Series Anti Self-help "Hành trình tìm lấy bản thân"

Lời nói đầu:

Tôi cũng đã trải qua một cuộc hành trình để nhận ra được điều mình thực sự muốn làm, những điều thật sự ý nghĩa với bản thân. 
Đã đánh đổi nhiều nhưng không hối hận vì tất cả đều trở thành một bài học, một mảnh ghép quý giá trong cuộc đời. 
Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của bản thân thông qua Series này vì muốn kết nối để nghe được thêm nhiều câu chuyện của các bạn, để cải thiện thêm nhận thức lẫn tri thức của bản thân.
Hy vọng sẽ phần nào giúp các bạn tìm thấy được lựa chọn cho chính mình.
Phần Một:
Con đường tìm lấy lẽ sống


Trong chúng ta chắc cũng không ít người mãi vẫn loanh hoanh tìm kiếm hoài bão, ước mơ.
Phải đối mặt với những lựa chọn, cân nhắc, đắn đo, lo lắng về tương lai để rồi hối tiếc về những kết quả, những điều đã làm trong quá khứ.
Tan vỡ, nhặt lại, lại tan vỡ, lại nhặt lại, lại tan vỡ, hoang mang, tìm kiếm lối thoát, tuyệt vọng, đánh mất bản thân do đi quá sai với kỳ vọng bản thân đặt ra.

Có người nói chúng ta nên làm việc chúng ta thích để thoải mái, như không có việc làm

- Một người bạn của tôi đã làm một công việc mà cô ấy rất thích, đó là thiết kế đồ họa. Khi còn ở trong trường học, cô luôn đạt điểm cao trong các đồ án, nhận được những yêu cầu thiết kế từ các câu lạc bộ, hội nhóm của trường.
Cô có một kỳ vọng rất chắc chắn là bản thân sẽ tiến xa được trong công việc mình ưa thích. Song, xã hội (chí ít là những CTY đầu tiên nhận cô gái ấy) lại chứng minh điều ngược lại.
Những sản phẩm thiết kế của cô phong cách, art, nhưng quá khó sử dụng trong thương mại. Khi làm một Agency BTL thì những thiết kế càng xôi thịt, càng dễ được duyệt.
Các thiết kế của cô không được đánh giá cao và cô buộc phải điều chỉnh lại rất nhiều cho phù hợp với yêu cầu thay đổi chóng mặt của khách hàng. Công việc ngày càng tẻ nhạt, idea của bản thân không được tôn trọng và đánh giá cao ít nhất đối với cô kỳ vọng.
Cô càng ngày càng chán làm công việc thiết kế. Cô lại suy nghĩ rằng có thể công việc này không dành cho mình. Lại phải tìm lấy một đam mê, hoài bão khác để theo.

Có người lại khuyên chúng ta nên làm những công việc mà mình giỏi

-  Tôi cũng có một người bạn học cùng khóa đã đi du học qua Anh. Bạn ấy học rất giỏi nhưng học xong 2 năm liên kết thì quyết định chuyển tiếp qua Úc để học lên Master.
Học xong master lại được đà, học lên Doctoral Degree (Tiến sĩ). Mọi chuyện tưởng như rất tươi sáng nhưng giữ năm 2020, khi Covid bao trùm cả thế giới, lẫn đất nước Úc, cậu ấy lại gọi về tâm sự với tôi.
Cậu đang làm đề tài luận Tiến sĩ nhưng cảm thấy bản thân ngày càng mơ hồ về tương lai. Cảm thấy quyết định học càng cao càng thấy mất kết nối với xã hội, những thứ cậu ta nghiên cứu rất hàn lâm và có thể không thật sự thay đổi gì cho xã hội cả.
Lương nghiên cứu thì cao đấy vẫn có nhưng cảm giác không tạo ra được điều gì ý nghĩa đó thật trống rỗng. Chẳng lẽ giờ bỏ nghiên cứu đi ra làm cho doanh nghiệp cũng khó. Bằng cấp cao mọi người thường nghĩ xã hội sẽ trọng dụng hơn ư ? Thực tế cho thấy là ngược lại.
Với những người bằng cấp càng cao, doanh nghiệp ở những nước phát triển bắt buộc phải trả lương cao hơn những người chỉ tốt nghiệp đại học một bậc do pháp luật quy định. Dù khả năng làm việc hai người cũng không khác gì nhau nhưng phải bỏ ra số tiền cao hơn nhiều để thuê một tiến sĩ vào doanh nghiệp mình làm.
Thêm nữa là tiến sĩ thì họ khó thay đổi quan điểm vì họ rất tự tin về lượng tri thức họ có được nên doanh nghiệp lại càng khó sử dụng những nhân lực đó. Trừ khi bắt buộc ngành nghề đó cần phải có Master, Tiến sĩ, họ sẽ lựa chọn một người tốt nghiệp đại học, trường nghề, có khả năng làm việc sát thực tế và lương thấp hơn để làm công việc đó.

Có người lại khuyên chúng ta nên làm những công việc mà đem lại nguồn thu nhập cao

- Cái này thì tôi không nói ví dụ gì xa xôi. Những người làm giàu nhờ đầu tư chứng khoán, Forex, trading sẽ hiểu rõ nhất cách vận hành của đồng tiền.
Đây là cách kiếm tiền có thể nói là lý tưởng nhất vì dựa vào lượng kiến thức và số vốn có được, họ có thể kiếm được thu nhập cao hơn hết tất cả những ngành nghề khác mà phải làm lụng vất vả để tạo ra giá trị.
Tôi nghĩ những ngành đầu tư góp phần luân chuyển đồng tiền, góp một phần rất lớn tạo ra giá trị cho xã hội nhưng thực tế thì nhiều người dễ hiểu nhầm những term đầu cơ thành đầu tư.
Những cuộc chơi đầu tư lướt sóng Forex, tiền ảo, mua nhà đất, đến những hình thức đầu cơ những nhu yếu phẩm mùa Covid nhằm kiếm lợi từ sự khan hiếm mà không thực sự tạo ra giá trị.
Tôi tin chắc là đã thành công trong lĩnh vực này, khó có ai trở về lao động chân tay hoặc sản xuất tạo ra giá trị nữa. Tôi có một vài người bạn giàu lên nhanh chóng nhờ bitcoin, họ bị shock tiền và tiêu xài hoang phí một thời gian rồi khi lấy lại cân bằng, lại dấn thân tiếp vào đầu cơ chuyên nghiệp.
Đúng là cuộc chơi không hồi kết. Ngày cuối cùng khi nói chuyện với người ấy, tôi thấy thật sự họ không còn coi trọng cái gì khác ngoài tiền, và đánh giá mọi thứ xung quanh chỉ bằng con số. Sự giàu lên bằng cách này khiến nhân cách họ thay đổi, biến chất và lòng tự cao vô cực.
Đúng là họ giỏi kiếm tiền thật, nhưng họ khó có thể giải thích được việc đó có ích thế nào cho xã hội. Không ai sẽ ca tụng họ vì họ kiếm được tiền nhiều như thế nào, xung quanh chỉ nhìn họ bằng ánh mắt ganh tỵ. Khó trách họ nhìn mọi thứ đều hoạt động bằng tiền.

Có người nói chúng ta nên làm việc mà xã hội cần

- Nói không xa, người giáo viên là một nghề thiêng liêng, cao cả mà bất cứ xã hội nào cũng cần thiết hơn tất cả. Tuy nhiên, để sống được với nghề, phải có thu nhập thêm ở ngoài, phải mở lớp tăng cường, dạy thêm
để có thể nuôi sống được bản thân chứ chưa nói để nuôi được gia đình. Không chỉ là một nghề như bao nghề khác, nghề giáo còn gắn bó mật thiết với xã hội và rất nhiều áp lực đặt nặng trên vai các giáo viên thời nay.
Tôi còn nhớ cấp 2 trường tôi có cô giáo dạy môn Hóa rất là dữ, mang nick name axit. Cô có thể mắng cho một đứa học sinh cá biệt phải bật khóc, các phụ huynh thời đó rất nể cô và luôn kỳ vọng cô giáo hãy nghiêm khắc hơn với con cái mình.
Thế như khi quay về trường cũ thăm, tôi mới nhận cô đã bị đình chỉ dạy vì có một vụ bê bối nào đó liên quan đến việc cô khẻ tay một cô bé mà phụ huynh cũng làm chức gì đó lớn trong Ủy ban.
Mạng xã hội cũng hay đăng tin các giáo viên đánh mắng học sinh, và học sinh nay lại được mang điện thoại lên lớp khiến các giáo viên có một áp lực lớn khi giảng dạy.
Giáo dục ngày nay đúng là tiến bộ hơn xưa, không có bạo lực, không có roi vọt, không có những hình phạt để răn đe trẻ nhỏ nhiều mà phải thương yêu, chiều chuộng.
Việc dạy đúng, dạy hay cũng không được công nhận nếu học sinh không có thành tích, nhưng chị một vi phạm, một sai sót thôi cũng sẽ bị chỉ trích nặng nề từ nhà trường, phụ huynh, thậm chí cả cộng đồng mạng.

- Theo như triết lý Ikigai của người Nhật, phải hội đủ 4 yếu tố trên mới là lý tưởng của cuộc sống. Vậy có bao ngành nghề sẽ thỏa được lý tưởng này ?
Chúng ta chỉ biết cái lý thuyết đó nó có tồn tại, và đúng là có cả 4 thì hạnh phúc viên mãn, coi như đã tìm được giá trị tồn tại của bản thân trong xã hội này nhưng nó là cái gì thì chúng ta không cần suy ngẩm nhiều để nhận ra.

KHÔNG CÓ CÔNG VIỆC NÀO BẠN ĐANG HOẶC CÓ THỂ LÀM TỒN TẠI ĐƯỢC CẢ 4 TIÊU CHÍ CẢ.

Chúng ta có quá tham lam khi cho rằng sẽ có đâu đó có một cái sứ mệnh mà mình bắt buộc phải làm, phải đi tìm cho bằng được bất chấp đánh đổi mọi thứ để có ?
- Những đam mê không hồi kết
- Những bài học, tri thức vĩ đại
- Tự do tài chính, giàu có để có một cuộc sống xa xỉ
- Cống hiến to lớn cho xã hội, được ghi danh sử sách

Gom lại hết và cho hãy cho tôi biết, đó là công việc nào, liệu có chỗ cho tôi không ?

Phần 2, tôi sẽ chia sẻ về trải nghiệm, và lựa chọn của bản thân.