Như một bài báo cáo thôi
Trong một ngày lười biếng, tôi đi gõ vài dòng về những ngày viết bừa bịa bậy gần đây của mình. Có thể xem đây như là một tờ tường trình về trình trạng gõ phím của tôi trong giai đoạn này cũng được. Có thể xem nó là bệnh nghề nghiệp khi mà việc ghi log khá là quan trọng.
Về việc sử dụng ngôi thứ
Như khá nhiều người bắt đầu viết, ngôi thứ nhất luôn là một lựa chọn an toàn. Bởi lẻ nó mang tính tự sự cao, phù hợp với những người mới bắt đầu. Số lượng tác phẩm mang ngôi thứ nhất cũng rất nhiều nên cũng có thể dễ dàng học tập hoặc bị ảnh hưởng. Ngoài sự trôi chảy trong việc mở lời thì ngôi thứ nhất còn tạo ra được một sự tin cậy nhất định do được kể từ bên trong tiếng lòng của nhân vật. Tôi cũng là người rất thích dùng ngôi thứ nhất trong các bài tản văn của mình. Đơn giản vì đó là những chuyện có thật hoặc là “sự thật đã được tinh chỉnh”. Nhưng dù thế nào thì ngôi thứ nhất khá hữu dụng và dể chơi, dễ trúng thưởng trong những trường hợp đó.
Nhưng thời gian gần đây, tôi khá ít dùng ngôi thứ nhất hoàn toàn trong các câu chuyện bịa của mình (trừ một truyện dài mà tôi đang viết). Thay vào đó, tôi thích dùng ngôi thứ ba hơn. Dù rằng đó là ngôi thứ ba giả cầy. Tôi phải thú nhận rằng tôi là chưa bao giờ có thể làm chủ được ngôi thứ ba một cách hoàn toàn. Cách hoàn toàn ở đây là ngôi thứ ba được sử dụng một cách rộng khắp trong tác phẩm theo kiểu diễn tả câu chuyện theo dấu nhiều nhân vật và nhiều sự kiện ở nhiều nơi. Tôi thấy mình hiện vẫn chưa có khả năng phối trộn và sắp xếp một lượng lớn sự kiện trong một mạch văn một cách gọn gàng được. Nên thôi. Tôi lười sử dụng một thứ quá sức của mình, tôi yêu cái gì đó an toàn. Còn về ngôi thứ ba giả cầy thì nếu ai có chơi trò chơi điện tử hẳn sẽ biết thuật ngữ góc nhìn thứ ba. Ngôi thứ ba tôi sử dụng tương tự như thế. Lúc này, góc nhìn “thứ ba” này hầu như chỉ sử dụng để phục vụ một nhân vật duy nhất. Đi theo anh ta, nhìn anh ta, ghi lại suy nghĩ của anh ta… Nó hoạt động như thế. Ngoài ra, tôi cũng viết một truyện ngắn khác theo một kiểu ngược lại đó là ngôi thứ nhất giả cầy. Trong truyện đó thì mọi thứ được diễn tả qua góc nhìn của một nhân vật phụ, các nhân vật khác hiện lên hoàn toàn qua góc nhìn của nhân vật kể chuyện này. Cách kể này khá thú vị ở chổ nó ngăn không cho tôi tả nội tâm cũng như suy nghĩ của các nhân vật khác. Do đó mà khi tôi muốn diễn tả những thứ kia thì tôi buộc phải tả gián tiếp thông qua sắc mặt, ánh mắt hoặc cử chỉ của họ. Đối đế lắm thì mới sử dụng đến sự phỏng đoán từ nhân vật kể chuyện theo kiểu “tôi đoán rằng nó đang khó chịu lắm…”. Đương nhiên, phỏng đoán thì độ tin cậy cũng không cao và để tạo nên sự tin cậy thì buộc tôi phải đưa ra nhiều luận cứ hơn như ở trên đã đề cập (ánh mắt, cử chỉ…). Bù lại thì cách kể này có thể giúp tôi giăng bẫy người đọc dễ hơn ngôi thứ nhất hoặc thứ ba một chút. Cái giăng bẫy này tôi sẽ nói ở dưới.
Kết lại thì viết sử dụng ngôi thứ nhất và thứ ba giả cầy là một trải nghiệm khá vui vẻ.
Đánh đố là một cái gì đó thú vị
Như đã nói ở trên, đánh đố người đọc luôn là cái gì đó thú vị. Tôi hay thích vòng vo để bẫy người khác cả trong trò chơi điện tử, tán gẫu lẫn viết truyện. Tôi hay gọi đùa hành động này là “úp bô bạn đọc”. Đương nhiên tôi không có ý xấu gì khi làm kiểu đó đâu. Nhưng cảm giác xây dựng được một cái bẫy kỳ công và dẫn dụ được con mồi đi vào trong tâm bẫy để rồi kéo chốt là một cảm giác rất đã. Dù vậy tôi vẫn thấy rằng cảm giác giật bẫy sướng mười thì cảm giác lúc lắp đặt cái bẫy nó sướng mười một, mười hai. Cảm giác tạo ra một đoạn văn “vô hại” thật sự rất thõa mãn, liên kết những thứ “vô hại” đó lại với nhau để chúng hoạt động còn thõa mãn hơn. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi tôi phải đào xới cái vốn từ vựng Việt Ngữ ít ỏi của mình nhằm tìm ra những câu từ đa nghĩa nhất. Sau đó cố gắng lắp ghép chúng cho thật hoàn chỉnh và không đáng ngờ, hoặc tìm một chi tiết “mồi” nào đó để dẫn dụ người đọc nhằm che đi chi tiết kia. Tôi hay gọi mấy đoạn văn đó là “Quầy bar của Chekhov và Hemingway”, nơi mà trên tường treo một khẩu súng và trước mặt hai người là một đĩa cá trích đỏ. Lúc đĩa cá trích được chén sạch cũng là lúc khẩu súng khai hỏa.
Kể chuyện phi tuyến tính vẫn là một giấc mơ xa xôi
Tôi đồ rằng kha khá người yêu những môn kể chuyện hẳn đều có ít nhất một tác phẩm yêu thích được viết theo lối phi tuyến tính. Tôi cũng vậy thôi. Tôi cũng rất muốn viết được những tác phẩm theo cái lối lộn xộn đó. Nhưng đáng buồn thay trình độ bịa chử tôi có hạn nên đành giơ cờ trắng trước mong ước đó. Nhưng chẳng sao cả, không ăn thịt chó được thì ăn giò heo giả cầy cũng ngon. Do đó mà tôi lấp liếm bằng cách viết theo cái lối phi tuyến tính trên nền tuyến tính. Để làm được cái việc lấp liếm kia thì tôi chia mạch sự kiện thành hai phần là quá khứ và hiện tại. Phần quá khứ sẽ được cắt nhỏ thành nhiều phần nhỏ. Chuyện sẽ bắt đầu với phần hiện tại được kể tuyến tính. Sau đó, tôi chỉ việc lắp những sự kiện quá khứ lên những sự kiến hiện tại theo thứ tự mà tôi muốn là xong.
Đương nhiên, giả cầy thì vẫn là giả cầy. Tôi vẫn đang trên con đường viết ra được cái gì đó phi tuyến tính hoàn toàn.
Tươi sáng và u tối
Lúc bắt đầu viết, tôi luôn mong mình viết cái gì đó dễ nuốt một chút. Kể cả có buồn thì đó cũng là những nỗi buồn rất cũ, buồn tình yêu, buồn tha hương, buồn nghèo hèn… Nói chung là những cái buồn cũ kỹ và xa vắng. Nhưng càng viết thì tôi lại càng lôi ra mấy cái buồn tệ hơn, buồn của những người bị vấn đề tâm lý, áp lực thế hệ, trang lứa… Viết về những cái đó thật mệt. Mệt nhưng lại ma lực vô cùng vì cái cảm giác chơi đùa với cảm xúc trong con chữ nó khá thú vị. Nhưng để cân bằng thì tôi hay chọn việc viết đan xen. Một chuyện buồn nặng nề sẽ đi xen kẽ với một chuyện buồn cũ kỹ hơn (hoặc là viết vài chương của truyện dài). Tối không hoặc sáng không thì chán lắm.
Một quy luật bất biến
Tôi chẳng hiểu sao nhưng có lẻ tôi có một cái quy luật bất biến trong mấy câu chuyện của mình. Thay vì để người đọc (nếu có) phát hiện ra, thì tôi nói luôn cho rồi. Trong mấy truyện của tôi, nếu có mấy cô gái kiểu hiền hiền, nhẹ nhàng, bình bình (không phải nhạt nhẽo nhé) như kiểu Leona Cassiani trong Tình Yêu Thời Thổ Tả, Melanie trong Cuốn Theo Chiều Gió, Assol trong Cánh Buồm Đỏ Thắm, Chani trong Dune hoặc Trà Long trong Mắt Biếc thì chắc chắn sẽ luôn luôn có “happy ending” cho họ bất kể cốt truyện có đen tối đến đâu. Bởi với tôi thì những người phụ nữ đó luôn luôn xứng đáng có được hạnh phúc kể cả ngoài đời lẫn trong truyện.
Tôi khá là ghét việc viết những đoạn giải trình
Những đoạn giải trình có thể hiện là một đoạn mở rộng hoặc DLC cũng được nhằm làm rõ hơn những điều mập mờ trong truyện. Thí dụ như những trang nhật ký hoặc một lá thư. Tôi không thích nó vì sự tồn tại của những thứ đó đôi lúc như một sự lấp liếm cho cách kể chuyện thiếu rành mạch và rõ ràng. Thế thôi
Viết và xê dịch
Một trong những chuyện sinh ra từ khi tôi viết truyện bịa đó là việc tôi hay chạy long nhong. Thường là chạy lòng vòng mấy cái ngõ ngách quê mình mỗi khi có dịp về quê. Hoặc là những ngày rãnh rỗi tôi cũng hay chạy xe lòng vòng Sài Gòn, ghé thăm mấy quán bia hoặc rượu cũ. Cốt để tả mọi thứ cho nó đúng một chút, đồng thời sẵn dịp thăm lại những chốn xưa hoặc những nơi chưa từng bước tới. Coi như đó là liều thuốc cho cái chứng “Bến Quê” cũng được.
Viết vì cái gì?
Đây là một câu hỏi mà có lẻ nhiều người vẫn hay bàn và tự hỏi chính mình. Hoặc một câu hỏi khác là tỉ lệ giữa viết cho người hoặc viết cho mình trong tác phẩm là bao nhiêu. Với tôi thì đương nhiên là viết cho tôi rồi. Tôi chưa bao giờ giỏi mấy trò viết lách này hoặc cố kiếm gì đó từ nó. Cho nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ kiếm được tiền từ quý bạn đọc cả (nhưng ai có dư tiền thì có thể inbox nha, tôi đem đi mua rượu, sắp tới đợt nhập hàng rồi). Quay lại chuyện viết vì cái gì thì đương nhiên cái tối thượng là viết cho tôi rồi. Hai thứ kéo tôi đến với cái chuyện bịa văn này là việc tôi muốn chơi với chữ nghĩa và lưu giữ lại vài thứ. Đầu tiên việc chơi với chữ nghĩa thì có lẻ không cần phải giải thích rồi. Còn về lưu giữ thì có nhiều thứ tôi muốn thông qua mấy cái truyện của mình để lưu lại. Đó là văn hóa và ký ức. Trong văn của tôi, tôi luôn cố sử dụng nhiều phương ngữ miền nam hoặc miền tây, thứ mà tôi sợ sau này có thể sẽ bị mai một đi. Ngoài ra, tôi cũng là một người theo đạo Công Giáo. Tôi muốn đem hình ảnh của đạo vào trong các câu chuyện của mình, đương nhiên là ở mức bối cảnh thôi chứ không phải tuyên truyền gì. Mà ở ngay cả quê tôi, nhiều thứ cũng đã biến mất dần từ nơi chốn, món ăn lẫn phong tục (trong nhà thờ). Nên tôi hy vọng rằng những câu chử kia sẽ phần nào lưu giữ lại được những điều đã từng tồn tại nơi vùng đất đó.
Vậy người đọc ở đâu trong viết bịa văn này? Họ ở ngay sau những con chử đó thôi. Tôi nghĩ rằng chuyện viết để thõa mãn người đọc và thõa mãn tôi là một viết hết sức bình thường. Viết ra thì sẽ cần có người đọc. Mà người đọc với tôi là những người đồng điệu và thấu hiểu những điều tôi viết ra. Họ tìm được thứ gì trong đó mà làm một ngày hoặc một giờ của họ bớt tẻ nhạt hơn là tôi vui rồi. Mà tóm lại thì tách mấy cái cơm cháo ra khỏi chuyện viết làm cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hẳn. Nói thế không có nghĩa là tôi có ác cảm gì với chuyện đổi chử lấy cơm đâu. Nghề viết này mà ai cũng viết chùa hoặc bán rẻ bèo thì có nước ăn cám cả lũ.
Tôi viết ở đâu?
Lúc xưa tôi hay viết ở ngoài quán bia. Tôi viết ngoài đó nhiều tới mức mà mấy khứa nhân viên ở Pasteur Street Brewing thấy tôi đi uống bên Thảo Điền còn hỏi “Anh hay ngồi với cái laptop bên Pasteur lắm đúng không, em thấy anh quen quen.”. Nhưng sau này thì tôi lười hơn và thích viết ở nhà hơn. Ở nhà thì tôi cũng ăn dùng cồn dù không nhiều, chỉ là một ly Espresso Martini, Whisky Highball hoặc đơn giản là Soda Chanh thêm vài giọt Bitter thôi. À mà dù không kiếm cơm nhưng ai có lòng thì cho xin ít xu để mua rượu cũng được, lúc sáng tôi ngó sơ quầy rượu thì thấy chai Rum và Vodka sắp hết rồi.
Hy vọng sắp có tới nhiều người phịa truyện hơn ở đây để có dịp nói chuyện với nhau về kinh nghiệm bịa.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất