Tôi đã từng dành nhiều thời gian để nghĩ về cái chết của mình. Một trong những kết luận tôi rút ra được là nếu ai đó nghe tin rằng tôi đã chết, thì khả năng cao nhất là tôi đã tự sát.
Tôi không trầm cảm, tôi nghĩ vậy. Tôi có đầy đủ cảm xúc, vui buồn như bao người khác, chẳng thiếu tí nào, thậm chí còn đôi chút nhiều hơn bởi tôi có một khả năng đồng cảm tôi cho là mạnh mẽ hơn phần đông mọi người. Dầu vậy đó có thể sẽ là nguyên nhân vài người thân nghĩ đến bởi tôi vốn có một thế giới quan khác họ, hay từ phía họ nhìn vào thì thái độ của tôi với mọi sự khá là kì quái, không giống những gì mà mọi người mong muốn một người sinh ra ở quê tôi sẽ trở thành. Tôi chẳng mấy để tâm đến chuyện đó. Với tôi, chuyện đáng quan tâm là chuyện mà nếu biết trong tương lai gần mình sẽ chết tôi vẫn thấy cần nghĩ về. Quan hệ họ hàng, làng xóm, xã hội, quốc gia không nằm trong số đó, nên với tôi từ chối dành thời gian vào nó. Do vậy mà hình ảnh tôi trong mắt mọi người, thậm chí cả những người thân thiết, như nào thú thật là tôi cũng chẳng có ý niệm gì. Khá chắc là tôi cũng chẳng dành nhiều suy nghĩ về họ trong những giây phút cuối cùng, khi tôi gặp tai nạn hoặc chọn tự sát chẳng hạn.
Về lý do cho ý định tự vẫn nhen nhóm trong đầu, tôi khá chắc một ngày tôi sẽ hết chịu nổi cuộc đời này vì nó quá nhàm chán và việc duy trì nó quá mệt mỏi.
Thử ngồi lại và liệt kê xem có gì trong đời khiến người ta muốn sống, hay cụ thể hơn là giúp họ có động lực đi học, đi làm vào ngày mai:
- Tiền để tiêu sài vào những nhu cầu cá nhân, sau đó mở rộng ra là để so sánh với người khác trên các phương diện vật chất.
- Quyền lực để tạo cảm giác thỏa mãn khi có sức ảnh hưởng tới đa số.
- Sex.
- Bản năng sinh tồn khiến họ không nghĩ ra gì hơn là níu kéo lấy sự tồn tại này.
- Tôn giáo, sống làm những gì đó và chờ đợi kiếp sau tốt đẹp hơn hoặc để được lên thiên đàng.
- Sợ lạc loài nên làm giống như bao người, chờ đợi biến cố xảy tới.
- Sợ chết nên không dám tự sát, cũng đành chờ đợi biến cố xảy tới.
- Tìm kiếm những điều bí ẩn, những gì kích thích sự tò mò của chúng ta và đem lại cảm giác thỏa mãn khi chúng được giải quyết.
Những điều trên không hẳn là tách biệt khỏi nhau, tôi chỉ viết đại ra vậy thôi, cũng khá là tạp nham và nhất thời. Tôi nghĩ ai cũng sẽ dính lấy ít nhất 2-3 cái gạch đầu dòng trên, không ít thì nhiều. Tôi thì thấy mình dính nhiều nhất với gạch cuối cùng, sau đó là cái áp chót. Tôi không sợ chết nhiều như người bình thường, khi nghĩ đủ nhiều về nó thì đến một lúc nó chẳng còn mấy ảnh hưởng đến tôi nữa. Nhưng do tôi không còn mảy may quan tâm đến các ý khác nữa nên sợ chết bỗng vụt lên trở thành lý do thứ hai tôi vẫn đang ở đây. Cuộc sống quá nhạt nhẽo lại khiến tôi có cảm tưởng phải còn gì đó để khám phá, rằng khi nếu chết bây giờ thì có thể tôi sẽ bỏ lỡ chúng. Thứ duy nhất tích cực tôi cảm nhận được từ cuộc sống là những bí ẩn, con người và vũ trụ, được tổng hợp dưới bộ môn tên là Triết Học và đôi khi là cả Vật Lý, tìm hiểu về chúng kích thích sự tò mò của tôi lên đôi chút, đủ để suy nghĩ về cái chết, về tự tử tránh xa mình trong chốc lát trước khi chúng trở lại trong những giờ phút tôi ngồi lại đối diện với bản thân mình. Dù vậy tôi thường xuyên cũng bị ngợp bởi sự khó hiểu khi đi sâu vào chúng - tôi chẳng phải kiểu siêu trí tuệ hay gì; và tìm đến nguồn dopamine quen thuộc là các nội dung game, manga,... dù thành thật là chúng không giúp ích gì nhiều.
Hồi nhỏ đi học, khi gặp một vấn đề gì tôi biết mà mọi người không, trong đầu tôi hầu như luôn nghĩ rằng sao họ không biết cái đơn giản như này nhỉ, sao họ không nghĩ thêm một chút nữa nhỉ, họ chỉ cần ghép nối những chi tiết mà dám chắc là họ đã biết lại là ra được đáp án rồi. Đến khi bắt đầu dành nghi vấn cho cuộc đời, tôi vẫn tự hỏi những câu như:
Họ cố kiếm thật nhiều tiền làm gì nhỉ? Họ không biết rằng khi chết thì họ không thể mang theo à?
Sao họ không tò mò về đơn vị nhỏ nhất cấu tạo nên vật chất là gì? Sao họ không nghĩ về Big Bang? đấy là khởi đầu, là nguyên nhân của mọi sự họ biết và chính bản thân họ mà.
Sao họ lại bám víu lấy cái gọi là văn hóa, phong tục? Họ không biết những thứ đó chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian thôi à? Sau này chúng sẽ thay đổi, sao không dành công sức đó để tìm hiểu về thứ vĩnh cửu như vũ trụ?
Sao họ lại tin vào tôn giáo nhỉ? Chỉ cần một vài lập luận là có thể bẻ gãy bất cứ tôn giáo nào rồi mà.
Sao họ lại đồng ý với 1 vợ - 1 chồng nhỉ? Sao họ lại ghen nhỉ? Chẳng có lý do gì một người không được thích/yêu nhiều người.
Sao họ lại coi yêu nước như là một phẩm chất bắt buộc nhỉ? Nhà nước chỉ là 1 hợp đồng, từ bỏ một số thứ để nhận lại một số thứ. Ai lại yêu một cái hợp đồng?
Sau này tôi có tự trả lời được những câu đó. Đáp án tốt nhất tôi có cho những câu hỏi trên là khả năng suy nghĩ trừu tượng, khả năng nghĩ sâu (deep thinking) của phần lớn mọi người là có giới hạn. Nên họ không có khả năng liên kết, khái quát các thông tin cơ bản thành các tri thức để áp dụng vào thực tế mạnh mẽ như những người như tôi. Biết vậy, tôi dần hay bỏ qua cho những phát ngôn (mà tôi thấy là) ngớ ngẩn của những người xung quanh. Tôi chỉ chọn can thiệp nếu nó có vẻ nghiêm trọng hoặc có ảnh hưởng đến mình. Một câu trả lời khác đó là họ bị tuyên truyền (từ giai cấp thống trị và cũng là tự tuyên truyền lẫn nhau) làm mờ mắt, che đi khoảng trống để nhìn ra ngoài cái vỏ bọc được gọi là "văn minh" để tìm kiếm sự thật. Một trong những hệ quả là việc người người nhà nhà có suy nghĩ trong đầu là cuộc sống phải là tuyệt vời, phải cảm thấy hạnh phúc khi được sống, nếu không cảm nhận được điều đó thì người đó có vấn đề - trầm cảm chẳng hạn. Thật nực cười!
Thử nói về tiền bạc, quyền lực hay tương tự vậy - những thứ mà một người điển hình trong xã hội muốn, tôi gần như không có chút ham muốn nào. Đồng ý là tiền sẽ giúp sự tồn tại của tôi dễ dàng hơn tương đối nhưng tôi thừa biết bản thân sẽ ngay lập tức quen với điều đó và những vấn đề của tôi, với đời, vẫn sẽ y nguyên. Do vậy mà nhu cầu tiền bạc của tôi luôn ở mức tối thiểu, cộng với việc không ưa tư duy theo đuổi tiền bạc (và chỉ tiền bạc thôi) ở hầu hết các cơ quan, các công ty, thuộc các ngành nghề tôi nghĩ ra được nên tôi thật sự không muốn tiếp xúc với họ, hay làm việc 8 tiếng quanh năm suốt tháng một chút nào. Hay nói đơn giản hơn là tôi không muốn đi làm. Với suy nghĩ đó, khi đọc những bài viết trên Spiderum về những thứ xung quanh công việc như làm sao để tìm niềm vui trong công việc, cách sử dụng thời gian hiệu quả, cách làm việc nhóm, cách phỏng vấn,.. Những bài viết mà họ hướng dẫn nhau cách để trụ lại hoặc tiến lên trên con đường mà những suy ngẫm về cái chết dễ dàng vạch ra sự vô nghĩa của chúng - kiếm tiền và quyền, trong tôi nổi lên một cơn buồn nôn theo đúng nghĩa đen như thể cơ thể muốn tôi tránh xa chúng ra.
Dù tôi cũng biết là tôi cần tiền để sinh sống và do vậy cần đi làm - gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì. Tôi đang cố gắng tìm cách giải quyết điều đó theo cách ít đau đớn nhất và nếu đến một lúc tôi quá mệt mỏi với điều đó, tôi sẽ làm gì đó để không còn phải nghĩ về tiền, hoặc bất cứ thứ gì nữa. Nếu có nhiều hơn một điều ước, tôi sẽ dùng một trong số đó để mình không cần ăn nữa (những điều ước còn lại sẽ dành cho sự tò mò của tôi với thế giới xung quanh). Không cần ăn -> không cần làm -> không cần cố gắng để trở thành một phần của cái xã hội đầy tích cực, ảo tưởng và giả tạo này.
Tôi vẫn đang phải làm một vài chuyện tôi không thích - làm việc chẳng hạn, tôi đang làm một công việc chân tay, công việc khiến tôi sáng phải dậy từ 5h và tối thì luôn đi ngủ trước 9h vì mệt. Với một người có vóc dáng thư sinh như tôi thì vài người quen cũng có chút lo lắng, nhưng tôi thì thấy ổn, có phần đơn giản (với tâm trí tôi). Tôi vẫn nhớ ngày trước đã đọc ở đâu đó, có lẽ là từ cuốn "Sói thảo nguyên" một ý tôi cho là rất xác đáng: biết mình có một lối thoát là tự tử cho ta một sức mạnh khủng khiếp để làm tất cả mọi thứ. Từ khi tôi biết về tiến hóa, về vũ trụ, về Big Bang, về cái chết của vũ trụ, về hiện sinh, tôi đã liều lĩnh hơn rất nhiều và khi thấm nhuần chủ nghĩa hư vô - nihilism, chẳng còn mấy việc tôi không dám làm, chẳng còn mấy điều tôi không dám nói. Để rồi thế giới quan của tôi ngày càng thay da đổi thịt để đạt tới trạng thái này, trạng thái mà tôi chỉ có thể diễn tả bằng từ "tự do", đi liền sau đó là "cô đơn", "phi lý" và "tầm thường". Đỉnh điểm của quá trình đó là quyết định để lại mọi thứ, tôi tìm đến nơi hoang vắng này, dù ở đây không hoàn toàn được giải phóng và cô độc - tôi sống cùng vài người ít học điển hình (sự thật là vậy chứ tôi không có ý chê bai), nhưng tôi vẫn sẽ nói rằng đây là nơi tốt nhất tôi từng ở. Thi thoảng tôi thích thử thách sức chịu đựng của chính mình bằng việc đi bộ đường dài, làm liên tục hơn và ít nghỉ giữa chừng hơn - khiến tôi nhiều phen kiệt sức và hơi hoa mắt. Nhưng chẳng thấm gì mấy, chẳng sự mệt mỏi thể chất nào kéo dài quá một giấc ngủ. Tôi dự định sẽ ở đây ít nhất một năm nữa, sau đó tương lai ra sao tôi cũng chẳng biết, sẽ đỡ nhàm chán nếu không biết mình sẽ làm gì. Biết đâu lúc đấy tự tử sẽ là một lựa chọn sáng sủa hơn.
Một hoàng hôn ấn tượng như thường lệ.
Một hoàng hôn ấn tượng như thường lệ.
Đợt tết vừa rồi tôi có ngẩn ngơ ngồi lại nghĩ xem mình nếu một ngày tôi chết vì tự tử hoặc bất kì lý do gì, thì có gì ở đời khiến tôi hối tiếc không. Sau một hồi chiêm nghiệm thì tôi nhận ra chỉ có 2 điều tôi tiếc nuối nếu không thực hiện được trong đời: một là xin lỗi cô bạn gái cũ, hai là nói với những người tôi thật sự quý mến rằng tôi yêu họ như nào. Tôi đã thực hiện chúng ngay lập tức. Tôi nhắn với người bạn đã lâu không liên lạc rằng tôi yêu mến cô ấy, chúng tôi trước đó đã xác định sẽ không liên lạc nữa do khoảng cách địa lý một phần, lý do còn lại là tôi muốn ngắt đứt cơn thèm khát sự chú ý - tôi nghĩ cô đơn sẽ giúp tôi trên con đường này . Tôi cũng làm vậy với bạn gái cũ cũng với lời xin lỗi vì chuyện tình cảm ngày đó đổ bể, có khác là thay vì nhắn tin hay gọi điện thì tôi ghi âm, một đoạn dài 22 phút nói về đủ thứ, khá chắc cô ấy shock lắm khi chẳng nói chẳng rằng tôi gửi thẳng cho cô ấy link file đó - đã 4 năm hơn chúng tôi không gặp hay nói chuyện với nhau. Vậy thôi, 2 lời yêu và 1 lời xin lỗi là tôi đã có thể nhắm mắt xuôi tay nếu có gì đó xảy ra. Cảm giác đó kéo dài vài tháng rồi cũng nhạt dần. Hiện tại, nếu biết mai tôi chết tôi vẫn muốn nói lại những điều đó với họ một lần nữa.
Tôi mới tìm thử vài bài viết với từ khóa "tự tử". Trong một bài tôi click vô thì có 1 bộ câu hỏi cho người có ý định tự tử. Tôi sẽ thử trả lời xem:
Bạn đã phải trải qua những gì để có suy nghĩ như thế vậy?
Tôi lớn lên một cách rất bình thường như bao người khác. Chẳng có biến cố nào đủ lớn cả. Một ngày đẹp trời tôi tự hỏi rằng ý nghĩa cuộc đời là gì? Nếu tôi kiểu gì cũng chết thì việc tôi làm có ý nghĩa gì không?... kiểu vậy. Tôi nhớ khi đó là cấp 3, tôi đã tự nhủ mình sẽ hoãn suy nghĩ đó đến khi thi đại học xong - lúc đó tôi vẫn nghĩ đại học là cái gì đó rất xa vời. Sau khi lên đại học, tôi quay lại với chúng và bắt đầu tìm đọc triết học. Trải qua khá nhiều thời gian tôi nhận ra mình là một người theo chủ nghĩa antinatalism, một tư tưởng tin rằng cuộc đời mang giá trị âm và tốt nhất là không nên được sinh ra; cùng với đó là chủ nghĩa hư vô - nihilism. Một lưu ý cho người đọc là trước khi đánh giá nó qua cái tên thì hãy tìm hiểu về nó trước đã. Tôi đã từng bỏ qua chủ nghĩa hư vô chỉ vì cái tên Việt của nó và thấy ngày đó mình thật ngớ ngẩn.
Theo bạn, suy nghĩ này giúp được bạn hay đang làm xấu bạn?
Nó đang giúp tôi đối phó với cuộc đời, với loài người. Nếu tôi biết rằng tôi không thể chết, sẽ luôn có phương pháp nào đó để họ có thể làm tôi sống lại, ép tôi phải sống mãi cùng với nhân loại thì có lẽ tôi sẽ tuyệt vọng hơn bây giờ rất nhiều.
Bạn có bao giờ nghĩ rằng cái chết của bạn sẽ ảnh hưởng xấu đến người khác hay chưa?
Tôi không biết, không cần biết và cũng không muốn biết bởi điều đó sẽ chẳng quan trọng nữa. Mỗi ngày có hàng đống người chết vì đủ mọi lý do trong khi vẫn thèm khát sự sống, hãy dành nước mắt cho những người đó. Nếu muốn không bị ảnh hưởng xấu thì hãy tránh xa tôi dần đi. Tôi cũng đang cố tránh xa loài người nói chung.
Bạn nghĩ người khác sẽ thế nào nếu thiếu đi bạn?
Tôi chưa bao giờ là người quan trọng với ai cả và tôi cũng không muốn như vậy. Tôi muốn cái chết của mình thật tầm thường để người khác sẽ quên ngay đi sau một giấc ngủ. Người khác thế nào thì cũng sẽ chẳng phải việc của tôi nữa.
Tương lai của bạn sẽ thế nào nếu thiếu bạn?
Chẳng thế nào cả. Kết thúc. Mọi thứ vẫn sẽ diễn ra như nó đang và sẽ. Một vài người sẽ đôi khi nhớ đến tôi nhưng sẽ ít dần, ít dần rồi biến mất hẳn. Chắc chỉ cần khoảng 100 năm để tôi đi vào quên lãng như bao người tầm thường khác.
Còn những người đang chờ bạn ở phía trước cơ mà? Còn rất nhiều thứ đang đợi mà? Bạn định rời bỏ mọi thứ và chết đi như thế này sao?
Chẳng có thứ gì vui vẻ đang đợi tôi cả. Chỉ có chuỗi ngày nhàm chán và vô vị. Cũng chẳng có ai cả, một người bình thường sẽ không muốn tiếp xúc với tôi, người có chút hứng thú với tôi thì quá hiếm và tôi cũng chỉ có chút tò mò thôi chứ cũng chẳng nghĩ tiếp xúc với họ sẽ đạt được điều gì.
Vậy đấy!
Tôi gặp một khó khăn trong việc đặt bài viết này ở mục nào. Tôi nghĩ thích hợp nhất là đặt ở mục "Chuyện trò - tâm sự", dù thật sự thì tôi thích "Truyền cảm hứng" hơn :v