Những kẻ như tôi, hầu như không tồn tại dưới dạng của một con người cụ thể. Trong cơ sở dữ liệu của khách hàng, tôi được biết tới như một mã số, giống như số model của một cái điện thoại hay IP của một máy tính. Mã số ấy cho biết tôi có đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của một công việc cụ thể nào đó không và mức phí được hưởng tương ứng là bao nhiêu. Mã số ấy cũng được dùng khi họ trả tiền cho các dịch vụ mà tôi cung cấp.
Thường thì, người ta sẽ gửi thư cho tôi kiểu: “Có việc A, ngày B, mức trả C. Đề nghị xác nhận!”  Và tôi sẽ trả lời đại loại: “Tôi xác nhận làm việc A, với các thông tin về thời hạn, mức phí như đã nêu trong thư gửi ngày D.” Đúng ngày giờ, tôi đến, xong việc, tôi gửi cho khách cái giấy đòi tiền, và chờ tiền về tài khoản. Nhanh, gọn, không phiền phức, theo đúng kiểu “no name, no face, no number”. Chưa bao giờ tôi làm lỡ việc của khách hàng, cũng chưa bao giờ bị quỵt tiền thanh toán. Mức phí mà tôi được trả, tùy vào việc tôi phải làm.
Với mỗi nhiệm vụ, tôi đều bắt đầu bằng việc đọc rất nhiều những tài liệu mà khách hàng cung cấp, ít nhất là phải biết họ là ai, tên tuổi và chức danh là gì. Họ có quyền không biết gì về chúng tôi ngoài một cái tên hay mã số, nhưng chúng tôi luôn phải tìm hiểu về khách mình phục vụ.
Mình dịch cho Mark Kramer ở Hà Nội năm 2011 khi ông giảng về  lý thuyết "Tạo lập giá trị chung- Shared value"
Trước mỗi lần phục vụ, nếu khách hàng không quá vội vàng, nếu có được dăm phút chuyện trò trước khi hành sự, tôi sẽ nhìn khách cười thật dịu dàng và hỏi: “Anh có yêu cầu gì đặc biệt không?” và cố gắng thỏa mãn những yêu cầu mà họ đặt ra. Những kẻ làm cái nghề của tôi đều đã được dạy dỗ và rèn luyện để có thể phục vụ những kiểu khách hàng khác nhau, những cách tác nghiệp khác nhau, những yêu cầu cũng rất khác nhau. Nếu may mắn, khách sẽ hợp tác, phối hợp nhịp nhàng khi hành sự: không quá nhanh hay quá chậm, không quá khó cũng chẳng quá dễ, để hai người hòa làm một, cùng xóa đi những rào cản mà ngôn ngữ và văn hóa đã dựng lên.

Đọc thêm:

Cũng có khi, khách chưa từng hoặc không quen dùng dịch vụ loại này, cứ việc hắn hắn làm, mặc kệ tôi vật vã xoay xở cố hòa nhịp, hì hục đánh vật với những mớ yêu cầu kỹ thuật không báo trước. Cũng có rất nhiều lần, khách được phục vụ mà không hề biết mặt những kẻ như tôi, họ chỉ nghe thấy giọng nói, mà không biết con người. Trong những căn phòng chỉ rộng một mét vuông, mờ tối và cách âm, như những cái máy đã bật công tắc, chúng tôi phục vụ cả đám người đông nghịt. Khi họ xong việc thì mình cũng kiệt sức, rã rời. Mỗi khi bước ra khỏi những căn phòng sang trọng hay cánh cửa ca-bin đóng kín, chúng tôi tự xóa bộ nhớ, quên hết những gì mình đã đọc, đã nghe, đã thấy, đã làm. Bảo mật là một trong những yêu cầu quan trọng của nghề này.
Những kẻ như tôi, còn không được coi là những con người. Đơn giản, chúng tôi là những cái máy cực kỳ tinh vi, có khả năng làm những việc mà máy móc thông thường phải chào thua.Và khách hàng cũng chỉ dùng chúng tôi cho những việc mà cụ Gúc phải bó thay, hoặc những thứ mà họ không muốn ai ngoài họ, và chúng tôi biết được. Chúng tôi hoạt động theo những nguyên tắc cố định, được gọi là “Quy định nghề nghiệp” giống như “protocol” của các phần mềm, hay luật chơi của game điện tử. Giá trị của chúng tôi phụ thuộc vào khả năng chơi giỏi trò của mình mà không phạm luật, giống như kiểu các game thủ được phân loại thấp cao.
Nếu bạn đang nghĩ rằng tôi hành nghề “gái gọi”, thì bạn đánh giá tôi hơi cao quá. Bởi tôi chỉ là một mụ xồ xề bạc phếch, chân ngắn mặt nhàu, làm công việc của một “cửu vạn ngôn từ”. Chúng tôi là kẻ ngồi trong các ca-bin rộng một mét vuông đầy máy móc ở góc phòng hội nghị, là người ngồi phía sau các sếp trong các cuộc họp hay buổi tiếp tân, là kẻ chuyển ngữ trong các lớp tập huấn. Chúng tôi là những người dịch các tài liệu nghiên cứu, báo cáo, sách kỹ thuật cho các cơ quan quốc tế. Dân dịch thuê là những kẻ bán kỹ năng lấy tiền, không hề đòi danh phận. Cái mà chúng tôi làm ra, là tài sản của người thuê dịch. Không cuốn sách hay tài liệu nào tôi từng dịch có tên tôi trên đó. Cũng chẳng ai đi dự hội nghị mà lại quan tâm, cái giọng nói họ nghe trên headphone là của người nào.
Và tôi lấy thế làm hài lòng, miễn là tiền chuyển đều vào tài khoản và những bức thư mời dịch liên tục chất đống các hòm thư.
Ôi, cái nghề!
Phạm Việt Hà

Đọc thêm: