Về cái chết (idk)
Dạo gần đây tôi hơi bị quẩn quanh trong những suy nghĩ về cái chết. Có lẽ một phần nguyên nhân là do cơn đại dịch Covid 19 đã kéo đến...
Dạo gần đây tôi hơi bị quẩn quanh trong những suy nghĩ về cái chết. Có lẽ một phần nguyên nhân là do cơn đại dịch Covid 19 đã kéo đến ngay sát cửa nhà tôi, một phần là khu tôi đang sống trong vòng 1 tháng vừa qua có đến năm cái đám ma. Tôi thấy đây là một chủ đề rất thu hút để nói về.
Khi định viết về cái chết, tôi do dự. Tôi nghĩ phải có một mức độ thẩm quyền nhất định ta mới được phép nói về cái chết. Ở mặt chủ quan, nghe có vẻ hơi nghịch lý khi những người nói về cái chết nhiều nhất lại đều là những người chưa từng trải qua nó, nói chung thì là không thể. Người đã chết rồi thì không có khả năng quay trở lại cõi sống để kể ta nghe cái chết nó thực ra là như thế nào, hình hài ra sao, cảm nhận như nào? Ta chỉ có thể chiêm nghiệm và suy luận về cái chết thông qua những lập luận siêu hình học. Ở mặt khách quan, những người nói về cái chết đều là những kẻ có những thẩm quyền hay điều kiện để rảnh rỗi đến nỗi dành rất nhiều thời gian để nói về nó (như những triết gia, những nhà sư, các vị mục sư…). Sự rảnh rỗi mà tôi muốn nói ở đây là nếu so với những người ở giới trung lưu khác, những người ngày đêm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mài mặt ngoài đường, trong những công ty, công xưởng để kiếm miếng cơm manh áo… Bản thân những người như vậy không đủ sự rảnh rỗi, hay nói cách khác, họ bị cuốn vào vòng quay sản xuất - tiêu thụ đến nỗi không có nổi cho mình một khoảng thời gian yên bình để suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, thay vào đó thì họ lăn xả vào các trò giải trí công nghiệp, ăn liền cũng do các nhà tư bản đã bóc lột họ sản xuất ra…
Nói vậy để thấy rõ rằng, việc “được” viết về cái chết thôi đối với tôi nó đã là một thẩm quyền rất cao. Tôi biết ơn quãng thời gian sinh viên này của mình, nó cho tôi đủ cũng như dư dả thời gian để suy tư về những điều mà trước nay tôi chưa từng đếm xỉa.
Quay lại với cái chết, cái chết giờ đây luôn được giải nghĩa mang màu sắc của khoa học hiện đại. Khi bạn gõ “cái chết là gì” lên Google, kết quả hiện ra đầu tiên sẽ luôn là các khái niệm của khoa học hiện đại, cụ thể là y học. Họ giải nghĩa rằng: chết là sự chấm dứt mọi hoạt động sống như hô hấp trao đổi chất, sự phân chia các tế bào được chấm dứt vĩnh viễn… Nói cách khác, cái chết giờ đây được thế tục hóa, khiến nó trở thành một vấn đề mang tính kỹ thuật mà nghe qua hình dung trong đầu ta là nó có thể được xử lý, giải quyết… (như một chiếc xe máy bị hỏng, hoàn toàn có thể sửa để nó có thể đi lại được). Điều đó làm cái chết trở nên không còn đáng sợ nữa mà thay vào đó nó được coi như một “vấn đề” cần phải sửa chữa.
Điều đó làm cái chết mất đi sự thiêng liêng của chính nó (trong trường hợp nó thực sự tồn tại một tính thiêng liêng như vậy). Ví như trong các tôn giáo khác nhau, tính thiêng liêng nó được biểu hiện cũng khác nhau. Trong Thiên chúa giáo thì sau cái chết, đó sẽ là một cuộc sống yên bình nơi thiên đường hay một cuộc sống đầy khổ đau nơi địa ngục tùy vào cách họ sống trong cuộc đời thế tục của hiện tại. Còn trong Phật giáo, cái chết còn được hiểu như sự tái sinh tạo lập thành một vòng tròn luân hồi không có kết thúc. Ở môi trường hiện đại như ngày nay, dòng thời gian được hiểu theo một chiều tuyến tính nên cuộc đời cũng sẽ được hiểu như vậy: từ sinh ra, sống qua năm tháng, đến chết đi. Cái chết ở hiện tại không khác gì một điểm kết thúc, sau đó là gì không ai hay, có chăng là hư vô.
Tôi thấy ở Việt Nam phong tục thờ cúng ông bà rất hay. Nó làm giảm đi cái đáng sợ của sự hư vô sau cái chết mà khoa học hiện đại hay y học không thể giải thích nổi, biến cái chết trở nên dễ chịu hơn, gần gũi hơn. Khi mà người đã chết, di ảnh của họ vẫn đặt cao trên bàn thờ, ta tưởng tượng về người thân đã khuất của mình ra sao? Với tôi, dù là một người tin vào khoa học nhưng tôi vẫn “thấy” hình ảnh của họ, cuộc đời của họ ở một thế giới bên kia, một thế giới không khác chúng ta là bao, chỉ khác một điều là nó rộng hơn còn người đã khuất thì bất tử. Đây có lẽ là suy nghĩ chung của nhiều người: khi mà người ta đã khuất, họ luôn kỳ vọng người đó sẽ không khác gì khi đã bước sang thế giới bên kia, không già đi cũng chẳng trẻ lại (người ta đã chết rồi mà).
Suy nghĩ như vậy như một sự đóng băng thời gian về thế giới bên kia. Thế giới của người chết được mô tả lại với một màu sắc chủ quan của người trần thế. Người sống đẩy những ông cha của mình vào một sự siêu việt của cuộc đời sau cái chết và cũng đồng thời đẩy họ ra khỏi sự vô thường của thời gian. Đến đây ta thấy được rõ sự lập luận siêu hình học của người sống về cái chết. Bởi cái chết là một thứ rất mới đối với loài người, không thể tri nhận thông qua trải nghiệm đơn thuần. Nó phải được suy luận, được lập luận về, độc lập với các trải nghiệm cá nhân (những lập luận này sẽ được mặt nhiên coi là sự thật đúng đắn như việc trái đất quay quanh mặt trời). Trải nghiệm cái chết cũng đồng thời với việc cắt đứt mọi sự suy tư về cái chết.
Những suy luận về cái chết kết hợp với sự siêu việt của cuộc sống sau cái chết tiếp tục đẩy người đã khuất lên một tầm cao hơn, sánh ngang với các vị thần thánh, tồn tại một cách phi thời gian, phi logic… Người sống quỳ lạy trước người chết, hình dung họ có những khả năng như bay lượn, làm phép lạ, thấu đáo mọi sự trên đời, lời nói từ người chết “hiện hồn” về sẽ được coi như mặc nhiên đúng. Người chết giờ đây ở một vị thế, một vị trí mà tôi chưa thể nào có được: họ được phép đứng ngoài sự sống, đứng ngoài sự vô thường, đứng ngoài sự logic để mô tả về cuộc sống một cách khách quan hơn (trái ngược với họ, tôi đang ở trong sự sống nên chẳng thể mô tả sự sống một cách khách quan, cũng chưa từng trải nghiệm cái chết để mà nói về nó một cách chính xác).
Quyền năng và thiêng liêng là vậy song người chết cũng không thể cản nổi những điều mà người sống muốn, sẽ làm với họ, nghĩ về họ. Bằng chứng là các lần đốt vàng mã cùng các ký ức cá nhân lẫn tập thể về họ dù có thể có đôi chút sai lệch. Về việc đốt vàng mã, ta thấy họ sao chép những trang phục phương Tây, những đồ điện tử hiện đại, những đồng đô la Mỹ… hóa thành vàng mã và gửi về cõi âm. Tôi thấy đây giống một sự mạo phạm, một sự áp đặt tư duy của người sống lên người chết, coi họ cũng có những ham muốn vật chất như mình. Một sự mâu thuẫn khi họ vừa đẩy người chết lên thành một thực thể siêu việt, vừa cố trao cho và áp đặt những ham muốn tầm thường trần tục lên họ. Về ký ức, người chết chỉ còn “sống” khi họ còn được nhớ về (các bạn có thể xem phim Coco để thấy rõ hơn). Ký ức của người chết liên tục được sản sinh, hồi ức lại trong từng cá nhân và thông qua các trao đổi hình thành lên một ký ức tập thể về người đã khuất đó. Tức người chết trải qua một sự vận động trí óc chủ quan của người sống để được tái hiện lại, tiếp tục sống. Đến đây, tôi cũng thấy buồn thay khi người chết không thể tự lên tiếng cho chính mình (vì họ đã chết, rõ rãng) mà được người sống tái tạo lại liên tục và qua mỗi lần tái tạo (bằng ký ức) là một lần người chết được quét qua cái chủ quan, khiến nó dễ bị bóp méo và can thiệp sâu sắc. Tóm lại, người chết không còn được tái hiện và được nhìn nhận như họ vốn là nữa. Tôi sẽ không bàn đến vấn đề đạo đức của chủ đề này do nó vượt quá khả năng và thẩm quyền của tôi.
Quay lại với những lập luận siêu hình học về cái chết, để có các lập luận đó, bắt buộc ta phải thông qua ngôn ngữ. Như vậy, cái chết chỉ tồn tại bên trong ngôn ngữ và chỉ trong ngôn ngữ mà thôi. Nhắc đến vấn đề này, tôi nhớ đến giả thuyết Sapir – Whorf. Giả thuyết này cho rằng đặc tính của một ngôn ngữ có ảnh hưởng đối với những suy nghĩ quen thuộc của những người nói ngôn ngữ đó. Những kiểu mẫu khác trong ngôn ngữ gây ra kiểu mẫu khác trong suy nghĩ. Giả thuyết này phản đối quan niệm dùng ngôn ngữ để miêu tả thế giới một cách hoàn toàn khách quan, vì nó chấp nhận rằng cấu trúc của một ngôn ngữ nào đó uốn nắn những suy nghĩ của cộng đồng nói ngôn ngữ đó.
Áp dụng giả thuyết này vào cái chết ta nhận ra điều gì. Hãy nhìn lại chữ viết của chúng ta, nó luôn được viết từ trái qua phải, theo một dòng tuyến tính, viết đến đâu ta sẽ nghĩ đến đó, đôi lúc ta có nghĩ đến các từ tiếp theo nhưng về cơ bản là không quá xa. Tương tự với suy tư của ta về cuộc đời, ta nghĩ nó là một dòng tuyến tính từ quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Quá khứ là các dòng chữ đã viết, hiện tại là ta đang viết đây còn tương lai thì quá mập mờ nên ta chỉ có thể nghĩ rõ ràng đến những sự kiện gần, hay nghĩ về một cơ số từ ngữ mà ta sắp dùng và sắp xếp trong câu này. Theo cách hiểu này, cái chết là sự kết thúc của dòng tuyến tính này.
Lúc này, tôi nghĩ rằng nếu ta suy nghĩ ngược lại thì sao. Rằng ngôn ngữ ta được viết từ phải qua trái, ta đi từ biết mọi điều định viết tới một số không tròn trĩnh, một trang giấy trắng không nét mực. Chẳng loại trừ được khả năng rằng hóa ra cuộc đời này đang tua ngược từ tương lai “tới” quá khứ chứ không phải theo chiều ngược lại. Như kiểu ta đang trẻ ra chứ không phải già đi nữa. Cảm nhận của ta về dòng thời gian tuyến tính đi từ quá khứ đến tương lai có thể rất rõ ràng, nhưng như đã nói, cảm nhận của ta đầy tính chủ quan và hoàn toàn nó có thể không khớp với hiện thực khách quan đang tua ngược (hoặc một mớ hỗn độn chẳng có thời gian không gian), cái chết trở thành một điểm khởi đầu và thế giới sau cái chết được hoán đổi cho thế giới trước khi sinh…
Trong bộ phim yêu thích của tôi, Arrival, nhân vật nữ chính – tiến sỹ Banks – đã học được ngôn ngữ của một giống loài ngoài hành tinh. Điều thú vị ở ngôn ngữ của họ thứ nhất là nó không khớp với những gì họ nói, thứ hai là nó phi tuyến tính. Mỗi một ý tưởng, một từ đều được biểu hiện thông qua những vòng tròn khác nhau, không điểm đẩu, không điểm cuối. Chính điều này tác động tới tư duy của họ và của tiến sỹ Banks (sau khi cô đọc được ngôn ngữ của họ), khiến cho họ không suy tư về thời gian như một dòng tuyến tính mà là phi tuyến tính, như một vòng tròn vậy. Từ tư duy như vậy mà họ có thể nhìn thấy tương lai rõ ràng y hệt các sự kiện ở quá khứ. Đối với họ, quá khứ, hiện tại và tương lai hiện diện đồng thời giống y như thứ ngôn ngữ vòng tròn của họ. Xét đến cái chết, với tư duy này, sự sống lẫn cái chết chẳng còn được phân biệt rõ ràng, điểm đầu cũng như điểm cuối trùng nhau. Nó giải thích cho việc một người ngoài hành tinh đang trong “quá trình chết”. Thường con người chỉ nhắc về quá trình sống, nhưng khi đã hiểu thời gian một cách phi tuyến tính, sống và chết chồng chập lên nhau thì quá trình chết cũng là điều hợp lý. Nó giống như trường hợp thí nghiệm con mèo của Schrodinger vậy, trước khi mở hộp ra ta không rõ được con mèo đó còn sống hay chết, nó tồn tại đồng thời ở cả hai trạng thái. Quá trình chết ở đây cũng có thể hiểu tương tự, tồn tại chồng chập ở cả hai trạng thái sống và chết trước khi thực sự các cơ quan không còn hoạt động, cái chết đã là 100% xác suất.
Tôi nghĩ rằng liệu nếu con người sẽ tư duy như vậy thì nó có làm thay đổi quan niệm về cái chết bây giờ hay không. Rằng có lẽ ta đang sống cũng có nghĩa rằng ta “đang” chết vậy, ta đang tồn tại một cách chồng chập, tương lai thì có thể biết rõ ra sao. Viễn cảnh đó nghe chừng hơi đáng sợ nhưng như tiến sĩ Banks có hỏi Ian ở hồi cuối phim, rằng nếu anh ta biết được cuộc đời mình sẽ ra sao anh ta có thay đổi điều gì không? Ian chỉ trả lời rằng có lẽ anh ta sẽ nói ra cảm xúc của mình nhiều hơn. Tôi đồng tình với điều này, và tiến sĩ Banks cũng vậy. Cô biết rằng cô sẽ có con và con cô sẽ chết khi còn rất trẻ, rằng Ian sẽ bỏ cô nhưng cuối cùng cô vẫn chấp nhận không thay đổi, cô chấp nhận cảm xúc và những trải nghiệm, từng khoảnh khắc mà cuộc đời mang lại với cô. Có lẽ ngay cả khi không biết được tương lai ra sao, hay cái chết sẽ đến lúc nào, hãy cứ thành thật với cảm xúc bản thân (bài sau chắc tôi sẽ viết về cái này) … vì so với sự vô tận của sự trước khi sinh ra hay sau khi chết đi, cái cuộc đời này ngắn ngủi lắm và nhỏ bé nhường nào.
Sorry vì cái kết bài chỉ liên quan chút ít tới chủ đề tôi muốn nói. Thật ra tôi muốn nói nhiều lắm, như kiểu cái chết như một biểu tượng nhưng bài dài quá rồi nên…
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất