Về chứng chỉ ACCA
Đối với dân làm kế toán, kiểm toán, tài chính, có lẽ mọi người khá quen thuộc với chứng chỉ ACCA của Hiệp hội kế toán công chứng Anh...
Đối với dân làm kế toán, kiểm toán, tài chính, có lẽ mọi người khá quen thuộc với chứng chỉ ACCA của Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc (Association of Chartered Certified Accountants). Vậy ACCA bao gồm những môn học gì, ứng dụng ra sao và làm sao để đạt được ACCA. Bài viết nhỏ sau đây xin được giới thiệu những thông tin tổng quan nhất:
1. Các môn học trong ACCA
ACCA bao gồm các môn học trải dài các lĩnh vực: kế toán tài chính, kế toán quản trị, tài chính, kiểm toán, luật, thuế. Hiện tại chương trình học bao gồm 9 môn bắt buộc (3 môn cơ bản và 6 môn kỹ năng) và 4 môn nâng cao tự chọn, cụ thể như sau:
3 môn cơ bản: F1 – Accountant in Bussiness, F2 – Management Accounting, F3 – Financial Accounting
6 môn kỹ năng: F4 – Laws, F5 – Performance Management, F6 – Taxation, F7 – Financial Reporting, F8 – Audit and Assurance, F9 – Financial Management
4 môn nâng cao tự chọn được chọn trong tổ hợp của 6 môn sau: SBR – Strategic Business Reporting, SBL – Strategic Business Leader, APM – Advanced Performance Management, AFM – Advanced Financial Management, AAA – Advanced Audit and Assurance, ATX – Advance Taxation
Đối với 3 môn cơ bản và 6 môn kỹ năng là 9 môn BẮT BUỘC phải thi. Các môn nâng cao được tự chọn cho đủ 4 môn (ở VN không thi ATX). Các sinh viên khoa kế toán, kiểm toán hoặc tài chính (tùy trường) sẽ được miến tối đa 4 môn F1,2,3,4 sau khi tốt nghiệp. Sinh viên RMIT có thể được miễn tới 9 môn 😊
Có thể nhóm các môn học thành các nhóm như sau (với độ khó tăng dần):
- Nhóm về kế toán tài chính: F3, F7, SBR. F3 có thể lập được Báo cáo tài chính của 1 công ty, F7 có thể lập được BCTC của 1 tập đoàn nhỏ, SBR có thể lập được BCTC của 1 tập đoàn lớn với nhiều hoạt động mua bán, sáp nhập. Nhóm này rất tốt cho ai làm kế toán, kế toán trưởng, kiểm toán
- Nhóm về kế toán quản trị: F2, F5, APM. Nhóm này những ai làm tài chính, kế toán quản trị sẽ thấy rất gần gũi
- Nhóm về kiểm toán: F8, AAA. Ai muốn làm kiểm toán, Big4 thì học vào lắm
- Nhóm về tài chính: F9, AFM. Ai muốn làm tài chính thì phải học về cái này để định giá công ty, dự án, xác định cấu trúc vốn tối ưu, thị trường tài chính…
- Nhóm về thuế: F6, ATX. F6 có thể chọn thi thuế quốc tế hoặc thuế việt nam
- Luật: Chỉ có môn F4
- Kinh doanh chung, vận hành doanh nghiệp chung: F1, SBL
- Đọc thêm:Khác nhau của kế toán tài chính và kế toán quản trị
Như vậy có thể thấy ACCA trài dài trên rất nhiều mảng và vì thế, học ACCA sẽ đem lại cho bạn 1 lượng kiến thức rất phong phú, đa dạng, và thực tiễn.
Khoảng mấy năm trở lại đây, ACCA cho phép 1 năm có thể thi 4 kỳ (tháng 3,6,9,12) với số môn tối đa 1 năm là 8 (như vậy có thể học nhanh chóng trong vòng 1.5 năm là xong). Lệ phí thi đâu đó khoảng từ 2.5-4tr/môn, như vậy nếu tự học thì có thể mất tối đa 50tr cho 1 chứng chỉ rất xịn này.
9 môn đầu tiên ACCA đã cho phép thi trên máy tính (trắc nghiệm và tự luận), đối với 4 môn Advanced thì bắt buộc phải thi giấy (theo mình biết cũng sắp thi trên máy rồi). À, điểm đỗ là 50% nhé 😊
Về trung tâm học: 1 số trung tâm nổi tiếng như FTMS, Smarttrain, Vietsourcing, SAPP…Mình sẽ không review chất lượng học của mỗi trung tâm vì mình cũng đi dạy ^^
Về tài liệu học: trên trang chủ của ACCA có phần Student Support, trên đó có tài liệu và đề thi cũ mỗi môn. Tuy vậy người học vẫn cần có sách của nhà xuất bản (bao gồm text book – SGK và revision kit/question bank – Sách bài tập). 2 nhà xuất bản mà dân học ở VN hay dùng là BPP và Kaplan.
2. Vậy học ACCA xong thì để làm gì
Thứ nhất, như mình nói ở trên chương trình học bao gồm rất nhiều kiến thức thực tiễn trên nhiều mảng. Vậy học ACCA xong là có kiến thức cái đã.
Thứ hai, học xong có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Ở VN chưa đến 1500 người có chứng chỉ ACCA, trong khi nhân lực ngành này thì cần rất nhiều, trên rất nhiều mảng (kế toán, tài chính, kiểm toán). Đối với dân làm kiểm toán, việc có ACCA sẽ giúp các bạn có được kiến thức, và cả 1 CV khá đẹp để phỏng vấn vào Big4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới)
Thứ ba, đề thi ACCA về cơ bản là khá dài để thi trong vòng 180p, như vậy bạn cần tập làm quen với việc lập kế hoạch cụ thể và làm việc với cường độ cao trong 1 thời gian dài (3 tiếng). Đối với các bạn thi 2,3 môn/kỳ thi thì điều này còn cần các bạn ở 1 level cao hơn rất nhiều. Do đó, quá trình học ACCA giúp các bạn trong việc lên kế hoạch và làm việc tập trung, những thứ rất cần thiết sau này khi đi làm
Thứ tư, mối quan hệ. Cộng đồng học ACCA đều là những người có ý chí, ham học hỏi và nhiều người làm ở vị trí tốt, do đó khi bạn tham gia sẽ là cơ hội để bạn mở rộng mối quan hệ của mình và vì thế cũng nhiều cơ hội đến hơn. Miễn là bạn có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến. Công việc hiện tại của mình cũng đến từ 1 hội viên ACCA mà mình quen biết và kéo mình về làm cùng
3. Người thật, việc thật – Quá trình học của mình
Mình bắt đầu học ACCA từ kỳ thi tháng 12/2012. Hồi đó ACCA chỉ cho thi 1 năm 2 kỳ (tháng 6 và 12) và tất cả đều thi viết (trừ F1,2,3). Do được miễn F1,2,3,4 nên mình bắt đầu đối với F5,6. Tình cờ lịch thi trên trường lại trùng với lịch thi F5 (ngày 3/12 thi môn Phân tích BCTC 90p lúc 1h và thi F5 lúc 2h). Sáng ngày sau ngày 4/12 thi môn kiểm toán hoạt động và chiều thi môn F6. Khi nhận lịch thi thì mình cũng choáng luôn, tuy nhiên đã kịp ôn tập để sao cho chỉ thi môn phân tích BCTC trong 45p và sau đó chạy đến thi F5 (do nhà trường vào thi muộn nên mình đến được chỗ thi F5 là 2h20 may vẫn được vào). Sau khi thi F5 xong thì tối hôm ấy mới đi mua sách để ôn lại kiểm toán hoạt động cho sáng ngày hôm sau.
Đến chiều ngày 4/12 sau khi thi F6 xong thì kiệt sức luôn. Thật may mắn là các môn mình đều đỗ cao
Đến kỳ 6/2013, hồi đó mình phải làm luận văn tốt nghiệp, thế mà dám chấp nhận lời thách thức của đứa bạn để đăng ký 3 môn F7,8,9 trong khi chỉ đi học tại trung tâm 1 môn (F9) còn 2 môn tự học. Đấy là kỳ đầu tiên mình thi nhiều môn như vậy và 3 môn này thực sự kiến thức rất nặng. Tuy vậy càng học càng thấy thích và mình đã dành thời gian rất nhiều (do còn rảnh) nên đỗ cả 3
Kỳ thi tháng 12/2013 mình đăng ký môn SBL và SBR (hồi đó là P1 và P2). Do đi làm kiểm toán ở EY nên mình chỉ có 2 tuần để ôn thi tập trung dù trước đó cũng học rồi. Môn SBL toàn kiến thức và model nên không quá khó, sợ nhất là SBR với vô vàn tính toán. Mình có mượn vở của bạn mình đi học ở trung tâm và cố gắng cày thật trâu để tìm ra ý mà người thầy bạn ấy giảng. May mắn là tìm được và đi thi đỗ cả 2 (đứa bạn mình thì lại trượt)
Đến kỳ tháng 6/2014, mình liều đăng ký cả 3 môn (P3) (môn này sau này gộp với P1 thành SBL), P5 (APM) và P7 (AAA), tất nhiên là lại tự học. Suy nghĩ của mình là nếu tạch 1 môn thì vẫn kỳ tháng 12/2014 thi nốt, như vậy học trong 2,5 năm là cũng tốt và nhanh rồi. Mình có lôi sách ra học từ trước khi thi 2 tháng nhưng học tí lại quên vì mải đi job, vì thế khoảng 2,5 tuần trước khi thi mình mới học. Ngày đó học rất chăm, mỗi ngày lên trung tâm tự học cỡ 8-10 tiếng rồi tối về lại học. Môn P3,P7 thì còn cố được, môn P5 là môn đọc không hiểu gì vì nó là advanced của môn F5 và P3 lại (trong khi P3 còn đang học dở đã phải học 1 môn advanced lên của nó). Mình đánh liều hỏi 1 anh đi học ở trung tâm FTMS là 3 chương trọng tâm của môn này là gì, mình ôn trước 3 chương đó rồi lan sang học các chương sau, khi đó tâm lý cũng vững vàng hơn chứ không hoang mang nếu vẫn học theo cách cũ (là học từng chương một). Ngày 8/8/2014 là ngày mình biết điểm 3 môn. 7h sáng đọc email của ACCA thông báo đã hoàn tất kỳ thi mà ứa nước mắt. Công sức được đền đáp trọn vẹn. (Ngày đó với thành tích học 2 năm và hoàn thành khi ra trường 1 năm của mình cũng thuộc dạng có tí thành tích, thế mà bây giờ, cùng thời điểm ra trường 1 năm thì mình gặp bao bạn sinh viên đã xong ACCA và cả level 1 của CFA hiu hiu. Rất nhiều bạn học trong 1.5 năm đã xong rồi). Như vậy 14 môn thì mình được miễn 4, đi học ở trung tâm 3 và tự học 7 môn. Mình nhận thấy chỉ cần chăm chỉ và thích là có thể vượt qua được.
Trên đây là những thông tin hết sức cơ bản về ACCA và lợi ích của nó. Mình đã đi làm trên dưới 7 năm, đã qualify ACCA được gần 6 năm rồi thì thấy nó rất có ích cho ai làm trong ngành kế-kiểm-tài hoặc kể cả những người muốn học về tài chính thì đây cũng là 1 điểm khởi đầu khá tốt. Có nhiều chương trình học mới như CMA, CPA hay CFA..., mỗi cái đều có cái hay, nhưng bản thân mình nhận thấy ACCA rất rộng và làm nền tảng tốt. Rất hy vọng có thể chia sẻ thêm cho các bạn, nếu cần hãy comment hoặc inbox cho mình nhé.
Xin cảm ơn rất nhiều.
Làm tí cái ảnh troll :))
Các bài viết của mình về Kế toán - tài chính - Kiểm toán:
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất