Bước 1: Chuẩn bị

Bước đầu tiên trong hành trình này, bạn cần đánh giá bản thân xem mình có những tố chất phù hợp với nghề này không. Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây để đánh giá một cách khách quan nhất:
Bạn có thích làm việc với con chữ không?
Bạn có thích giao tiếp với người khác, đặc biệt là người nước ngoài?
Bạn có cảm giác tự hào khi giúp hai người nói hai ngôn ngữ khác nhau hiểu nhau hơn không?
Bạn có tính nhẫn nại trong việc giảng giải, hướng dẫn, giải thích cho người khác không?
Độ chịu khó của bạn đến đâu khi phải tra cứu, nghiên cứu hàng giờ liền?
Cuối cùng là bạn có phải là người kiên trì không?

Bước 2: Bắt đầu rèn luyện ngoại ngữ bạn muốn theo đuổi

Trừ khi bạn lớn lên trong môi trường song ngữ,để đạt được sự lưu loát ở cấp độ chuyên nghiệp với tư cách một thông dịch viên không hề dễ dàng và nhanh chóng. Tin vui cho bạn là bạn không cần phải sống hay đi du học ở quốc gia mà ngôn ngữ bạn theo đuổi là ngôn ngữ chính. Khả năng ngoại ngữ phần nhiều đạt được là do rèn luyện. Bạn hoàn toàn có thể tự học hoặc đăng ký một khóa học rồi tự rèn luyện và theo đuổi nó lâu dài. 
Để trở thành phiên dịch chuyên nghiệp hay dịch giả, bạn phải học ngôn ngữ theo tiêu chuẩn cao hơn so với những người chỉ học vì sở thích. Hãy đăng ký học thêm chuyên ngành ngôn ngữ ở các trường đại học hoặc cao học nếu điều kiện cho phép. Nếu không, bạn phải giữ cho mình động lực để phấn đấu, bởi vì có thể sẽ mất nhiều tháng để thành thạo các nguyên tắc cơ bản. Và, ngay cả khi bạn chính thức thông thạo, bạn vẫn chưa chắc đã làm tốt. Lời khuyên cho bạn vẫn là học từ cơ bản đến nâng cao, nắm vững các nguyên tắc ngữ pháp và tích lũy từ vựng.
Khi mới bắt đầu hãy tìm cho mình những ứng dụng hoặc phần mềm giúp bạn tự học. Ngày này các công cụ miễn phí rất nhiều. Bạn hoàn toàn có thể luyện biên dịch bằng cách dịch một bài báo hoặc một đoạn hội thoại rồi đối chiếu với ngôn ngữ nguồn. Ngoài ra các nền tảng trả phí cũng là một lựa chọn hiệu quả dành cho bạn. 
Tìm hiểu đặc điểm văn hóa mà bạn muốn theo dịch. Ngôn ngữ không chỉ là từ vựng và ngữ pháp; bạn cần hiểu cả người nói nó. Để làm như vậy, bạn phải học ngôn ngữ trong bối cảnh văn hóa không ngừng phát triển. Tạp chí và sách báo, phim, chương trình TV và các video về những nội dung gần gũi với đời sống thường ngày.

Bước 3: Chọn lĩnh vực ngách mà bạn theo đuổi 

Có thể trong giai đoạn đầu bạn cần tìm hiểu và dịch nhiều lĩnh vực khác nhau để xác định xem mình thật sự nên đi chuyên sâu vào ngách nào. Có rất nhiều lĩnh vực mà dù làm phiên dịch hay biên dịch có thể theo đuổi, đó là:
Biên/Phiên dịch về y tế
Biên/Phiên dịch tòa án/pháp lý
Biên/Phiên dịch kinh tế
Biên/Phiên dịch về di trú
Biên/Phiên dịch ngoại giao
Phiên dịch thì có các hình thức: dịch song song, dịch đuổi, dịch nối tiếp, dịch cabin, dịch ứng đoạn. Bạn có thể cần phải dịch những lời của diễn giả gần như ngay lập tức khi nghe chúng (phiên dịch song song) hoặc bạn có thể nghe diễn giả nói hết câu rồi bắt đầu dịch sau đó vài giây (phiên dịch ứng đoạn). Phiên dịch viên phải rèn luyện kỹ năng của hình thức đó để có thể đáp ứng với công việc.

