“Nhớ quá, cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ...”

Vũ Bằng xa Hà Nội mà nhớ Hà Nội. Sài Gòn vui lắm thay, nhưng vẫn đau đáu nhớ về Hà Nội, nhớ Hà Nội như người con trai nhớ người con gái. Nhìn đâu cũng thấy nhớ biết bao nhiêu, như nàng Mỵ Nương cứ nhìn chén trà là thấy bóng chàng Trương Chi rồi nghe tiếng chàng văng vẳng như ai như oán.
Có những người chưa xa Hà Nội, vẫn ở Hà Nội đây, mà sao đã nhớ lắm rồi. Nhớ cái Hà Nội xưa mà mình chưa bao giờ gặp, cái Hà Nội đã khô đen trong những con chữ in trong trang sách úa vàng hay đọng lại thành từng giọt nhạc buồn rung trên những dây guitar đã lệch nhịp tháng năm, cái Hà Nội "dài ánh trăng mơ, liễu mềm nhủ gió ngây thơ", còn người khách lữ hành chơ vơ trong ánh đèn chênh chếch.

Năm Cửa Ô ơi, Năm Cửa Ô ở đâu hết rồi? Đống Mác, Chợ Dừa, Cầu Dền, Cầu Giấy, đâu hết rồi? Tíu tít gành gồng, đây Ô Chợ Dừa, kìa ô Cầu Dền, làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi sáng... Giờ chỉ còn Ô Quan Chưởng, một tòa thành bé nhỏ màu xám nâu, những mảng tường loang lổ, màu gạch đỏ đã ngả rêu phong, vòng cổng bở ra như chiếc bánh mỳ ai gặm lem nhem, người lại qua đông nghìn nghịt, phải lách qua ba chiếc cổng, bên kia dây điện chằng chịt vắt chéo không gian.
Long Thành bao quản nắng mưa,
Cửa ô Quan Chưởng bây giờ còn đây.
Còn đây nhưng còn đây có ích gì? Như một người già răng đã rụng, tóc đã bạc, da đã lấm tấm đồi mồi, già lắm rồi mà không thể chết, còn tồn tại đấy mà đã đoạn tuyệt với nhân thế, lặng nhìn ngựa biến thành xe, người biến thành càng nhiều người hơn nữa, còn mình chỉ thêm vướng víu bước chân họ đi. Sự bất tử, nó không phải lộc trời, nó là gánh nặng khi chỉ mình mình bất tử. Người cũ mất đi, tình cũ mất đi, hồn cũ mất đi, hỡi Ô Quan Chưởng ở lại làm chi?

Phố phường bây giờ đâu còn lúc nào đìu hiu, quạnh quẽ như trong tranh Phái? Chỉ một chiếc xe đạp dựng sát bờ tường , và một người đàn bà áo đỏ quần đen quay mặt đi, phố rẽ ngoặt một góc, đoạn đường còn lại mất hút khỏi tầm nhìn, ngôi nhà hai tầng - hai cửa sổ sơn xanh như hai con mắt, những căn nhà là những khối hộp xếp lên nhau, mái nâu màu cánh gián, phố ngủ, phố mơ thấy ai hay chỉ ngủ thôi, im lìm ngủ?

Đọc thêm:

Nhà bà ngoại tôi, đi sâu vào con ngõ tối, rẽ vào một cầu thang gỗ mục kêu cọt cà cọt kẹt, tòa nhà từ thời Pháp thuộc, cửa sổ lớn với những chấn song họa tiết, cử mở ra là nắng tràn vào. Ban đêm, trên chiếc giường lớn nằm kế bên cửa sổ, dù có rèm mà ánh đèn điện vàng vọt của phố Trần Nhân Tông vẫn lọt qua dễ dàng, hắt lên sàn nhà những vạt hình chữ nhật dài, bà tôi nằm ngoài, tôi nằm trong, hai bà cháu cùng đắp một chiếc chăn mỏng, bà tôi lảy Kiểu ru tôi ngủ: Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Người cũ mất đi, tình cũ mất đi, hồn cũ mất đi, hỡi Ô Quan Chưởng ở lại làm chi?
Hồi thiếu nữ, bà tôi là nữ sinh trường Đồng Khánh, nay là trường Trưng Vương, một ngôi trường năm nay tròn trăm tuổi. Ngày ấy, tôi nghe nói nữ sinh Đồng Khánh Trưng Vương nổi tiếng xinh đẹp, tài hoa, vừa học văn hóa, lại được dạy chơi đàn, dạy ca hát. Bà thuộc thơ, bà thuộc nhiều thơ kinh khủng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, rồi đến cả Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Mà tôi yêu thơ cũng vì bà tôi yêu thơ. Đêm mùa thu lao xao, nghe tiếng rao đêm của người bán lục tàu sá nương vào gió thu, rèm bay phơ phất, con mèo vàng cuộn tròn nằm trên chiếc ghế đầu giường mắt lim dim, nghiêng người nhìn căn nhà cũ với nào là nồi niêu ấm nước cũ, nào là ảnh ông bà tôi từ thuở hoa niên (ông tôi dạo đó còn đẹp trai), rồi những chiếc tủ đồ nơi cất quần áo, chỉ thêu, những chiếc phong bao lì xì không dùng từ hồi Tết, đêm mùa thu như thế mà còn nghe bà ngâm nga Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông / Nó lại lôi ông đến giữa đồng / Lấy của đánh người quân tệ nhỉ / Thân già da cóc có đau không, rồi bà khúc khích cười, thì sao mà không yêu thơ cho được?

Lớn lên một chút, tôi bắt đầu lục tủ sách của bà. Sách để trong tủ không hết, còn để chồng lên nhau ở bên ngoài, bà thậm chí còn có một cuốn sổ ghi tên từng cuốn, vị trí để ở đâu, sau còn tiện tìm. Tôi mê nhất là ba ông họ Nguyễn. Nguyễn Du - Nguyễn Khuyến - Nguyễn Bính. Thơ ông Du sang, thơ ông Khuyến tếu, thơ ông Bính tình. Cái tình của ông Bính chân quê lắm, ra đến thành thị rồi nó vẫn cứ quê quê thế nào:
Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
Lòng chàng có để một tơ vương.
Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
Góp lại đường đi: vạn dặm đường.
Quê thế chứ lại, quê đến mức ra phố rồi mà vẫn cứ giữ cái tình tang chân chất, cứ vấn vấn vương vương si mê cô gái nọ chẳng vì lí do gì, ngày ngày cố ý đi ngang qua cái phố ấy, cái nhà ấy, để được thấy cô, rồi lòng bứt rứt không yên, vừa muốn qua mà lại chẳng muốn qua nữa, vừa muốn níu lại vừa muốn dứt, rối bời tự hỏi:
Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
- Có nên qua đấy nữa hay không?
Không nên qua đấy, nên qua đấy?
Không, nhớ làm sao! qua, mất công.

Đọc thêm:

Mười mấy tuổi, tôi nào đâu hiểu được cái bối rối như tơ vò của cuộc tình si ấy, tôi nào đã biết mến thương ai đến mức đi tới đi lui chỉ để liếc người ta một cái, dằn vặt day dứt vì một buổi không gặp đã thấy bồn chồn, "thê thê thảm thảm thích thích" - cảm cảm thương thương nhớ nhớ. Mãi sau này, tôi mới ngờ ngợ, có lẽ cái tình của Bính cũng như cái tình của cô Amelie trong bộ phim Pháp ngày xưa, bày ra đủ trò cút bắt với anh Nino, bí mật dẫn anh vòng vòng khắp Paris để rồi đến cái lúc anh tìm được mình thì mình ngại ngùng không dám gặp. Tôi ngã ngửa ra, tình Paris rồi rốt cũng giống như cái tình nhà quê lên tỉnh của Bính, bởi vì ai chẳng là người nhà quê. Cái tình yêu thực sự làm người ta ngây ngô quê mùa hết cả.

Lâu lâu một bữa, bạn bè trong hội thơ của ông bà lại lên chơi. Bốn chiếc ghế bành, một chiếc ghế dài, hai ấm trà nhài, mấy trái quýt, thêm ít mứt bí khô, ấy thế là đủ để chục ông bà già ngồi quanh nói chuyện thi thơ. Có một bà làm thơ hay lắm, đi bảy bước chân là làm được bài thơ thất ngôn bát cú, khiến ai cũng phải xuýt xoa ngưỡng mộ. Rồi chẳng hiểu mấy chục năm nữa, đến khi mình già đi, bạn mình già đi, liệu có tổ chức một phường thơ phú như vậy? Tôi tiếc  Hà Nội xưa là tiếc cái ấy. Người Hà Nội nay khác rồi. Thơ nằm chỏng gọng một xó chẳng ai ngó ngàng, không ai sáng tác thơ, cũng không ai ngâm thơ, cũng không ai nghe thơ, thành ra những điều Vũ Bằng viết dường đã lỗi thời. Còn nhà ai ban đêm đánh tam cúc, ăn cá anh vũ, còn ai đi gọt hoa thủy tiên, tự tay ướp trà, còn đâu "những ngày tháng trôi đi nhẹ nhàng, không lo tiền, không lập mưu thiết kế, không oán ức, ăn rau rút ruột mè, cũng thấy ngon"?

Người Việt mình ham chơi. Người Việt chỉ cần có đủ tiền tiêu, rồi sống an nhàn ngày nọ sang ngày kia, thanh cảnh thư nhàn, thích đi xem hội, thích chốn đông vui. Người Hà Nội lại càng như thế, không vồn vã, chẳng ưa chạy ngược chạy xuôi, không vì miếng cơm manh áo mà quên đi cái nếp vui chơi hưởng lạc như những vị thiên tiên. Nhưng sao tôi thấy nó đã không còn đúng nữa? Nhìn dòng người tất tả hối hả bon chen nhau trên những nút giao thông, nghe tiếng gào rú của động cơ xe, tiếng đinh tai nhức óc từ những công trường xây dựng nham nhở, hít cái dòng bụi đen sì vào lồng ngực, nhận ra Hà Nội cũ đã chìm vào ảnh vào tranh vào những người đã nằm xuống đất.
Không phải Hà Nội ngày xưa cái gì cũng tốt. Nhiếu lúc khốn nạn lắm chứ! Đọc Chuyện cũ Hà Nội của cụ Tô Hoài mà lắm khi cười ra nước mắt. Người thì kiếm tiền bằng cách đi tù thay cho các ông nhà giàu nấu rượu, người thì nghèo rớt mồng tơi, vậy mà tổ chức tang ma cha linh đình mong gom được tiền phúng, rồi lại thế này chứ, ông Tô Hoài ngày đó có con xe đạp, mà dạo ấy ai có con xe đạp là oách xà lách vô cùng, nhưng đi đường cứ phải ngó trước ngó sau kẻo bị đội xếp Tây phạt, mà có đủ kiểu phạt, không đèn cũng phạt, phanh không ăn cũng phạt, dắt xe cũng phạt, đèo nhau cũng phạt mà xe không có biển đề tên chủ cũng phạt, ai không có tiền nộp phạt thì vào nhà pha ngồi đủ hai tư tiếng mới được về, trên đường về vớ vẩn đội xếp khác nhìn thấy, có khi lại ăn phạt tiếp.

Đọc mới vỡ ra đất Kẻ Chợ hào hoa phong nhã bao nhiêu thì cũng mạt rệp bấy nhiêu. Ấy vậy mà tôi nhớ cả cái mạt rệp ấy, tiếc cả cái mạt rệp ấy, tiếc những chiếc xe điện rách nát tôi chưa từng một lần được ngồi lên để đi từ Bờ Hồ tới Thụy Khuê rồi lại đi ngược từ Thụy Khuê về Bờ Hồ. Tôi không biết ngày ấy đã có kem Thủy Tạ hay chưa nhưng tôi cứ tưởng tượng mình mua một cây kem Thủy Tạ lạnh và cứng như đá, người ta có câu mịn như kem nhưng kem Thủy Tạ thì chẳng mịn tẹo nào, ăn cứ cồm cộp rồm rộp đến tê răng. Ăn kem Pháp kem Ý rồi thì không ai dám nói kem Thủy Tạ ngon. Đúng, kem Thủy Tạ không ngon, nhưng có ai ăn kem Thủy Tạ vì nó ngon đâu. Tôi nhớ Hà Nội xưa cũng chẳng phải vì Hà Nội xưa tốt hơn Hà Nội bây giờ. Bởi vì đã trót yêu thì còn nề hà chi cái tật ngoáy mũi? Yêu ai yêu cả đường đi cơ mà. Vả, nếu yêu một điều chỉ vì điều ấy tốt đẹp đã không gọi là yêu, phải biết hết mặt trước mặt sau, mặt trái mặt phải, mặt đen mặt trắng, thế mà vẫn yêu, đấy mới là yêu thực sự. Tôi tin ông Tô Hoài cũng yêu Hà Nội, ông kể chuyện Hà Nội đắng thế mà vẫn nhiều thương mến thế, không yêu sao đành.

Tôi có mấy người bạn đều sắp vào Sài Gòn ở. Mỗi lần nghĩ tới Sài Gòn tôi lại nhớ Vũ Bằng từng viết “Sài Gòn, Phú Lâm, Bình Lợi, Chợ Lớn, Lồ Ồ... vui quá, cứ uống rượu mạnh thế này, nghe con hát đàn vừa múa vũ vừa ca, lại cặp kè với con gái hơ hớ như trăng mới mọc thế này, thì sao lại có thể rầu rĩ được?” Mà vẫn rầu rĩ như thường, không rầu rĩ sao ông viết Thương nhớ mười hai, quá rầu, quá rầu đi chứ. Rồi tôi cũng nghĩ bạn tôi sẽ có lúc rầu rầu như thế, tôi cứ thấy thương thương. Tôi mong phương Nam sẽ đối xử thật tốt với bạn tôi, thay tôi đối xử thật tốt với những ký ức tươi đẹp của mình, nhưng tôi biết phương Nam tốt đến mấy cũng không thể lấp hết khoảng trống của những cơn gió tháng ba phương Bắc lùa vào tai vào tóc mỗi buổi lê la quán xá, hai đứa nép vào nhau, nếu trời có mưa mà chỉ có một chiếc áo mưa, vậy thì cất áo mưa đi, hai đứa mình cùng ướt.
Nghĩ đến đó, tôi lại thấy trống trải và muốn về nhà bà ngoại, chọn lấy một tệp băng cát xét Ngọc Bảo hát Đêm đông. Tiếng băng kêu rè rè, cái đài cũng rè rè, rè rè nhân đôi. Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư. Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng.
Nhưng Hà Nội nay, thi nhân xưa đâu tá? Ca nhi xưa đâu tá? Hà Nội xưa đâu tá?