Không ngoa khi nói rằng Vũ Bằng (1913 – 1984) là nhà văn có số phận cuộc đời éo le nhất trong các nhà văn Việt Nam hiện đại. Hơn 30 năm sống trong Sài Gòn, dưới vỏ bọc một nhà văn “quay lưng lại với cách mạng” để hoạt động trong mạng lưới tình báo, Vũ Bằng đã phải chịu nhiều điều tiếng và sự lạnh nhạt của bạn văn lẫn người đời. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn đường dây liên lạc, mãi đến sau này, ông mới được công nhận là người hoạt động cách mạng và được truy tặng huân chương nhà nước. Năm 2000, khi được Tổng cục II - Bộ Quốc phòng xác nhận tư cách công dân, công trạng thì Vũ Bằng mới “từ bên trời thương nhớ thênh thang trở về và đường hoàng gia nhập vào nền văn học Việt Nam hiện đại”.
 Vũ Bằng nhớ đến từng chi tiết thiên nhiên miền Bắc qua đặc trưng của từng mùa. Mùa xuân tháng giêng của Hà Nội “có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng”… Có lẽ nỗi nhớ da diết đã làm nên mạch sống hồi sinh trong con người Vũ Bằng, hoá thân thành cỏ cây để được tắm mình trong mùa xuân, để “nhựa sống trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai”. Đặc biệt hơn nữa khi ông thấy vẻ đẹp mùa xuân sau ngày rằm như vẻ đẹp tâm hồn, cái duyên thầm của người con gái “đẹp không phải vì quần áo, vì son phấn mà chính vì cái chất đẹp ở trong người tiết ra”. Đó mới là cái đẹp “thành thực, hồn nhiên mộc mạc” nhất. Đẹp như thế mới gọi là đẹp, yêu như thế mới gọi là yêu.
Rồi đến mùa hạ, mùa của những cái nắng chói chang len lỏi qua từng kẽ lá, tiếng ve bắt đầu râm ran. Tháng tư, đầu mùa hạ “Hoa gạo bắt đầu nở đỏ chói ở ven hồ Hoàn Kiếm, rơi xuống nước xanh, rụng xuống cỏ xanh…”. Biết bao kỷ niệm chợt ùa về trong lòng người lữ khách phương xa bên kia vĩ tuyến về mùa hạ yêu thương một thời để nhớ. “Biết bao kỉ niệm xanh một màu núi tím, nước xanh […] Nước thì xanh, núi thì tím, hoa trên sườn núi đỏ màu cánh sen mà các cô nàng thoát y lại trắng như ngó sen, tóc xõa xuống lưng đen như mực tàu”.       
Xuân, hạ rồi đến thu. Mùa thu của Vũ Bằng thật mộng, thật thơ: “Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về, én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trên đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống”. Mùa thu ấy có chút gì đó đượm buồn, như là vấn vương, như là sầu nhớ: “Cái buồn mùa thu lê thê, cái buồn mùa thu tê mê, cái buồn mùa thu não nề”, buồn thật nhưng trăng thu thì lại rất đẹp: “Không có mùa nào trăng lại đẹp và sáng như trăng thu”, “Trăng dãi trên đường thơm thơm, trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc, trăng thơm môi mời đón của dòng chảy êm đềm…”. Cuối thu, lại càng buồn hơn: “Nhìn lên trời, người ta trông thấy trăng liềm nhô ra khỏi mộng để cho ánh ngà vắt sữa xuống ngàn cây…”.       
  Mùa đông đến, sự giá lạnh tràn về lại mọi nẻo. Đầu đông, bắt đầu bằng những cơn gió bấc mưa phùn, trời bắt đầu rét. Cuối đông cũng là lúc tết sắp về, lúc này lòng người trở nên náo nức hơn, phố xá rộn ràng hơn trong những phiên chợ tết…“Yêu ngọn cỏ gió đùa, mây trôi lãng đãng, ngọn núi đồi sim, nhựa cây mạch đất…”, thậm chí yêu luôn cả “những giọt mưa bé tỉ ti đọng lại trên nhung mướt làm cho người đẹp óng a óng ánh như thiên thần trong mộng”.
Nếu vẻ đẹp thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân được thể hiện từ một cái tôi độc đáo luôn thèm sống và thể hiện mình; Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá, phát hiện thiên nhiên từ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc cùng những triết lí sâu sắc về con người; thì với Vũ Bằng, ông cảm nhận thiên nhiên bằng chính tình yêu và nỗi nhớ dành cho quê hương xứ sở hay cụ thể là nỗi nhớ dành cho Bắc Việt. Dòng hồi ức tràn trề ấy của tác giả đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ của xứ Bắc, của vùng đất thủ đô nghìn năm văn hiến.
Vũ Bằng không chỉ bày tỏ tình yêu thiên nhiên xứ sở, mà còn thể hiện một tấm lòng nhân hậu, cảm thương cho số phận bất hạnh qua từng trang viết của mình. Khi viết về tháng bảy, ông đặc biệt chú ý đến vong hồn cô đơn, vô định: “Ấy là những người chết mà không siêu thoát, chết mà vẫn nuối tiếc cái gì, chết mà không nhắm mắt, còn ân hận”, “…ấy là những kẻ chìm sông lạc suối, những người gieo giếng thắt dây; ấy là những đứa trẻ lỗi giờ sinh phải lìa mẹ cha từ tấm bé, không có ai bồng bế”. Ðọc lên những dòng văn này, ta thấy một cảm giác hơi rờn rợn, thắt lòng. Vậy mới thấy, một đời người có được bao nhiêu thời gian để tranh đua, để hưởng thụ niềm vui, để bon chen danh lợi, khi mất rồi thì như gió bụi, trở thành những linh hồn cô đơn, lạnh lẽo.“Công danh, phú quý, sắc đẹp, ngai vàng, bao nhiêu trí tuệ, mưu cơ, rút cục lại chỉ còn là những oan hồn đi vất vưởng đó đây, chờ lúc lặn mặt trời thì kéo ra để ăn xin một nắm cơm, bát cháo, la cà các đền chùa miếu nghe kinh và suy nghĩ về chữ “giai không vạn cảnh”.
Từ số phận của những linh hồn ấy, Vũ Bằng nghĩ đến nỗi đau chia cắt của chính bản thân mình:“Đã lâu lắm, chúng mình không được tin tức của nhau Quỳ nhỉ. Chiến tranh cắt đứt ân tình của hai ta: thôi đành lấy câu vận mệnh để khuây dần thương nhớ vậy”. Đó là nỗi buồn của một tâm tư u uất lạc loài, sống trong không gian xa lạ. Hoàn cảnh đất nước Bắc Nam phân cách khiến bao người phải rời bỏ quê hương thì làm sao không tránh khỏi nỗi buồn loạn lạc ấy: “Ai không vui hương lửa, ai ôm trong lòng vạn lí tình, ai tiễn người đi mãi mãi không về, ai nhìn khói sóng mà nghĩ đến người bạt ngàn mây nước, ai nhớ ai cùng xây mộng ước nhưng vì trời chẳng chiều người mà phải gảy khúc đàn cho kẻ khác nghe, vào những ngày mưa Ngâu như thế hỏi có buồn không, hỏi có sầu không?”. Tháng bảy có một ngày để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau – mùng bảy tháng bảy, còn tác giả thì bao năm xa quê hương, xa người vợ yêu thương mà không được gặp thì hỏi sao không buồn, hỏi sao không sầu?
Mở đầu cuốn Thương nhớ mười hai, ông có viết: “Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn Nguyễn Thị Quỳ. Thành mến tặng quyển sách này để thay mấy lời ai điếu”. Thật hiếm hoi có người đàn ông xem vợ như người tình trong suốt cuộc đời. Trong sáng tác của mình, không ít lần ông kể lại những kỉ niệm bên cạnh người vợ bé nhỏ, bao dòng văn hồi cố lại giai đoạn hạnh phúc cũng như đau khổ của cuộc đời, ông vẫn luôn trăn trở một điều: “Em yêu ơi, sống là tin tưởng và chờ đợi nhưng biết mái tóc người ta còn xanh mãi để đợi được hay không”.
Người vợ mến thương ấy của Vũ Bằng cũng là hình ảnh của người phụ nữ Bắc bộ đảm đang, dịu dàng, ý nhị và tinh tế: Ấy đấy, thương người đàn bà Bắc như thế đấy. Sạch cứ như lau như ly, cẩn thận từng ly từng tí. Và càng thương hơn nữa là khi ta thấy người đàn bà chậm rãi vuốt ve từng cái tà áo, lồng nhỏ nhẹ từng cái khuyết vào cái khuy rồi xếp vuông vức áo nọ lên quần kia, như thể sợ động mạnh thì quần áo sẽ không còn vẹn tuyết trinh, vì nhầu nếp lụa”. Ở với nhau cho đến nửa cuộc đời rồi mỗi người một giới tuyến trong Nam ngoài Bắc. Người vợ ấy dù một năm, mười năm hay nhiều hơn thế nữa vẫn là người ông yêu quý nhất, là người khiến ông phải thốt lên rằng: “Yêu sao yêu quá thế này! Nhớ sao nhớ quá thế này!”. Dù vô tình hay hữu ý, người vợ đã xuất hiện như một nhân vật trữ tình không thể thiếu trong những trang văn gấm hoa, rung động lòng người. Yêu thương không cần là thơ có vần, có nhịp nhưng nó khiến cho áng văn xuôi hóa thơ ca.  Nỗi nhớ nhung người mình yêu thương ở nơi phương xa ấy, dường như cũng tương đồng với những dòng lãng mạn của Nguyễn Bính:
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em...
(Đêm sao sáng – Nguyễn Bính)
         Khi hay tin người vợ ân tình phương xa ấy lìa trần, trái tim người chồng càng đau thắt lại. Xa cách lâu đến vậy, vợ chồng con cái chưa được sum họp gặp gỡ thì nay người vợ đã đi thật xa. Xa hơn cái khoảng cách Bắc Nam hai bên vĩ tuyến rất nhiều lần. Xót xa vô ngần, người chồng khóc thương vợ, khóc cho chính mình, cho nỗi đau chia lìa không bao giờ vợ chồng đoàn viên:Tỉnh mộng rồi, người chồng ấy nằm khóc một mình”. “Khóc thì yếu thật, nhưng anh ta khóc, khóc âm thầm – rồi khóc nức nở, khóc thảm thiết như chưa khóc thế bao giờ”.
Đúng như Tô Hoài nhận xét: "Vũ Bằng lạc lõng ở Sài Gòn quanh năm chói chang nắng nhớ thương bốn mùa Hà Nội", bao nhiêu trang viết của Vũ Bằng như thấm nhuộm mùi hương của từng cành cây ngọn cỏ, như phủ đầy vết bụi đường của từng dấu chân góc phố mỗi tháng, mỗi mùa. Tâm trạng ngày Nam đêm Bắc của Vũ Bằng, tất cả cảm xúc của ông gửi gắm đủ để người đọc thấy rằng ông đã yêu quê hương Bắc Việt đến thế nào; mến cảnh, mến người phương ấy biết là bao.
Được đánh giá là một tác phẩm kí đặc sắc, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng xứng đáng là ví dụ điển hình cho đặc trưng kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, trữ tình với những thao tác tư duy khoa học của loại hình kí văn học. Bằng câu chữ chọn lọc, chi tiết cực kỳ đắt, khai thác tối đa văn hóa, cảnh sắc theo mùa rất riêng ở miền Bắc, Thương nhớ mười hai là một bức tranh đẹp về mười hai tháng, về tình yêu và nỗi nhớ. Nỗi nhớ và tình yêu ấy trăm lần vạn lần dẫu đẹp đến mấy vẫn mang màu xót xa và dang dở. Bạn đọc sẽ ấn tượng về một tác phẩm đã khơi dậy tình yêu đối với những người, những cảnh vật thân thiết từng gắn bó với mỗi chúng ta, nỗi nhớ thương nơi chôn rau cắt rốn trong lòng người xa xứ qua một hồn văn nồng nàn, đắm đuối. “Những ai đương ở phương trời, đọc Thương nhớ mười hai, ai mà không có một cái quê để nhớ" (Tô Hoài). Nỗi lòng da diết và khắc khoải nhớ quê của người xa xứ tựa thanh gỗ mục, bề ngoài đẹp đẽ mà bên trong đã rệu nát, chỉ cần một cái chạm vào cũng đủ làm cho nó vỡ tan...
Đọc thêm