Thương nhớ mười hai [Vũ Bằng] - Thương nhớ ai cả tháng, cả ngày.
Vào một hôm lang thang ở hồ Tây, bạn dẫn mình vào một quán cafe cũ, giới thiệu rằng nó rất nổi tiếng, tự dưng chúng mình nói về những...
Vào một hôm lang thang ở hồ Tây, bạn dẫn mình vào một quán cafe cũ, giới thiệu rằng nó rất nổi tiếng, tự dưng chúng mình nói về những đồ ăn của Hà Nội. Bạn bảo mình đọc thử quyển sách này xem, mình mua rồi vẫn để đó. Gần đây mới mở ra xem.
Thú thực đoạn đầu, mình thấy giọng văn rất lãng mạn, nhưng cứ bị lấn cấn mãi về chuyện sử dụng một số từ của tác giả, rồi chuyện Bắc Nam thi thoảng mang ra so sánh. Thế là mình tìm lại, về Vũ Bằng, về hoàn cảnh ông viết tác phẩm, về câu chuyện sau đó. À, thì ra chẳng phải cuốn cẩm nang ăn chơi, chỗ nào ngon, món nào lạ (như mình đã tưởng), nó chỉ là chất chồng nỗi nhớ và tình nghĩa với một người gửi gắm trong những con chữ. Người đó không chỉ là vợ, là người đầu ấp tay gối, mà là tri kỉ, là bạn tâm giao, chắc cũng là một người mà ai trong chúng ta cũng mơ ước được gặp trong cuộc sống ngắn ngủi mấy mươi năm trên cõi trần này. Tất cả mọi cảm xúc, nhưng đêm mất ngủ, niềm trăn trở hay cái ưu ái đó, tất cả đều có lí do, tất cả vì yêu thương.
Rồi cứ thế, mình bị cuốn vào, giống như đi qua bao mùa của thời tiết, xem những chồi non mới nhú, thấy tuần hoàn luôn theo trời đất, theo những thức theo mùa. Và mình cảm thán, ôi chao sao mà có thể sành đến vậy, có thể cảm được những tinh túy, những rung động nhỏ nhoi ấy. Rồi ngòi bút miêu tả nó cũng sinh động lắm cơ, ví dụ như đoạn này:
" Giữa bầu không khí thơm ngát hương sầu đâu ấy, anh thử bảo người nhà hái về mấy ngọn rau cần đầu mùa, nấu một bát canh với tôm he mà ăn với chén cơm gạo vàng xem có phải anh thấy đúng in những cảm giác đó không? Rau cần là một thứ rau rẻ tiến cấy trong ao, cứ đến giữa tháng ba là tốt lá, dài rễ, nhổ lên ăn ngay thì ngọt lừ, khó có thứ rau nào sánh kịp. Nếu nấu canh mãi chán, anh có thể xào rau cần với huyết heo bóp nhỏ, hay muốn cầu kỳ hơn một chút thì xào với lòng heo, thịt bò. Rau cần, với cải bắp cho một tí rau răm vào, muối xổi, lấy ra ăn với thịt đông hay kho tầu, nó lạ miệng và có khi thú hơn cả dưa cải nữa... Nhưng ăn cháo ám mà không có rau cần thì...hỏng, y như thể là vào một khoảng vườn mà không có hoa, đi trong mùa xuân mà không thấy bướm."
Thật sự là đọc xong đoạn này, mình tự hỏi là: "Ơ mình ăn rau cần bao giờ chưa nhỉ? Trên đời có rau ngon như thế này cơ à?" cho dù trước đó, mình chẳng thích rau cần chút chút nào. Đó chính là cái tài của Vũ Bằng, đọc "Thương nhớ mười hai", bản thân cảm nhận được đầy đủ hương sắc, ngồi tưởng tượng ra bao nhiều là món ngon, thi thoảng còn như nghe văng vẳng tiếng hát trống quân từ xa vọng về.
Mình biết thêm cách người xưa sinh hoạt, dù chưa đến trăm năm trước. Cách người ta thưởng thức, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục nhất là dịp Vu lan báo hiếu, Đoan ngọ, hay Giao thừa, Tết cổ truyền... Và chính những phong tục, những nét đặc trưng đấy, cùng nhau phác họa ngày càng rõ hình ảnh người vợ yêu của ông.
Người vợ lúc nào cũng tất bật, lo toan, lễ này lễ nọ, làm sao cho vẹn toàn chu tất. Người vợ nấu ăn ngon nức tiếng, và là cảm hứng bất tận cho tác giả " Chính toa nhờ có vợ toa, toa mới viết được đấy."
" Đáng lí ra thì công lên việc xuống như thế, vợ phải mệt đừ, nhưng tài thực, không những đã chẳng sao mà còn tươi hẳn lên là khác. Ấy là vì làm việc nhiều quá mà quên mệt? Ấy là vì thời tiết? Ấy là vì thương chồng, thương con mà không quản ngại vất vả chăng? Đã đành là vào cữ tháng chạp ở Bắc Việt người ta thấy trong người khỏe mạnh hơn cả những tháng vừa qua; đã đành khi có lòng yêu thương làm cho người ta quên mọi nỗi muộn phiền cực khổ khi thấy những người thân yêu của mình vui sướng; đã đành là có nhiều khi ham mê công việc quá mà quên mệt mỏi; nhưng bao nhiêu cái đó chưa thấm vào đâu với cái vui của người đàn bà khi thấy năm hết tết đến, nhà cửa bình an, vui vẻ mà trong mình lại có một số tiền dành dụm được từ trong năm, tạm đủ để mua bán cho bằng chị bằng em hầu ăn một cái tết không to nhưng cũng không lúi xùi"
Đọc đoạn này, mình nghĩ ngay đến Mẹ mình, đến Bà, các dì ở nhà. Một trong những lí do mình thích Tết, là bởi, ngày đó ai cũng đẹp, ai cũng vui, ai cũng sẽ nhẹ nhàng, hiền hòa với nhau. Và cảm nhận cái không khí tất bật, cùng nhau chuẩn bị, háo hức đợi mong. Cái nét đẹp tảo tần của người phụ nữ Việt Nam ấy, mộc mạc mà cũng rực rỡ quá.
"Năm nào chồng cũng bảo vợ:
- Thôi nhé, năm nay ăn thế nào xong thôi, chớ bày vẽ ra lắm chỉ tố ốm người, em ạ."
Cũng giống như Bố và mình (của ngày xưa) hay can Mẹ, vì Bố con mình thì thích đơn giản. Nhưng rồi lại chợt nghĩ, hạnh phúc của Mẹ của Bà ngày xưa khác lắm. Đó là thứ hạnh phúc được lo toan, được chăm chút cho gia đình, được khéo léo vun vén, cũng bởi ngày xưa, khó khăn hơn bây giờ. Mình không muốn Mẹ mệt, nhưng mình quên mất, Mẹ không thấy như thế, Mẹ đang vui cơ mà. Mà nếu Mẹ vui, thì mình cần gì thêm, có lẽ chỉ cần lẽo đẽo theo Mẹ đi chợ Tết, cắm hoa, làm mấy món ngon, thủ thỉ với nhau là được.
Thời gian đôi lúc vô tình lắm. Vũ Bằng sống Nam nhớ Bắc, cũng vô hạn những đêm lang thang thảng thốt nước mắt dài ngắn gọi tên người xưa.
Đến cuối cùng, kẻ dương người âm mà vẫn xa cách, người vợ thảo hiền không chờ đợi được đến ngày đoàn viên. Người chồng đi hoạt động tình báo, cũng chỉ biết nén hết bao nhiêu thương nhớ vào từng câu, từng chữ mà thôi. Thương biết bao nhiêu, nhớ đến bao nhiêu.
Mỗi tháng lại có bao nhiêu cái vị, cái hay ... cứ đọc, cứ đi để Vũ Bằng dẫn ta đi thưởng thức những món ăn thơm thảo. Và cùng cảm nhận thứ tình cảm sắc son, nên thơ như chính chất văn của ông vậy.
“Tôi tin rằng chết không phải là hết mà dương trần và âm cảnh vẫn còn có tương quan và tôi thấy cảnh người sống và người chết thông cảm với nhau có một cái gì làm cho ta xúc động và kính cẩn.”
Gấp lại một trang sách, thấy ngưỡng mộ, thấy cả xót thương, thấy thêm phần yêu và thấu hiểu. Thấy đất trời vẫn thế, muôn thuở đẹp theo cách riêng, thấy cần thắm thiết hơn với những thân thuộc của cuộc đời ta.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất