Chúng tôi ký hợp đồng 3 tháng khai vấn. Tôi thoải mái hơn vì cuối cùng đã xếp được lịch hẹn ở văn phòng chị, một nơi hoàn toàn riêng tư. Căn phòng thơm mùi tinh dầu và trà hoa cúc, như muốn đưa người ta vào trạng thái thiền.
Chúng tôi thống nhất sẽ gặp nhau trực tiếp 1 tuần 1 lần trong tháng đầu tiên, sau đó sẽ dãn ra, 1 tuần gặp trực tiếp và tuần kế tiếp sẽ trao đổi qua điện thoại, và lập lại đến hết tháng thứ 3 nếu không có vấn đề gì đặc biệt. Vì chị vừa là người khai vấn, vừa là người tư vấn về tài chính cá nhân, chị giảm giá cho tôi khi biết thu nhập của tôi: "những hoạt động này không nên chiếm quá 10% thu nhập 1 tháng của em". 
Không quá quan trọng, tôi đang thực sự tuyệt vọng vào tình trạng của mình đến mức có thể chấp nhận cái giá ban đầu. Sau khi uống cẩn thận nửa lý trà hoa cúc, tôi hít một hơi thật sâu, và bắt đầu làm đồng tiền của mình có giá trị:
- Nếu bắt buộc phải chọn một mốc khởi đầu cho sự trầm cảm một thời gian dài của mình, em sẽ chọn mốc khi em tầm 7-8 tuổi, khi đó, em bị cưỡng hiếp bởi 2 người đàn ông....Ký ức của một đứa trẻ có phần mờ nhạt dần, một phần là bởi vì lúc xảy ra việc đó, em không hoàn toàn nhận thức được điều gì đang xảy ra với mình. Khi dậy thì, những mảng ký ức đó hiện lại rõ ràng hơn mang theo ý nghĩa của những hành động đó, em dần nhận ra em đã đánh mất đi điều gì. Dù hiện tại, em không trải qua những biến cố đó nữa, nhưng đó là một phần lý do khiến em không yêu được, em thấy bản thân mình không xứng đáng với những người đàn ông mà em từng có tình cảm. 

Những gì mà tôi biết về các phương pháp chữa trị trầm cảm hiện có trên thế giới có thể tạm chia ra như sau:
- Tâm lý trị liệu: rất phổ biến, có nhiều loại nhỏ sẽ được chuyên gia quyết định phù hợp với từng tình trạng bệnh riêng lẻ. Nhìn chung, hầu như tất cả các phương pháp trị liệu bằng trò chuyện sẽ được liệt kê là một phần của phương pháp này. Điển hình của tâm lý trị liệu bao gồm Liệu pháp nhận thức hành vi – CBT (Cognitive behaviour therapy), Liệu pháp hành vi cụ thể (Behaviour therapy), Liệu pháp tiếp xúc cá nhân – IPT (Interpersonal Psychotherapy), Trị liệu nhận thức dựa trên Chánh niệm – MBCT (Mindfulness-based cognitive therapy). Toàn những cái tên ghê gớm, nhưng không sao cả, dù sao đây cũng là một phương pháp đang được dùng để chữa trị tại hầu hết mọi nơi, mức phí tạm gọi là hợp lý và được chứng minh hiệu quả. Nếu các bạn muốn biết thêm thì có thể copy nguyên đống thuật ngữ trên qua google và tìm hiểu dần. 
Ở Việt Nam, đa số những bệnh viện công và tư nhân lớn đều có dịch vụ tư vấn và điều trị tâm lý, với bảng giá giao động từ 200.000 vnđ/giờ đến dưới 1 triệu/giờ (nhưng tôi thấy mức giá thông thường nhất vẫn nằm tầm 200-600k). Đấy là chưa tính tiền thuốc (nếu có) nhé ^^. 

- Điều trị bằng thuốc: xin vui lòng chỉ dùng khi bạn được kê đơn. Hiện đang có cả những phương thuốc đông và tây y cho dạng điều trị này. Các công ty dược thường xuyên phát triển các chất chống trầm cảm dựa trên thí nghiệm như vầy: 
Bạn lấy 100 con chuột và cho mỗi con vào 1 ống thủy tinh đầy nước. Các con chuột vùng vẫy tìm cách trèo ra khỏi ống mà bất thành. Sau 15 phút, hầu hết bọn chuột đều bỏ cuộc, cứ thể nổi lờ đờ trong ống, thờ ơ với môi trường xung quanh. 
Giờ thì bạn lấy thêm 100 con chuột nữa, cũng vất vào ống, đến lúc vừa hay chúng sắp tuyệt vọng, bạn vớt chúng ra. Bạn sấy khô, cho ăn, để chúng nghỉ ngơi, rồi lại vất lại chúng vào ống nước. Lần này, hầu hết bọn chuột vùng vẫy trong 20 phút trước khi bỏ cuộc. Tại sao lại có thêm 5 phút đó? Vì ký ức về sự vùng vẫy thành công mang lại cho lũ chuột HY VỌNG - thành phần cuối cùng của chiếc hộp Pandora đem đến niềm tin vào sự sống. 
Nhưng lúc này, não chuột tràn ngập các chất hóa học, làm sao biết được chất nào là chất mà chúng ta cần tìm? Dễ thôi, để kiểm tra chuyện này, bạn lấy vài nhóm chuột mới, tiêm vào mỗi nhóm dạng chất hóa học mà bạn nghi ngờ là có thể chống trầm cảm. Sau đó vất lũ chuột xuống nước. Nhóm nào vùng vẫy trong 15 phút, bạn loại chất đó khỏi danh sách, nhưng nhóm nào liên tục vùng vẫy được trong 20 phút, bạn có thể nói với CEO rằng bạn vừa trúng số độc đắc. 
Bằng cách này, chúng ta phát triển ra được 4 dạng lớn của thuốc chống trầm cảm thông dụng nhất hiện nay:
Tricyclics (thuốc chống trầm cảm ba vòng)
MAOIs (thuốc ức chế enzyme Monoamine oxidase)
SSRIs (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên Serotonin)
SNRIs (thuốc ức chế tái hấp thu trên Serotonin và Noradrenaline)
Một số những tài liệu nước ngoài mà tôi tìm được cho rằng các dạng thuốc này không giúp chữa trị trầm cảm, mà chỉ làm thuyên giảm các triệu chứng nhằm mục đích khiến quá trình điều trị chính (điều trị tâm lý) dễ dàng hơn. Thật ra đây là một kết luận có cơ sở, dù vậy, hiệu quả của các thuốc chống trầm cảm cũng đã được chứng minh nhất định. Nhưng ngoài mức phí cao của các dòng thuốc, thì việc có thể dứt điểm được hoàn toàn hay sẽ tái phát và tiếp tục phụ thuộc vào thuốc là một câu hỏi chưa có lời giải. 

Bài nghiên cứu "Thực trạng sử dụng thuốc trên bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai" đăng trên tạp chí khoa học ĐHQGHN_Khoa y dược*, sử dụng số liệu năm 2016 với bệnh nhân trầm cảm nặng có các triệu chứng rối loạn khác, tỷ lệ tái phát là 29.2% trong chưa đầy 6 tháng. Hai năm sau, một bài nghiên cứu tương tự cũng của Viện Sức khoẻ Tâm thần năm 2018**, con số tái phát tăng lên 31.59% trong 12 tháng. Lưu ý rằng, đây là những con số đến từ các bệnh nhân trầm cảm nặng và có được điều trị đa phương pháp chứ không chỉ riêng dùng thuốc. 
- Đa trị liệu: tên sao nghĩa vậy, phương pháp này là kết hợp của cả 2 phương pháp trên, hoặc thêm vài phương pháp khác nữa, tùy vào tình trạng bệnh.
- Thư trị liệu_bibliotherapy: đọc sách để chữa trầm cảm? nghe lạ lùng nhỉ. Nhưng đây là một phương pháp được tôi vô tình ứng dụng trong việc điều trị của mình, bằng cách tìm đến mọi bài viết và dòng sách hiện có giúp tôi hiểu được cảm xúc của bản thân và đối diện với căn bệnh. Tài liệu tiếng anh thì có nhiều, nhưng với tiếng việt, bài viết DUY NHẤT mà tôi có thể tìm được qua google là bài của Beautiful mind vietnam: Thư trị liệu trong chữa trị trầm cảm
- Sử dụng điện cực: đây là một phương pháp được tiên phong phát triển bởi các bác sĩ ở Jerusalem, và cũng chỉ áp dụng cho các trường hợp trầm cảm nặng hoặc mãn tính. Thật ra bạn không cần phải giàu như Elon Musk để được thực nghiệm phương pháp nghe như trong vũ trụ Marvel này, nhưng khỏi cần nói cũng biết phương pháp này rủi ro và mắc tiền đến thế nào. 
Với phương pháp này, họ cấy các điện cực vào phần não chịu trách nhiệm cho chứng trầm cảm, đồng thời nối chúng đến một máy tính siêu nhỏ cấy trong ngực bệnh nhân. Khi có lệnh từ máy tính, các điện cực sử dụng dòng điện yếu làm tê liệt đi phần não này. Sally Adee_Phóng viên của tờ New Scientist đã được trải nghiệm phương pháp này ở dạng các điện cực được gắn ngoài như một chiếc mũ bảo hiểm và đeo vào đầu thay vì cấy trực tiếp vào não. Cô miêu tả cảm giác của nó như sau:
Điều khiến tôi chao đảo là lần đầu tiên trong cuộc đời mình, mọi thứ trong đầu tôi cuối cùng cũng câm mồm...Trải nghiệm một bộ não không nghi hoặc bản thân là một phát hiện mới đối với tôi. Đột nhiên có một sự thinh lặng tuyệt diệu trong đầu tôi...Tôi hy vọng bạn có thể hiểu cho tôi khi tôi nói rằng điều tôi tha thiết muốn làm nhất trong những tuần tiếp theo đó là quay lại và gắn các điện cực đó vào đầu. Tôi cũng bắt đầu có rất nhiều câu hỏi. Tôi là ai ngoài những con yêu tinh cay đắng giận dữ tràn ngập tâm trí tôi và dẫn tôi đến thất bại chỉ vì tôi quá sợ hãi để có thể cố gắng? Và những giọng nói ấy đến từ đâu?

Phải nói rằng khi biết đến sự tồn tại của phương pháp này, tôi thấy nó tỏa sáng như chiếc bóng đèn dây tóc của Edison và thần kỳ như cái búng tay của Thanos. Nhưng ngay cả như thế, những gì chúng ta biết về căn bệnh này vẫn quá ít, chúng ta có những trường hợp trầm cảm dứt trong một đêm mà không cần bất cứ một phương pháp điều trị nào (bạn có thể đọc thêm cuốn Cách mạng một cọng rơm hoặc Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải để nghe thêm về những người này), hoặc những người dứt hoàn toàn trầm cảm khi sử dụng hợp lý các dòng chất thức thần...những trường hợp khó lý giải được tại sao.
-----
Tôi cứ thế trong vài năm trời, tìm đọc những gì chi tiết nhất của các phương pháp hiện tại để hi vọng một ngày mình trải nghiệm cảm giác như Sally: "mọi thứ trong đầu tôi cuối cùng cũng câm mồm...chỉ còn một sự thinh lặng tuyệt diệu" (đương nhiên là theo hướng tích cực), dù thật sự, tôi mệt mỏi dần dần trong quá trình đó, với cái guồng quay đi làm - về nhà, và thêm một guồng quay của việc cảm thấy khá hơn - rồi lại cực kỳ tồi tệ. 
Chị cố gắng đón nhận câu chuyện của tôi một cách bình tĩnh nhất, và sau phiên trị liệu đầu tiên, tôi bước ra khỏi phòng với đôi mắt ướt đẫm và cảm thấy mình không còn chút năng lượng nào để mà ăn tối. Tôi về nhà, trùm kín chăn, rồi chìm vào giấc ngủ...
Chú thích + tài liệu:
*Thực trạng sử dụng thuốc trên bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai_Tác giả: Nguyễn Thành Hải, Nguyễn Hương Ly, Nguyễn Văn Tuấn,Nguyễn Xuân Bách_năm 2017.
**Luận án tiến sĩ: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và thực trạng điều trị trầm cảm ở người bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực tại Viện Sức khoẻ Tâm thần_ Tác giả Lê Thị Thu Hà_năm 2018.
- Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D.)
- Homodeus_Yuval Noah Harari.
Và vô vàn các website khác...