúng ta đang ngày càng coi trọng chất lượng cuộc sống, tư duy đột phá, sáng tạo, hơn là những áp lực vô hình về hiệu suất mà chính con người tự đặt ra cho chúng ta.
Chúng ta thường nghe những thắc mắc kiểu như: “Sao hồi đó học ít mà trẻ em giờ phải học nhiều thế?”. Tôi không dám khẳng định, nhưng có lẽ ngoài lý do về sự ganh đua trong tâm lý con người, còn có một lý do khác là: “Lượng kiến thức tích lũy của xã hội loài người sẽ luôn tăng theo thời gian”. Phần kiến thức tăng thêm này có thể từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày, những cũng có thể từ những công trình nghiên cứu đồ sộ và vĩ mô. Chính vì thế, để một cá thể loài người trở nên có ích cho xã hội đó, ít nhiều cá thể đó phải bắt kịp lượng kiến thức trung bình trong tổng lượng kiến thức của toàn xã hội, trên mỗi lĩnh vực chuyên môn mà người đó phụ trách. Chính vì vậy, càng ngày ta càng phải nhồi nhét càng nhiều kiến thức vào thế hệ trẻ với hi vọng từng đó là đủ để họ trở nên có ích cho xã hội. Nhưng nếu như vậy, chẳng phải đến một lúc nào đó, khi lượng kiến thức xã hội đủ nhiều, trong khi tuổi thọ con người không đổi, thì một đời người sẽ chẳng thể nào tiếp thu nổi chúng để đạt đến ngưỡng trung bình hay sao? Thực ra xã hội chúng ta đã giải quyết được vấn đề này một cách rất tự nhiên, đó là bỏ qua những kiến thức cực kỳ căn bản để “nhảy cóc” tới những phần nâng cao hơn! Bạn biết dùng máy vi tính đúng không? Chắc chắn là biết rồi! Thế bạn có biết cách phần cứng máy vi tính giao tiếp với phần mềm, hay làm thế nào mà các bo mạch chuyển từ dòng điện thành hàng trăm video bạn xem trên Tiktok mỗi ngày không? Hầu hết mọi người, những người không tìm hiểu/không được đào tạo về kiến thức chuyên môn sẽ trả lời là không. Chúng ta không biết làm thế nào mà máy vi tính, điện thoại, hay các thiết bị điện tử khác hoạt động được, nhưng chúng ta biết cách sử dụng chúng để tạo ra những kiến thức mới hơn, phong phú hơn, phát triển hơn.
“Nào là sống chậm, là tận hưởng, nào là làm ít nhận lương như cũ, nào là không chạy đua nghiên cứu sản xuất, nào là nghỉ hưu sớm, tóm lại ý bài viết này là không muốn làm mà vẫn muốn có ăn chứ gì?”
Ok câu này nghe thì cũng có lý đây, nhưng nội dung của bài viết không phải là “không làm mà vẫn có ăn”, mà ý của nó là chúng ta nên phát triển xã hội loài người dựa trên sự sáng tạo, đột phá thay vì chỉ cần cù, chăm chỉ theo lối mòn. Thực chất quan hệ giữa làm việc – nhận lương chỉ là một giải pháp mà chính con người chúng ta nghĩ ra để phù hợp với mô hình xã hội hiện nay, nôm na là chúng là làm việc để tạo ra thứ mà hầu như chúng ta không cần hoặc không thích làm, rồi dùng thứ đó bán cho người cần nó để nhận về một vật có tác dụng chứng minh công sức mình đã bỏ ra để sản xuất thứ kia, vật nhận về chẳng phải gì xa lạ - tiền. Sau đó chúng ta lại dùng tiền đó để mua về thứ mà bản thân cần. Thế sao phải lòng vòng vậy? Từ đầu sao không bỏ sức lao động để tạo luôn thứ bản thân cần cho xong? Ừ thì thời tiền sử chúng ta cũng đã làm như vậy (tôi đoán vậy chứ chưa sống ở thời đó bao giờ), nhưng nhu cầu của con người rất đa dạng, chẳng lẽ giờ môn nào cũng học, món nào cũng chơi, mâm nào cũng lao vào ư? Làm như thế thì cũng hay đấy, nhưng chắc chắn sản phẩm tạo ra không thể đẹp bằng, chất lượng bằng, nhanh bằng người chỉ tập trung làm một sản phẩm. Vậy nên thay vì tự làm thứ mình cần, mình chỉ cần chuyên sâu trong tạo ra một loại sản phẩm duy nhất, rồi trao đổi nó với thứ mình cần, bằng cách này cả hai bên đều sẽ sở hữu những sản phẩm chất lượng cao. Hầu hết thứ chúng ta có khả năng tạo ra đều là thứ chúng ta không thích làm, hoặc dù thích, nhưng khi nó trở thành công việc, làm dưới sự ép buộc thì cũng trở thành không thích mà thôi.
Tuy nhiên, vẫn có cách để ta có thể làm những việc mình thích, đồng thời vẫn có ích cho xã hội. Đó là khi tất cả cùng làm việc bản thân cảm thấy hứng thú, nhấn mạnh chữ TẤT CẢ nhé! Khi đó dù bất cứ ai có nhu cầu một sản phẩm ngẫu nhiên gì, khả năng cao họ vẫn sẽ tìm được một người cung cấp cho họ sản phẩm đó với chất lượng cao, và quan trọng hơn là người làm ra sản phẩm đó hứng thú với công việc của họ. Tất nhiên trường hợp trên chỉ là trong môi trường lý tưởng, bỏ qua những yêu cầu khác như về khả năng vận chuyển hàng hóa (nhỡ đâu người bán cách người mua nửa vòng trái đất thì sao), về bài toán bảo quản, hay tệ hơn là trong hơn 7 tỉ người trên quả đất chả có ai thích làm cái sản phẩm đó cả. Vậy thì việc chúng ta càng ngày càng cải tiến công nghệ, phương tiện di chuyển/phương thức vận chuyển càng ngày càng nhanh hơn, đa dạng hơn, hay những thay đổi trong tâm lý của giới trẻ có lẽ là dấu hiệu cho thấy xã hội chúng ta đang tiến dần tới cái “môi trường lý tưởng” tôi vừa nói ở trên, có thể sẽ không đạt được nó, hoặc có thể bị chính một bộ phận con người tác động để kìm hãm, hay có thể tôi sai hoàn toàn và loài người chúng ta cứ sống như thế này từ giờ đến mãi về sau. Nhưng dù sao đây cũng là một chút hi vọng, hi vọng để chúng ta có thể sáng tạo thay vì cần cù, hi vọng cho một xã hội mà chúng ta không phải chạy đua vì những áp lực do chính ta tự tạo ra, hi vọng chúng ta có thể đi dạo trên con đường đó với sự thích thú, phấn khởi để rồi từ đó kích thích sự sáng tạo, đột phá.
Chúng ta nên đi trên con đường mang tên “cuộc đời” như đang tận hưởng một chuyến du ngoạn, không phải như khi tham gia một cuộc đua nước rút. Bởi vì khi nhìn lại, những điều tạo nên con người chúng ta, những điều khiến chúng ta vui hay buồn, hạnh phúc hay tiếc nuối, tất cả đều nằm ở những nơi ta đã đi qua. Nếu chỉ chăm chăm chạy về đích, chúng ta sẽ nhận ra chẳng có một đích đến nào cả, kết cục của con người ai mà chẳng giống nhau cơ chứ!