Thế nào là người Hà Nội? Bạn “phải” đi ăn xôi Tống Duy Tân, check in Hồ Tây, tìm nhà Thành Công, chạy một vòng quanh hồ Gươm, đi thăm lăng Bác, ăn kem Thuỷ Tạ?
Tôi không nghĩ vậy, và tôi cũng không nghĩ có ai ở Hà Nội lại bận tâm lắm về những điều này. Nhưng nếu những cái chấm, những điểm cộng và dấu “tích” kia làm các bạn vui hơn mà yêu Hà Nội hơn thì cũng thật là tốt. Nhưng mà tôi cũng sẽ thỏ thẻ kể một câu chuyện, không biết có đóng góp được gì không?
Image may contain: one or more people, outdoor and text

Tôi thân với một ông anh Hà Nội. Và Hà Nội theo nghĩa đơn giản nhất thôi, là anh ấy sinh ở Hà Nội, bố và mẹ anh ấy sinh ở Hà Nội, ông bà cũng sinh ở Hà Nội, nhà ở Bà Triệu… Hoàn toàn là người Hà Nội theo cái nghĩa dòng họ thôi, chưa có chút gì là văn hoá hay tính cách cả. Dưng mà ông anh tính cũng khá “phố”, lõi đời, ăn chơi theo kiểu nhẹ nhàng, vừa phải, đúng cái chất lành lành, cái gì cũng biết vừa đủ. Một tối, sau khi ngồi cafe cùng anh ở Cột cờ, vừa đứng lên chào nhau thì anh vỗ vai tôi, hỏi:

“Ê mà em có nhớ đường ra Đội Cấn không nhỉ?”

Nghe vậy, tôi ngạc nhiên lắm! Sững sờ luôn! Đấy, một con người Hà Nội đấy, Hà Nội nhất có thể, mà anh còn quên đường! Lại là một đoạn đường ngắn và rất dễ! Và, điều quan trọng hơn là anh sẵn sàng bật ra câu hỏi như thế, chẳng xấu hổ.
Nghe thì có vẻ nhỏ nhặt vậy, nhưng tôi ấn tượng mạnh lắm, bởi tôi…. chẳng bao giờ dám hỏi đường người quen. “Mang tiếng người Hà Nội mà lại quên đường à”, kiểu vậy.

Rồi lại nghĩ, tôi cũng như các bạn thôi. Không phải là đặt những dấu “tích” xem đã làm đủ việc ở Hà Nội chưa, mà là xem có biết đủ nhiều về Hà Nội không. Tôi cố gắng đọc nhiều hơn nữa về Hà Nội, đọc tất cả mọi thứ, từ tài liệu nghiên cứu lịch sử cho tới văn học, rồi tích truyện, tích tên đường…. Tôi phải biết nhiều về Hà Nội chứ! Tôi là người Hà Nội cơ mà!
Nhưng… Hà Nội có thật sự ở đấy không? Ở những cái tên con đường, những kiến thức sách vở hoặc những trải nghiệm mà người ta cho rằng phải làm thế mới là Hà Nội? Hay đấy cũng chỉ là những “cái tên” ta cố kiết gán ghép cho Hà Nội thôi?
Goethe cũng có cùng câu hỏi đó khi đến Rome. Trước khi đến, ông háo hức muốn đi thăm những tượng đài, di tích về thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng khi đến nơi, trước mặt ông chỉ là những pho tượng đổ nát, những cảnh vật “có hồn nhưng câm lặng” (Bài số 2, Erotica Romana). Buồn nản vì chưa đạt được kỳ vọng và bức bối bởi danh tiếng (lúc đó Goethe đã nổi danh khắp châu Âu), Goethe bèn tìm đến… một cô gái không biết ông là ai. Hơn hết, cô ấy còn không biết "giá trị" của Rome: Đối với cô, đó chỉ là một thành phố nơi cô sinh ra, những tượng đài, di tích kia chỉ là những cảnh tượng vốn muôn đời vẫn vậy, thường nhật và quen thuộc. Cô chẳng việc gì phải cố kiết học hành về nó, vì cô sống trong đó. Đến lúc hai người làm tình say đắm, Goethe mới thốt lên, “Giờ Rome mới chính là Rome vậy”.

Cả người anh Hà Nội của tôi lẫn cô gái của Goethe đều có một điểm chung: Họ trân trọng nơi mình sinh ra, nhưng chắc chắn họ không thần thánh hoá nó. Đứng từ ngoài vào, ta dễ dàng nhìn Hà Nội (hay Rome) như một thứ gì xa xỉ: Một trải nghiệm lịch sử, một thắng cảnh du lịch, một trung tâm ẩm thực… Nhưng với họ, đó đơn giản chỉ là “nhà” thôi.
Họ có thể rành rõ từng hàng quán, từng con người trên những ngõ phố (chữ của Tô Hoài), nhưng họ chẳng cần phải cố kiết khám phá nó, chẳng cần cấp tập đi hết những địa điểm nổi tiếng của thành phố. Họ chẳng cần thể hiện với ai, chẳng phải chứng tỏ bất cứ điều gì. Họ thong thả, bởi đó là nhà của họ.
Tôi lại nghĩ, vậy cũng hay nhỉ? Sẽ thật là tuyệt nếu chúng ta đối xử với một thành phố thong dong hơn, nhẹ nhõm hơn. Sao chúng ta phải vội điền những dấu “tích”? Ngày mai nó có mất đi đâu đâu? Chúng ta biết đó là nhà của chúng ta, và chúng ta âu yếm Hà Nội, ôm ấp nó như chính nó là. Bởi Hà Nội còn sống mà! Nó vẫn còn sống và phát triển đấy chứ! Nó đâu chỉ là những gạch đầu dòng hay những dấu tích xanh địa điểm đâu?
Ôi, những gạch đầu dòng! Trong cuốn “Invisible Cities” của Italo Calvino, ông có kể về thành phố tưởng tượng Aglaura. Người dân ở đó cứ nói mãi về một thành phố Aglaura nào đó, một thành phố “Aglaura” chỉ tồn tại dưới cái tên. Còn thành phố đó đã trở nên vô danh, không màu, hoang tàn, chẳng còn gì đáng để nhắc tới từ bao giờ! Ôi những cái tên, nó chỉ là những cái tên, những cái gạch đầu dòng thôi.
Nhưng, mình là ai để nhắc chuyện này. Thậm chí khi nhắc đến nó, bực tức về nó thì cũng là tự mình cảm thấy bất toại trước tình cảm của mình với Hà Nội rồi. Thôi thì, cứ để Hà Nội như cách người ta nhìn về nó vậy. Có người coi Hà Nội là nỗi nhọc nhằn của những người lao động tứ xứ, có người coi nó là tinh hoa văn hoá, ẩm thực… Cứ để họ tự quyết như vậy. Mỗi người chúng ta đều có Hà Nội của mình, chỉ mong là thành phố của ta, Hà Nội của ta vẫn đang “sống”, chứ đừng chỉ là những cái tên...

Và nếu đã hiểu Hà Nội như một thành phố sống, thì có chăng một câu trả lời rốt ráo, bất di bất dịch như cách chúng ta nhìn về một lịch sử đã qua? Nó sẽ có biến chuyển với từng người: Chắc chắn Hà Nội trong mắt anh tôi sẽ khác Hà Nội trong mắt bố mẹ anh ấy, dù cùng một thời điểm. Và vì thế, nó lại được kiến tạo, được tiếp sức sống liên tục bởi những góc nhìn đa chiều về nó. Có người bạn tôi coi Hà Nội là những mảnh đời của người lao động nghèo. Có nhà văn nổi tiếng lại coi Hà Nội như là những thằng dở hơi đầu ngõ, những thằng con giai phố cổ. Tôi thì lại hay tưởng tượng đến bà cụ trà đá móm mém ngồi quanh Hồ Gươm hay những tầng tầng lớp lớp dây điện đu quanh những cái chuồng cọp khu Kim Liên… Mỗi người sẽ có một Hà Nội sống, một Hà Nội của riêng họ vậy.

Có lẽ, Calvino nói hay hơn cả khi ông miêu tả về thành phố tưởng tượng Zobeide: Mỗi người đến đây đều mơ về cùng một cô gái, nhưng cô gái trong mơ của họ lại trốn chạy họ, rẽ từng hướng khác nhau giữa một thành phố trống. Trong công cuộc đuổi bắt giấc mơ của mình, cuộc săn  hoang, họ mở ra những hàng quán, những ngôi nhà để nghỉ chân… Và thế là, dần dần, Zobeide ra đời. Nó ra đời với góc nhìn của muôn người khác nhau về cùng một hiện tượng, và nó cũng phát triển lên vì thế.
Còn Hà Nội, Hà Nội ở đâu? Cuộc đuổi bắt của bạn với Hà Nội, nó đến đâu rồi?