Hôm nay tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm đã đúc kết được trong thời gian qua về các yếu tố ảnh hưởng đến nhịp đọc của bạn. Và để tôi làm rõ, nhịp độ đọc ở đây không phải là nhịp độ đọc từ cuốn này sang cuốn khác, mà là nhịp độ đọc của bạn trong một cuốn sách.

 Tiêu chí tôi đề ra là liệt kê các chướng ngại để tìm hướng giải quyết riêng cho bản thân, cải thiện tốc độ đọc sách mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm cuốn sách mang lại. Tùy loại sách sẽ có những đặc điểm và cách tiếp cận khác nhau để bạn có thể giữ được nhịp đọc một cách mạch lạc.
Get in to the mood
Có ba yếu tố chính trong việc này: Phạm vi kiến thức; Thời gian phân bố và kiểu đọc; Hình thức sách. Các yếu tố đều có tác động lẫn nhau mang tính tương đối, tăng cái này sẽ giảm cái kia, hoặc có thể không.

1. Phạm vi kiến thức:

Phạm vi kiến thức của cuốn sách, những chủ đề nó nói đến có mới lạ không, bạn đã từng tìm hiểu hay nghe về nó bao giờ chưa? Nếu phải đối mặt với những cuốn sách mà bạn mảy may chưa có bất kì ý tưởng nào trong đầu, tôi khá chắc ăn rằng bạn sẽ đọc chậm hơn rất nhiều so với các cuốn bạn từng quen thuộc. 
Tôi xin chia sẻ thêm, trong những năm tháng đại học, sau khi rớt một số môn mà tôi luôn cho rằng chúng quá khó để học được. Tôi đã đúc kết được một tư tưởng và là kim chỉ nam về sau của tôi:
Mọi phạm vi tri thức phức tạp nhất đều có thể được hiểu thông qua cách học hỏi các khái niệm cơ bản nhất về phạm vi kiến thức đó và tìm ra điểm liên kết giữa chúng. Tiếp đó, học cách tư duy của/trong phạm vi tri thức và cho đến khi một ngưỡng nhất định, ta bắt đầu thấy được các mảnh ghép của tổng thể bức tranh tri thức. Khi  đó, bạn bắt đầu là "con học" của thứ tri thức đó và những bước tiếp theo nó là phụ thuộc sự kiên trì bạn tới đâu để master được lĩnh vực mà bản thân đang tìm tòi.
Nó không khó nhưng cũng chẳng dễ, điều duy nhất bạn có thể làm là ngay lúc bắt đầu hãy bình tĩnh phân tích, step-by-step và tin tưởng vào bản thân.
Ví dụ như những cuốn self-help tôi từng đọc: "Đừng bao giờ đi ăn một mình", "Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể", "Tôi tự học",... chúng đưa ra các chủ đề với những khái niệm mà ta hiển nhiên đều biết, bởi chúng phát triển các câu chuyện luôn lấy tâm điểm là bản thân mình và những gì liên quan đến bản thân, một cách nền tảng nhất, ít nhiều ta cũng hiểu được thông qua kinh nghiệm sống. Và việc duy nhất trong việc đọc những cuốn sách này là thay đổi góc nhìn và tư duy chúng vào thực tiễn.
Thường những cuốn self-help tôi chỉ mất tầm 1 tuần hơn để hoàn thành. Nhưng với những cuốn thiên về học thuật như bộ sách của Stephen Hawking: Lược Sử Thời Gian, Bản thiết kế vĩ đại, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ hoặc những cuốn sách về triết như "Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu", "Những hiểu sâu về Triết Học",... Tôi lại mất gấp đôi thời gian để hoàn thành và tất nhiên tốc độ đọc cực kì chậm vì những phàm trù quá mới mẻ, chưa từng tiếp cận đến. 
=> Đối với những cuốn sách có phạm vi ngoài tầm hiểu biết, tôi thường sẽ tìm hiểu trước về những khái niệm mà chúng nói đến, ngâm cứu khá kĩ về các chương trong sách, tìm sự mô phỏng trên Internet sau đó mới bắt đầu đọc.

2. Thời gian phân bố và kiểu đọc:

Thời gian phân bố ở đây là thời gian bạn dành cho việc đọc sách bao nhiêu và đọc theo kiểu nào: nhỏ giọt  hay marathon. Tùy theo loại sách, bạn sử dụng kiểu đọc khác nhau để tối ưu hóa tốc độ đọc. 
Với những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, dễ hiểu (như Trà Hoa Nữ, Nhà Giả Kim, Trở về Eden...) hoặc những đầu sách self-help như những cuốn tôi nêu trên, bạn có thể áp dụng lối đọc marathon một cách triệt để. Rằng một ngày nếu bạn dành ra 50 phút để đọc sách, thì bạn sẽ đọc suốt 50 phút đó không đoạn nghỉ. Thường trong khoảng thời gian đó, những cuốn như này tôi đọc tầm 30-40 trang loại sách cỡ A5 không bị giảm nhịp độ đọc. 
Nhưng mọi chuyện sẽ khác với những cuốn mang tính học thuật cao, hoặc loại tiểu thuyết khó đọc như Hồ, Chúa Ruồi, những đầu sách của Franz Kafka... Hầu hết những cuốn dạng này, tôi khó lòng kiên nhẫn đọc một mạch 50 phút liền, nếu có thì dần về sau nhịp đọc tôi bị hoãn hoặc chậm lại đáng kể. Đối với những cuốn sách này, tôi sẽ chia thời gian đọc thành 3 mốc trong ngày, mỗi mốc tầm 15-17 phút đọc. Theo cách tôi gọi, là kiểu đọc nhỏ giọt. Việc này khiến tôi thoải mái tinh thần hơn và cho tôi cảm giác đọc mạch lạc, sau khi đọc xong tôi có khoảng thời gian để liên tưởng và tiếp tục giữ mạch suy nghĩ ở lần đọc tiếp theo mà chưa qua ngày mới.
=> Tôi thường xác định trước loại sách sẽ đọc tiếp theo có nằm trong phạm vi hiểu biết của mình hay không, từ đó sử dụng kiểu phân bố thời gian và kiểu đọc để tối ưu tốc độ đọc.

3. Hình thức cuốn sách:

Ở những cuốn self-help tôi từng đọc, chúng được tận dụng khá tốt ở mặt này. Các đầu sách self-help cùng khổ so với các cuốn sách chuyên môn kĩ thuật thì kích thước text của loại self-help to hơn 1-2px và khỏang cách giữa các chữ, các dòng cũng nhỉnh không gian hơn. Thế nên, bên cạnh việc khiến chúng trở nên đầy đặn như các cuốn kĩ thuật bằng cách chèn hình minh họa và tạo kiểu cách như heading; quotes, chúng còn cho ta không gian, không bị rối mắt, tập trung đọc tốt hơn. Vì thế, khi bạn đọc những cuốn self-help 400-500 trang (có thể) sẽ thấy trơn tru và nhanh hơn một số cuốn sách kĩ thuật 300-400 trang.
Chia sẻ thêm, cuốn sách có cách phân bố text mà tôi ấn tượng nhất là cuốn Nghệ Thuật Quyến Rũ của Robert Greene. Phần text được chia thành 2 phần. Phần lề dùng để kể các câu chuyện lịch sử, thần thoại để củng cố ý tưởng cho chủ đề đang theo dõi hoặc kế tiếp. Tôi đọc tầm 30 trang đầu mới bắt đầu quen được kiểu đọc này và đọc song song hai luồng kiến thức như này cũng là chuyện khá thú vị mà tôi chưa được trải nghiệm từ bất kì cuốn sách nào. Nếu bạn khá chán với lối đọc truyền thống thì hãy thử cuốn này ngay nhé.
Nghệ thuật quyến rũ (Ảnh chụp by me)
=> Hình thức sách đóng vai trò quan trọng tương đương với hai yếu tố trên, khi bạn gặp một cuốn sách có cách phân bố kiểu wall-text thì hãy chọn kiểu đọc phù hợp để không lo mỏi mắt và kém hiểu quá nhé. 
Và đây là ba yếu tố chính mà tôi đúc kết được trong quá trình đọc sách. Những yếu tố này tôi tự điều chỉnh sao cho phù hợp với từng loại sách mà mình đọc. Nó ảnh hưởng đến nhịp đọc của bạn cũng có thể không. Vì thế, tôi rất vui nếu chúng ta có thể trao đổi nào là "những yếu tố tác động" trong trường hợp của bạn. 
~peace~