- Định mệnh: xem ra có vẻ ứng nghiệm nhiều hơn ở động vật cấp thấp, sống theo bản năng: Ví dụ, con nai này “định mệnh” của nó xấu nên bị sư tử ăn thịt, bị người săn bắn; con khác thì chết vì khát; con có “định mệnh” tốt thì chết già. Cuối cùng vẫn là chết! Bản thân loài nai chỉ sinh tồn một cách thụ động, chúng không biết được định mệnh của chúng như thế nào? ý nghĩa nó ra sao? (tại sao con này định mệnh xấu, con khác định mệnh tốt?) ai sắp xếp định mệnh của chúng? động lực của đấng tạo hóa khi sắp xếp định mệnh của chúng là gì? tại sao định mệnh lại được “sắp xếp” cách này mà không cách khác? Như vậy, đã không biết thì gọi tên “định mệnh” để làm gì? Chỗ này khoa học xem ra có lý hơn khi gọi đó là quy luật của thiên nhiên. Là quy luật thì có thể giải thích, có thể biện minh, và có thể hiểu.
- Đối với con người, định mệnh (giả dụ như đó là quy luật khách quan) thì tại sao nó không cố định, trước sau như một? Ví dụ một người mắc bệnh nan y như 999 người khác tại sao lại khỏi bệnh mà 999 người kia lại chết vì bệnh đó? (Định mệnh trêu ngươi chăng?) Một người cha mẹ là bần cố nông, kém học thức, tại sao con cái có khi làm lớn (Stalin? Kruschev?) Một nhà có nhiều con, tại sao đứa thế này, đứa thế khác? Thời thế đổi thay, tại sao có người thà chết theo chế độ cũ, có người lại đầu hàng để giữ mạng sống? (chuyện ở chế độ quân chủ)
- Định mệnh giả như tiềm ẩn trong đó nhiều biến số (hay biến tố như cách bạn trên gọi) thì tại sao khi nhắc đến định mệnh ta bỏ qua những biến số đó? (Lười suy nghĩ chăng?) Tại sao ta gói gọn các tác động của “định mệnh” chỉ ở 1 thời điểm, ở 1 góc cạnh của cái ta, mà không nhìn nó trong thời gian vô tận (vô thủy, vô chung) và trong cái ta toàn thể, trong suốt cuộc đời này (và biết đâu trong nhiều cuộc đời khác trước, sau, trong tương quan với thế giới này [hay nhiều thế giới])? (phải chăng tại chúng ta thích suy nghĩ trừu tượng nhưng khả năng suy luận trừu tượng lại ở mức độ rất thấp, rất hẹp?) Chúng ta không hiểu rõ được định mệnh là gì, nó tác động thế nào, ý nghĩa nó thế nào, vậy sao dám phán rằng nó dẫn đến “duyên”? Bạn có nhiều tiền, có người đến bảo bạn hùn hạp để buôn ma túy, cho vay nặng lãi, hoặc bảo bạn đem hết tiền đó đi làm từ thiện, khi đó bạn xử lý “duyên” đó thế nào? Theo 1 trong 2 cách đó hay bạn sẽ quyết định cách khác? Vậy ở đây, chỗ nào là định mệnh, chỗ nào là duyên, chỗ nào là ý chí tự thân, chỗ nào là kiểm soát, chỗ nào là không thể kiểm soát? Chúng ta có nên đổ lỗi cho số phận tôi xui xẻo nên mới có người đến dụ tôi xài hết tiền cho việc này, việc nọ. Nếu duyên đó có giá trị khách quan, vậy khi 100 người khác cũng bị “dụ” đem tiền đi cho vay nặng lãi, họ xử lý theo 100 cách thế nào hay chỉ xử lý theo “yes” và “no”?
- Về ý chí tự thân, lấy ví dụ một cô đào cải lương ra sân khấu, trước đông đảo khán giả, cô diễn vai Điêu Thuyền hay Tây Thi hay Phàn Lê Huê hay Chung Vô Diệm, tất cả đều một cách trác tuyệt. Cô diễn hay quá, “xuất thần” quá, “nhập vai” quá, khiến khán giả vỗ tay không ngớt. Vai diễn là giả, trang phục là giả, tình tiết là giả, người diễn là giả, khán giả là giả, rạp là giả, vậy cô diễn “thật” ở chỗ nào? Thế nào là thật? Tại sao là thật? Nếu cô biết mình diễn “giả” thì cô không thể nào diễn “xuất thần” được. Nếu khán giả biết cô là “giả”, vai diễn là “giả” vậy tại sao lại xúc động đến mức vỗ tay hoan hô? Toàn bộ cái mà ta cho là hữu hình, là thật (người, khán giả, vở diễn, rạp) xem ra lại là “giả”, còn cái mà ta cho là giả mười mươi (vô hình, cách diễn xuất) tại sao lại có tác dụng như thật? Cô từ trước đến giờ diễn hay quá (nổi tiếng) nên khán giả đến xem đông, hay khán giả đến xem đông nên cô nổi hứng diễn xuất sắc hơn ngày thường? Cái nào là nhân, cái nào là quả? Cái nào là duyên của cái nào? Cái nào là “ý chí tự thân” ở ví dụ này? Toàn bộ mấy chữ “nhân, quả”, “duyên” có áp dụng đại trà được không? Bất kỳ nam, nữ đào diễn nào ra sân khẩu cũng có kết quả (thành công) như cô đào nói trên? “Duyên” của cô đào nói trên khác nhau (4 vai diễn có tính cách khác nhau), vậy cái gì là cái chung, là nhất quán, là bất biến, là “mẫu số chung” trong cách diễn, cách nhập vai của cô đào? Nói vậy để thấy rằng không bước chân xuống dòng sông mà chỉ đứng trên bờ phân tích thì ta không bao giờ biết thế nào là “dòng sông”. Mang “định mệnh”, “duyên”, “ý chí” ra hỏi cô đào theo kiểu đưa đẩy của Trấn Thành, Việt Hương thì chắc cô chẳng hiểu mấy “siêu hề” đó muốn nói gì! Tại sao ta lại ôm cái “của lạ” đó?
- Mình nhớ trong “Câu Truyện Dòng Sông” của Hermann Hesse có đoạn chàng Tất Đạt Ta tự mô ta tà minh với cô kiều nữ (là người tình của chàng), đại khái: “Tôi như viên sỏi ném xuống dòng sông; nó tự động rơi xuống đáy một cách nhanh nhất.” Chúng ta bây giờ có tinh thần “khoa học, triết học” nặng quá, giả như phải ném một hòn đá xuống dòng sông thì hoặc có người (i) (quá duy ý chí) sẽ vẽ 1 đường thẳng đứng từ mặt nước xuống đáy sông, đo khoảng cách đó, cho cục đá có một vận tốc nào đó, và phán trong bao nhiêu giây hòn đá phải rơi đến đáy, chạm đúng điểm đã đánh dấu trước; hoặc có người (ii) (quá paranoia) không những làm giống như (1) trên mà còn đo hướng gió, đo độ cản của nước, đo tốc độ dòng chảy của dòng nước, xác định hướng chảy của dòng nước, vét bùn, đất, cây cỏ trong nước có khả năng cản cục đá khi rơi, đo trọng lượng người ném, xác định vòng cung của cánh tay dơ lên, tập cho người đó ném với một lực nhất định, chọn hòn đá tròn vo để đá khi rơi trọng tâm không thay đổi, v.v. sau đó tính thời gian, địa điểm rơi chính xác. Kết quả cuối cùng là: hòn đá chẳng bao giờ rơi đúng như ước tính của 2 người trên. Chuyện có vẻ như hoang đường nhưng xem trong thực tế bao nhiêu người suy nghĩ, tính toán như thế. Trong trường hợp đó, họ hành xử theo “định mệnh”, theo “duyên”, phó mặc cho “biến cố” bên ngoài, gạt bỏ “ý chí tự thân”, hay làm ngược hoàn toàn với cái chân lý “định mệnh” mà họ rêu rao? Chính ra, cứ để cho “định mệnh” lên tiếng (ném hòn đá mà chẳng cần tính toán gì cả như chàng Tất Đạt Ta), xem ra nhanh chóng và đỡ “nhũn não” hơn. Vậy chúng ta hiểu và chứng minh “định mệnh”, “duyên”, “ý chí tự thân” (và kết quả trong cuộc sống) theo cách nào? Bàn suôn mấy chữ không đem lại kết quả nào cả.
- Nói như trên không phải là mình đi tuyên dương 1 thuyết ngược lại, “duy ý chí”. Mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng ở trên có thể xem như 1 hệ 4 phương trình (4 khái niệm nói trên) với 2 phép toán (2 thái độ nói trên) nhưng có hằng hà sa số ẩn số. Giải hệ phương trình đó bằng cách nào? Con người hay chơi đùa với câu chữ mà quên đi vấn đề cốt lõi cần giải quyết hoặc quan tâm đến (đi thẳng vào trọng tâm). 4+2 là yếu tố khách quan (ít nhiều sẽ có 6 tập hợp đã xác định), còn hằng hà sa số ẩn số khác ngoài 6 yếu tố trên thì làm sao giải quyết? Có phải là giải quyết bằng “ý chí tự thân”? Vậy sao lại nói (phủ định) không có “ý chí tự thân”? Có phải phủ định vì ta vận dụng “ý chí tự thân” một cách lệch lạc nên kết quả không như mong muốn? Như kết quả của “Ký Sinh Trùng”? Và khi kết quả không mong muốn, ta đổ lỗi cho định mệnh, hoặc đổ lỗi cho “ý chí tự thân” kém (ví dụ ta dự kiến ẩn số x sẽ cho ra 1 giá trị (+) nhưng cuối cùng giá trị lại bằng 0 hoặc (-).
Trên đây là giải thích theo cách thế thường (thế gian). Đúc kết lại thì chỉ có thể mượn câu nói của Nho Giáo (cụ Nguyễn Công Trứ?): có trời mà cũng có ta để làm kim chỉ nam. Giải thích theo quan điểm nhân-quả, bát (8) thức, năng (khả năng bên trong), sở (các hiện tượng = các pháp bên ngoài), căn (quan năng của con người), hạnh, nguyện, đức, chủng, v.v. thì thuộc phạm vi huyền học mất rồi, khó mà đưa ra ví dụ cụ thể. Đi vào lĩnh vực huyền học cần trút bỏ những kiến thức thuộc chữ nghĩa, cần phải có tính kiên trì tìm hiểu đào sâu vào bản thân và xác tín.