Một con người dị dạng, bị cha mẹ ruột ruồng bỏ, sống chui lủi, lẩn khuất từ lúc bé đến khi trưởng thành, móc hết ruột gan yêu một cô gái xinh đẹp và cuối cùng vẫn không phải là lựa chọn của người mình yêu.

Motif của tác phẩm “Bóng ma trong nhà hát Opera” (Le Fantôme de l’Opéra) của Gaston Leroux rất na ná như “Nhà Thờ Đức Bà Paris” của Victor Huygo, nhưng bóng ma của Leroux thì không được thiện lương như Quasimodo của Huygo. Tuy nhiên, điều này khiến tôi đánh giá cao diễn biến tâm lý của nhân vật bóng ma hơn, nó rất thật và logic kể cả với giới nghiên cứu học thuật.
Trước tiên, ta hãy cứ mổ xẻ nhân vật phản diện chính của truyện đã xem sao, xin chào Erik – Le Fantôme. Hắn có một số phận bi thảm chắc chắn không ai dám phủ nhận. Sinh ra đã mang một hình hài gớm ghiếc và nền khoa học y tế thời đó chắc chắn không thể chỉnh sửa được cho hắn dễ dàng như xử lý 1 ca hở hàm ếch vào thế kỷ 21 này. Mà đau khổ hơn, dù hình hài tàn khuyết nhưng trí não hắn lại hoàn hảo, có phần còn vượt trội hơn người (có ai chỉ lắng nghe giọng hát của những bậc thầy Opera mà có thể học lóm, bắt chước đến mức độ thần tình như hắn được). Giá như hắn chỉ có IQ cỡ Forrest Gump, hắn sẽ không tự nhận thức được cái sự bất công khi mình có tài mà không được tranh phần vinh quang với đời, không được hưởng cái sự rượu ngon gái đẹp vây quanh như mấy thằng bô trai (đây là Pháp thế kỷ 19, và mấy thằng đẹp trai sẽ có tất cả, nếu không tin tôi thì mời đọc Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas cha), hắn sẽ không biết ganh tỵ, không biết hơn thua, không có tham, sân, si để biến hắn thành kẻ giết người hàng loạt bệnh hoạn như sau này. Chắc nhiều độc giả sẽ tự hỏi, tại sao phải điên cuồng như vậy, sao không đơn giản cố sống nốt kiếp tàn của một bóng ma được kinh sợ của nhà hát. Tất cả là vì cái tôi của Bóng ma, và chúng ta cũng sẽ chả khác gì nếu bị đặt vào hoàn cảnh đó. Mượn lời của Susan Kay, một tác giả đã từng viết riêng về Erik: “Khuôn mặt này đã lấy đi khỏi hắn tất cả các quyền của một người đàn ông, giải phóng hắn ra khỏi mọi nghĩa vụ đối với loài người” và “Mẹ hắn ghét hắn, làng quê của hắn thì ruồng bỏ hắn. Hắn bị phơi bày như một con thú trong chuồng cho đến khi một con dao chỉ cho hắn cách duy nhất để tự do”. Voilà, một kẻ có tâm lý phản xã hội hạng nặng, cấu thành từ ấu thơ bị ruồng bỏ, bạo hành, tước đoạt những ham muốn cơ bản về tình cảm như bú ẵm, ôm hôn, vuốt ve. Và còn điều gì trên đời có thể níu giữ hắn ở trên bờ mà không ngụp lặn sâu hơn vào bể máu như con quái vật Hannibal Lecter? Đó là Christine…

Christine là một cô gái tốt, xinh đẹp, tài năng và nhiều khát vọng. Bóng ma yêu cô vì sự ngây thơ, trong sáng và tình yêu vô bờ bến với âm nhạc, với nhà hát của cô. Cô là niềm khát khao một cuộc sống yên ấm, một tình yêu nên thơ để đi đến một cái kết có hậu của Bóng ma. Thế nhưng, Christine chỉ chung thuỷ với mình chàng Raoul, tình yêu được vun đắp từ thời thơ ấu. Và đến khi phát hiện ra điều này thì con thú dữ trong lòng Bóng ma đã trỗi dậy, hắn tìm cách thao túng, đe doạ và ép buộc Christine phải về bên hắn. Tất cả những hành động của một con đực bị tổn thương nhằm bảo vệ lãnh địa và những gì hắn cho rằng thuộc về mình thật đáng khinh và cũng đáng thương thay. Hắn giống như con quái vật Frankenstein của Mary Sheller, luôn muốn có một tạo vật giống mình, chấp nhận mình và đồng cảm với mình. Mong muốn đó chắc chắn không sai, con người ai chẳng có quyền mưu cầu hạnh phúc riêng tư, nhưng hắn đã chọn sai đối tượng mục tiêu, áp đặt ý chí riêng lên một cá nhân không thể chấp nhận được hắn. Thật ra cũng không thể trách được Christine, cô coi hắn như một người thầy, một người hướng đạo trên con đường âm nhạc, tình yêu đó là tình thầy trò, nó không thể tự bẻ xoắn sang tình yêu nam nữ, nhất là khi cô đang có một tình yêu rất đẹp rồi. Thêm nữa, cái ngoại hình của bóng ma khó có thể làm cho nữ giới có động lực chuyển từ thương sang yêu được.

Theo nguyên tác của Gaston Leroux, Bóng ma không hề sở hữu dáng dấp của một quý ông. Theo những dòng mô tả trong trang sách, Christine khi nhìn thấy rõ dung mạo thật của “Thiên thần Âm nhạc” mà mình hằng ngưỡng mộ đã bị shock: Anh ta nhỏ thó, ốm yếu như một bộ xương khô. Nhưng thế vẫn còn chưa đủ, gương mặt của Bóng ma không khác gì một chiếc hộp sọ bọc da, thiếu hẳn chiếc mũi, còn tóc trên đầu thì lưa thưa vài sợi. Trong nguyên tác, chiếc mặt nạ mà Bóng ma đeo không chỉ che nửa mặt cho có vẻ sang chảnh, mà đủ lớn để giấu kính toàn bộ hình dung khó nhìn của gã. Nhân vật còn sở hữu một đôi mắt vàng, phát sáng trong bóng tối. Tôi thấy hình như Bóng ma có nhiều nét tương tự giống nhân vật Gollum trong The Lord of The Rings hơn. Chưa kể đến những dấu hiệu bất thường về tâm thần mà Bóng ma thể hiện… Christine không thể có lựa chọn như Clarice Starling đã lựa chọn Dr. Hannibal được.
Nhưng Christine có thể làm được một điều mà Clarice không làm nổi, cô đã cảm hoá được Bóng ma. Những tình cảm cô dành cho hắn là hoàn toàn chân thật, cô yêu quý và trân trọng hắn như một người thầy, cô ngưỡng mộ kiến thức và kỹ năng điêu luyện của hắn. Cô dám tin tưởng rằng ở trong sâu thẳm con người hắn vẫn còn những xúc cảm thiện lương, và từ đó, cô đánh thức những ánh sáng này bằng một nụ hôn trên trán hắn.
Và con quái vật đã tỉnh thức, nó đã tiến hoá ngược lại thành đứa trẻ bị ruồng bỏ khi xưa, xấu hổ, đau khổ và buồn bã, nó quay về lặng lẽ đợi chết nơi hầm mộ… Hoá ra, cách giết một con quỷ, chính là dành cho nó sự yêu thương!
Minh Hiếu