Bước 4: Trang bị công cụ cần thiết để tiếp thị bản thân

Có một số công cụ sau đây bạn cần đầu tư để “bán thân” tốt hơn:
Một là, nếu Chứng minh nhân dân là tấm thông tin xác định nhân thân của bạn thì CV chính là hồ sơ tiếp thị bản thân và kinh nghiệm của bạn. Bạn có nhận được công việc không, nhận mức giá bao nhiêu, khách hàng đánh giá mức độ chuyên nghiệp của bạn sơ khởi thế nào phần nhiều nhờ vào CV. 
Đối với hình thức làm việc online do dịch covid chưa có điểm dừng như hiện nay thì mức độ khách hàng xác nhận bạn là ai, bạn làm được gì sẽ thể hiện ở sự đầu tư cho chiếc CV của mình. Lưu ý là đừng nói quá, nói không thành có, sáo rỗng và thiếu trung thực. Xây dựng niềm tin nơi khách hàng ngay từ đầu là chìa khóa cho thành công của bạn về lâu dài!
Hai là, các loại chứng chỉ. Chứng chỉ không phải lúc nào cũng bắt buộc nhưng chúng có thể khá có lợi cho sự nghiệp biên phiên dịch của bạn.
   
Hầu hết các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực phiên dịch kiểm tra cả khả năng ngôn ngữ chung và kiến thức chuyên ngành của bạn về lĩnh vực này.
Ví dụ, Chứng chỉ Quốc gia về Phiên dịch viên Y tế (NBCMI) quản lý chứng chỉ cho những phiên dịch tương lai có kế hoạch làm việc trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Cả hai bài kiểm tra viết và nói đều có sẵn bằng các ngôn ngữ sau: Tiếng Trung (tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại), tiếng Hàn Quốc, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Việt.
Chứng chỉ Phiên dịch viên Y tế (CCHI) cung cấp loại chứng chỉ tương tự, sử dụng bài kiểm tra của bên thứ ba để xác định trình độ ngôn ngữ.
Phiên dịch viên tòa án làm việc tại Mỹ có thể đủ điều kiện làm phiên dịch liên bang hoặc làm việc ở cấp tiểu bang với chứng nhận từ Trung tâm Tòa án Quốc gia.
--->Lợi ích của việc được chứng nhận
Nhiều kiểu phiên dịch không yêu cầu chứng chỉ. Tất nhiên, khách hàng vẫn tin tưởng và đánh giá cao các loại chứng chỉ vì nó cho thấy bạn có đầu tư cho sự nghiệp và sự chuyên nghiệp của mình. Mỗi loại chứng chỉ nên được gia hạn, lấy mới vài năm. Điều này cũng giúp bạn có động lực để trau dồi ngoại ngữ liên tục. Đừng lo, tất cả các khoản đầu tư cho bản thân của bạn sẽ không bao giờ lỗ và còn giúp bạn sinh lời nhiều hơn, bền vững hơn!

Bước 5: Thực hành thực tế

Quan trọng hơn cả việc đi học và tích lũy chứng chỉ, bạn cần thực hành nhiều nhất có thể. Vì sao ư? Chẳng có sự tích lũy kinh nghiệm và học một cách thấu đáo nào qua được việc thực hành. 
Chính bạn sẽ là người chiêm nghiệm, đúc kết và rút ra cho mình các bài học.
Thực hành thực tế sẽ bao gồm các công việc có trả lương và không có trả lương. Đừng xem thường việc dịch cho các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức thiện nguyện hay phục vụ cộng đồng, xã hội. Chính công việc này mang lại cho mạng kinh nghiệm quý báu đôi khi nhiều hơn các công việc có trả lương. Và từ mối quan hệ với các tổ chức này, bạn hoàn toàn có thể được giới thiệu các công việc trả lương khác. 
Cuối cùng là nhận các job phiên dịch, biên dịch phù hợp với thực tế và khả năng của bạn. Việc va chạm các ca dịch khó, thậm chí mắc một số lỗi sẽ khiến bạn trưởng thành hơn rất nhiều. Việc tra cứu suốt đêm cũng giúp bạn rèn luyện tính nhẫn nại và chịu được áp lực với loại hình công việc này. 
Dù bất cứ nghề nào cũng vậy thôi, để lên đỉnh vinh quang, bạn cần trả một số giá. Trong đó có việc kỷ luật với bản thân, bỏ qua các cơ hội không cần thiết và kiên trì theo đuổi đến cùng.
Để lại email của bạn tại: http://vophuongmy.substack.com, bài viết về mẹo học ngoại ngữ và nghề biên phiên dịch sẽ được gửi vào email của bạn hàng tuần. Cảm ơn bạn đã theo dõi các bài viết của mình.
Đọc thêm: