Bài viết có spoiler về nội dung và cái kết phim
“Mãn giang hồng” là bộ phim cổ trang mới nhất của Trương Nghệ Mưu được ra mắt vào đầu năm nay. Trương Nghệ Mưu vốn từ lâu đã nổi danh là đại thụ trong làng điện ảnh Hoa ngữ nói chung và các phim cổ trang nói riêng. Những “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”, “Hoàng Kim Giáp” hay “Ảnh” đều là những tác phẩm minh chứng rõ nhất cho cái tài của Trương tiên sinh trong việc kể những chuyện bi kịch mà dùng bối cảnh cổ trang.
“Mãn giang hồng” là một bộ phim cực kỳ đáng xem, điều ấy không cần phải bàn. Nhưng lạ thay, nó lại có không khí khác hẳn so với những tác phẩm trước của ông. Trước hết thì nó là một phim trinh thám, được chuyển thể từ tiểu thuyết của Mã Bá Dung. Thứ nữa là nó không phải một câu chuyện bi kịch. Cố nhiên yếu tố bi vẫn còn, nhưng lạ thay, phim còn cả yếu tố hài, mà không hề ít - sự hài hước gần như tràn ngập quá nửa đầu phim. Cuối cùng là nhịp độ phim cực kỳ nhanh và dồn dập, plot twist chồng plot twist đến tận cuối phim. Phim gần như không có một quãng nghỉ nào, khác hẳn so với các phim cổ trang khác của Trương Nghệ Mưu. “Mãn giang hồng” cũng hoàn toàn vắng bóng những khung hình đại cảnh và nghệ thuật đậm chất Trương Nghệ Mưu. Toàn bộ phim hầu như chỉ diễn ra trong một khu dinh thự, và cũng chỉ gói gọn trong một canh giờ. Nhưng tài tình thay, dù đi ngược hẳn so với phong cách làm phim cổ trang thông thường, Trương Nghệ Mưu vẫn nhào nặn ra một “Mãn giang hồng” cuốn hút và hấp dẫn từ đầu chí cuối, khiến người xem khó lòng rời mắt khỏi màn hình, và luôn tự hỏi “Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”
“Mãn giang hồng” là một phim thiên về tính thương mại, nhưng không vì thế mà nó đơn thuần chỉ là một bộ phim giải trí xem xong rồi bỏ. Nó vẫn có nhiều cài cắm, ẩn dụ và nhiều điều để suy ngẫm, nhất là nếu như chúng ta hiểu về cái nền lịch sử đằng sau.
“Mãn giang hồng” là tên phim, và cũng là tên bài thơ nổi tiếng nhất của Nhạc Phi - danh tướng chống Kim thời Nam Tống. Thế nhưng chuyện phim lại diễn ra vào năm 1146 - gần 5 năm sau ngày Nhạc Phi bị xử tử ở Phong Ba đình.
Suốt hơn 2 tiếng rưỡi của phim, cái tên “Nhạc Phi” và “Mãn giang hồng” chỉ xuất hiện đôi ba lần, đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng phải đến gần cuối phim, chúng ta mới hiểu được vì sao bộ phim nhất định phải tên là “Mãn giang hồng”, không thể có cái tên nào khác.
“Mãn giang hồng” bắt đầu bằng cái chết của lễ nghi quan nhà Kim trong dinh thự của Tần Cối - Đồng bình chương sự của Nam Tống (tương đương Tể tướng). Với cái hẹn ngày mai là phải gặp mặt đoàn sứ thần chính thức của triều đình nước Kim, thì cái chết của gã lễ nghi quan buộc phải được làm rõ trước khi Tần Cối xuất phát đến điểm hẹn. Với hạn định là một canh giờ duy nhất, phó thống lĩnh quân doanh Tôn Quân và tiểu binh Trương Đại phải tìm cho ra hung thủ. Thế nhưng ẩn đằng sau vụ giết người ấy lại là một thứ nguy hiểm hơn: một bức mật thư. Đó là một bức mật thư do Hoàn Nhan Tông Bật - danh tướng nước Kim và con trai thứ tư của Kim Thái tổ gửi cho chính Tần Cối. Bức thư ấy dường như là chứng cứ xác đáng để khép được Tần Cối vào tội mưu phản, thông đồng với nước Kim. Do đó, tất cả đều chạy đua trong việc tìm ra bức mật thư đáng sợ ấy. Thế nhưng càng tra, càng hiện ra những đầu mối mắt xích mới, càng lộ ra đằng sau nó là một kế hoạch khó tin. Những con người tưởng như chẳng hề liên quan, hóa ra lại cùng là đồng mưu, và không tiếc hy sinh tính mạng để hoàn thành kế hoạch. Một kẻ tưởng như tầm thường hèn nhát, hóa ra lại can đảm đến không ngờ. Một kẻ tưởng như tâm đã lạnh, cam phận suốt đời làm chó săn, hóa ra đến cuối cùng lại bị cảm hóa mà làm việc mà y tin rằng là phải đạo.
