Nhân sự việc gần đây một cán bộ dân phòng giao lưu MMA vào đầu khiến hai thiếu niên 14 tuổi suýt quên bảng cửu chương, dân tình lại được dịp thể hiện trí tuệ của mình về cách làm người lớn, cách dạy trẻ em, cách khiến luật pháp có tính răn đe, và cách khiến xã hội trở nên yên bình.
Về dân phòng, người này được cho là sai ngay từ hành động đánh trẻ em dã man; về hai thiếu niên, nhóm này được cho là đã bỏ học và nhiều lần ăn trộm. Trước bức tranh toàn cảnh, nhiều người cho rằng đánh loại tội phạm trẻ em như vậy là nên vì nó sẽ ngăn các tội phạm tập sự và tội phạm tiềm năng lún sâu vào tội ác lớn hơn có thể xảy ra sau này.

Thực tế thì đây là luận điệu nhan nhản trước mỗi vụ việc bạo lực, nó trở thành một thứ sáo ngữ, đến mức như giáo điều, vì được dùng quá nhiều lần bởi quá nhiều người mà không đi kèm bất cứ bằng chứng nào. Bài viết này của tôi sẽ cho thấy bạo lực đã từng làm được gì trong việc giữ xã hội yên bìnhlí do nào khiến một nhóm lớn người vẫn ôm khư khư suy nghĩ rằng bạo lực có thể giải quyết vấn đề cho họ.


I. MỘT THẾ GIỚI CŨ TƯƠI ĐẸP

(với lũ côn đồ)


Nhóm đệ tử của giáo điều bạo lực tin rằng bạo lực khiến cho đối tượng sợ mà không dám tái phạm, từ đó tốt cho cả đối tượng lẫn an ninh xã hội. Nếu giáo điều này là đúng thì hẳn nó nên được áp dụng rộng rãi, được hợp pháp hoá và thực hành mỗi ngày. Trẻ em không làm bài tập về nhà? Đập. Nhân viên đến muộn? Đập. Ai làm sai cứ đập trước đã, việc đập là tốt miễn sao vẫn phụng sự mục đích ngăn ngừa tái phạm. Đập mạnh hay nhẹ tuỳ mức độ vi phạm, nhưng vẫn cứ phải đập vì nó ngăn tái phạm được, nhỉ?
Thực ra với cộng đồng người Việt biết chữ thì xã hội như thế đã từng tồn tại rồi: thời trung cổ. Thời kì này có hai đặc trưng, thứ nhất là các hình phạt luôn mang tính bạo lực kết hợp với sỉ nhục công khai, thứ hai là kiểu phạt này rất hợp ý lũ đệ tử của giáo điều bạo lực. Chẳng hạn tội gây rối trật tự công cộng sẽ bị đóng gông bắt đi diễu phố và người dân có quyền ném rau quả thối, có thể kết hợp quất roi hoặc không, đây được cho là tội nhẹ. Tội nặng hơn như săn trộm, vì đất đai bấy giờ đa phần thuộc sở hữu của lãnh chúa và các tầng lớp thống trị khác, nhẹ thì bị thiến, nặng thì bị treo cổ. Tội giết người thì chắc chắn là treo cổ rồi, ngoài ra còn đền tiền, ít nhiều tuỳ vào nạn nhân thuộc tầng lớp nào.
Ngoài ra thời trung cổ cũng là cái nôi sinh ra nhiều dụng cụ tra tấn quái gở. Tác giả của chúng phải là người có kiến thức về cơ thể con người, vì chúng được thiết kế để nạn nhân chết trong đau đớn và chậm rãi. The Rack, The Wheel, Judas Cradle, Heretic's fork, v.v anh chị có thể Google để xem hướng dẫn sử dụng.
The Rack
Chẳng riêng gì thời trung cổ, lịch sử quãng trước đó cũng cho thấy bạo lực là thứ phổ biến cả trong trừng phạt lẫn giải trí. Theo nhà cổ sử học Donald Kyle thì đấu trường Colosseum ở La Mã từng là nơi trói phụ nữ khoả thân vào để đàn tinh tinh hiếp dâm và xé xác trước sự vui sướng của người xem. Các tội phạm bị ép ra sân đánh nhau đến chết như một trò giải trí cho khán giả. Các nô lệ bị đem ra diễn thật các cảnh kịch tàn bạo, như là cảnh thần Prométhée bị đại bàng ăn gan (một con đại bàng được huấn luyện để thật sự làm điều đó, nô lệ thì tất nhiên không bất tử như thần Prométhée).
Các dấu vết bạo lực được bình thường hoá khác có thể kể đến truyện cổ tích, nơi bạo lực áp dụng cả lên trẻ em, và khi nhân vật chính sử dụng bạo lực một cách không hề phân vân. Hansel và Gretel bị chính cha và mẹ kế vứt bỏ vào rừng, chúng gặp mụ phù thuỷ muốn ăn thịt chúng, chúng lừa đẩy mụ phù thuỷ vào lò lửa chết thiêu. Trong Cinderella, hai cô chị bị bồ câu móc mắt và trong Snow White, bà mẹ kế muốn ăn phổi và gan đứa con chồng.
Hay trong tôn giáo, dụng cụ xử tử và tra tấn Jesus được trở thành biểu tượng của ông, điều này cho thấy mức độ nhạy cảm thấp trước bạo lực của con người thời ấy. Hãy tưởng tượng sẽ kì quái đến thế nào nếu thời nay người ta dùng hình ảnh phòng hơi ngạt để kỉ niệm thảm sát Holocaust, hình ảnh con dao đẫm máu để kỉ niệm bất kì vụ giết người nào? Đi xa hơn, không những không tránh xa các dụng cụ tra tấn, giáo hội xưa còn hợp pháp hoá chúng thành hình phạt cho bảy mối tội đầu. (Kiêu ngạo: bẻ xương trên bánh xe tra tấn. Đố kị: ném vào nước đóng băng. Tham ăn: làm mồi cho chuột, cóc, rắn. Dâm dục: hoả thiêu từ từ. Nóng giận: chặt chân tay. Tham lam: ném vào dầu sôi. Lười nhác: ném vào hang rắn.) Vì trừng phạt dưới địa ngục nên đau đớn kéo dài vĩnh cửu.
The Wheel, hay bánh xe bẻ xương
Trở lại thời trung cổ, trở lại với tội ăn trộm đang rầm rộ mấy hôm nay, hình phạt cho tội trộm cướp thời đó là úi chà chà chặt tay, nặng nhất có thể tử hình. Theo lô-gích của đám đệ tử giáo điều bạo lực thì hẳn nạn trộm cướp thời đó phải rất thấp. Nhưng không. Nghiên cứu cho biết trộm cướp thời đó phổ biến đến nỗi chiếm 74% trong các tội. [1]
Nhân tiện, chúng ta cùng xem luôn mức độ yên bình của xã hội thời trung cổ như thế nào, dựa theo số vụ giết người trên mỗi 100.000 người ở châu Âu. Sở dĩ tôi xét trên tội danh giết người bởi đây là tội được mọi thời đại nhìn nhận tương đương nhau nhất, những tội khác có cách nhìn rất chênh lệch, như hiếp dâm thời trung cổ chỉ cần kẻ phạm tội cưới nạn nhân và bồi thường cho cha của nạn nhân vì đã cướp đi trinh tiết của con ông ta, vốn thuộc sở hữu của ông ta, là xong; hoặc là ăn trộm bây giờ mức đánh giá nhẹ hơn xưa rất nhiều.
Dưới đây là biểu đồ của Manuel Eisner về số lượng vụ giết người trên mỗi 100.000 người ở năm nước châu Âu trong thời gian từ thế kỉ 13 đến thế kỉ 20. [2] Dễ thấy nhất là đường đồ thị đi xuống theo thời gian, mặc dù vẫn có quãng thời gian đi lên, nhưng nhìn chung số vụ giết người giảm mạnh nếu tính từ thế kỉ 13 đến thế kỉ 20. Ví dụ nước Ý từ 80 vụ giết người trong thế kỉ 13 giảm xuống chỉ còn 3 vụ trong thế kỉ 20. Anh chị có thể tự xem nốt các nước khác.

Tựu trung, bất chấp nhiều ý kiến cho rằng thời nay pháp luật kém ưu việt hơn, giáo dục kém răn đe hơn, xã hội ưu ái nhiều cái đồi truỵ hơn, v.v. nhưng sự thật vẫn cứ là thời nay là thời kì con người được sống yên bình hơn bao giờ hết, mạng người được coi trọng hơn bao giờ hết, vì con người có thể nói dối nhưng con số thì không.
Những người tôn sùng bạo lực thường tôn sùng thời kì dã man bởi đầu óc họ luôn ngầm giả định rằng nếu họ được sống vào thời đó thì bạo lực sẽ chừa họ ra. Họ có niềm tin bất diệt rằng giả sử bị gửi về thời cổ đại, họ không bao giờ bị vào vai nô lệ, tội phạm, dị giáo. Bởi vì họ cho rằng họ có thiện ý nên cố nhiên không bao giờ rơi xuống tầng lớp xã hội như thế, và vì thế mà họ được quyền dùng bạo lực để trấn áp tầng lớp dưới và để vuốt ve cái ảo tưởng về tầng lớp trên mà họ không bao giờ có.
Phần tiếp theo tôi sẽ cho thấy rằng nhóm người này không xứng đáng với những gì họ tưởng tượng, và ngay cả khi họ có thiện ý thật thì điều này không ngăn được việc họ vẫn có thể trở thành tội phạm như thường.


II. MỘT THẾ GIỚI MỚI KHÓ HIỂU

(với lũ ngu)


1. Ác ôn nhưng đầy thiện ý

Trong bài báo khoa học mang tên Crime as social control, Donald Black cho biết rằng chỉ 10% các vụ giết người kẻ thủ ác ra tay vì mục đích thực dụng, như để dập tắt sự chống trả hoặc để bịt miệng nạn nhân, 90% còn lại đều xuất phát từ mục đích đạo đức, như là trả đũa đối phương vì bản thân bị xúc phạm, trừng phạt người tình và kẻ thứ ba vì bản thân bị phản bội, bạo lực leo thang vì đối phương cư xử quá ngang ngược. [3] Nói tóm lại trong 90% vụ giết người này, hung thủ luôn coi mình là nạn nhân, và hành động giết người của y đơn thuần là hành động đòi lại công lí, bản thân y vừa là quan toà, vừa là luật sư, cũng vừa là đao phủ.
Hành động xấu xa đến từ thiện ý cao vời không phải điều gì xa lạ với thế giới này, đáng buồn là nó thường được bênh vực với cái tên mĩ miều Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhẹ thì ta thấy nó ở hành động biện minh cho các trò khôn lỏi hại người của Trạng Quỳnh, Xiển Bột với lí do là để bảo vệ người nghèo. Nặng thì là những lí tưởng cao thượng như Hitler diệt chủng người Do Thái để bảo vệ chủng tộc Aryan, quân đoàn Thập tự chinh lên đường chém giết người Hồi giáo để bảo vệ vùng Đất Thánh. Tất cả trường hợp này ta đều có thể chắc chắn rằng những người làm ác thật sự tin rằng họ đang làm điều tốt đẹp với một ý định lương thiện.
Nhưng nếu bên nào cũng khăng khăng rằng mình đúng trong khi vẫn chém giết nhau thì đâu là giải pháp để chấm dứt thảm hoạ này? Đó là hãy thôi nhìn vào ý định mà tập trung nhìn vào hành động. Bất cần biết ý định anh là gì, nhưng anh phải hành động theo cách bất bạo động. Áp dụng điều này ra toàn xã hội, vậy là chúng ta có một xã hội yên bình mặc dù mỗi người vẫn tự cho là mình đúng và vẫn nuôi lòng căm ghét dành cho nhau. 
Luật pháp sẽ là thứ giữ cho nền hoà bình được duy trì, và kẻ cư xử bạo lực phải bị xử lí, bất cần biết có thiện ý hay không.

Lên án càng nhiều thì hiểu biết càng ít. Ai trong chúng ta cũng có thể phạm tội và luôn có mầm mống phạm tội không ít thì nhiều, cái chúng ta cần là phải tránh những hành động bị cấm trong pháp luật, cụ thể là bạo lực. Thứ tư duy tiêu chuẩn kép tôi bạo lực được vì tôi tốt đẹp, người khác thì không vì họ xấu xa là thứ tư duy dễ dẫn đến phạm tội nhất.
Một người luôn tự cho mình là chính nghĩa và tự cho mình quyền có thể dùng bạo lực với người khác, thật sự còn nguy hiểm cho xã hội hơn những người nhất thời phạm tội mà tự biết là mình sai. Càng nguy hiểm hơn nữa nếu những người tôn sùng bạo lực giấu trong nhân cách họ những phương thức phản ứng méo mó và bất công đối với mức chuẩn chung của con người lành mạnh bình thường.
Chẳng hạn trước một vụ phát hiện ngoại tình, một công dân lành mạnh của một xã hội văn minh sẽ cho rằng dùng bạo lực là không đáng, nhưng với đám đệ tử của giáo điều bạo lực thì không những bạo lực là đáng mà sỉ nhục công khai cũng là đáng. Thứ duy nhất ngăn chặn những tội phạm tiềm năng này là pháp luật mà thôi, đạo đức và luân lí không có giá trị gì cả khi họ vốn luôn tự cho họ là đúng và việc họ làm là đáng.

2. Sự bùng nổ của các loại quyền

Một trong nhiều hành động bạo lực cổ xưa nay đã biến mất là hiến tế người. Người xưa tư duy rằng: thế giới này do một hoặc nhiều vị thần tạo nên và cai trị, dựa trên quan sát trước những chiến tranh, dịch bệnh, chết chóc trên đời, họ cho rằng thần thánh rất khát máu. Và thay vì để thần thánh lấy mạng mình một cách bị động, người xưa quyết định chủ động hiến tế một lượng nhân mạng nhất định với hi vọng thần thánh đã no máu thì tha cho những người còn sống. Mạng người thời xưa từng có công dụng như một vật thế thân cho những mạng người khác.
Tục lệ hiến tế người xuất phát từ sự mê muội, thiếu kiến thức, sợ hãi và ích kỉ của những người còn sống. Tất nhiên sau hiến tế thì không có gì được cải thiện cả, con người vẫn cứ chết vì vô vàn lí do mà người thời đó không hiểu được. Nói cách khác, người bị hiến tế đổi mạng mình lấy sự bình an trong tâm lí của người còn sống mà thôi, nó không thay đổi được thực tế là người bị bệnh mà không chữa đúng cách thì vẫn chết, người đi biển không có công nghệ tàu bè hay dự đoán thời tiết tốt thì vẫn chết.

Việc nhiều người ủng hộ dùng bạo lực với tội phạm xuất phát từ chính những động cơ của con người mê muội thời xưa.
Thứ nhất, họ sợ hãi và suy diễn vô căn cứ, họ tin rằng những tội phạm phạm lỗi nhỏ rồi kiểu gì cũng sẽ phạm lỗi lớn, đây đơn thuần là niềm tin chứ không có bất cứ nghiên cứu khoa học nào ủng họ, những gì họ dùng để ủng hộ niềm tin này đơn thuần là quan sát hạn hẹp và nhiều định kiến cá nhân. Về cơ bản không khác gì người xưa thấy nhóm người đi biển liền nghĩ kiểu gì cũng có người chết và chết do thần biển bắt đi.
Thứ hai, họ mê muội vì thiếu mọi kiến thức về tâm lí và xã hội vốn dùng để giải quyết vấn đề này. Họ tin rằng chỉ cần dùng bạo lực là đối tượng sẽ không tái phạm, dù đến tận bây giờ vẫn không có nghiên cứu khoa học nào ủng hộ tuyên bố này. Thứ họ có chỉ là niềm tin, cũng giống như niềm tin rằng hiến tế người thì sẽ bớt đi số người chết, và cũng giống nhau ở việc không thay đổi được chút nào trong thực tế: tội phạm vẫn không giảm và người chết vẫn nhiều.
Thứ ba, vì mê muội và ích kỉ nên họ độc ác. Giống như người xưa chọn ra một số nhân mạng để hiến tế nhằm tìm kiếm yên bình cho bản thân, những người này sẵn sàng “hiến tế” tội phạm để tìm kiếm yên bình là sự giảm tỉ lệ tội phạm. Nhưng tất nhiên, giảm tỉ lệ tội phạm là vấn đề phức tạp chứ không phải cứ dùng bạo lực là xong. Nếu dễ thế thì loài người đã làm từ lâu rồi.

Những người này cũng thường cười nhạo và đánh giá thấp nhân quyền, với họ dường như nhân quyền là thứ khiến xã hội này loạn thêm thay vì ổn định như bây giờ. Nhưng như tôi đã nói trong một bài viết trước rằng mọi thứ đều đi theo gói (và cái ngu cũng đi theo gói). Phi bạo lực là một gói rất lớn, nó bắt đầu từ những điều sau.
Sự biến mất của hiến tế người và suy giảm bạo lực bắt nguồn từ việc ra đời của luật pháp, giá trị của con người tăng cao, và phát triển tri thức. Nhờ tri thức, người ta biết rằng hiến tế hay săn phù thuỷ và những thứ tương tự không giúp ích gì cho người sống cả. Cạnh đó, thương mại và giao thông phát triển khiến hàng hoá lưu thông tốt hơn, con người khi sống với tư cách người tạo ra hàng hoá có giá trị hơn con người khi chết. Và luật pháp để khiến cho mọi người không được chiếm đoạt của cải bằng bạo lực, họ buộc phải tìm cách kiếm tiền để mua thay vì cướp.
Giá trị con người lên đủ cao, tất yếu sẽ ra đời nhân quyền. Khi bạo lực vắng bóng, lao động lên ngôi, nơi mà phụ nữ cũng có thể lao động với năng suất không thua đàn ông, tất yếu sẽ ra đời nữ quyền. Khi lòng đồng cảm lớn hơn, chủ nghĩa bãi nô lên ngôi. Khi ý tưởng về tình yêu tự do hơn, người đồng tính đòi quyền. Và khi tất cả cùng đồng ý rằng không sinh vật nào đáng bị kì thị chỉ vì những thứ họ không tự quyết định được như chủng tộc, giới tính, tuổi tác, địa phương, vậy thì yếu tố giống loài cũng nên được nhìn nhận tương tự, vậy là chúng ta có quyền động vật.
Giống như nhân quyền đang bị cười nhạo hôm nay, có thể nhiều người không biết rằng chủ nghĩa bãi nô cũng từng bị cười nhạo, Aristotle và Plato còn cho rằng thể chế nô lệ là cần thiết cho một xã hội văn minh. Luật bảo vệ động vật cũng từng bị cười nhạo. Năm 1821, khi đề xuất luật cấm lạm dụng ngựa trong Quốc hội Anh, các nghị sĩ đã cười ha hả và giễu cợt rằng sao không ra quyền bảo vệ cả chó mèo luôn đi. [4] Cuối cùng lịch sử đã trả lời các câu hỏi đó.
Dưới tư cách cá nhân với kiến thức và quan sát hạn chế, người ta thường dễ cười nhạo những quan điểm trái ý mình. Nhưng lịch sử thì lâu hơn và rộng hơn, chỉ cần hiểu đôi chút về lịch sử chúng ta sẽ biết những kẻ cười nhạo hôm nay sẽ trở thành thằng hề của lịch sử vào ngày mai và mãi về sau. Mọi sự đều đi theo gói, muốn cưỡng cũng không được.

3. Thiện ý càng nhiều, hại người càng lắm

Nói cho đầy đủ thì ý của tôi ở mục này là thiện ý mà không đi kèm trí tuệ thì mới gây ra hại người. Bên cạnh sáo ngữ “Phải phạt nặng vào nó mới chừa” thì còn một sáo ngữ khác với mức độ phổ biến không thua gì trong mỗi vụ án là “Đặt mình vào nạn nhân đi rồi hãy quyết định”.

Kiểu lí luận như thế này càng suy nghĩ kĩ càng thấy ngu muội và lòng vòng. Thoạt nghe thì tưởng như trung lập nhưng thực tế nó đang công khai chọn phe để đánh giá tình hình. Việc hô hào đặt mình vào nạn nhân và không đặt mình vào hung thủ, về bản chất là hô hào hãy phi nhân hoá hung thủ, do đã phi nhân hoá rồi thì kẻ đó không đáng được đồng cảm, và đặt mình vào. Chỉ khác ở chỗ là lời kêu gọi thứ hai quá cực đoan nên họ không dám làm mà thôi, điều này thể hiện sự đớn hèn và lươn lẹo.
Nhà sử học Barbara Tuchman khi viết về con người thời trung cổ có gắn họ với đặc điểm bốc đồng của trẻ con, họ thiếu khả năng kìm chế mọi xung năng của bản thân, họ cư xử như thể không cần biết đến hậu quả lâu dài. Đặc trưng của thời kì này là nền văn hoá danh dự nơi người ta sẵn sàng tham gia đấu tay đôi đến chết để bảo vệ danh dự. Tàn dư văn hoá này kéo dài đến tận thế kỉ 19 và thế giới ít nhất đã có hai nhân vật lỗi lạc phải bỏ mạng vì nó: Alexander Hamilton và Alexander Pushkin. Năm 1804, Hamilton chết vì đấu súng với một người sỉ nhục ông. Năm 1837, Pushkin cũng chết trong một cuộc đấu súng. Với chúng ta ngày nay, cái chết như vậy nếu có ở những người nổi tiếng thì đáng cười hơn là đáng kính trọng.
Tuy nhiên, tính bốc đồng trẻ con này chưa biến mất ở người Việt Nam. Trước mỗi vụ án vẫn liên tục có những lời kêu gọi trả thù và thế thiên hành đạo. Bất chấp thực tế là mọi hành động bạo lực đã từng xảy ra đều không đem lại kết quả tốt đẹp cho cả thủ phạm lẫn nạn nhân, và xã hội. Dân phòng đánh thiếu niên trong vụ vừa rồi đã phải đến tận nhà xin lỗi và bồi thường. Người đàn ông đánh học sinh bắt nạt con trai mình đã khiến công an vào cuộc. Phụ huynh bắt cô giáo quỳ xin lỗi đã bị kỉ luật khai trừ khỏi Đảng.

Cuối cùng, chúng ta đều thống nhất rằng không ai muốn mình là nạn nhân của bạo lực, nhóm đệ tử của giáo điều bạo lực chỉ có duy nhất một lí lẽ để duy trì bạo lực là tác dụng kiến tạo bình yên cho xã hội. Thế nhưng bài viết này đã xoá bỏ nốt thành trì cuối cùng của đám con nhang đệ tử ấy, vậy thì không còn lí do nào để ủng hộ bạo lực cả.
Mặt khác, hãy nhớ rằng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy bạo lực có tính lây lan [5], nên nếu vẫn không muốn bản thân là nạn nhân của bạo lực, và thậm chí có thể trở thành thủ phạm gây ra bạo lực bất cứ lúc nào, thì chúng ta chỉ có thể loại bỏ nó khỏi xã hội này như loại bỏ một thứ dịch bệnh nguy hiểm.
Những người vừa tôn sùng bạo lực, vừa muốn xã hội yên bình cũng giống những người xem đấm bốc chỉ muốn trận nào cũng có người chết, xem bóng đá chỉ muốn thấy cầu thủ gãy chân, và xem đua xe chỉ mong thấy đâm nhau. Một mặt họ chỉ muốn những thảm hoạ xảy ra cho vận động viên, mặt khác họ muốn vận động viên cứ phải mang tính mạng ra đổi lấy những thứ phi thể thao như vậy, mặt khác một mực tin rằng thứ phi thể thao này mới khiến cho thể thao phát triển.
Một thứ tư duy mâu thuẫn, lòng vòng, ngô nghê, độc ác, và hơn cả là

NGU.




[2] The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined, Steven Pinker.
[4] Animal rights as laughing matter: N. Kristof, “Humanity toward animals,” New York Times, Apr. 8, 2009.



TORNAD
5/4/2021