Một cậu em nhà ở Vinh hỏi tôi vì sao lại thích cà phê đến thế, tôi trả lời ban đầu chỉ uống vì mục đích tỉnh táo để học bài thôi, sau này dần dà vô tình biết nhiều hơn về cà phê thì lại thấy thích, rồi từ “thích thích thành thương thương”. Cậu em bình luận một câu khiến tôi khá tâm đắc, đại loại là “đúng là khi hiểu hơn về một thứ gì đó ta lại thấy thích hầy!”. “Hiểu”, hoá ra chính là chìa khoá để hoá giải phần lớn những mẫu thuẫn trong cuộc sống nhưng cũng là thứ phức tạp đến tột đỉnh. Ta ghét một người, thì dù người đó có làm gì thì vẫn đáng ghét, nhưng nếu ta hiểu được mọi tâm tư tình cảm của người đó thì liệu ta còn ghét họ không?
   Kỳ thực để hiểu được tâm tư tình cảm của một người rất khó mặc dù ta có gần gũi họ đến cỡ nào. Việc tìm được một người đồng điệu tâm hồn với ta là gần như không thể. Chúng ta khao khát sự đồng điệu tận cùng những đều phải thừa nhận rằng sẽ luôn tồn tại sự thiếu hoà hợp, bởi chúng ta xuất hiện trên cõi đời vào những thời điểm khác nhau, là sản phẩm của những gia đình, môi trường và những trải nghiệm khác nhau, do đó việc một người bỗng nhiên xuất hiện và suy nghĩ nhất nhất giống mình thực sự không đơn giản. 
   Thế nhưng nhu cầu được công nhận, thông cảm và sẻ chia là thứ luôn tồn lại trong mỗi con người, dù hiện thực có phức tạp đến thế nào đi nữa, con người luôn có cách để phá vỡ và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình dù không phải ai cũng có thể. Thật may mắn khi xung quanh luôn có những người biết lắng nghe và thấu hiểu, thật may mắn khi một người có khả năng khiến người khác có thể dễ dàng hiểu mình và thật may mắn khi có thể phơi bày hết mọi thứ thật nhất về con người mình mà không phải đánh đổi một thứ gì đó. Phải chăng đây chính là cách mà con người tìm đến rượu, bia, ma tuý, thuốc lá,... 
   Liệu đây có phải là cách dẫn tôi đến việc “thích” cà phê? 

CÀ PHÊ HOÀ TAN

Cũng chả biết từ lúc nào mà bắt đầu bằng việc uống cà phê hoà tan rồi đến cà phê pha phin truyền thống, tôi lại “đá” sang “bộ môn” uống cà phê pha kiểu Ý như Espresso, Latte, Cappuccino hay Americano. Chỉ biết rằng từ lúc nhấp ngụm cà phê đầu tiên cho đến cách uống cà phê như bây giờ là một quá trình khá là phức tạp như cách con người tôi thay đổi theo thời gian vậy. Tôi không phải là người hiểu rành về cà phê hay là một người “biết” thưởng thức cà phê. Tôi chỉ thích cà phê và cà phê là một phần trong cuộc sống cũng như là một thứ gì đó xuất hiện khá là nhiều, theo một cách rất là đặc trưng trong từng đoạn đường đời của tôi. 

CAPPUCCINO

   Hồi cấp 3 tôi phát hiện ra tôi có một “siêu năng lực”, đó là có thể cảm thấy buồn ngủ và ngủ được ở mọi lúc và mọi nơi. Tôi ngồi học bài và ngủ gục trên bàn đến sáng, tôi giải lao giữa giờ tự học, ngả lưng trên giường trong khi chân vẫn chạm nền nhà và… ngủ tới sáng, tôi đi xem phim và ngủ gật mặc dù phim không chán đến thế. Thế là như một điều tất yếu, tôi tìm đến cà phê như loại chất lỏng thần kỳ cứu rỗi tôi khỏi những cơn buồn ngủ không cần thiết. Cà phê bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống của tôi từ đó. Rồi dần dần tôi biết đến những quán cà phê pha phin truyền thống trên thành phố Vinh, bắt đầu biết đến các khái niệm như “nâu lắc”, “đen đá” hay “quán quen”. 
Capuccino ở BOSSA
   BOSSA Coffee là quán cà phê đầu tiên mà tôi chọn làm điểm đến quen thuộc để bắt wifi cập nhật con máy Lumia cùi bắp cũng như là nơi để trốn tránh cái thế giới không mấy vui vẻ mỗi khi tôi cảm thấy nó như vậy. Đây cũng là quán cà phê giúp tôi biết đến các món mới như Cappuccino hay Latte, mặc chúng không được pha đúng công thức như tên gọi của nó, chắc thời điểm đó máy pha cà phê đang còn khá đắt và không mấy phổ biến ở Vinh. 
BOSSA làm tôi ấn tượng bởi dòng chữ lớn “LET THE MUSIC HEAL YOUR SOUL” trang trí ngay trung tâm quán cũng như quán có nhạc sống vào khung giờ cố định hàng ngày, là một nơi lý tưởng để heal my soul. Lần đầu đến BOSSA là được dẫn đi bởi một người bạn, sau này quen đường tôi thường đến một mình để đắm chìm vào âm nhạc, tận hưởng khoảng trời riêng của mình. Có lúc tôi đi một mình nhưng vì quán quá đông nên lại lủi thủi đi về, có lúc đi cùng người đã dựa đầu vào vai mình ở đó, có lúc đi cùng người mà mình từng có thể dựa vai. BOSSA chứng kiến khá là nhiều kỷ niệm cũng như những nỗi niềm riêng của tôi, sau này khi đã ra trường được hơn 1 năm tôi có quay lại nhưng quán đã dẹp và chuyển thành trung tâm dạy tiếng Anh. 

BÀ NÀ 
   Tháng 8/2015, được sự thúc giục của một người, tôi quyết định nhập học Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Ra thủ đô giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các quán cà phê hiện đại hơn như Highlands hay xa xỉ hơn như Starbucks, được thử cà phê pha kiểu Ý và tự mày mò tìm hiểu sự tinh tế trong cách pha những loại cà phê này, tôi dần cảm thấy được nhiều điều thú vị ở cà phê cũng bắt đầu thích cà phê hơn. Rồi tình cờ tôi biết đến một quán cà phê nổi tiếng tên là Reng Reng Café, được biết quán có xuất phát điểm từ một xe bán cà phê dạo ở Buôn Ma Thuật và nổi tiếng bởi chất lượng cà phê cũng như những quy tắc khá là “dị” của quán. Hôm đi uống cà phê lần đầu ở Reng Reng cũng là hôm mà tôi viết những dòng tạm biệt Hà Nội trong cuốn sổ kỷ niệm của quán. 

  Bà Nà là một trong những đồ uống độc quyền của Reng Reng, với bề ngoài khá là giống Bạc xỉu, tuy nhiên khi uống lại rất hài hoà giữa vị cà phê, vị sữa và mùi thơm béo của kem. Với những người không thích vị đắng của cà phê thì Bà Nà là một sự lựa chọn tiệm cận hoàn hảo. 
Và sau đó tôi bỏ học ở ĐHKHTN và nhập ngũ…

BIRDY

   Mẹ mua đồ ăn ngon vào đơn vị thăm tôi và không quên mang theo mấy lon cà phê sữa Birdy... 
   Tôi biết đến loại này khi đang học cấp 3 và sau này cũng dùng Birdy như một biện pháp chữa cháy cho những cơn buồn ngủ nhẹ, đôi lúc nó phản tác dụng và “giúp” tôi ngủ ngon hơn :) 
Hồi cấp 3

ESPRESSO

   Espresso là một loại cafe rất mạnh, để pha chế loại cà phê này sẽ cần áp suất rất cao và được thực hiện bằng loại máy do người Ý phát minh. Cà phê sẽ được pha thông qua quá trình cho áp lực đẩy nước qua bột cà phê đã được xay và nén chặt, rồi từ từ đổ thẳng ra cốc. Sau khi hoàn thành, trên bề mặt Espresso phải có một lớp bọt màu nâu vàng gọi là crema hay crème, lớp này rất thơm nhưng khi nếm sẽ cực kỳ đắng. Espresso có thể gọi là cội nguồn của các loại cà phê kiểu Ý khác. Từ một ly Espresso với tỉ lệ sữa tươi và bọt sữa thay đổi mà ta có thể có Latte hay Cappuccino, thêm lượng xốt Sô-cô-la phù hợp sẽ có một cốc cà phê Mocha.

   Quãng thời gian công tác ở Cửa Lò khá là giống hương vị của ly Espresso, không chắc là mình có cảm nhận được vị ngọt hậu của ly Espresso này không nữa, thế nhưng nó gây “nghiện”... 
Lần đầu tiền uống Espresso tôi chỉ muốn phun ra cho bằng hết rồi súc miệng với nhiều lần nước lọc không phải vì nó dở tệ mà vì nó quá đắng. Sau này tuỳ cảm xúc mà tôi có thể nhâm nhi từng giọt đắng nóng hoặc cho thêm đá mà uống. 


NÂU XAY 

   Một lần nữa lại được gần Vinh, khi mà hầu như mỗi ngày ngoài làm việc chính ra thì tôi phải đi xe máy gần 20 km từ Cửa Lò lên thành phố để ôn thi (lại) đại học. 
   Espresso cũng có thể kết hợp với sữa đặc của Việt Nam và hương vị thì khỏi phải bàn. Lần đầu tiên tôi thử kiểu cà phê này ở Ciao, quán cà phê gần chỗ tôi từng ở hồi cấp 3 mà mãi sau này tôi mới biết đến. Ở đấy người ta gọi món này là “nâu xay”. Ở Hà Nội đến thời điểm hiện tại thì chưa thấy nơi nào có món này, riêng ở Vinh thì thấy khá nhiều, phải chăng là do đặc trưng vùng miền? 
Nâu xay giúp thêm vị ngọt cho Espresso mà không làm mất đi vẻ ngoài đẹp đẽ của ly cà phê nhỏ nhắn với lớp Crema mịn màng, thơm nồng. 
   Những lúc rảnh rỗi tôi hay mang Kindle hoặc sách vở đến quán, order một ly nâu xay và nhâm nhi từng câu chữ cho đến giọt cà phê cuối cùng. Một lần lang thang tìm quán trên đoạn đường Nguyễn Sỹ Sách, tôi bắt gặp quán cà phê với kiểu bày trí khá giống quán cà phê truyền thống, nhưng đặt trong quán là chiếc máy xay cà phê lớn và bên cạnh là đống tạp chí về trà và cà phê Coffeet&i. Coffeet&i có khá nhiều thông tin thú vị về cà phê trên khắp thế giới, một lần nữa “quán quen” lại xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của tôi, đọc Coffeet&i bên cạnh là ly nâu xay thơm nồng, đây cũng là nơi tôi đọc xong cuốn “Tôi là Bê-tô” của bác Nguyễn Nhật Ánh, cuốn sách dễ thương và thấm đẫm triết lý qua lời kể của một ... chú cún.

AMERICANO 

   Thành phố Vinh gần 3 năm trước như là chốn thiên đường để tôi có thể thoát khỏi thực tại nhàm chán, một mình lượn lờ trong thế giới tự do, đầy cô đơn nhưng cũng không thiếu những điều ấm áp.
   Vinh lúc bấy giờ đã có quán cà phê Highlands, tôi thường order một ly Americano về sau mỗi buổi học để lúc về đến nơi thì nó đã lạnh như nước đá bởi gió mùa đông rồi. 
Americano lạnh.
   Americano vô tình được tạo ra bởi những người lính Mỹ trong Thế chiến 2, khi họ muốn giảm độ đậm và chua của Espresso bằng cách cho nước nóng vào ly Espresso của mình. Từ đó Americano được nhiều người biết đến hơn và dần nổi tiếng khắp thế giới. Nếu Ý “xưng bá” ngành công nghiệp cà phê thế giới bằng món Espresso thì Mỹ cũng không kém cạnh với cà phê Americano. 
   Americano đối với tôi là một thứ cà phê dễ uống, sau này cũng có khoảng thời gian mà tôi hầu như chỉ gọi món này mỗi khi đi cà phê. Nhấp một ngụm Americano giữa tiết trời đông lạnh giá, cảm giác như có thế thấu hiểu hết mọi nỗi đau, cay đắng mình từng trải qua trong đời nhưng lại nhẹ tênh như đang thưởng thức, chiêm nghiệm hơn là chịu đựng. 
   Americano cũng là một món cà phê ưa thích của người Hàn Quốc, một đất nước mà người dân tiêu thụ cà phê rất nhiều. Tình cờ và may mắn thay, tôi tìm được Noah Kaffe nằm ngay gần ngã ba đường Nguyễn Sỹ Sách và Lê Hoàn, quán chỉ có hai người là anh chủ quán người Hàn Quốc và chị gái người Việt có vẻ như là vợ hoặc bạn gái, món cà phê đầu tiên tôi uống ở đấy chính là Americano do chính tay chủ quán pha chế, đấy là cốc Americano ngon nhất mà tôi từng uống. 
Best Americano ever.
   Một ngày cuối năm khi ra về sau buổi học, đã gần 11h đêm và trời thì rét căm, tôi nảy ý ghé Noah mua về một cốc Americano ấm nóng bởi quán cũng khá gần nơi tôi học thêm. Bước vào quán tôi mới để ý hai anh chị đang dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa, khá là nhụt chí cho đến khi nhìn thấy tôi anh chủ vẫn niềm nở nói “Xin chào!” bằng tiếng Việt chưa sõi và vui vẻ làm cà phê một cách cẩn thận, không vội vã. Lần đầu tiên tôi thấy một ly cà phê mang về đẹp, tinh tế và đầy công phu đến vậy. Cà phê nóng đựng trong cốc giấy in logo và tên quán, phía trên có đặt một chiếc bánh quy Sô cô la được gói trong túi bóng nhỏ, thắt nơ bằng dây thép lấp lánh màu sắc. Sau đó thì anh chủ có hỏi han tôi một chút bằng tiếng Anh, với vốn từ tiếng Anh không thể nói là không biết gì nhưng khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh kém cỏi lúc đó, tôi chỉ có thể trả lời cho anh biết mình là một người lính phục vụ trong quân ngũ, phải nhờ chị chủ phiên dịch thì anh mới biết tôi đang phải vừa làm nhiệm vụ vừa ôn thi đại học. Thế là anh chủ quán nắm hai hay dơ lên và nói “Fighting!” như cái cách động viên, cổ vũ mà tôi thường thấy trong các bộ phim Hàn vậy. 
   Đêm hôm đó lái xe máy gần 20 km trong khí lạnh của mùa đông rét buốt, ly Americano treo bên cạnh như ngọn đèn sưởi lấp lánh thắp sáng suốt đoạn đường về. 

AFFOGATO

   Hôm order ly Americano mang về cũng là lần cuối cùng tôi ghé Noah Kaffe, phải chăng vì cảm nhận được sự mong muốn được giao tiếp với người cùng sở thích về cà phê của anh chủ quán mà tôi lại tự ti vì không thể nói chuyện bằng tiếng Anh một cách lưu loát? 
   Trước đó một thời gian, tôi có ghé qua uống tại quán và gọi món Affogato. Anh chủ quán sau khi mang đồ ra cho tôi có hỏi rằng “How do you know Affogato?”, tôi không chắc tôi hiểu ý anh ấy là muốn hỏi làm thế nào mà tôi biết đến món này hay tôi hiểu món này đến mức nào, chỉ nhớ là tôi chỉ vào cốc chứa thứ chất lỏng đen đặc, bên trên là lớp bọt mịn trả lời “This is Espresso ..!?”. Thế là anh chủ vỗ tay cái bộp như bắt gặp được thứ gì đáng mong đợi lắm, có phải là vì thời điểm đó khách đến quán chả có mấy người quan tâm đến cách các món cà phê được làm ra, cách anh chăm chút vào từng món cà phê hay chất lượng cà phê ở đấy như thế nào, chả có mấy ai đến quán để thực sự uống cà phê thay vì chỉ để tìm một chỗ ngồi tán gẫu cùng bạn bè? Có khi nào anh chủ nghĩ tôi là một người hiểu biết về cà phê và anh đã tìm được một người cùng sở thích?
Affogato
   Affogato tiếng Ý có nghĩa là “đắm chìm”, để có một ly Affogato nguyên bản, người ta sẽ cho một shot Espresso đổ từ từ vào ly kem gelato hương vani. Vị đắng của Espresso và vị ngọt của kem vani tưởng chừng như không liên quan gì đến nhau nhưng khi quyện vào nhau lại cho ra thứ hương vị hài hoà một cách hoàn hảo. Sau đó anh ấy còn giải thích rằng anh đã phải làm thế nào để tự làm được kem vani cho đúng công thức món Affogato như thế. Uống Affogato có lúc cảm thấy như đang chạy đua cùng thời gian, khoảnh khắc giọt Esresso đầu tiên chạm vào viên kem vani ta biết rằng phải vừa để ý quá trình kem tan bởi sức nóng của Espresso vừa nhanh chóng uống cà phê để bắt kịp thời điểm kem và cà phê hoà quyện đúng điệu nhất, đôi khi ta lại muốn buông thả để cho kem tan đến đâu thì tan, cà phê loãng đến đâu thì loãng, chỉ cần lúc nhấc cốc lên vẫn còn những hương vị thân thuộc đấy là thấy vui rồi.
   Sau nay tôi có ghé qua quán sau một thời gian học ở Hà Nội thì quán đã đổi tên và hai anh chị chủ cũng không còn ở đó nữa.

THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG KÝ ỨC

   Thành phố Vinh - nơi chứng kiến phần nhiều quãng đời của tôi từ khi bước vào cuộc sống xa nhà cho đến tận bây giờ. Vinh chứa đựng những ký ức lạ lẫm như hương vị cà phê pha gói thuở xưa, bỗng một ngày nào đó lại đắng ngắt như ly Espresso nóng hổi đậm đà. Đôi lúc những ký ức đó lại đắng, lại chua một cách nhẹ tênh như ly Americano ấm phảng phất khói thơm. Thỉnh thoảng là những dòng chảy ngọt dịu của Bà Nà rồi tự nhiên nó chuyển màu thành Nây xay, có đắng có ngọt cứ thế luân phiên nhau xoáy sâu vào vị giác. 
   Tôi không chắc thành phố, cà phê hay những điều ấm áp có liên quan đến nhau hay không những tôi biết rằng thành phố có thể “hoá tâm hồn”, cà phê có thể “kể chuyện”, và những điều ấm áp đôi khi đơn giản là việc được thấu hiểu dù chỉ một chút. 
 Hà Nội, 23:37, 31/12/2020