Một trường mưu mô được bày ra, kế lồng kế, tất cả là để tìm ra di ngôn của Nhạc Phi. Tất cả là vì bốn chữ “Tận trung báo quốc”. Vì bốn chữ ấy, vì di ngôn của Nhạc Phi, những người kia không tiếc hy sinh tính mạng. Để làm gì? Người xem có lẽ đến tận gần cuối phim vẫn tưởng rằng mục đích của họ là để giết Tần Cối, rửa hận cho Nhạc Phi, trừ đi kẻ họ cho là gian thần bán nước. Thế nhưng đến lúc này, cú twist quan trọng nhất mới lộ ra: họ căn bản không có ý định giết Tần Cối, mà chỉ muốn ép y phải nói ra di ngôn của Nhạc Phi. Bởi vì năm đó tại Phong Ba đình, Nhạc Phi trong đêm cuối cùng trước khi bị hại đã viết 101 chữ trên tường phòng giam. Những chữ ấy đến hôm sau đã biến mất, và thế gian này chỉ một mình Tần Cối biết. Những người ấy căn bản không thèm đếm xỉa đến mạng Tần Cối, bởi họ cho rằng giết y như vậy thì hời quá. Trong mắt họ, lời của một người đã chết còn đáng giá gấp trăm lần mạng của một kẻ gian thần. Một bài thơ “Mãn giang hồng”, đáng giá gấp trăm lần mạng một Tần Cối.
Mãn giang hồng Nộ phát xung quan, Bằng lan xứ, Tiêu tiêu vũ yết. Đài vọng nhãn, Ngưỡng thiên trường khiếu, Tráng hoài khích liệt. Tam thập công danh trần dữ thổ, Bát thiên lý lộ vân hòa nguyệt. Mạc đẳng nhàn, bạch liễu thiếu niên đầu, Không bi thiết. Tĩnh Khang sỉ, Do vị tuyết. Thần tử hận, Hà thời diệt! Giá trường xa, Đạp phá Hạ Lan sơn khuyết. Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục, Tiếu đàm khát ẩn Hung Nô huyết. Đãi tòng đầu, thu thập cựu sơn hà, Triều thiên khuyết. Dịch thơ: Tóc dựng mái đầu, Lan can đứng tựa, Trận mưa vừa dứt. Ngóng trời xa, Uất hận kêu dài, Hùng tâm khích liệt. Ba mươi tuổi cát bụi công danh, Tám ngàn dặm dầm sương dãi nguyệt. Chớ lỏng lơi nữa kẻo bạc đầu, Ích gì rên xiết. Mối nhục Tĩnh Khang, Chưa gội hết. Hận thù này, Bao giờ mới diệt! Cưỡi cỗ binh xa, Dẫm Hạ Lan nát bét. Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ, Khát, cười chém Hung Nô uống huyết. Rồi đây giành lại cả giang san, Về chầu cửa khuyết.
Đến cuối phim, Tần Cối đã bị ép phải đọc di ngôn của Nhạc Phi và toàn quân nhắc lại từng lời. Chỉ có như vậy, “Mãn giang hồng” mới không bị xóa bỏ. Có lẽ nhiều người xem phim xong sẽ thắc mắc, tất cả mọi thứ chỉ vì một bài thơ “Mãn giang hồng” này ư? Đến cuối cùng kẻ gian thần là Tần Cối thì còn sống, mà những người trung lương đều đã chết hoặc phải bỏ đi. Vậy thì có đáng để đánh đổi không? Nhưng chính bộ phim đã trả lời cho chúng ta câu hỏi ấy bằng lời thoại của nhân vật - một lời khẳng định chắc nịch:
Trên thế gian từ nay đã có "Mãn giang hồng", đương nhiên là xứng đáng!
“Mãn giang hồng” không chỉ là một bài thơ. Hiểu theo một cách nào đó, thì nó chính là “di ngôn” của Nhạc Phi, là ý chí của Nhạc Phi, là quyết tâm của Nhạc Phi. “Mãn giang hồng” còn, tức là Nhạc Phi còn, là quyết tâm Bắc phạt đánh Kim giành lại giang sơn còn. Muốn hiểu được vì sao “Mãn giang hồng” lại là chủ đề của cả phim, chúng ta phải hiểu cái nền lịch sử của thời kỳ ấy.
Còn nhớ khi xưa vào đầu những năm Tĩnh Khang, nước Kim mới quật khởi đã nam hạ đánh Tống, thế như chẻ tre. Tống Huy tông sợ đến mức phải nhường ngôi cho Thái tử Triệu Hoàn để kháng địch rồi rút chạy về nam. Triệu Hoàn lên ngôi tức là Tống Khâm tông, nhưng ý chí kháng Kim thì vẫn không triệt để, âu cũng là do truyền thống văn nhân của các vua nhà Tống và cái lệ “trọng văn khinh võ”. Triều đình chia làm hai phe chủ hòa và chủ chiến tranh cãi ác liệt, và phải đến khi quân Kim áp sát Kinh đô Biện Lương thì Khâm tông mới đưa ra được quyết tâm chống lại. Thế nhưng đến ngay cả khi đẩy lui được quân Kim rồi, thì phe chủ hòa lại nổi lên và chủ trương ngưng chiến cầu hòa. Cứ mãi đến như thế, để đến nỗi hàng bao nhiêu đạo quân Cần vương đều bị kiềm hãm mà không thể Bắc tiến hộ giá. Cuối cùng xảy ra sự biến Tĩnh Khang đầu năm 1127, khi quân Kim hạ Kinh thành Biện Lương, bắt cả Tống Huy tông và Tống Khâm tông cùng hàng ngàn tông thất quan lại áp giải về nước. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn được coi nỗi nhục hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc. Hai vua Tống bị bắt về Kim, phải vào quỳ lạy trong miếu Kim Thái tổ, chịu nhục như nô lệ. Mấy ngàn tông thất bị bắt theo có người chết, có người bị làm nhục, hoặc nếu còn sống thì cũng tủi nhục không kể.
Dù vậy, nhà Tống vẫn còn, chưa mất, do con trai thứ 9 của Huy tông là Khang vương Triệu Cấu bấy giờ ở phía nam nên không rơi vào tay địch. Khang vương được các quan lại và tông thất tôn lên làm vua, tức Tống Cao tông, lập nhà Nam Tống. Tuy nhiên vẫn với bản tính yếu nhược và e sợ của văn nhân, phái chủ hòa vẫn chiếm đa số, nên dần dần toàn bộ miền bắc nước Tống đều rơi cả vào tay nước Kim.
Lãnh thổ Kim và Tống sau khi ký Hòa ước Thiệu Hưng năm 1141. Toàn bộ vùng phía bắc đều thuộc về nước Kim.
Lãnh thổ Kim và Tống sau khi ký Hòa ước Thiệu Hưng năm 1141. Toàn bộ vùng phía bắc đều thuộc về nước Kim.
Nhưng kể cả thế, cũng chẳng thiếu những trung thần nghĩa sĩ quyết tâm Bắc tiến thu lại giang sơn. Các danh tướng như Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Lưu Kỹ, Lưu Quang Thế, Lý Cương, Tông Trạch,... thảy đều liều mình chiến đấu đẩy lui quân Kim, quyết tâm đánh lên phía bắc, mong giành lại giang sơn. Trong số ấy, nổi bật nhất là Nhạc Phi, bởi vì trong bao nhiêu đạo quân Bắc tiến, hầu hết đều bị quân Kim kiềm hãm, không thể tiến lên hoặc phải thoái lui; nhưng chỉ riêng Nhạc Phi là thường xuyên thu được thắng lợi. Quân của ông đều tự xưng là Nhạc gia quân, đều xăm trên mình bốn chữ “Tận trung báo quốc”, thề chết để giành lại giang sơn.
Thế nhưng đến cuối cùng, một cánh én không thể làm nên mùa xuân, một mình Nhạc Phi cũng không thể chống lại nước Kim hùng mạnh. Và đau đớn nhất là ông không thể chống lại phe chủ hòa trong triều đình, không thể chống lại ngay cả những tướng lĩnh bị mua chuộc để hãm hại mình. Cuối cùng dẫn đến việc Tần Cối ngụy tạo khẩu cung và chứng cứ, vu cho con trai ông là Nhạc Vân và thuộc tướng Trương Hiến âm mưu làm phản. Nhạc Phi và con trai bị bắt vào ngục, nhưng triều đình trừ phe cánh của Tần Cối, ai cũng biết ông bị oan. Nhiều đại thần và vô số bá tánh quỳ xin tha cho ông mà không được, đích thân Hàn Thế Trung còn hỏi Tần Cối rằng nếu Nhạc Phi quả mưu phản, thì chứng cứ đâu?
Đáp lại lời ấy, Tần Cối đã nói một câu nổi tiếng:
Không có chứng cứ, nhưng cũng không có nghĩa là không có việc ấy.
Cuối cùng, Nhạc Phi bị xử tử ngày 28/1/1142 tại Phong Ba đình. Con trai ông là Nhạc Vân và thuộc tướng Trương Hiến cũng đều bị giết. Gia sản bị tịch biên, cả nhà ông đều bị đi đày, nhiều quan lại thân cận với Nhạc Phi đều bị cách chức. Rồi phải mãi đến 20 năm sau ngày bị hại, Nhạc Phi mới được ân xá và thi hài được cải táng đàng hoàng.
Hai phần mộ của Nhạc Phi (trái) và con trai Nhạc Vân (phải). Bia mộ Nhạc Phi đề chữ "Tống Nhạc Ngạc vương mộ". Bia mộ Nhạc Vân đề chữ "Tống Kế Trung hầu Nhạc Vân mộ".
Hai phần mộ của Nhạc Phi (trái) và con trai Nhạc Vân (phải). Bia mộ Nhạc Phi đề chữ "Tống Nhạc Ngạc vương mộ". Bia mộ Nhạc Vân đề chữ "Tống Kế Trung hầu Nhạc Vân mộ".
Người đời cho rằng kẻ chủ mưu hãm hại Nhạc Phi là Tần Cối, và quả thực trông vào những việc y làm, thật khó để nghĩ khác đi. Mà không chỉ Nhạc Phi, Tần Cối về sau còn hãm hại không ít trung thần, đến tận lúc chết vẫn chưa thôi. Kẻ như y không là gian thần thì còn ai? Nhưng năm xưa, chẳng phải Tần Cối cũng từng là một người thuộc phe chủ chiến ư? Năm xưa khi quân Kim vây đánh Biện Lương lần đầu, Tần Cối cũng đã từng lên tiếng bày tỏ ý kiến rằng nhất định không được nhân nhượng mà cắt đất cầu hòa với người Kim. Y thậm chí cũng đã từng bị người Kim bắt, mãi rồi mới trốn đi được. Cớ sao người như vậy lại thay đổi nhiều đến thế?
Tần Cối có lẽ cũng chỉ là một quân cờ, một quân cờ trong tay của Tống Cao tông. Bắc phạt hao phí tiền của, mà còn không biết có thành công hay không. Nhà Tống trọng văn khinh võ, chẳng bao giờ muốn trao quyền về tay đám võ tướng. Năm xưa nhà Tống được nước chẳng phải là nhờ binh biến của Thái tổ Triệu Khuông Dẫn hay sao? Cái gương còn đó, sao có thể mắc phải? Hơn nữa, Nhạc Phi Bắc phạt luôn hô khẩu hiệu “nghênh đón nhị đế”, vậy hóa ra trong mắt y chỉ có hai Hoàng đế đang nằm trong tay người Kim, mà không có Hoàng đế đang ở phía Nam sao? Đón nhị đế về, thì Cao tông sẽ ở đâu? Trong mắt Cao tông, Nhạc Phi là một cái gai cần phải nhổ, và Tần Cối là con cờ mà ông ta dùng để áp chế những kẻ trong triều mang chí Bắc phạt.
Nhưng đó mãi mãi cũng chỉ là nghi án lịch sử. Không một ai có thể biết thực sự Cao tông dính dáng đến mức nào. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận, dù chủ ý là của ai, thì Tần Cối cũng là người thực hiện. Trong “Mãn giang hồng”, có một chi tiết xuất hiện nhiều lần, là tờ giấy trắng và bức mật thư. Hai vật này nhiều lúc tráo đổi với nhau, không biết lúc nào là thực, lúc nào là giả. Có lẽ chi tiết này dùng để ám chỉ hai điều. Một, chính là cái nghi án lịch sử rằng rốt cuộc hại Nhạc Phi là chủ ý của ai? Lịch sử ghi tên Tần Cối là gian thần, nhưng để “thần” thành “gian”, thì ắt kẻ làm vua cũng không tránh khỏi liên quan. Hai, chính là để nhắc lại cái án “không có chứng cứ nhưng cũng không có nghĩa là không có việc ấy.” Trắng thành đen, thật thành giả, khiến người ngoài không biết đâu mà lường. Và cho đến cuối cùng, người xem cũng không biết rốt cuộc nội dung bức mật thư là gì, trừ hai câu đầu. Việc ấy cũng chính là để chỉ đến mọi nghi án xoay quanh Tần Cối - y có thực cấu kết với người Kim hay không? “Mãn giang hồng” không cho ta một đáp án cụ thể, chính là để tôn lên cái phần lịch sử ấy.
Và cuối cùng, một chi tiết cuối phim đắt giá không kém, là việc thực chất kẻ đứng trước quân sĩ đọc “Mãn giang hồng” của Nhạc Phi, hóa ra chỉ là giả. Một Tần Cối giả, một thế thân, một kẻ chỉ xuất hiện trong đúng 2 cảnh, với chưa đầy 2 phút trên phim, nhưng thừa đủ để cho thấy sự phức tạp của y. Y là kẻ được Tần Cối đào tạo để đóng giả bản thân những lúc nguy hiểm và khi cần thì sẵn sàng chết thay. Nhưng éo le thay, chính y năm xưa là kẻ đã đến phòng giam của Nhạc Phi sau khi ông bị hại, chỉ vì Tần Cối sợ có kẻ sẽ ám sát. Sự tình cờ ấy đã biến y trở thành kẻ duy nhất đọc được “Mãn giang hồng”, và y đã ghi nhớ từng chữ, từng chữ một. Suốt ngần ấy năm, có lẽ y luôn nhẩm đọc lại bài thơ ấy trong đầu, để rồi khi có cơ hội, y dốc cạn cả ruột gan ra để truyền lại di ngôn của Nhạc Phi, truyền lại cái ý chí “Tận trung báo quốc” với thế gian. Và rồi sau khi hoàn thành chuyện ấy, y chọn cái chết để một lần nữa được sống là chính mình.
Y là Tần Cối giả, được đào tạo để đi đứng, nói năng và có lẽ là suy nghĩ như Tần Cối. Y không được phép là chính mình, mà phải là Tần Cối. Nhưng kể cả thế cũng không ngăn được y xúc động và cảm phục trước “Mãn giang hồng” của Nhạc Phi. Chi tiết về kẻ thế thân ấy thực chất không có cũng không ảnh hưởng đến câu chuyện, nhưng nó vẫn quan trọng. Vì sao? Bởi vì nó cho thấy rằng đứng trước ý chí chân chính của một trung thần, ai cũng phải rúng động. Bởi vì nó chứng tỏ rằng dù một kẻ có bị kiểm soát mọi thứ bề ngoài, nhưng không ai có thể khuất phục nội tâm của y, nếu nó đủ vững vàng.
Trên thế gian từ nay đã có "Mãn giang hồng", đương nhiên là xứng đáng!
“Mãn giang hồng” còn, tức là Nhạc Phi còn, là quyết tâm Bắc phạt thu lại giang sơn còn, là ý chí “Tận trung báo quốc” còn. Đổi những điều ấy, thì giá nào cũng xứng đáng.
Hai mươi năm sau ngày bị hại, cuối cùng Nhạc Phi được Tống Hiếu tông hạ chiếu minh oan, ban thụy Vũ Mục, hiệu Trung Liệt. Chỉ tiếc rằng, giấc mơ Bắc phạt của Nhạc Phi và của bao nhiêu con người nữa, cuối cùng cũng vẫn không thành được hiện thực. Nhạc Phi đã không thể “giành lại cả giang san về chầu cửa khuyết” được nữa rồi.
Trương Nghệ Mưu cùng dàn diễn viên chính của phim
Trương Nghệ Mưu cùng dàn diễn viên chính của phim