Lời giới thiệu
Một bình luận, một câu chuyện, một phân tích, một ý tưởng và một số quan sát về lãi kép.

Một câu châm ngôn

“Compound interest is the eighth wonder of the world. He who understands it, earns it … who doesn’t … pays it.” -Albert Einstein-
“Lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới. Ai hiểu được điều đó, sẽ nhận được nhiều … ai không hiểu … sẽ phải trả giá” - Albert Einstein-
“Lãi kép là kỳ quan thứ tám của thế giới” là một phát biểu đánh giá thấp và có phần coi thường lãi kép. Bảy kỳ quan kia chỉ là những công trình kiến trúc do con người xây dựng nên, và theo thời gian chúng sẽ biến mất hoặc sẽ được thay thế dần bởi những thành phần mới. Lãi kép thì khác. Nó không do bàn tay con người tạo ra, và cho dù bảy kỳ quan kia biến mất hay cả nhân loại hay thậm chí cả trái đất này biến mất, lãi kép vẫn ở đó, vẫn tồn tại. Cho nên việc đặt lãi kép ngang hàng với bảy công trình nhân tạo của thế giới nhỏ bé này có phần khập khiễng. Nếu tôi là cố vấn của Einstein, ngay sau khi nghe ông ấy phát biểu điều này, tôi sẽ không ngại kéo ông ra một góc và vui vẻ đề nghị rằng ông nên đổi thành “lãi kép là một trong những vẻ đẹp của vũ trụ”. Tôi không thể đảm bảo cách diễn đạt mới có đúng không, những lại tự tin rằng nó sẽ ít sai hơn.
Bạn đọc có thể sẽ nghĩ rằng tôi đang bắt bẻ con chữ mà phớt lờ ý nghĩa được biểu đạt của phép so sánh này. Nếu bạn nghĩ như thế thì bạn … đúng một phần rồi đấy. Nhưng cũng xin nói thêm rằng, tôi không hề phớt lờ ý tác giả muốn truyền tải mà trái lại, còn muốn nhấn mạnh hơn sự vĩ đại và choáng ngợp mà thứ kỳ quan này ẩn chứa. Do đó bằng việc chỉ ra sự khập khiễng trong phép so sánh, tôi có thể giúp bạn đọc có cái nhìn rõ nét thêm một chút về lãi kép.
Nguồn: trên mạng
Nguồn: trên mạng
Ngoài ra, tôi cũng xin đề cập đến nghi vấn rằng câu trích dẫn trên có thực sự là của Einstein hay không? Có thể nó do một người khác, ít nổi tiếng hơn nói ra, hoặc có thể chỉ là câu truyền miệng trong đại chúng và Einstein trong một lần trích dẫn đã được người đời gắn cho cái danh tác giả. Trong trường hợp nếu thực sự là câu nói được người đời gán ghép với ông thì tôi cũng có chút ý kiến thế này. Nhìn vào sự gán ghép, người khác có thể nghĩ việc kể rằng chính Einstein nói ra câu đó sẽ giúp câu nói trở nên nối tiếng hơn và thuyết phục hơn nhờ vào tài năng của nhà bác học đại tài. Tôi lại cho rằng chính nhà bác học của chúng ta mới là người nhận được nhiều hơn phần lợi ích trong danh tiếng khi được nhắc đến cùng với câu châm ngôn. Mà cho dù ai nói đi nữa thì lãi kép, với sức mạnh của nó cũng sẽ con người nhận thấy, ứng dụng và truyền miệng chỉ dạy cho nhau. Nhưng quả thật, Einstein và lãi kép quả là một sự kết hợp vô cùng mạnh mẽ và thú vị.
Đoạn trình bày quan điểm nhỏ trên không phải để chỉ trích Einstein vì sự thiếu suy nghĩ khi nói ra điều đó, hay trong trường hợp bị gán ghép, để chỉ ra sự thiếu khôn ngoan của chủ nhân câu nói lại không bỏ công sức để giữ lấy lợi ích danh tiếng to lớn khi phát biểu điều đó. Mục đích của nó cũng chính là mục đích của toàn bộ bài viết này. Về lãi kép.
Ngoài sự nghi ngờ về danh tính chủ nhân câu nói và sự phê phán ranh mãnh phép so sánh, tôi lại xin gật gù đồng ý với quan điểm rằng “ai hiểu được điều đó sẽ nhận được nhiều … ai không hiểu … sẽ phải trả giá”. Dù được giảng dạy trong chương trình phổ thông, thế nhưng hầu như chẳng có nhiều người hiểu hay nhớ đến lãi kép cả, có thể cả người dạy cũng không khá hơn nhiều. Khi nói một người hiểu lãi kép không phải chỉ một người có thể đưa ra công thức và tính toán một cách chuẩn xác, mà anh ta phải thực sự ứng dụng nó vào cuộc sống. Anh ta nhận thức được sự hiện diện của nó, vận dụng nó, tích hợp nó vào trong kế hoạch cuộc đời anh ta và hành động theo hướng mà lãi kép mang tạo ra lợi ích. Nhưng điều thú vị hơn ở đây là khi một người không hiểu đến sự tồn tại và sức mạnh của lãi kép, anh ta sẽ phải trả giá. Thông thường, cái giá anh phải trả thuộc vào hai loại: những tác động theo hướng tiêu cực và chi phí cơ hội mà anh phải đánh đổi.
Đoạn trình bày quan điểm nhỏ trên không phải để chỉ trích Einstein vì sự thiếu suy nghĩ khi nói ra điều đó, hay trong trường hợp bị gán ghép, để chỉ ra sự thiếu khôn ngoan của chủ nhân câu nói lại không bỏ công sức để giữ lấy lợi ích danh tiếng to lớn khi phát biểu điều đó. Mục đích của nó cũng chính là mục đích của toàn bộ bài viết này. Về lãi kép.

Niềm vui trong việc tích lãi kép

Dù rằng lãi kép tồn tại ngay cả trong tự nhiên và nhiều khía cạnh đời sống, thế nhưng đối với chúng ta vai trò của nó trong tài chính vẫn nổi bật và có tầm quan trọng bậc nhất. Nó chính là trái tim trong việc xây dựng sự giàu có tài chính. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất trong việc vận dụng lãi kép để gặt hái thành công chính là Nhà hiền triết xứ Omaha, Warren Buffett.
Mặc dù không thành công như Einstein, Warren cũng đã nhiều lần đề cập và chia sẻ về lãi kép. Trong những bức thư gửi các nhà đầu tư của quỹ Buffett Partnership, Warren có một serie nhỏ “The joys of compounding” gồm các câu chuyện tài chính viễn tưởng rất ngắn nhưng lại vô cùng thú vị. Trong những câu chuyện đó, chúng ta sẽ nhìn lại lịch sử và xem xét những cái giá mà những con người khi xưa đã phải trả vì không hiểu được lãi kép. Tôi xin trích lại một trong những câu chuyện đó trong bức thư năm 1964.
Năm 1540, vua Francis I của nước Pháp đã mua bức tranh nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci với giá 4,000 đồng vàng ducat. Đối với một số ít trong các bạn không theo dõi sự biến động giá của đồng tiền này thì số vàng này có giá trị vào khoảng 20,000 usd vào thời đó. Nếu lúc đó vua Francis thực sự tỉnh táo, thì ông ấy (và những người cố vấn tài chính của ông ấy) có thể đặt số tiền đó vào nơi có thể mang lại 6% lợi tức sau thuế, nếu thế đến bây giờ khối tài sản đó sẽ đáng giá hơn 1,000,000,000,000,000 usd. Đó là 1 triệu tỷ đô hay là hơn 3,000 lần nợ quốc gia, tất cả chỉ với 6%. Tôi tin rằng câu chuyện nhỏ này sẽ kết thúc mọi cuộc bàn luận trong gia đình chúng tôi về việc có nên đầu tư vào những tác phẩm nghệ thuật hay không.
Bạn đọc cũng thấy rằng đây là câu chuyện được Warren kể vào năm 1964, vậy nếu tính tới năm 2023, khối tài sản đó sẽ đáng giá bao nhiêu. Cũng tiếp tục với 6%, nước Pháp có thể đã có một khoảng tài khoản với số dư hơn 33,000,000,000,000,000 usd. Vâng! 33 và 15 con số 0. Để dễ hình dung hơn thì GDP toàn cầu năm 2023 là khoảng 105 và 12 số 0, GDP của Mỹ là hơn 27 và 12 số 0 và của nước Pháp là khoảng 3 và 12 số 0. Nhưng để thực sự so sánh, thì năm 2023, nàng Mona Lisa nổi tiếng của chúng ta có thể bị mua bán với cái giá vào khoảng 1 và 9 số 0. Nếu bấm máy tính, và bạn nên như vậy, thì ta sẽ thấy con số 33,000,000 lần. Nếu bây giờ vua Fancis I có thể sống dậy, thì mỗi lần ông ngắm nhìn nàng Mona Lisa, hoặc là ông không còn nhìn thấy vẻ đẹp nơi nàng nữa, hoặc là ông sẽ thấy ở nàng một vẻ đẹp tuyệt trần, một vẻ đẹp mà không một tồn tại trong tự nhiên nào có thể đặt ngang hàng, một vẻ đẹp mà tâm trí ông phải tê liệt vì sự đau đớn và hối tiếc. Nàng Mona Lisa.
Đây chỉ là một câu chuyện trong trí tưởng tượng, nhưng nhân vật chính của câu chuyện lại thực sự tồn tại. Ý tôi không phải nói đến vị vua, mà là lãi kép. Nhưng có lẽ sự nhầm lẫn vị trí của chính vị vua đã mang đến cái kết đầy tiếc nuối của câu chuyện. Và sai lầm ấy sẽ không chỉ có mình ông ta phạm phải, mà nhiều người theo sau sẽ tiếp nối.
Dù nàng có đẹp đến đâu thì nàng cũng là vợ của người ta
Dù nàng có đẹp đến đâu thì nàng cũng là vợ của người ta
Trong hai cái giá mà tôi đã đề cập đến thì vị vua của chúng ta đã phải trả bằng chi phí cơ hội có thể đưa nước Pháp trở thành một cường quốc vũ trụ, để đánh đổi lấy một bức tranh vẽ vợ của người khác. Than ôi! Không chỉ anh hùng mà vua chúa cũng khó qua khỏi ải mỹ nhân. Nhưng có một niềm an ủi cho vị vua là ngài không sống lâu đến thế, ông mất năm 52 tuổi, để thấy cái kết bi thương này.
Thế còn chúng ta thì sao? Tin vui là phần lớn trong chúng ta sẽ sống lâu hơn vị vua của nước Pháp, với những đột phá về y học, một số không ít trong chúng ta có thể chạm tay đến ngưỡng ba chữ số. Tuy vẫn chưa đủ lâu để ta có thể chứng kiến số tiền trong tài khoản có thể gánh vác cả một quốc gia, nhưng chắc chắn đủ dài để ta phải đánh giá lại những ham mê thầm kín về hình ảnh vợ của người khác.
Bảng dưới đây sẽ cho ta liệt kê kết quả mà lãi kép mang lại đối với số tiền 1,000,000 vnd với các mức lãi suất 5%, 7%, 10%, 12% và 15% qua các thập kỷ.
img_0
Từ bảng trên ta có thể thấy những cái giá hay phần thưởng mà bạn sẽ phải trả hay nhận được. Với mỗi người tầm quan trọng của các con số sẽ khác nhau. Một sinh viên mới ra trường ắt hẳn sẽ quan tâm đến những hàng cuối hơn so với một ông chú trung niên 40 tuổi một vợ hai con, và cũng tùy vào khả năng tiếp cận mà hai người họ sẽ tập trung vào những cột khác nhau. Tuy nhiên họ đều có một lựa chọn giống nhau: chọn việc sử dụng số tiền hiện có ngay bây giờ hay là chờ đợi để có một số tiền lớn hơn trong tương lai. Một điều hiển nhiên là không phải lúc nào cũng nên lựa cái sau. Điều cốt yếu là chúng ta nên nhận thức được sự lựa chọn mà ta đang có và đưa ra đáp án cho riêng mình. Hiển nhiên, nếu bạn giàu có như một vị vua thì những sai lầm trong quyết định vẫn có thể chấp nhận được.

Ba thành tố

Sau khi đã nghe về quyền lực, danh tiếng, và những chuyến phiêu lưu của người anh hùng rồi, thì ta cũng nên tìm hiểu về ngoại hình, tính cánh để hiểu rõ con người anh ta hơn. Từ đó ta có thể có cơ hội đồng hành cùng anh ấy trong chuyến hành trình xây dựng sự giàu có. Tuy nhiên có một chút khó khăn là ta không thể nhìn thấy, không thể chạm vào cũng chả có thể trò chuyện với anh ta, nhưng may mắn thay chúng ta có thể hiểu con người anh ta qua một thứ ngôn ngữ đến từ vũ trụ, toán học.
Có nhiều dạng công thức tính lãi kép để ứng dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, công thức sau vẫn là nền tảng.
A=P(1+r)^n
Trong đó:
P: số tiền gốc ban đầu
r: lãi suất trong một khoảng thời gian cố định
n: số lượng khoảng thời gian cố định, thông thường tính bằng năm
A: số tiền tích lũy, cả gốc lẫn lãi
Nếu gọi phương trình trên là công thức làm giàu thì thành thật thì đó không phải là nói quá. Một trong những thước đo giàu có phổ biến chính là giá trị tài sản ròng, được tính bằng công thức đơn giản, tổng tài sản có trừ đi tổng tài sản nợ. Hẳn nhiên đây không phải là một thước đo hoàn hảo. Một vài yếu tố khác ta cũng cần phải cân nhắc đến như: chênh lệch giữ thu nhập và chi phí; môi trường kinh tế có ổn định đủ để tránh làm mất giá khối tài sản đó một cách nhanh chóng; thái độ của người sở hữu đối với tiền bạc; và cả việc tài sản đó đang nằm dưới dạng gì,…. Nếu ta cho rằng các yếu tố khác đều đạt một mức độ vừa phải và theo hướng có lợi thì giá trị tài sản ròng là một thước đo hữu hiệu. Và công thức lãi kép trên chính là tấm bản đồ, chính là phương tiện đưa ta đến sự giàu có về tài chính. Khi quan sát kỹ tấm bản đồ trên, ta dễ dàng nhận thấy ba thành tố chi phối, cũng là những chỉ dẫn đưa ta đến đích.

Xuất phát điểm

Thành tố thứ nhất, số tiền gốc ban đầu, chính là vị trí của một người so với điểm xuất phát khi bắt đầu chuyến hành trình. Anh ta có thể đứng ngay đích đến, hoặc tại điểm bắt đầu, hoặc phải lùi lại trước điểm bắt đầu một khoảng lớn. Và anh ta lại không thể kiểm soát được điều này. Anh ta có thể thấy bất công, có thể thấy phẫn nộ và có thể than phiền. Thế nhưng anh ta không nên than phiền về điều đó, dù cho anh ta có quyền làm thế. Bởi thì than phiền không thể thay đổi vị trí của anh ta.
Tuy nhiên thành tố này không chỉ có vậy, không chỉ thể hiện vị trí mà còn mang trong nó cả cách thức. Hãy nhớ rằng lãi kép không chỉ là tấm bản đồ mà còn là phương tiện, và số tiền gốc chính là nhiên liệu. Bằng cách gia tăng số tiền gốc ta sẽ tiến đến đích nhanh chóng hơn. Do đó một trong những cách tiếp cận hiệu quả và phổ biến nhất chính là tập trung gia tăng số tiền tiết kiệm, số tiền mà ta có thể đổ vào cổ máy lãi kép. Hãy để ý rằng điều quan trọng ở đây là số tiền tiết kiệm chứ không phải là thu nhập. Tăng thu nhập là một cách hiệu quả để tăng tiết kiệm, nhưng chỉ tăng thu nhập thôi thì không đủ. Ta nên tăng thu nhập đồng thời cũng nên tập trung vào khoản chi phí, hay nói cách khác đó là tập trung mở rộng khoảng cách giữa thu nhập và chi phí. Một trong những bí mật để làm tốt điều này liên quan đến vị vua của nước Pháp trong câu chuyện trên, hoặc ông ta có thể sở hữu và ngắm nhìn thỏa thích bức tranh vẽ vợ của người khác, hoặc ông ấy bắt số tiền ấy làm việc để tạo ra nhiều tiền hơn, để sau này có thể mua nhiều bức tranh hơn … hoặc không.

Tốc độ chạy

Lãi suất là thành tố thứ hai của lãi kép và cũng là thành tố gây nhiều hiểu lầm và nhiều rắc rối nhất. Một trong những vấn đề lớn nhất mà mọi người gặp phải đối với lãi suất mà thông thường bản thân họ cũng không nhận thức được vấn đề này, chính là lợi nhuận của lãi suất là từ đâu mà có, dù cho đó là lãi suất đến từ việc chơi hụi, gửi tiết kiệm ngân hàng hay việc mua bán chứng khoán. Việc không hiểu được hoạt động kinh tế đứng sau lãi suất sẽ dẫn đến việc không biết rằng tại sao lãi suất lại là con số này mà không phải con số khác, không hiểu rằng mức lãi suất trong trường hợp này có hợp lý hay không từ đó dẫn tới những mong đợi phi lý và những quyết định sai lầm. Để hiểu rõ lợi nhuận của lãi suất đến từ đâu cần có một bài viết khác để nói rõ hơn, nhưng nếu có thể tóm gọn lại trong một ý, tôi xin nói rằng nó chính ở ngay trong bàn tay và khối óc con người, lao động.
Từ bảng tác động của lãi kép với các mức lãi suất khác nhau qua các thập niên, ta thấy rằng chỉ cần một vài phần trăm tăng lên cũng sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn trong kết quả. Do đó việc cố gắng để đạt mức lãi suất cao hơn là một cố gắng hợp lý. Thế nhưng khả năng đạt được các mức lãi suất của mọi người lại rất khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy có nhiều yếu tố nhưng có ba yếu tố mà tôi rằng quan trọng nhất chính là: hoàn cảnh, tâm lý và lượng nỗ lực bỏ ra.
Hoàn cảnh là yếu tố dễ hiểu nhất. Một thanh niên đầu 20 bước vào thị trường lao động có thể tiếp cận với những mức lãi suất cao, nhưng thiếu ổn định. Một góa phụ 40 tuổi với 2 con sẽ không thể chịu nổi những cú sốc tài chính bất ngờ nên sẽ ưu tiên sự an toàn và ổn định. Hay đối với bạn của anh thanh niên kia, người được thừa kế khối tài sản kết sù ba đời sài không hết, việc gấp đôi khối tài sản đó không có nhiều giá trị với anh ta, mà anh ta muốn tập trung vào việc bảo vệ chúng và sự giáo dục cho các thế hệ sau. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, ưu tiên của họ cũng khác nhau, do đó sẽ có nhu cầu về các mức lãi suất khác nhau.
Nếu hỏi rằng mối liên hệ giữa tâm lý và khả năng đạt được các mức lãi suất là gì? Thì một trong những câu trả lời phổ biến là về quy tắc rủi ro càng cao lợi nhuận càng lớn, do đó tâm lý của người nào càng chịu được rủi ro cao thì mức lãi suất của họ càng lớn. Cái quy tắc hợp lý ấy khi xét trong trường hợp thực tiễn cụ thể lại không hợp lý đến thế, mà theo tôi điều ngược lại đúng hơn, rủi ro càng thấp thì lợi nhuận càng lớn. Việc nhiều người nhầm lẫn điều này khiến họ dễ dàng chấp nhận những rủi ro không đáng có và cũng không thõa đáng với khoản lợi nhuận hứa hẹn. Đây chỉ là một trong vô vàn những khuyết điểm của tâm lý con người khi nói đến lãi kép hay rộng hơn là đầu tư. Để có thể đạt được mức lãi suất cao, một người không nên quá tập trung vào việc nâng cao tâm lý mà thay vào đó là nhận thức và bù đắp các khuyết điểm tâm lý của anh ta.
Fact: Đường cong luôn sexy hơn đường thẳng
Fact: Đường cong luôn sexy hơn đường thẳng
Nếu như hoàn cảnh và tâm lý của hai người là như nhau thì điều quyết định mức lãi suất mà họ có thể đạt được nằm ở lượng nỗ lực mà họ bỏ ra. Khi một người muốn tăng thu nhập một cách đáng kể thì anh ta gần như đã hiểu anh ta cần thay đổi, hoặc là anh ta làm thêm giờ, hoặc là anh tăng năng suất lên, hoặc anh học những kỹ năng mới, hoặc anh đổi chỗ làm việc hay thậm chí là đổi cả công việc. Những thay đổi đều cần đầu tư một lượng tiền bạc, thời gian và công sức. Anh ta sẽ không quá thắc mắc khi cần một lượng nỗ lực nhất định để tăng thu nhập. Thế nhưng nếu anh ta muốn chuyển từ mức lãi suất 5-7% lên mức cao hơn 10-12% chẳng hạn anh ta gần như mong chờ một phép thần kỳ, một thay đổi không cần nỗ lực. Có thể đó là một đàn anh trong công ty chỉ anh cách đầu tư, có thể đó là một khóa học online 2 tuần lễ chỉ việc ngồi xem, hay có thể là từ một hình tượng hình mẫu nào đó. Đương nhiên có những dịp may mắn như thế tồn tại, và sự tồn tại đó không có gì là sai trái cả. Vấn đề ở đây là sự mặc định rằng chỉ với một chút cố gắng anh ta có thể đạt được mức lãi suất cao.
Thực tế, chỉ có một phần thiểu số có thể đạt được mức lãi suất vượt trên trung bình trong thời gian dài, còn số đông sẽ đạt được kết quả trung bình trong dài hạn. Đây là một điều hiển nhiên, tất cả chúng ta không thể đều đạt được mức lãi suất cao được. Ta nên hiểu thực tế tất yếu ấy và có cái nhìn hợp lý hơn với các mức lãi suất và điều chỉnh sự mong đợi một cách phù hợp.

Quãng đường chạy

Không có gì khó hiểu, không có gì khúc mắc, là một điều hiển nhiên, đường chạy càng dài, thành quả càng lớn. Trong bảng lãi suất phía trên, ta có thể thấy rằng phần lớn quả ngọt mà lãi kép mang lại là nằm ở cuối đường chạy. Số tiền mà lãi kép tạo ra trong thập kỷ cuối có thể gấp nhiều lần số tiền nó tạo ra trong toàn bộ những thập kỷ trước đó. Do đó chỉ cần đường chạy dài thêm 1 năm cũng sẽ tạo ra kết quả khác biệt.
Thông thường, để lãi kép thể hiện sự kỳ diệu của nó và biến đổi tình hình tài chính của chúng ta thường cần ít nhất 20, 30 năm. Đó là một khoảng thời gian thực sự dài, nó dài với tâm trí của con người hiện đại và nó quá dài đối với những con vượn chạy trên đồng cỏ châu Phi. Sẽ là không khôn ngoan khi từ chối một trái chuối ngay bây giờ và đem nó đi đầu tư để hàng chục năm sau hưởng thụ. Sẽ chẳng có mấy con vượn sống tới 50 tuổi để thấy thành quả đó. Nhưng thời thế đã thay đổi, năm 2023, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 74,5 tuổi và sẽ còn tăng thêm, hoặc tại các nước tuổi thọ cao như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể lên đến 85 tuổi. Thế nhưng tuổi thọ tăng lên, thời gian ta có cũng nhiều hơn, tâm trí ta chẳng thay đổi nhiều đến thế. Ta vẫn không hiểu được lãi kép, vẫn không bắt đầu cuộc hành trình và cho nó đủ thời gian để tạo quả.
Một trong những lời khuyên phổ biến và hiệu quả nhất để trở nên giàu có đó chính là bắt đầu tiết kiệm và đầu tư sớm. Lời khuyên không hề mới lạ nhưng lại rất ít người thực sự xem trọng nó. Quãng đường đời ta ngày càng nối dài thêm, thế nhưng quãng đường chạy lãi kép của chúng ta vẫn còn rất ngắn. Hầu hết mọi người đều tập trung vào những sự hào nhoáng và sôi động của những mức lãi suất mang lại, và quên rằng thời gian là một thành tố vô cùng quan trọng để lãi kép hoạt động. Cho nên hãy bắt đầu lúc trẻ và chết khi thật già. Quả ngọt cần thời gian để tụ quả và sẽ chín mùi vào những phút cuối.

Đích đến

Khác nhau ở xuất phát điểm, tốc độ chạy và quãng đường chạy thì sẽ có chẳng có gì bất ngờ khi mỗi người trong chúng ta cũng có đích đến khác nhau. Điều này phụ thuộc phần lớn vào thái độ của mỗi người đối với tiền bạc. Do đó, mỗi người cũng sẽ phải tự quyết định đích đến của bản thân.
Như nhiều cuộc hành trình khác, đích đến của cuộc hành trình lãi kép không chỉ nằm ở kết quả mà còn ở quá trình đạt đến kết quả ấy. Kết quả muốn đạt được của mỗi người mỗi khác và do đó việc thực hiện cuộc hành trình đó như thế nào cũng là quyết định của riêng mỗi người. Anh ta có thể đổ nhiên liệu cho cỗ xe của mình với những khoản nhỏ đều đặn, di chuyển với một tốc độ vừa phải, tránh xóc nảy, chuyến hành trình của anh có thể dài nhưng anh ta sẽ tận hưởng dọc chuyến hành trình. Anh ta có thể ưu tiên đổ nhiều nhiên liệu nhất có thể, anh ta không thích việc lân la ngắm cảnh bên đường, anh ta đạp hết tốc lực, anh ta sẽ không ngại những gập ghềnh, xóc nảy trên đường đi, anh ta chỉ nhìn về đích đến và những bữa tiệc mừng sau đó. Không có con đường nào sai cả, cái sai là không bắt đầu. Và điều quan trọng là anh ta phải luôn mang theo tấm bản đồ bên mình.

Quá khó để phá vỡ

Quy tắc 1%, là một trong những điều phổ biến mà mọi người thường chỉ nhau khi muốn phát triển bản thân. Quy tắc ấy nói rằng nếu mỗi ngày bạn tốt hơn 1% thì chỉ sau một năm bạn sẽ trở thành một con người hoàn toàn khác, bởi vì 1,01^365 = 37,7. Hoặc là nếu bạn trở nên tệ hơn chỉ 1% mỗi ngày thì một năm sau bạn sẽ là một kẻ thất bại, bởi vì 0,99^365 = 0.03. Rất ấn tượng, rất truyền cảm hứng, thế nhưng không một bộ óc tỉnh táo nào tin rằng đây là cách hiện thực hoạt động. Chỉ một năm mà bạn tốt lên lên hơn 37 lần ư, vậy nếu thực hiện trong 10 năm thì sao, 1,01^(365x10)=5,9x10^15, gần 6 triệu tỷ lần. Lúc này tới Chúa cũng phải mời bạn uống trà. Thông điệp mà quy tắc này muốn truyền tải thực sự rất đáng khen, thế nhưng cách thể hiện qua việc lạm dụng lãi kép ấy sẽ gây ra nhiều hiểu lầm, hay thậm chí phản tác dụng. Mặc dù không tin vào quy tắc trên, tôi vẫn tin rằng lãi kép thực sự có tác động thực tế đến việc chúng ta trở nên tốt hơn hay tệ đi, và sự tác động ấy thể hiện qua những hành động.
Hút điếu thuốc thứ hai sẽ có tác động lên cơ thể bạn khác so với điếu thứ nhất, bởi vì bạn đã hút điếu thứ nhất trước đó. Tương tự điếu thuốc thứ ba, bốn, năm và một trăm sẽ có tác động khác nhau, bởi vì những điếu thuốc trước đó bạn đã hút. Giả sử trạng thái không nghiện hút thuốc là 1 và trạng thái nghiện là 2 và bạn cần 365 điếu thuốc để trở thành con nghiện, khi đó tác động của một điếu thuốc lên tiến trình trở nên nghiện của bạn có thể tính bằng (2^(1/365) - 1)*100 = 0,2%. Trong trường hợp giả thuyết này, một điếu thuốc sẽ bạn trở nên nghiện hơn 0,2%. Tôi cũng không tin rằng điều này là đúng. Thực tế, gần như không thể để lượng hóa tác động của một hành động lên quá trình hình thành một thói quen.
Thế nhưng vẫn có những điều hứa hẹn khi ta nhìn vào khoa học trong việc hình thành thói quen. Giải thích một cách đơn giản, khi ta thực hiện một hành động, liên kết thần kinh điều khiển cơ thể thực hiện hành động đó sẽ được củng cố bằng một màng bọc, từ đó ta càng lặp lại càng nhiều hành động đó, việc xung thần phát ra tín hiệu đó từ bộ não đến các cơ thực hiện sẽ dễ dàng và nhanh hơn. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như nhóm cơ thực hiện hành động đó sẽ phát triển hơn, những điều kiện kích thích như hình ảnh hay âm thanh, thời điểm thực hiện hành động, v.v… Để thực sự biết việc hình thành một thói quen có dựa trên nguyên tắc của lãi kép hay không, ta cần thu thập nhiều dữ liệu liên quan như kích thước màng bọc liên kết, kích thước nhóm cơ đảm nhiệm, tốc độ xung tín hiệu, độ thuần thục trong việc thực hiện hành động đó và nhiều yếu tố khác. Tôi thực sự vẫn chưa kiểm chứng được chúng, hoặc chúng đã được người khác khám phá nhưng tôi chưa biết. Thế nhưng tôi tin rằng việc hình thành và duy trì một thói quen một phần được diễn ra trên nguyên lý của lãi kép. Tôi không nghĩ là toàn bộ quá trình đều tuân theo nguyên lý này, mà là có một giai đoạn mà mỗi hành động sẽ tác động lên con người chúng ta theo một mức lãi suất, không nhất định là một hằng số. Và một phần những hành động còn lại có tác động củng cố trên nguyên tắc tích lũy cộng thêm, chứ không theo lãi kép. Có thể sai, cũng có thể đúng một phần.
Ý tưởng này không chỉ giới hạn trong quá trình hình thành thói quen, và ngay cả sau khi đó, khi thói quen đã hình thành thì tác động của thói quen lên cuộc sống của chúng ta cũng có một phần tuân theo lãi kép. Ví dụ, sau một năm bạn đã hình thành thói quen đi bộ 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, lúc này sức khỏe của bạn vẫn sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi tích cực. Và sẽ có một giai đoạn, mà sức khỏe của bạn sẽ thay đổi theo một mức lãi suất nào đó, mỗi tuần duy trì thói quen đi bộ sẽ có tác động khác nhau và nhân lên bội lần.
Một trong những khía cạnh đời sống mà tôi tin rằng lãi kép cũng có sự hiện diện chính là mối quan hệ giữa người với người. Trong một mối quan hệ, việc chúng ta ứng xử như thế nào có ảnh hưởng đến sự thay đổi bản chất trong chính mối quan hệ đó. Từ đồng nghiêp trở thành vợ chồng, hay từ anh em trở thành người dưng, thông thường những biến đổi sẽ không diễn ra chỉ trong một sự kiện, từ trắng biến thành đen. Mà đó là một quá trình, với sự tích góp của những hành động nhỏ lớn khác nhau. Câu hỏi ở đây là mỗi hành động ấy có tác động như thế nào lên quá trình ấy. Nếu có thể lượng hóa, thì liệu chúng tuân theo nguyên tắc lãi kép hay không? Vẫn ý tưởng ấy, có một giai đoạn mà lãi kép thực sự thể hiện sự uy nghi của nó, ngay trong cả quan hệ giữa người với người.
Có một điều cần lưu ý rằng quá trình hình thành thói quen hay những thay đổi trong mối quan hệ không nhất thiết sẽ phải diễn ra theo một chiều nhất định. Những hành động tích cực và tiêu cực có thể bù trừ nhau, tường ứng với lãi suất âm hay dương.
Toàn bộ cái ý tưởng có thể tóm gọn như sau, trong sự hình thành thói quen, hay việc thói quen tác động đến cuộc sống, hay ngay cả những thay đổi trong các mối quan hệ và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, lãi kép có mặt ở đó và là một trong những nguyên lý mà theo đó những thay đổi về lượng, ít nhất là một phần, sẽ tuân theo, và nếu đủ thậm chí dẫn đến cả sự thay đổi về chất. Đây là một ý tưởng, một góc nhìn, một quan điểm cá nhân. Nó chắc chắn không có khả năng thay đổi cách thế giới hoạt động, nhưng theo tôi nó lại khá thú vị và đáng để chia sẻ. Và theo đó, trong quá trình thay đổi bản thân, dù là để trở nên tốt hơn hay tệ đi, bạn sẽ cảm thấy thú vị thêm đôi chút.

Uranium, thai nhi và phép nhân

Để kết thúc bài viết, tôi sẽ nhìn phía tự nhiên và tìm kiếm lãi kép ở đó. Như đã đề cập trước đó lãi kép không phải do con người tạo ra, một số quan sát sau sẽ cũng cố cho quan điểm đó.

Fat man and Little boy

Ta nên bắt đầu với sự hủy diệt, vì nếu bắt đầu với những điều tồi tệ nhất thì có thể kết thúc sẽ là một cái kết đẹp. Mà khi nói đến điều này thì loài người nói chung và người dân hai thành phố Hiroshima và Nagasaki nói riêng sẽ không thể nào quên sự chết chóc mà bom nguyên tử mang lại. Ngay cả khi chúng ta tìm được tiếng nói chung về hòa bình, sự chết chóc đó vẫn ở đó và luôn nhìn về phía chúng ta. Và chính trong sự chết chóc đó có sự hiện diện của lãi kép. Cụ thể là phản ứng phân hạch hạt nhân dây chuyền.
Trên mạng
Trên mạng
Phản ứng này xảy ra khi ta bắn một hạt neutron vào một nguyên tử nặng, thường là Uranium 235 và Plutonium 239, khiến nó rơi vào trạng thái không ổn định dẫn đến phản ứng phân hạch tạo ra nhiều nguyên tử thuộc các nguyên tố nhẹ hơn cùng nhiều hạt neutron hơn và giải phóng năng lượng. Đến lượt những hạt neutron được tạo ra lại tiếp tục tạo ra phản ứng tương tự, cứ thế tạo ra một chuỗi các loạt phản ứng phân hạch. Trong chuỗi phản ứng này, có một hệ số đặc biệt K, đo lường tỷ lệ số neutron được tạo ra so với lượng neutron làm tác nhân phản ứng. Nếu K<1, phản ứng sẽ tắc dần và dừng lại; nếu K = 1 phản ứng sẽ duy trì ổn định, và khi K >1 phản ứng dây truyền sự tự duy trì, năng lượng phát ra tăng nhanh và sẽ bùng nổ. Trong quả bom hạt nhân, K > 1. Và không nghi ngờ gì nữa trong quả bom đó có sự tồn tại của lãi kép và K chính là lãi suất. Ví dụ nếu K=1.5 thì số phản ứng phân hạch trong trái bom sẽ tích lũy với mức lãi suất 50% sau một loạt phản ứng, và theo thời gian cái gì tới thì cũng sẽ tới. Bummmm.

Là nhân chứ không phải là cộng

Một điều thú vị , nếu lãi suất là cố định, lãi kép chính là một cấp số nhân. Trong trường hợp bạn vô tình quên cấp số nhân là gì, thì cấp số nhân là một dãy số thoả mãn điều kiện kể từ số hạng thứ hai, mỗi số hạng đều là tích của số hạng đứng ngay trước nó với một số không đổi. Hằng số này được gọi là công bội của cấp số nhân. Vậy từ công thức tính lãi kép ở trên, với r là hằng số, ta có thể biểu diễn dưới dạng số hạng tổng quát:
An=A1*q^(n-1)
trong đó: An là số hạng thứ n; A1 = P, là số hạn đầu tiên và A1 > 0; q= 1+r =const, là công bội; n là số nguyên thỏa mãn n ≥ 1.
Vì là một cấp số nhân, ta cũng có thể áp dụng các tính chất của cấp số nhân. Ví dụ như tính công bội r khi biết An và A1, tính tổng n số hạn của dãy số, và trong trường hợp này giới hạn là dương vô cùng khi n tiến đến dương vô cùng và nhiều tính chất khác. Những tính chất này không có nhiều ý nghĩa ứng dụng trong việc giúp ta hiểu và ứng dụng lãi kép, nhưng vì tôi thích lãi kép cho nên cứ viết để thế thôi. Chẳng phải cổ nhân có câu đại loại như: “Khi ta yêu một ai đó thì ngay cả những thói xấu của người đó trong mắt ta cũng trở nên đáng yêu”.

Cùng với sự sống

Một tế bào, thành hai tế bào, thành bốn tế bào, và tám tế bào, và cứ thể sự sống mới ra đời. Lãi kép là một nguyên tắc của sự sống, hay nói đúng hơn là nguyên tắc mà sự sống dựa theo đó sinh sản và phát triển. Từ những vi khuẩn nhỏ bé đến những loài thú lớn, hay trong cả các loài thực vật, ở đâu có sự sinh sôi ở đó có lãi kép. Bằng cách tăng lên theo cấp số nhân, các tế bào có thể được tạo ra với một tốc độ nhanh chóng giúp hình thành một cá thể sống phức tạp, và chính cá thể sống đó cũng có thể nhân lên với tốc độ của riêng mình và tạo lên sự thịnh vượng của loài. Nếu kích thước tế bào khiến cho việc quan sát lãi kép diễn ra khó khăn, bạn có thể nhìn vào cây cối xung quanh. Từ một nhánh cây tạo ra hai nách lá, từ nách lá một nhánh cây khác vươn mình, và cứ thế cây cối phát triển xanh tươi. Sự sống biết vận dụng lãi kép để tồn tại và phát triển thịnh vượng. Ở đâu có sự sống ở đó có lãi kép.
Trên mạng
Trên mạng
Một cơ chế giúp gia tăng số lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả, lãi kép là một quy luật của tự nhiên. Mang trong mình cả sự hủy diệt và sáng tạo, nếu không nói rõ người ta có thể nhầm lẫn lãi kép với cả Chúa. Một, không biết có tồn tại hay không; một, chắc chắn tồn tại.

Bạn có thể tìm đọc

Buffett Partnership Letters 1957-1970
BenPen
05/10/2024