LÀM SAO ĐỂ NGHE ĐƯỢC ĐIỀU TA ĐỌC
Một người bạn gửi cho tôi link một bài viết trên mạng, và hỏi tôi nghĩ thế nào về bài viết ấy. Tôi vào đọc thử. Đó là một bài viết...
Một người bạn gửi cho tôi link một bài viết trên mạng, và hỏi tôi nghĩ thế nào về bài viết ấy. Tôi vào đọc thử. Đó là một bài viết dài, trình bày nhiều quan điểm cá nhân của tác giả xoay quanh hiện tượng nhà hoạt động môi trường nhí Greta Thunberg, với nhiều lý lẽ sắc sảo và vốn hiểu biết có vẻ sâu rộng. Tôi thực tình không có ý kiến gì về các quan điểm ấy, phần vì tôi không quá quan tâm đến Greta Thunberg, phần khác vì từ lâu tôi đã nhận ra ai cũng có thể có quan điểm riêng, ai cũng có thể đứng từ góc của mình để tuyên bố về điều mình nghĩ, theo cùng cách một thầy bói mù tuyên bố về con voi mình sờ. Việc đồng ý hay không đồng ý với ông thầy bói ấy rằng con voi giống cái cột đình, rồi cãi nhau đánh nhau với các thầy bói khác, rõ ràng là một việc hết sức vô nghĩa. Vì thế, tôi không có gì để nói với bạn tôi xét về phương diện quan điểm cá nhân. Nhưng vì bạn đã cất công hỏi, tôi có thể chia sẻ với bạn cách tôi đọc bất cứ một điều gì, hy vọng nó có thể giúp ích cho bạn.
Khi ta đọc một điều ai đó viết ra, ta thường bỏ qua một thông tin quan trọng: đó là giọng của họ. Một bà già lúc trước có thể nựng cháu cưng “Ôi cục cứt của bà”, lúc sau có thể tám chuyện với hàng xóm “Thằng con rể tôi ăn ở như cục cứt ấy bà ạ”, nhưng nhờ vào giọng điệu của bà ấy mà chúng ta biết rằng chữ “cục cứt” dùng trong mỗi trường hợp mang thái độ và ý nghĩa khác nhau. Khi đối thoại trực tiếp, các giọng điệu riêng biệt này ngay lập tức sẽ ập vào ta, cung cấp một thông tin quan trọng để ta giúp ta nhận định và lựa chọn cách đáp lại. Nhưng khi đọc một bài viết, một phần vì ta đọc bằng giọng của chính ta trong đầu mình, phần khác vì ta thường dễ bị cuốn vào ngôn từ và các tầng nghĩa của chúng, ta không còn để ý đến giọng của tác giả. Nhưng đó vẫn luôn luôn là thứ quan trọng, thậm chí quan trọng nhất, nếu ta muốn có một nhận định đầy đủ và đúng đắn về điều ta vừa tiếp nhận.
"Trong văn chương kim cổ, chính cái giọng mới là cái quyết định, như ba thừa biết, chớ không phải tư tưởng này nọ. Tư tưởng này nọ, đồ xả rác, vì ai lại không thể không có, kể cả tư tưởng… phi tư tưởng và tư tưởng… thiền! Con nghĩ con phải mang trong người ít nhất một triệu tư tưởng hay nói một cách khác, không mang một chút tư tưởng nào, cũng vậy. Nhưng tất cả cái một triệu tư tưởng hay cái không có một chút tư tưởng nào kia cũng đều đáng đem quăng hết nếu thơ văn con không mang được cái giọng, không có được cái giọng.” – Đó là nhận định của Nguyễn Đức Sơn, một trong những nhà thơ độc đáo và thâm trầm nhất ở miền Nam trước 1975, về tầm quan trọng của cái giọng trong việc viết. Viết văn chương hay viết một status trên Facebook cũng đều là một chuyện: đó là cách mà chúng ta biểu đạt suy nghĩ/cảm nhận của mình, trong nỗ lực giao tiếp với người khác.
Hiểu được tầm quan trọng của cái giọng, chúng ta sẽ đọc với một tâm thế khác. Chúng ta sẽ không còn bị phỉnh phờ bởi ngôn từ, bởi tư tưởng/quan điểm/lý lẽ, hay bởi kiến thức ngồn ngộn mà người viết đang tung ra. Chúng ta sẽ để ý “lắng nghe” cái giọng điệu, cái thái độ, cái tâm ý nằm ẩn sau lời văn. Ở chỗ này, ta nghe giọng giận dữ, đay nghiến. Ở chỗ kia, ta thấy giọng trịch thượng, hợm hĩnh. Chúng ta có thể cảm nhận được thái độ “đóng” hay “mở”, “lành” hay “dữ”, “sáng” hay “tối”. Với cùng một số lượng ngôn từ, kiến thức và tư tưởng dồi dào tương đương nhau, nhưng ở bài viết này, ta có thể nghe ra được một cái mùi của mỉa mai, của khiêu khích, của khoa trương, của miệt thị – biểu hiện của một tâm trí sắc sảo nhưng đang được dùng bởi một cái Tôi quá lớn. Hoặc chúng ta có thể nghe được một giọng ôn tồn, ấm áp, bỡn cợt, nhẹ nhõm – biểu hiện của trí tuệ và từ bi. Và bởi vì đọc cũng là ăn – thức ăn tinh thần – nên việc lựa chọn ăn gì là cực kỳ quan trọng. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể tiếp nạp vào người mình rất nhiều độc tố mà không hề hay biết.
“Cái cốt yếu không thể được nhìn thấy bằng mắt thường.” – Chú Cáo đã nói như vậy với Hoàng Tử Bé. Nếu điều ta thực sự muốn là theo đuổi cái cốt yếu nằm ẩn mật trong lòng của đời sống, ta buộc phải vượt qua ảo giác của trí óc, và học cách lắng nghe bằng tâm nhãn.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất