Đúng, sai, và tư cách nạn nhân trong chuyện trầm cảm
Tối 01/04, khi phát phóng sự về nạn tự tử ở trẻ vị thành niên Việt Nam, Thời sự VTV đã khuyên bảo các thanh thiếu niên trầm cảm hãy...
Tối 01/04, khi phát phóng sự về nạn tự tử ở trẻ vị thành niên Việt Nam, Thời sự VTV đã khuyên bảo các thanh thiếu niên trầm cảm hãy sống có ích, đừng tự tử, kẻo thành gánh nặng tinh thần cho gia đình và xã hội. Góc nhìn của VTV thực ra khá “chính thống” và phổ biến ở Việt Nam: bố mẹ tôi cũng thường đưa ra lời bình phẩm tương tự mỗi khi một vụ thanh thiếu niên tự tử xuất hiện trên truyền hình hoặc báo chí. Ở chiều ngược lại, nhiều bạn trên Facebook của tôi cho rằng đây là một góc nhìn sai: đúng ra cần xem người trầm cảm như những bệnh nhân cần chăm sóc, thay vì như những tội đồ của gia đình và xã hội. Không thể bắt người ốm phải hành xử bình thường vì người khỏe vẫn hành xử bình thường, và không thể áp cái trách nhiệm “sống có ích” cho những người không muốn sống.
Tất nhiên, cuộc tranh luận đúng-sai này không tự dưng tồn tại. Nhiều tổ chức phi chính phủ đang tích cực thực hiện các dự án để thay đổi nhận thức của công chúng Việt Nam, và dự án Đường dây nóng Ngày mai của anh Đặng Hoàng Giang đã hoạt động khá hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức của người trẻ về hiện tượng trầm cảm. Khác biệt giữa nhận thức cũ của xã hội Việt Nam (mà VTV đang duy trì) và nhận thức mới du nhập từ phương Tây (mà các NGO đang truyền bá) đã tạo nên cuộc tranh luận đúng-sai này.
Đọc thêm:
Tuy nhiên, là một người ít nhiều có kinh nghiệm thực hành trầm cảm, tôi không hào hứng chia sẻ cả cái “đúng” của bố mẹ tôi lẫn cái “đúng” của các bạn tôi trên Facebook. Dù việc xem trầm cảm là một căn bệnh sẽ khiến xã hội hành xử lịch sự hơn với tôi, bản thân quan niệm này có thể không nhân văn như chúng ta tưởng. Nếu VTV xem người trầm cảm như kẻ sai biệt về mặt đạo đức với số đông trong xã hội, thì một bác sĩ tâm thần sẽ xem người trầm cảm như kẻ sai biệt về mặt sinh lý hoặc tâm lý so với số đông. Trong cả hai trường hợp, số đông trong xã hội là đúng, cá nhân người trầm cảm là sai, cá nhân phải sửa mình cho giống số đông, và sự hòa nhập của cá nhân trong số đông chính là cái đúng cần đạt được. Mỉa mai thay, trong hầu hết các trường hợp, chính cái đúng này, chính cái áp lực phải hòa nhập vào số đông, đã khiến cá nhân phát sinh bệnh trầm cảm.
Từ góc nhìn của nhà phân tâm học Otto Rank, sự chán sống của người trầm cảm xuất phát từ việc họ nhận thức rằng có một khoảng cách, hoặc một sai biệt đáng kể, giữa một bên là cách sống hiện nay của họ, còn bên kia là bản năng sinh sản “tự nhiên” của giống loài hoặc đời sống “tự nhiên” của xã hội. Dù người ta rơi vào trầm cảm vì áp lực từ công việc, từ sự đổ vỡ tình cảm, hay từ cảm giác tội lỗi sau một sai lầm của cá nhân, thì trầm cảm vẫn phát sinh vì họ nhận thức rằng mình không thể thích nghi với các yếu tố bên ngoài (như cơ quan, mối quan hệ, và luân lý). Ham muốn sống của họ suy giảm vì đời sống bên ngoài (của giống loài và xã hội) gây một sức ép, hoặc đặt một món nợ quá lớn, lên đời sống bên trong của cá nhân. Như vậy, trầm cảm có bản chất là một sự sai biệt giữa đời sống của cá nhân và đời sống của tập thể.
Đọc thêm:
Từ góc nhìn của tôi, sự sai biệt này có thể được diễn giải thành một vấn đề đạo đức, hay thành một bệnh thần kinh, là tùy vào bối cảnh văn hóa của từng xã hội. Nó được diễn giải thành một vấn đề đạo đức trong một xã hội đặt tập thể cao hơn cá nhân – nơi sự sống của cá nhân là một món nợ mà y phải trả cha mẹ, đất nước, hoặc chính cái xã hội được mã hóa thành Chúa. Nó được diễn giải thành một bệnh thần kinh trong một xã hội tuyên bố đặt cá nhân cao hơn tập thể – nơi sự sống của cá nhân là một sản phẩm mà y phải vào thị trường y tế để bỏ tiền ra mua. Trong trường hợp thứ nhất, cá nhân mang nợ gia đình, xã hội hoặc quốc gia, còn trong trường hợp thứ hai, y mang nợ thị trường hoặc cái nhà nước cung cấp dịch vụ y tế công cộng. Trong cả hai trường hợp, cá nhân buộc phải “sống có ích” cho một định chế nào đó; và sự sống của cá nhân là một tài nguyên có thể được định giá, một tài nguyên mà tập thể rồi sẽ đòi: một tài nguyên thuộc về tập thể. Dù câu truyện về một người trầm cảm kết thúc có hậu hay không có hậu, thì nguyên nhân và kết cục của nó cũng trùng nhau, và nằm gọn trong một thực tế khó bác bỏ: cá nhân mang nợ tập thể về sự sống của nó.
Tóm lại, dù ta coi người trầm cảm như một tội đồ chưa làm tròn nghĩa vụ phụng dưỡng gia đình hay như một bệnh nhân chưa nhận đủ sự phụng dưỡng của xã hội, thì những đường nét chính của bức tranh cũng không thay đổi. Trong cả hai trường hợp, đời sống của người trầm cảm bị xem là phản “tự nhiên”, thiếu thích nghi với tập thể, và ham muốn sống của anh ta suy giảm vì điều đó. Nếu người trẩm cảm tự sát, anh ta xong chuyện và tập thể buồn rầu vì thua lỗ; nếu người trầm cảm không tự sát, anh ta buồn rầu vì phải tiếp tục trả nợ tập thể trong tương lai. Việc tự tử, việc trả nợ, việc xem người trầm cảm như tội đồ và việc xem người trầm cảm như bệnh nhân vốn không tự nó là đúng hoặc sai; đúng sai tùy vào việc người quan sát là ai, thuộc vùng văn hóa nào, và có lợi ích gì trong câu truyện này. Trọng tâm cần thảo luận không phải là ai đúng ai sai; trọng tâm cần thảo luận là có bao nhiêu giải pháp song song để đời sống bên trong của cá nhân hòa nhịp với đời sống bên ngoài, và đâu là cái được-mất, cùng khoảng tự do còn sót lại của cá nhân, trong từng giải pháp đó.
Đọc thêm:
Về việc này, tôi chỉ muốn nói rằng trong chính cái khoảnh khắc mà người trầm cảm tự coi mình là tội đồ cần chuộc tội, bệnh nhân cần chữa lành, hay nạn nhân cần cứu trợ; anh ta đã thụ động chấp nhận cái chuẩn “bình thường” của ngoại cảnh, và đánh mất một phần chủ quyền quan trọng trong đời sống tinh thần của anh ta. Nếu cần hòa nhịp với ngoại cảnh, anh ta nên thụ động chấp nhận mọi nhịp điệu mà ngoại cảnh áp đặt, hay nên dẫn dắt ngoại cảnh vào một nhịp điệu phù hợp nhất với mình? Đây là câu hỏi mà mọi người trầm cảm cần đặt ra khi chơi màn ứng tấu của đời mình; và cũng là lý do khiến tôi không muốn chấp nhận cái tư cách bệnh nhân, hoặc nạn nhân, mà quan niệm mới du nhập đang áp lên người trầm cảm.
(Bài viết này chỉ chia sẻ quan điểm về cách thức mà bối cảnh văn hóa chi phối cuộc thảo luận về hiện tượng trầm cảm. Nó không nhằm đưa ra kiến thức được công nhận rộng rãi về hiện tượng trầm cảm, hay giải pháp cho hiện tượng trầm cảm – những vấn đề mà tôi không đủ tư cách và kiến thức chuyên môn để thảo luận.)
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất