NHỮNG ĐIỂM MÙ (CỦA MÌNH) TRONG HỌC TẬP (P.1)
Bill Gates, khi còn là một cậu bé, ông đã nhận thấy rằng đầu óc của mình khá nhạy bén khi cố gắng giải những phép tính cộng đơn giản....
Bill Gates, khi còn là một cậu bé, ông đã nhận thấy rằng đầu óc của mình khá nhạy bén khi cố gắng giải những phép tính cộng đơn giản. Một phương pháp giảng dạy thời đó, thầy cô sẽ bật những cuộn băng ghi âm đọc những phép tính như 13 cộng 18 hay 12 cộng 7 và các em học sinh sẽ cố gắng viết ra đáp án nhanh nhất có thể. Điều đáng lưu ý ở cậu bé Bill là trong khi các bạn ông đang than thở rằng cuộn băng chạy nhanh quá thì mỗi lần như vậy ông đã có kết quả và bắt ngó xung quanh. Lên năm lớp 8, lần đầu tiên kết quả một bài kiểm tra Toán của ông là số điểm cao nhất bang. Không chỉ dừng lại ở đó, việc này tiếp tục diễn ra liên tiếp trong 4 năm sau đó.
Trong khi những người ngoài ngưỡng mộ khả năng của ông thì tại nhà, ông đã phát triển sở thích mà sau này điều đó đã hỗ trợ ông đạt được nhiều thành tựu lớn lao trong sự nghiệp và cả cuộc đời. Ông đọc sách, ông đọc đến mức mà chị và em gái ông nói ông có thể ngồi lì trong phòng chỉ để đọc sách, nhai bút chì và ngẫm nghĩ. Nhiều năm sau, vợ ông, bà Melinda Gates miêu tả rằng: “Ông ấy vừa đọc và vừa phân tích/tổng hợp thông tin ở trong đầu nhờ đó mà ông có thể nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau.”
Đọc thêm:
Đáng chú ý hơn cả là khi bạn ông, Bernie Loe thuật lại rằng: “Có lần, tôi và Bill đi du lịch cùng nhau, lúc ấy Bill đọc 14 cuốn sách. Đó thực sự là một khả năng thiên phú khi có thể đọc với tốc độ 150 trang một giờ. Và tôi đoán rằng ông ấy có thể nhớ được 90% những gì ông ấy đã đọc.” Thực sự việc đọc đã giúp ông rất nhiều không chỉ là lúc ông thành lập Microsoft mà cả lúc ông nghỉ hưu để thành lập quỹ từ thiện để giúp cung cấp nhà vệ sinh, nước sạch và chống lại dịch bệnh để cứu mạng hàng triệu người dân ở Châu Phi (vì lúc này ông phải tìm hiểu kiến thức không liên quan đến chuyên nghành của ông).
Và một câu hỏi đã khiến mình ngẫm nghĩ:Liệu ông có phân tích và hiểu sâu được về một vấn đề như vắc-xin nếu ông không thể nhớ những kiến thức quan trọng về vấn đề đó mà ông đã đọc trong sách?Theo bản thân mình thì câu trả lời sẽ là không vì nếu không có một nền tảng kiến thức đế suy xét thì làm sao có thể đưa ra quyết định đúng đắn được và cũng chẳng thể nhìn vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau (một yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định tốt hơn đúng đắn hơn). Điều này dẫn chúng ta đến một hiện trạng trong giáo dục mà hẳn nhiều người cũng sẽ gặp phải:
HỌC NHIỀU, NHỚ ÍT
1. Tại sao bạn nên quan tâm đến điều này?
Có lẽ dù mới ra trường hay chỉ vừa tốt nghiệp vài tháng thì bạn cũng sẽ gần như quên mất cảm giác học tập nặng nề trong suốt thời cấp ba của mình. Bạn học từ sáng đến chiều và cuối cùng giành những buổi tối ở các lớp học thêm. Tuy nhiên, nhà tâm lý học người Đức, Hermann Ebbinghaus có một nghiên cứu nổi tiếng nhưng đáng thất vọng dành cho bạn đó là: “Mọi người thường quên đến 90% những điều họ học trên lớp trong vòng 30 ngày sau đó.” Cứ như thế bạn đi qua những ngày tháng cấp ba và rồi quên hết gần như mọi thứ mình học.
Lên đại học, đó là nơi mà bạn sẽ được trang bị những kiến thức và kĩ năng quan trọng trước khi tiến vào một nơi mà đầy rẫy sự không chắn chắc và khó đoán, nơi cơm áo gạo tiền sẽ bám lấy bạn, phải đó là cuộc đời. Nếu bạn đọc qua câu vừa rồi và thấy rằng có điều gì đó hơi quen quen, rằng hình như ba mẹ bạn đã từng nói về điều đó và nghĩ rằng đó là lời khuyên chán ngắt thì xin bạn hãy dừng lại một chút. Vì đó là điều đúng đắn. Con người từ hàng triệu năm trước học tập để tồn tại, họ phải học để có thể xác định được vị trí của cái cây có quả ăn được trong một khu rừng nhiệt đới rậm rạp, để có thể nhận biết được những con vật có thể gây hại tới khả năng duy trì nòi giống của chúng ta như hổ răng kiếm. Quan trọng hơn cả là việc học hỏi khiến chúng ta là con người và cả việc điều đó giúp ta sống sót rồi sau đó chinh phục cả thế giới này. Thế đấy giờ bạn đã biết được tầm quan trọng của việc học tại đại học và bạn cũng biết về sự quên lãng kiến thức nhờ nghiên cứu của Hermann Ebbinghaus. Thế thì dĩ nhiên bạn sẽ áp những phương pháp để học tập thật hiệu quả chứ không phải hào hứng đọc qua tất cả các tài liệu và rồi gần như quên hết tất cả mọi thứ.
Đọc thêm:
2. Chúng ta có thể xử lí vấn đề này như thế nào?
Theo kinh nghiệm và hiểu biết của mình thì có ba phương pháp vô cùng hiệu quả.
Một: cấu trúc nội dung bài học cần nhớ thành dạng sơ đồ tư duy.
Có lẽ việc lập sơ đồ tư duy cũng đã quá quen thuộc với tất cả chúng ta , nên mình sẽ không viết về việc làm sao để lập sơ đồ. Nhưng mình muốn lưu ý các bạn về một nguyên tắc khi bắt đầu lập sơ đồ. Đó là từ tổng quan đến chi tiết. Mục bắt đầu của sơ đồ phải là chủ đề mà bạn đang học và bên dưới là ý nghĩa của chủ đề đó. Tiếp đó mới tới các nhánh nhỏ hơn phân tích vấn đề sâu hơn và sẽ có các nhánh nhỏ nữa nối tiếp về những chi tiết bé hơn. Các bạn nhớ chú ý dành thời gian suy nghĩ và tạo ra những liên kết mạch lạc giữ các chi tiết để khi bạn phải nhớ lại để làm bài kiểm tra hay vận dụng vào thực tế, việc nhớ lại sẽ dễ dàng hơn. Hãy cố gắng đơn giản sơ đồ nhất có thể và tập chung vào phương pháp tiếp theo.
Hai: Học giãn cách
Bây giờ, bạn hãy thử tưởng tượng bạn có 3 tiếng để học bài cho một môn thi. Bạn có hai lựa chọn, một là học hết tất cả liền tù tì một lượt rồi chuyển qua môn tiếp theo và hai là chia 3 tiếng đó ra thành 6 quãng ngắn mỗi quãng 30 phút rồi sắp xếp các lần học theo những khoảng cách nhất định. Thật ra là bạn có thể chọn bất cứ cách nào mà bạn thích nhưng theo các nhà khoa học thì lựa chọn thứ hai sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả cao hơn vì trong những khoảng nghỉ ngơi giữ những lần học sẽ giúp não bạn dễ dàng xử lí và mã hóa (bước đầu tiên trong việc nhớ lại) thông tin đã học dễ dàng hơn. Và dĩ nhiên việc này sẽ giúp quá trình chuyển kí ức từ trí nhớ làm việc sang trí nhớ dài hạn thật nhịp nhàng (nhất là khi các bạn có thể ngủ giữ những khoảng thời gian học đó). Tuy nhiên, quá trình này sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết đến phương pháp thứ ba.
Đọc thêm:
Ba: Cố gắng hồi tưởng lại kiến thức
Sau khi đã tạo được sơ đồ mà mình ưng ý, tiếp theo bạn nghĩ bạn nên làm gì? Và nếu bạn nghĩ rằng mình nên nhẩm lại sơ đồ đó vài lần trước khi chuyển sang làm việc khác giống như mình của những ngày đầu thì tin dui đây, mình và bạn đều đã làm sai cách. Trong quyển sách Study Smart - Study Less, giáo sư Marty Lobdell có chia sẻ về một vấn đề mà nhiều sinh viên của ông gặp phải đó là việc nhầm lẫn giữa nhận biết (recognition) với hiểu biết (knowing). Vào buổi tối trước các bài kiểm tra, các học trò của ông thường đọc qua xấp tài liệu và gạch dưới những điều quan trọng, sau đó, họ cố gắng đọc lại những phần gạch chân đó và sau khi đọc xong một lượt tất cả mọi thứ, họ quảng xấp tài liệu qua một bên và phạm phải sai lầm khi đinh ninh là mình đã nắm hết tất cả kiến thức. Họ chỉ vỡ mộng cho đến khi nhìn vào đề thi, cố gắng hồi tưởng lại những kiến thức và rồi không nhớ được gì khi không nhìn vào tài liệu.
Việc lập nên sơ đồ tư duy cũng rất giống như gạch dưới những thông tin quan trọng trong đoạn tài liệu dù có phần cô đọng hơn, nhưng giờ chúng ta đã biết rằng việc đọc lại cũng không giúp được gì mấy. Khi chưa biết phải làm gì, chúng ta nên tới tìm giáo sư Barbara Oakley, người miêu tả một phương pháp gọi là hổi tưởng (recalling) dùng để nhớ lại những kiến thức mà bạn đã học. Thay vì chỉ ngồi thụ động đọc lại những phần ghi chú hay sơ đồ tư duy, chúng ta nên tập trung đọc trong vào 10 phút rồi dành 10 phút sau đó, bước ra khỏi bàn học tới một góc khác trong phòng và cố gắng hồi tưởng lại cấu trúc và nội dung của sơ đồ mà ta đã lập. Điều này khiến các mô cơ trong não chủ động hoạt động từ đó kiến thức được hằn sâu vào vỏ não hơn.
Riêng mình cảm thấy đặc biệt yêu thích phương pháp này, mình hay vừa hồi tưởng lại kiến thức vừa đi dạo trong công viên. Việc đó không chỉ giúp mình thư giãn mà còn giúp mình nhớ được những điều mình cần nhớ một cách có hệ thống.
Đọc thêm:
3. Kết luận
Từ đây, mình mong các bạn sẽ bắt đầu giành thời gian để ngẫm nghĩ nhiều hơn về những điều bản thân muốn thật sự nhớ và hiểu sâu. Và hãy dịch chuyển từ HỌC NHIỀU NHỚ ÍT sang HỌC SÂU NHỚ KĨ nhé.
p.s: riêng mình cảm thấy giọng văn mình nhảy lung tung hết lên. :v
Link bài viết phần 2:
Nguồn:
1. Inside Bill's Brain series
2. Brain Rules
3. A Mind for Number
4. Photo - Harvard Business Review
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất