Nguồn: Unsplash
1. Nếu dùng một tính từ để miêu tả về mẹ, chắc chắn mình sẽ chọn từ "Ngầu".
Cuộc đời mình từng có may mắn gặp rất nhiều người phụ nữ ngầu, nhưng quả thực, mẹ vẫn luôn là người ngầu nhất. Đối với mình, ngầu sẽ có hai kiểu: 1 là trời sinh nội tâm mạnh mẽ và 2 là do dòng đời xô đẩy bắt mình phải ngầu mới sống được. 90% người phụ nữ ngầu mình gặp thuộc kiểu số 1, còn mẹ mình thuộc 10% còn lại là kiểu số hai.
Mà mẹ, đúng là rất ngầu. Thời thiếu nữ, mẹ như bao cô gái thưở ấy thích mơ mộng, thích phim ảnh thơ ca nước Nga. Năm 22 tuổi, mẹ rời Việt Nam để xuất khẩu lao động Liên Xô cho thoả mãn sự đam mê mộng mơ với Puskin và Đông êm đềm. Xô Viết tan rã thành từng mảnh nhỏ, mẹ quay trở về kịp tìm cho mình một tấm chân tình. Vậy là kết hôn, rồi sinh ra một trai một gái. Chuyện tưởng đẹp mãi vậy, nhưng rốt cuộc đời giỏi nhất là tát sml con nhà người ta. Năm 12 tuổi, một ngày mưa tầm tã mình đến toà chứng kiến bố mẹ li hôn, kết thúc những tháng ngày nội ngoại vật vã lẫn nhau. Tuy tuổi còn nhỏ, mình thật sự đã thở phào nhẹ nhõm lúc thủ tục li hôn hoàn tất đúng kiểu tạ ơn giời quan toà đây rồi. Thật sự, cái cảm giác mãn nguyện của đứa con nít ngày ấy sánh ngang với cảm giác được uống một ly Black Russian pha đúng điệu của mình bây giờ.
Mình cũng không rõ mình thấy mẹ mình ngầu từ lúc nào, bởi cuộc đời mẹ thực sự có nhiều khoảnh khắc ngầu vô đối. Có thể là khoảnh khắc mẹ quyết tâm li hôn, dù thời điểm đó li hôn là một tội ác tày đình ở thành phố nhỏ mình sống. Có thể là khi mẹ cầm tay mình run run, ánh mắt vẫn kiên định nói với mình rằng: dù toà có xử thế nào, con vẫn sẽ về ở với mẹ. Có thể là khi chứng kiến mẹ - một phụ nữ nội trợ toàn thời gian ở nhà, phải tự mần mò học cách gõ bàn phím, sử dụng Words soạn thảo văn bản, học hàm Excel làm báo cáo, sắp xếp tài liệu viết báo cáo thâu đêm suốt sáng ở công ty, mẹ vẫn sẵn sàng dậy sớm giúp mình trang điểm, búi mái tóc dày nặng trịch của mình thật gọn gàng để mình đi múa ở trường.  Có thể là khi tim em trai mình đã ngừng đập lâm sàng, và trong giây phút mọi người muốn bỏ cuộc, mẹ đã bình tĩnh yêu cầu bác sĩ tiếp tục hồi sức bởi mẹ tin con trai mình sẽ tiếp tục sống. 
Cơ mà, giây phút mình thấy mẹ ngầu thật sự là khi mẹ tâm sự với mình rằng thật ra rất nhiều đêm cả nhà đang ngủ say, mẹ lẻn ra cầu, mang theo rất nhiều bia để vừa uống vừa khóc. Sau này có thêm bạn bè, mẹ cũng chỉ chọn lúc cả nhà đã đi làm đi học, rồi đủ hội bạn thân đến nhậu để được... khóc và tâm sự tỉ tê. Mẹ cần khóc, bởi mẹ muốn giải toả sự buồn bã mỏi mệt cho xong, đặng hôm sau có thêm sức lực cố gắng tiếp vì con cái. Nhưng mẹ lại không muốn để người thân hay chị em mình thấy sự yếu đuối ấy. Bởi mẹ biết người thân đã đủ khổ sở với đống hỗn loạn này, còn bọn mình chỉ còn mẹ làm chỗ dựa, mẹ không muốn để bọn mình hoang mang. 
Nghe mẹ kể xong, mình cứ gọi là há hốc mồm. Mặc dù thời điểm đó sống chung với mẹ, mình chẳng thể phát hiện ra mẹ đã có rất nhiều đêm say khi sáng nào cũng thấy mẹ chỉn chu, make up phấn son, chuẩn bị đồ ăn sáng rồi đưa mình đưa em đi học, có giống người mới uống hết hai chai vang, khóc vật vã vì buồn bã cho một tấm thân chịu cảnh không chồng một nách hai con đâu nhỉ. Mình thắc mắc chuyện này với mẹ, thì mẹ chỉ nhún vai đó là cả một quá trình rèn luyện bản lĩnh chứ đùa à. Thời buổi nhiễu nhương, chìa lưng ra cho người khác xem tức là đang tự đâm mình phía trước. Vậy nên càng để biết người ít càng tốt, nhiều người biết chẳng để làm gì. Và trong quá trình ấy, tự mình sẽ rèn luyện được bản lĩnh. Con người ta khác nhau ở cái bản lĩnh. Nếu mình đủ bản lĩnh, thì mình sẽ chẳng sợ gì hết. Và khi sống đúng với bản lĩnh, xung quanh mình cũng sẽ toàn những người bản lĩnh như mình. Như vậy có phải đời đẹp hơn bao nhiêu không?

Bài học đầu tiên mà mẹ đã dạy cho mình là: làm người, hãy sống có bản lĩnh (và ngầu). Thi thoảng có lúc không thể mạnh mẽ được thì cứ yếu đuối, miễn là yếu đuối đúng người đúng nơi. 


Đọc thêm:

2. Ngược lại với mẹ biết uống rượu bia khá muộn (lần đầu mẹ mình nhậu là năm 22 tuổi), thì mình được tiếp xúc với bia rượu khá sớm, từ lúc mình 5 tuổi. 
Nguồn: Unsplash
Hồi đó, ông mình có thói quen chiều nào cũng phải uống một vại bia cỏ nên hay đưa tiền cho mình để đi mua hộ ông. Mình nhớ mãi lần đầu tiên bị hấp dẫn bởi mùi thơm của men bia và lớp bọt mịn trắng phau man mát lúc chiếc ca được rót đầy. Cái cảm giác ấy khiến mình bị thôi thúc nếm thử một ngụm bia và... thấy bia ngon thật sự. Thế là hôm nào mua bia mình cũng len lén uống mấy ngụm không để ông biết. Cho đến khi mẹ mình bắt gặp mình đang uống bia đầy say mê :)) Mình cứ nghĩ sẽ bị mẹ mắng cơ, nhưng rốt cuộc mẹ chẳng nói gì. Ngay chiều hôm đấy, mẹ bảo với ông rót cho mình ra một cái cốc nhỏ để mình ngồi chễm chệ trên bàn... uống cùng ông.
Sau này vào Sài Gòn, mình không mất nhiều thời gian để làm quen với văn hoá nhậu và thậm chí được các anh em bạn bè khá quý mến vì cái sự nhậu có văn hoá của mình. Phần lớn kết quả này là nhờ có mẹ. Suốt những năm cấp 2 và cấp 3, mỗi lần đi chơi được mời mọc bia rượu, mẹ liền đẩy thẳng sang cho mình uống hộ luôn không chần chừ, còn bonus thêm cho mọi người rằng: nó uống được đấy, các chú cứ uống với nó đi. Các dịp tụ tập anh em họ hàng, ăn uống họp mặt lớp cấp 2 cấp 3, mẹ cũng chẳng nhắc nhở chuyện mình uống mà chỉ bảo rằng nếu về muộn thì nhớ nhắn tin trước để mẹ khỏi chờ cửa. Vì đi học đi làm xa nhà, một năm mình chỉ về dịp Tết, và lần nào về nhà mình luôn thấy một thùng bia lẫn kha khá rượu ngâm chờ sẵn dành riêng cho mình.  Nhà này có thể thiếu thức ăn chứ bia rượu thì không bao giờ được thiếu, mẹ tuyên bố xanh rờn khi có ai thắc mắc về quầy bia rượu lúc nào cũng đầy ăm ắp của mẹ. Giờ ngẫm lại, dù thời ấy học hành đểu giả, vừa xấu vừa béo vừa khó ở,  bạn bè mình lúc nào cũng phải ngưỡng mộ mình, bởi gia đình mình nhiều trai xinh gái đẹp quá, và nhất là ai cũng phải ao ước có một người mẹ bá đạo như mình. 
Có rất nhiều người hỏi mẹ bí quyết dạy con và tất cả đều ngạc nhiên vì mẹ mình khá thoải mái trong vấn đề bia rượu. Mẹ mình bảo: đằng nào cũng không cấm được, càng cấm chúng nó càng thích phá, nên khỏi cấm để chúng nó khỏi phá. Hơn nữa xã hội này phức tạp, kiểu gì cái văn hoá bữa nhậu là đầu câu chuyện cũng chưa bỏ được, vậy thì tập cho chúng nó quen dần với điều đó đi còn biết đường tự bảo vệ mình. Sau này, khi đã lăn lộn trong môi trường làm việc ở Việt Nam lẫn nước ngoài, mình cũng chứng kiến nhiều bạn trẻ uống say, không có các biện pháp tự bảo vệ mình hay không có người giúp đỡ. Rất nhiều lần, mình đã giúp đỡ được các bạn gái lẫn tự bảo vệ mình khi có biến. Lúc đó mình mới nhận ra mẹ đã chuẩn bị tốt cho mình thế nào trên chiến trường xã hội để cứu nguy cho người khác cũng như giữ sự an toàn cho bản thân. 

Bài học số hai mẹ dạy cho mình là: cấm cản không phải là phương án tốt nhất. Thay vào đó, hãy chuẩn bị cho mình đủ năng lực để tự lường trước và bảo vệ bản thân trước mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.


Đọc thêm:

3. Mặc dù là một người sống rất có văn hoá, cái này thì từ cổ chí kim mình chưa thấy ai có thể dám phủ nhận. Nhưng tất nhiên như bao người khác, có ít nhất vài lần trong đời, mẹ lại nhậu không có văn hoá lắm. 
Lần ấn tượng nhất mà mình còn nhớ là một bữa ăn gia đình cuối năm, mọi người đã thử loại rượu vang mới và mẹ cũng đã uống nhiều hơn mấy ly (vì rượu ngon). Lúc đó, mẹ vẫn lái ô tô chở hai chị em mình về dù lúc này đã khá say rồi. Và đoạn đường về khi đó, mẹ đã cho mình lẫn em trai một quả drift kinh điển nhất trong những quả drift kinh điển nhất trong cuộc đời mình. Để diễn tả về cú drift đó thì mình lẫn em trai đã mất một khoảng thời gian để thực sự ngồi thoải mái ở ghế sau của xe ô tô, dù trước đó đã từng kinh qua khá nhiều tay đam mê tốc độ. Sáng hôm sau khi ngồi ăn, mình đã ý nhị hỏi mẹ rằng: liệu mẹ có thể đừng lái xe nếu đã say, hoặc chí ít lúc đó không có em mình ngồi phía sau mẹ không?
Mẹ, dù chẳng có kí ức gì về cú drift lịch sử ấy, liền trầm ngâm mất một lúc lâu. Mãi đến về sau, mẹ chỉ nói đúng một câu. Ừ, mẹ hứa.
Và đó cũng là lần cuối cùng, mình thấy mẹ chở bọn mình về sau khi uống. Thậm chí sau này dù còn vài lần lỡ tay lỡ chân khác (rất rất ít), thì mẹ vẫn giữ lời hứa không chở bất kì ai lúc đã uống rượu bia. 10 năm sau, mẹ vẫn giữ nguyên lời hứa của mình, trước khi chính thức chấm dứt câu chuyện lái xe lúc uống bia rượu bằng cách... chuyển giao trọng trách uống đó cho mình. Nhờ mẹ, mình rèn được thói quen hứa ít, nhưng chất lượng. Một khi đã hứa thì mình cũng phải tìm cách thực hiện lời hứa đó. 

Bài học thứ 3 mẹ dạy mình: Hãy giữ lời hứa, và giữ cho đến khi nào mình còn có thể. Đã uống bia rượu thì không lái xe. 

Nguồn: Unsplash

4. Một trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời mình là giây phút nhận ra mình hoàn toàn không phù hợp với cuộc sống ở nước Nga. 
Từ bé, mình đã nghe mẹ kể về nước Nga với niềm yêu thương trìu mến, ngắm nhìn những bức ảnh thời thanh xuân của mẹ, chơi với lật đật hay búp bê Matroska. Vậy nên thời khắc đặt chân đến Nga, mình đã mang niềm hào hức, tò mò, say mê, lẫn sự gửi gắm và trông đợi của mẹ. Nhưng sự thật thì lúc nào cũng phũ phàng. Ngay từ những ngày đầu tiên, mình nhận ra mình không thuộc về nơi này. Con người có thể rất tốt, văn hóa có thể rất phong phú, chỉ là nó không-phải-nơi-mình-muốn-gắn-bó. Học hành, tình cảm, bạn bè, khiến mình hoang mang và lạc lối. Từ một đứa làm ra tiền, mình phải ngửa tay xin tiền gia đình, sống cuộc sống mà thời điểm đó với mình là chán ngắt. Mình đâm ra ghét lây tất cả những gì thuộc về đất nước Nga: mình thấy đau đầu mỗi khi phải nghe thấy tiếng Nga uốn lưỡi nhanh như gió, giáo trình chán ngắt về kinh tế từ mấy chục năm về trước, những lần làm giấy tờ vật vã dưới thời tiết -30 độ, cả đoạn ngày tháng phải lết vào viện mà không dám khóc trước mặt bác sĩ, y tá, vân vân và mây mây. 
Nguồn: Unsplash
Nhậu là những gì khi đó mình làm để trốn tránh sự chán ghét tốt độ chính bản thân bệ rạc của mình. Có những ngày mình uống triền miên từ sáng tới tối mịt, chỉ ra đường lúc gần hết bia hay rượu trong tủ, chỉ để quên đi sự thật mình vẫn đang còn tồn tại ở đất nước này. Càng uống, mình lại càng mệt mỏi, càng dằn vặt giữa điều mình thật sự muốn làm lẫn nỗi sợ phải phụ sự kì vọng của gia đình và mẹ. Hình như cho đến khi thân thể lẫn tinh thần kiệt quệ, thì nỗi đau tinh thần cứ khiến chúng ta phải tự phá bỏ những giới hạn của chính mình. Một ngày nọ, tỉnh dậy sau khi đã uống tới lon nbia thứ 90 cùng mấy người bạn trong buổi party, mình nhìn lên trần nhà rồi gọi cho mẹ, chỉ để thông báo một câu rằng mẹ ơi con mệt mỏi quá con không cố được nữa con phải làm gì bây giờ? 
Mình cứ nghĩ mẹ sẽ trách mắng mình, khuyên nhủ mình hãy nghĩ đến số tiền đã bỏ ra cho mấy năm học, và chỉ còn một chút nữa thôi sẽ cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Nhưng không, mẹ chỉ bảo: Vậy quay về đi con. Nhà vẫn đang chờ con trở về. 
Suốt 1/3 đường đời, mình vẫn luôn là một đứa cứng đầu, thích gì làm nấy và cho rằng mình chỉ có bản thân trên cuộc đời này. Mình không tin vào hai chữ gia đình, bởi cả quãng thời gian lớn lên, gia đình với mình là một định nghĩa không hề xuất hiện. Nhưng đến tận giây phút ấy, mình mới nhận ra rằng dù có chuyện gì xảy ra thì mình vẫn còn mẹ, vẫn còn nhà để về mà không cần phải sợ hãi. Và dòng tattoo mà một ngày đẹp trời mình đi xăm trên ngực ở một khu phố nhỏ trong lòng thành phố Moscow, có thể rất đau, máu thấm ướt áo mình, sẽ vẫn mãi là thứ khắc ghi duy nhất trên tim mình, cho dù thế gian này có sụp đổ, loài người có quay lưng, cuộc đời có đầy rẫy sự xấu xa thế nào đi chăng nữa. 

Bài học thứ 4 mẹ dạy mình: Dù cho chuyện gì xảy ra, gia đình sẽ không bao giờ từ bỏ mình. 


5. Mặc dù ngầu và dũng cảm vô đối, nhiều khi mẹ cũng làm mình sốc vì sự mong manh dễ vỡ của mẹ.
Giống như một người từng bảo: Có những người phụ nữ giống như cây xương rồng, cuộc đời bắt họ phải mọc gai, mà thực ra bên trong chứa rất nhiều nước. Mẹ mình có thể rất nghiêm túc với người ngoài, nghiêm khắc với con cái, nhưng khi cần thì cũng... rất dễ tủi thân. Chắc vì chịu nhiều thiệt thòi từ hồi trẻ đến mãi sau này, nên mẹ rất hay suy nghĩ nhiều nêú có người vô tâm với mình. Mà mình thì vốn là một đứa lạnh lùng trong việc thể hiện tình cảm chính hiệu. Là con gái, thì cũng nên năng gọi điện hỏi han tâm tình với mẹ, quan tâm mẹ lúc trái gió trở trời. Nhưng cuộc sống độc lập lẫn tính cách hơi hâm đơ khiến mình vừa nói ghét nói chuyện điện thoại lẫn ghét tâm tình, ai cần thì bảo không bảo thì mình cũng tự thân vận động hề hấn gì đâu. Ngày đó, mối quan hệ của hai mẹ con bi đát và bế tắc thật sự. Đến mức độ mình cứ nghĩ cả đời này chắc mọi chuyện vẫn sẽ chỉ thế này thôi. 
Ấy thế mà đến một ngày nọ đang đi chơi, mình rủ mẹ... đi nhậu. Đúng nghĩa đi nhậu thật, ở một quán bia trên phố Tạ Hiện đàng hoàng. Ban đầu mình chỉ tính nói cho vui miệng thôi, ai dè mẹ cũng đi thật. Và chắc đó là bữa nhậu đầu tiên trong đời chỉ có mẹ và mình. Nhờ bữa nhậu đó mình phát hiện ra khi uống nhiều mẹ cũng đáng yêu ra phết. Mẹ như một thiếu nữ nhìn đời màu hồng qua lăng kính bia, cũng thích chụp ảnh check in bàn nhậu như ai, khả năng uống siêu nặng miễn bia đó ngọt và có vị trái cây là được. Và lần đầu tiên trong đời, mình được nghe mẹ tâm sự rồi đỏ mặt vì chuyện... yêu đương (!!!) - những điều mà chắc là lần đầu tiên trong đời mình được nghe nhờ đồ uống có cồn. Cũng chẳng biết có phải từ đó hay không mà sau này mối quan hệ giữa hai mẹ con đã hiền hoà đi đáng kể. Mình và mẹ cùng học cách bộc bạch với nhau nhiều hơn để cả hai cùng hiểu thêm suy nghĩ của nhau. Sau này, chính mình là người duy nhất trong gia đình ủng hộ mẹ nghỉ việc sớm, cũng chính mẹ là người ủng hộ mình chuyển sang một ngành học đại học hoàn toàn mới và ước mơ du học thạc sỹ của mình - điều mà chỉ khi thật sự tin tưởng nhau hoàn toàn, bạn mới có thể trở thành điểm tựa vững chắc của nhau.  

Vậy nên, bài học số năm mẹ dạy mình: Phía trên bàn nhậu của phụ nữ là rất nhiều câu chuyện. Quan trọng mình phải đủ kiên nhẫn để lắng nghe họ. Và khi đã lắng nghe được, bạn sẽ thấy tất cả những người phụ nữ trên đời này đều đáng yêu.

Nguồn: Unsplash
Còn rất nhiều baì học nữa mẹ dạy cho mình, dù trên bàn nhậu hay dưới bàn nhậu. Phía trên bàn nhậu của các cô gái thường rất nhiều câu chuyện, vui có, buồn có, quan trọng rằng sau những câu chuyện ấy chúng ta, các cô gái lẫn chàng trai, đều có bài học gì cho mình. Mình hay bảo, cuộc đời thú vị ở chỗ nó sẽ bắt ta phải học hết lần này đến lần khác cùng một sai lầm cho tới khi ta thật sự rút ra được bài học để lần tới không phạm phải sai lầm đó nữa. Vậy nên, mình thật sự may mắn có mẹ - người mẹ, người cha, người thầy - đồng hành trên con đường này, dẫu có sai nhiều hơn đúng. Nhờ có mẹ, những câu chuyện này mới có thể được kể cho đến ngày hôm nay.
Và nhân tiện thì sau nhiều pha sóng gió muốn đau tim tan cửa nát nhà, thật cảm ơn mẹ vì vẫn luôn mạnh mẽ như thế. Nhờ sự mạnh mẽ ấy, con mới là con của bây giờ :)))