Rủi ro tài chính, Gian Lận tài chính, Lừa đảo tài chính. Hiểu và phân biệt như thế nào?



Một sự kiện mà theo tôi là rất thú vị gần đây đã được các kênh tin tức, truyền hình đưa tin đồng thời là đề tài được trao đổi sôi nổi trong các nhóm tài chính trên mạng xã hội đó chính là một số nghệ sĩ, người nổi tiếng cùng nhau đồng loạt quảng bá cho một số đồng tiền điện tử. Chuyện thật cũng chẳng có gì để bàn tới nếu như sau đó đại đa phần các đồng tiền này đều bị mất giá do không còn được chấp thuận là công cụ thanh toán hay bị bán tháo ra bởi một số cá mập lớn. Nói đến đây tôi công nhận là bài viết “Bản chất của thị trường tiền điện tử” của tác giả Văn Khôi Ngô viết trên Spiderum thật sự rất đúng. Nếu bạn muốn hiểu hơn về thị trường tiền điện thử thì có thể tìm đọc bài viết này, đây là link: https://spiderum.com/bai-dang/Ban-chat-cua-thi-truong-tien-dien-tu-minh-hoa-bang-du-lieu-10000-vi-Bitcoin-lon-nhat-xwz
Cũng vì bài viết của bạn Khôi đã rất đầy đủ và chi tiết về tiền ảo, nên ở đây tôi xin không bàn thêm về vấn đề này. Nhưng sau khi nghe một bài phân tích của một số tiền bối là người đi trước trong thị trường đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán, ngoại hối nói riêng, cho rằng hành vi của các nghệ sĩ nói trên chỉ đơn thuần là một “Gian Lận Tài Chính” vì họ không không lấy tiền và lừa đảo tiền của bất kỳ ai. Họ chỉ đang quảng bá các sản phẩm tài chính với thông điệp rằng họ cũng đang tự thân mình sở hữu những đồng tiền số này, thì đến đây tôi lại thật sự không đồng tình với quan điểm của các tiền bối. Tiện thể đây cũng là một đề tài thú vị nên chắc các nhện cũng không ngại nếu tôi làm một bài viết ngắn trên này đúng không? 
Lưu ý: dù bản thân đầu tư chất xám cũng khá khá cho những nội dung như thế này, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng đây là những quan điểm cá nhân của tôi và có thể vẫn còn nhiều thiếu sót. Các nhện có đam mê về tài chính cứ thẳng tay bàn luận và góp ý. 
Trong bài phân tích, các tiền bối của tôi nói rằng:" Trong đầu tư tài chính có rất nhiều thứ có thể khiến bạn mất tiền được chia ra làm ba loại như sau: rủi ro tài chính, gian lận tài chính và lừa đảo tài chính". Điểm chung của ba định nghĩa này đều nói về khả năng mất tiền của những người tham gia đầu tư. Nhưng còn điểm khác nhau? Hãy cùng đi phân tích sâu hơn về ba khái niệm này. 
Rủi ro tài chính là gì?
“Đầu tư thì luôn đi kèm với rủi ro”, mà thực tế thì bạn làm bất kì điều gì cũng có rủi ro. Theo Wiki thì rủi ro là sự bất trắc có thể đo lường được. Trong ngành bảo hiểm rủi ro được hiểu một cách đơn giản là những gì xảy ra nằm ngoài chủ đích của ta. Rủi ro tài chính là những bất trắc có thể đến với bạn bằng một lý do khách quan nào đó từ thị trường. Nó có thể là sự thay đổi thị hiếu, thiên tai, chiến tranh, những sự kiện khác nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và những bên liên quan khi bạn đầu tư. 
Để hạn chế rủi ro trong đầu tư và cuộc sống, điều bạn có thể làm chính nâng cao năng lực, kiến thức của mình. Tăng nguồn thông tin bạn có thể tiếp cận trước khi đầu tư để hạn chế những thông tin thuộc dạng “ bạn không biết là bạn không biết” (Đây cũng là một bài viết rất hay của Huskywannafly). 
Gian lận tài chính  là gì?
Là một trong hai nhân vật chính của bài viết ngày hôm nay, gian lận tài chính và lừa đảo tài chính là hai khái niệm tôi nhận thấy rất hay bị hiểu lầm với nhau.

Theo vietnambiz: Gian lận tài chính là những hành vi cố ý (có chủ ý) làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong hội đồng quản trị, Ban giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện làm sai lệch báo cáo tài chính. 
Trong phần Ethical and Professional Standards (Tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp) của giáo trình đào tạo CFA (Chartered Financial Analyst - chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp ). Các hành vi sử dụng các thông tin chưa được công bố, cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc thông tin sai sự thật để làm lợi thế cho việc đưa ra quyết định hay khuyến nghị quyết định đầu tư của bản thân và người khác cũng được coi là một hành động gian lận tài chính. 
Hiểu một cách đơn giản, gian lận tài chính vẫn dựa trên cơ sở những hoạt động tài chính hợp pháp nhưng bị làm sai lệch để có những lợi thế về mặt tài chính. Nếu có cơ hội tôi nghĩ sẽ có rất nhiều bạn muốn tìm hiểu về các thủ thuật gian lận tài chính này, nhất là gian lận trong báo cáo tài chính.
Cuối cùng thì, dựa trên những định nghĩa trên, các tiền bối của tôi đã cho rằng: “ Các hành động đăng tin trên mạng xã hội của các nghệ sĩ Việt Nam chỉ đơn giản là một hành vi gian lận tài chính”. 
Lừa đảo tài chính là gì? 
Lừa đảo tài chính đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người, đánh vào tâm lý muốn giàu nhanh chóng và thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Khác với gian lận tài chính, vốn thường dựa trên việc che giấu, thay đổi những thông tin số liệu. Lừa đảo là hành vi gian dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi. Hành vi gian dối ấy nhẹ thì có thể là nói quá lên tính chất, công dụng. Nặng hơn thì có thể dựng lên tất cả từ hư vô.
Chúng ta có thể suy ra một điều. ranh giới giữa gian lận và lừa đảo thật sự cũng rất mong manh. Tuy nhiên có thể chốt lại, gian lận là việc sửa đổi, che dấu hoặc nói quá những thông tin có thật nhằm tạo một lợi thế nào đó. Còn lừa đảo là những hành vi gian dối, thổi phồng nhằm mục đích từ đầu là chiếm đoạt từ người khác.

Tại sao hành vi của các nghệ sĩ đăng thông tin về các đồng tiền điện tử có thể được cân nhắc là hành vi lừa đảo tài chính? 
Chiếu theo hai định nghĩa ở trên, chắc hầu hết mọi người đều nghĩ rằng hành vi của các nghệ sĩ giống với gian lận hơn là lừa đảo. Tuy vậy, khi tìm hiểu về các mô hình lừa đảo tài chính nổi tiếng trong lịch sử. Tôi tìm thấy một thông tin rất thú vị. Mô hình lừa đảo  pump and dump ( bơm và bán).




Pump and Dump là gì? hoạt động như thế nào?
Đây là mô hình lừa đảo tài chính khi một cá nhân hay một tập thể thổi phồng giá trị của một sản phẩm, tài sản (thường là không có giá trị gì cả) khiến cho mọi người tin rằng sản phẩm, tài sản ấy thật sự đáng giá và bắt đầu đầu tư vào nó, đây gọi là giai đoạn thổi giá. Việc này khiến cho cầu tăng dẫn đến sản phẩm, tài sản tăng giá mạnh. Khi mà tài sản tăng giá đến một mức nhất định nào đó , những kẻ đứng sau những vụ lừa đảo này sẽ làm một cú bán ra cực mạnh để chốt lời và thoái vốn khỏi sản phẩm, tài sản. Toàn bộ chu trình trên có thể kéo dài trong vài phút hoặc thậm chí cả năm. Mô hình này nghe thoạt nghe thì khá giống những vụ bong bóng tài sản trải dài trong lịch sử nhân loại. Tuy yếu tố khiến cho nó là một trò lừa đảo nằm ở hai việc: thứ nhất là một sản phẩm không có giá trị hoặc giá trị không thật sự cao, thứ hai là tác động đến công chúng khiến cho những con cừu ngây thơ này dồn sức vào mua để rồi những kẻ đứng đằng sau bán ra chốt lời khi giá đã lên cao. Để lại cho những nạn nhân những khoản lỗ khổng lồ. Đây là mô hình trước đây thường được dùng bởi các chủ doanh nghiệp khi họ biết rằng công ty của mình đã không còn mấy giá trị mà muốn kiểm một khoản lời trước khi thoái vốn. Điều tương tự với bất động sản, các loài hoa và gần đây nhất là tiền ảo. Nghe đơn giản nhưng trò lừa thật sự rất phức tạp, nhất là khi quy mô của nó quá lớn và có quá nhiều người tham gia. 
Qua định nghĩa trên, có thể nói những nghệ sĩ trên đã thực hiện một trò lừa Pump and Dump với chính những fan hâm mộ đang theo dõi mình. Hoặc họ chỉ đơn giản là những người được trả tiền để quảng bá, những con tốt thí mạng cho những nhà tài phiệt lớn hơn ở phía sau họ.
Theo bạn, hành động của nhóm nghệ sĩ này là gian lận? Hay lừa đảo?