Từ lâu mình đã ấp ủ viết một bài về Princess and The Frog, nhưng chưa kiếm được giá trị gì để viết. Mình đã xem bộ phim này từ hồi lớp 7, ban đầu ấn tượng về màu sắc của nó, cũng như yếu tố cảm động trong phim. Dù thời điểm đó chưa hiểu mô tê gì khi nghe tiếng Anh, chỉ rơm rớm nước mắt trước cái chết của Ray, nhưng ý tưởng viết về bộ phim này cứ nhen nhóm trong lòng mình.
Chỉ đến khi năm nay tốt nghiệp, ngay lúc dịch, trong một đêm trằn trọc không ngủ được, tâm trí mình vô thức mở lại “Princess and The Frog”. Nó đến vào đúng lúc mình đang cần, khi những câu hỏi mình và mọi người hay đặt ra cho nhau về tương lai là “Cuối cùng là anh/chị/em/ cậu muốn gì trong đời?” Câu hỏi này, mình đã từng cố tìm tòi, mở một số sách về triết học, nhưng không hiệu quả do bài vở cần ưu tiên. Và may thay, hoạt hình đã giúp mình tìm kiếm được điều đó. 
Với Princess and The Frog, mình kiếm điều gì? Với mình, ngay từ lần đầu mình bắt gặp nó, mình đã chóng yêu thích bởi mô típ mà nó mang lại. Câu chuyện một cô gái da màu xuất thân từ tầng lớp lao động, nỗ lực không ngừng để có được ước mơ của mình, cảm hoá một chàng trai đang lạc lối và cùng vun đắp tổ ấm là thứ chinh phục trái tim của mình. ​​​​​​
Nhưng càng lớn, mọi lý tưởng của bản thân dần biến mất. Có một giai đoạn mình xa rời với thế giới của Disney. Và có một cảm nhận mình nhìn thấy ở những người từng đưa ra lời khuyên cho mình: “Cuộc đời không phải phim Disney. Đừng mơ mộng nữa.” Lúc ấy mình chỉ tiếp thu và không nghĩ ngợi gì nhiều. Suốt ba năm theo mảng hoạt hình, hoạt hình đã cứu mình vào những lúc mình khủng hoảng tinh thần, hay mông lung với những câu hỏi trong cuộc đời. 
Princess and The Frog (2008) là bộ phim kết thúc kỷ nguyên vẽ 2D của Nhà Chuột và cả hình mẫu công chúa tìm kiếm hoàng tử trong giấc mơ. Sau khi ra rạp, phim thu về với lợi nhuận khiêm tốn vô cùng so với những phim trước đây. Nhưng vì thế, đây không phải là bộ phim dở.
----------------------------------------------------------------------------------------------------

Khi ước mơ con người không được đáp thành hiện thực 

Princess and The Frog bắt đầu bằng nhân vật chính Tiana, một cô gái da đen xuất thân trong gia đình lao động bình thường, với ước mơ mở nhà hàng. Niềm đam mê của Tiana được truyền cảm hứng từ những kỷ niệm nấu ăn thuở bé với cha mình. Cha cô luôn mơ ước mở nhà hàng, nhưng chưa kịp gì thì qua đời trong Thế chiến Thứ nhất. Và rồi gần hai mươi năm sau, Tiana lê lết về nhà sau một ca làm việc đêm, rồi lại chạy đi làm buổi sáng. Chạy vạy, bươn chải suốt ở nơi được xem là “ước mơ chắc chắn thành hiện thực”, để rồi liên tục bị chủ nhà đất hứa lèo. Cuộc sống xung quanh thì bạn bè cùng chủng tộc bĩu môi bảo con này suốt ngày chỉ biết làm, còn chủ và mẹ thì bảo còn lâu mới làm được.
Duy chỉ có một người duy nhất ủng hộ cô là cô bạn thân người da trắng, xuất thân từ tầng lớp Hoàng gia. Charlotte sắp sửa có cơ hội đính hôn với hoàng tử Naveen đến từ vương quốc khác, và vì vậy cô cho Tiana cơ hội để làm món bánh tuyệt ngon ở bữa tiệc của mình, với phần thù lao là một số tiền rất lớn. Người con gái đã chờ rất lâu để ước mơ của mình trở thành hiện thực. Nhưng hiện thực phũ phàng đã kéo cô lại lần nữa. Những kẻ đang nắm giữ mảnh đất của cô đã lật kèo hứa và bảo rằng một người như cô nên tự biết thân phận mình. 
Ở phân đoạn đầu, khi mô tả về cuộc sống của Tiana, mọi thứ đều được phủ dưới gam màu nâu, cũ kỹ, gợi cảm giác của một cuộc sống tẻ nhạt. Giữa nhịp sống ủ ê, chậm chạp ấy, vẫn có một con người cố gắng đến kiệt sức để đấu tranh cho ước mơ của mình.
Mọi thứ dần chuyển sang tông màu sáng hẳn lên, là lúc Tiana ở bữa tiệc của cô bạn Charlotte. Những tưởng ước mơ thành hiện thực, Tiana cuối cùng thất vọng ê chề và chỉ ngậm ngùi trong hai chữ “Almost” - gần đến. Trong một buổi gặp mẹ mình, cô đã từng hát bài đoạn “Almost There” bằng tất cả lòng nhiệt thành và sự hứng khởi. Để rồi mọi thứ không được đền đáp lại. 
Không có thời gian cho nhảy múa. Làm việc quần quật 2,3 ca một ngày. Chưa kịp ngủ đã đến ngày mới.
Những người xung quanh muốn rủ rê, không muốn bản thân mình tiến bộ. Tất cả mọi người đều khinh thường cô.
Còn điều gì đáng thương hơn cho cô gái ấy?
Tuy vậy, Tiana vẫn tiếp tục làm lụng không ngừng. Trong lúc tuyệt vọng nhất, cô đã nhìn lên bầu trời xanh trong vắt với những vì sao buổi tối, và nói rất nhiều lần chữ “Please” (làm ơn).
Làm ơn hãy để ước mơ của con thành hiện thực. Và rồi cô hôn phải một con ếch, hoá thành ếch và mọi thứ đảo tung. Mọi ước mơ của Tiana chính thức tan tành. Trong thân xác một con ếch và không biết khi nào trở lại thành con người, Tiana chỉ biết than thân trách phận. Thứ mình muốn không biết khi nào trở lại. Và giờ cô phải cùng một người đồng hành hằng ngày sống bên bờ sông, thân phận không biết trôi dạt về đâu. Làm việc chăm chỉ lúc này còn ý nghĩa gì, khi mục đích của làm việc là không đến được ước mơ mình muốn?
Và lúc này, cô lại gặp một phiên bản trái ngược với mình. Đó là hoàng tử Naveen - con ếch đã hôn cô.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hoàng tử Naveen: mông lung trong mục đích sống và ý nghĩa cuộc đời mình 

Trước khi bị biến thành con ếch, hoàng tử Naveen thực chất đã bị bố mẹ cắt tiền vì sống phung phí, ham chơi. Để rồi do quá tin phù thuỷ, anh ta bị biến thành ếch. Thứ duy nhất khiến Naveen có thể thành người là có được nụ hôn của cô công chúa. Trở thành người, Naveen sẽ tiếp tục dự định ban đầu anh đến New Orleans: cưới một người vợ xuất thân tầng lớp quý tộc, hưởng gia tài và tiếp tục đời hưởng thụ về sau.
Khi Tiana bị biến thành ếch, trong đầu óc của một con bé lớp 7, mình đã nôn nao đến độ liên tục cầu mong cô gái chóng biến lại thành người. Vì cuộc sống quá đỗi bất công với một người hiền lành, chăm chỉ, chịu khó. Mình không có thiện cảm gì với Naveen, một bad boy chính hiệu.
Tuy nhiên, đến độ tuổi 24 rồi, mình lại nghĩ khác. Nếu Tiana đem lại cho người xem sự đồng cảm về thứ vốn dĩ rất “đời” - siêng năng chăm chỉ nhưng vẫn bị vả sấp mặt thì Naveen gợi cho mình một cảm giác khác: một con người có tiềm năng, có bản tính lương thiện nhưng lại lạc lối.
Trái ngược với Tiana sinh ra trong gia đình lao động, mọi thứ cần phải rất nỗ lực để vươn lên có được, thì Naveen sống trong cảnh ngồi mát ăn bát vàng. Do ỷ y quá, cậu chàng bị tống ra ngoài sống đời tự lập. Thiếu định hướng bản thân, Naveen sa vào những cuộc chơi chè chén, mối quan hệ chớp nhoáng kết thúc ngắn ngủi. Ở bên ngoài, Naveen luôn tỏ ra vui vẻ, cợt nhả cốt để giấu kín sự bất an về tương lai của mình.
Naveen có thể là hình ảnh cho câu nói thời hiện đại: “Sướng quá cũng buồn”. Sống sướng đã lâu, nên tự tách riêng, cậu không chịu được khổ. Những niềm vui nhất thời chỉ là cách để cậu trốn trách với cuộc sống thực tại. Và có nhiều tiền, hưởng được tiền là cách duy nhất Naveen tiếp tục chuỗi ngày khoái lạc của mình.
Naveen đưa lại cho người xem câu hỏi: “Ở một người với bề ngoài ăn chơi thế này, bản chất họ có thực sự là người tốt?” Vì ban đầu, người xem có một phần không mang thiện cảm với cậu hoàng tử này. Và một câu hỏi khác “Liệu cứ ăn chơi suốt, thiếu va chạm với cuộc sống và chăm chỉ như bao người, liệu họ có thể vươn lên và làm chủ cuộc đời mình?”
Nếu Tiana là mẫu số chung của công thức làm việc chăm chỉ ắt thành công, thì Naveen là hình ảnh của con người chưa biết tìm điều gì ở bản thân mình. Thậm chí, quyết định cuộc đời cậu còn phải dựa theo lời của người hầu cận Lawrence: để có tiền, một là làm rể nhà giàu, hai là tự đi làm kiếm việc. Naveen vì muốn có tiền nhanh, nên chọn phương án đầu. Và cậu thực ra chẳng đoái hoài đến nó nữa. 
Đó là lý do vì sao cậu hoá thành ếch. Vì tin vào lời dụ dỗ của Facilier - rằng có một người đọc vị và hiểu con người mình, giúp mình đổi đời, Naveen bị Facilier lấy giọt máu của mình để giữ cho hắn được sống từ tấm bùa và Lawrence ở hình dạng của mình.
Facilier đã dùng một thuật thao túng rất hay để lôi được tiền người khác. Đó là dùng những lá bài tarot để đánh trúng vào điểm yếu của Naveen, một người còn mông lung định hướng. Bằng việc nói ra những điều người khác muốn tin, Naveen nhanh chóng thốt lên trong sung sướng khi nghĩ hắn hiểu hết con người mình. 
Tuy nhiên đỉnh cao của Facilier không phải là thao túng Naveen. Người hầu cận Lawrence ban đầu cương quyết ngăn cản Naveen làm điều sai trái. Nhưng cuối cùng, chính người này lại là con rối của Facilier, khi nghe trải bài của hắn. Facilier đánh vào cái tôi đang bị tổn thương, bị xúc phạm của Lawrence.  Hình ảnh của Lawrence qua những lá bài của Facilier được khắc hoạ như những con rối, nhỏ bị người lớn điều khiển, lớn phải hầu hạ cho người khác, và tương lai được tự do.
Hắn đã hạ gục cả chủ và tớ bằng điểm yếu của họ: sự cám dỗ về tiền và hưởng thụ. 
Naveen cuối cùng bị biến thành ếch. Còn Lawrence hoá thành hoàng tử Naveen, nhảy múa cùng công chúa Charlotte chờ ngày đổi đời. 
Hai mảnh ghép Naveen và Tiana gặp nhau, ban đầu đối đầu nhau vì tính cách. Tiana ghét con người ăn không ngồi rồi của Naveen, ngược lại vị hoàng tử ghét cô gái kia ở tính không biết tận hưởng cuộc sống. Tuy vậy, trong hình hài con ếch, họ bước vào một tình huống khó xử: một cuộc đời không được định sẵn mục đích, bỏ hết mọi kế hoạch. Khi không còn là con người, không còn có lý lẽ để tồn tại, sống cuộc đời lặp lại ở đầm lầy, họ sẽ đưa ra quyết định tự thân cho mình như thế nào? Khi thứ mình muốn không còn tồn tại ở đó, lý do gì giữ họ tiếp tục để sống? 
Đó là lý do Mama Odie xuất hiện. 
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mama Odie: Đào sâu vào bản thân để hiểu mình cần gì, chứ không phải mình muốn gì

Mama Odie là một phiên bản đối lập với Voodoo Man  - Phù thuỷ Facilier. Đều sử dụng quyền pháp, và phép soi chiếu hình ảnh con người, nhưng ở đây bà phù thuỷ đóng vai trò như một người chỉ đường dẫn lối.
Nếu Facilier dùng thuật đọc nguội để thao túng, dụ dỗ con người thì Mama Odie chỉ quan tâm đến bản chất thật sự của cá thể qua câu hỏi: Họ đã tìm được thứ mình cần chưa?
Naveen và Tiana đều là những người trẻ có một khao khát riêng về một điều nhất định. Naveen cần tiền để tiếp tục sống đời phiêu dạt, Tiana cần nhà hàng để thoả mãn ước mơ thuở nhỏ của mình. Một người lao vào ăn chơi để hưởng thụ sung sướng một cách nhất thời, người còn lại lao vào làm việc không ngừng để có được lối ra. Họ đều đến ngưỡng của “Almost There” - mọi thứ gần đến đích, nhưng không thành.
“Ủa thứ mình muốn và thứ mình cần đều là một thứ cơ mà?” - Naveen nói.
“Nó không hề là cùng một thứ. Hai người phải đào sâu hơn nữa để hiểu mình thực sự muốn gì.”
Qua làn nước lèo của nồi súp, Mama Odie đã chỉ cho Naveen thấy tiền không mang lại hạnh phúc, tiền là thứ có thể cám dỗ. Với Tiana, bà gợi cho cô nhớ về người cha của mình - một con người tình cảm, chăm chỉ. Nhưng sau đoạn hát của Mama Odie, khi hỏi lại, Tiana vẫn chưa biết mình cần gì. Cô vẫn đinh ninh cứ chăm chỉ làm việc, càng cật lực mọi thứ sẽ tới nhanh. 
Nhưng đó không phải là thứ bà phù thuỷ muốn truyền tải. Định hướng cho Naveen hiểu thì quá dễ dàng, nhưng với Tiana lại là lời giải khó. Tiana chưa hiểu được ẩn ý của Mama Odie. Cô chưa kiếm được thứ mình cần. Lúc này thứ cô hướng đến vẫn là ước mơ. Cô vẫn chưa tự hỏi mình rằng tại sao cần có nhà hàng đến mức đó? Tại sao bản thân cứ lao vào làm việc chăm chỉ, để rồi khi không đạt được thứ mình muốn đâm ra thất vọng?
Nếu Tiana trong đêm trọng đại của bạn thân mình vẫn ở hình hài con người, cô sẽ lủi thủi về trong bộ dạng của một kẻ thảm bại. Bạn bè vẫn tiếp tục chê cười, chủ vẫn tiếp tục khinh bỉ. Và ở những người ngã đau lúc còn trẻ, nếu không có gì để vực dậy có thể trượt dài. Tiana rồi cũng trải qua khủng hoảng, thất vọng ê chề, có khi còn tệ hơn cả Naveen trước lúc gặp cô. 
Và rồi cô gặp lại Facilier.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Facilier: hình ảnh con rối, sự tự do và câu chuyện cám dỗ

Trong Princess and The Frog, Facilier vừa là người rối vừa là và người điều khiển các con rối của hắn. Mọi thứ xung quanh hắn tất thảy là những con rối. Y tự tạo những con rối để dụ dỗ người khác, để biến họ thành con rối của mình, và chính hắn cũng là người rối của những người bạn từ thế giới bên kia. “Friends on The Other Side” thực chất ra chỉ là những kẻ đoạt hồn của Facilier: miễn còn hồn còn máu ở bùa, là còn sống được. Đoạn kết cuối cùng, mảnh hồn (bức talisman) vỡ tan, Facilier hiện nguyên hình là con rối, bị kéo xuống tầng địa ngục.
Facilier có một nét hoàn cảnh khá giống Tiana và có phần giống Naveen. Tạm tin lời bài hát của hắn là nguồn gốc hoàng gia, nhưng Facilier cũng xuất thân từ tầng lớp giống Tiana: những người da đen phải nỗ lực để có chỗ đứng trong vị trí xã hội. Còn với Naveen, hắn cũng có niềm yêu thích với tiền. Naveen không đánh đồng tiền đi kèm tự do, nhưng với Facilier, hắn đã đánh đồng tiền bạc với tự do “Freedom takes green”.
Hình ảnh con rối của Facilier ngụ ý cho những cá nhân bị dính bởi cám dỗ. Đằng sau Facilier luôn có một chiếc bóng, ngụ ý cho phần tối của con người. Mỗi khi đưa ra một quyết định gian ác, thủ đoạn, phần tối của bản thân (The Shadow) sẽ hiện lên lấn át gương mặt của ác nhân. Đằng sau Facilier là một băng nhóm “bạn thế giới bên kia”, luôn xuất hiện vào đúng lúc hắn chuẩn bị đoạt mạng kẻ khác.
Facilier gợi ý cho một sự tự do, nhưng đằng sau là hàng nghìn sự kiểm soát. Ở bề ngoài, Facilier được khắc hoạ như hình ảnh con người phiêu bạt, bí ẩn, lãng du, nghệ sĩ. Nhưng bên trong, hắn có một cơn nghiện không dứt về tiền và quyền lực. Chính vì lẽ ấy mà các linh hồn mới có thể dắt mũi hắn. Giống như một con nghiện, khi bị dính vào bất kỳ cám dỗ gì, con người không làm chủ được mình nữa. Họ liên tục phải tuân theo cám dỗ của mình.

Chính vì quan điểm “Freedom takes green”, và đánh vào sự bất an của con người, nên những kẻ đến với Facilier đều có một nỗi niềm chưa giải quyết được. Người mang mặc cảm về ngoại hình trước số đông, người lo về tiền, người muốn một lần làm chủ cuộc đời. Và với Tiana, Facilier chọn đúng điểm tổn thương mà cô chưa đạt được: ước mơ của đời mình. 
Trong phân cảnh lúc Tiana đập vỡ miếng bùa để cứu người yêu, Facilier đưa cô đến nơi mà ước mơ cô thành hiện thực. Thoát khỏi bộ dạng con ếch nhớp nhúa, Tiana trở thành quý cô sang trọng như thưở cô hát “Almost There” trước mặt mẹ mình. 
-       Giờ chẳng phải cuộc sống này tốt hơn việc mơ mộng vẩn vơ ở con sông cô đang sống đến hết đời ư? 
Giờ tôi trao cuộc sống này cho cô đấy, Tiana ạ. Khi cô ước mơ, cô mơ lớn lắm. Hãy nhìn nơi này đi! Nơi này sẽ là viên ngọc vương miện của Thành phố Crescent. Cô muốn biến chúng thành hiện thực thì đưa lá bùa nhỏ lại đi nào
-       Điều này không đúng chút nào
-       Đi nào, cưng ơi? Nghĩ về mọi thứ cô đã hi sinh đi.
( Facilier cho Tiana thấy lại những người bạn từng than phiền về việc cô làm, tên chủ hách dịch, chủ nhà đất)
Nghĩ về tất cả những người đã nghi ngờ khả năng của cô đi.
Và đừng quên người cha khốn khổ của cô. Một người đàn ông làm việc quần quật hai, thậm chí ba ca. Không cho ai biết mình mệt mỏi rã rời ra sao. Xấu hổ thay mọi nỗ lực không bõ bằng một nồi súp mướp tây cũ mèm và ước mơ chả thành đến hết đời. Nhưng cô…. Cô có thể cho con người đáng thương ấy mọi thứ ông ấy mong muốn. Nghe lời ta nào Tiana,… Cô… sắp đến đích rồi đấy (You’re almost there) 
-       Bố tôi không bao giờ có được thứ ông ấy muốn. Nhưng ông đã có thứ mình cần, đó là tình yêu thương. Ông chưa bao giờ để lỡ điều gì thực sự quan trọng với ông ấy. Và tôi cũng vậy!
Khi bắt đầu nhìn thấy người bố bế mình lúc còn bé, Tiana bỗng nhiên thức tỉnh. Khoảnh khắc Tiana bừng tỉnh, là lúc cô thực sự có lý trí của riêng mình. Cô ngộ ra rằng khi ước mơ thành hiện thực theo cách của Facilier, chính cô cũng dính vào cám dỗ. Chính ước mơ của con người, điều con người quá mong muốn, không liên quan đến tiền bạc lại là thứ khó hơn, cám dỗ hơn nhiều với cả tiền bạc. Bản thân cá nhân khi có sự tổn thương bên trong, sẽ thường cố tìm cách để bù đắp cho thứ mình không có. Và vì vậy, khi nhận ra được điều mình cần, thay vì kiếm được thứ mình muốn, mọi thứ sẽ nhẹ gánh hơn. Hiểu được thứ mình cần ở một thời điểm nào đó, thay vì chọn tụ trong vô thức, đòi hỏi kỳ vọng quá nhiều ở thứ mình muốn, là cách tốt nhất để thay đổi bản thân. Và đó là cách thật sự trưởng thành. Khi tự đưa ra quyết định cuộc đời mình, Tiana mới thực sự là một con người. Khi không còn bị cám dỗ nữa, cô mới thực sự là con người.
Trước khi gặp Naveen, bản thân Tiana đã thực sự không biết mình cần gì. Ngay cả khi Mama Odie đưa ra câu hỏi, cô cũng không có được câu trả lời của mình. Hình ảnh người cha của Tiana gợi nhớ đến hình mẫu con người vì đạo đức: con người thực hiện vì nghĩa vụ của mình. Ông chọn làm việc vất vả để chứng kiến hạnh phúc trong cuộc sống, sống hết mình với hiện tại, bởi vì với ông, nấu ăn là cách kết nối mọi con người lại với nhau. 
Bên cạnh người cha, cái chết của Ray cũng là thứ thức tỉnh Tiana. Mình nhớ lần đầu khi xem Princess and the Frog, đã khóc sướt mướt thế nào trước cái chết của Ray, một con đom đóm. Trong phim, Ray vốn là một chú đom đóm già nua, với khả năng phát sáng ở phần đuôi rất kém, hằng ngày ngước nhìn bầu trời mộng tưởng về Evangeline - tình yêu của đời mình. Có một đoạn trong phim dành riêng cho chàng đom đóm si tình cất tiếng hát cho Evangeline, đoạn hát trữ tình, nhẹ nhàng và không toan tính gì trong suốt chiều dài bộ phim toàn những bài hát về sự chán chường khi giấc mơ mãi biết bao lâu mà thành, nếu là con người sẽ ra sao và những kiểu lời khuyên về lẽ sống. Một khúc nhạc êm dịu tưới mát trái tim những con người lãng mạn khi xem Disney như mình. Để rồi, mọi nhân vật trong phim, và cả người xem đều chưng hửng khi nhìn thấy danh tính thực sự của “người yêu” Ray, đó là một vì sao.
Ngay từ lúc mới xem bộ phim, mình đã cảm thấy tại sao lại có một chi tiết ngớ ngẩn như vậy. Một con đom đóm đem tình yêu với một thứ không có thật? Bản thân Tiana, cô gái với tràn trề hy vọng trong hình dạng con ếch đã mắng mỏ Ray ngay lúc nghi ngờ về tình yêu: “Người yêu của ông chỉ là vì sao thôi. Ông tỉnh lại giùm đi, cứ đi theo thứ viển vông hoài vậy.” Để rồi Ray đi theo gã phù thuỷ Facilier, lấy tấm bùa, chết trong nhát giẫm đạp của vị ác nhân đấy. Ngay lúc hấp hối, cậu vẫn mỉm cười khi nhìn thấy Tiana và Maveen về bên nhau, nói rằng Evangeline cũng thích điều này đấy, trút hơi thở cuối cùng. Tự dưng thấy rưng rưng khi chàng đom đóm này chết trong hạnh phúc. Sau đó cảm thấy bừng sáng hẳn khi Ray đoàn tụ với Evangeline trên bầu trời. Từ một con đom đóm già nua, ngờ nghệch và không phát nổi ánh sáng, Ray đã phát sáng vào đúng lúc để tiêu diệt trừ tà. Và quan trọng hơn, cái chết của cậu mở ra một thế giới mới về nhận thức của Tiana, chàng hoàng tử Naveen và cá sấu Louis: họ không cần phải trở thành người để làm tất thảy những thứ mình mong muốn. Bản thân họ đã có sẵn những thứ mình cần, và dù ở bất kỳ hình hài nào, họ cũng sống được.  Giống như Tiana và Naveen nhìn Ray lần cuối, họ đã nắm tay nhau và nói: “We’re staying frogs. And we’re staying together.” Một cái chết của loài sinh vật nhỏ bé, hiếm hoi nhưng đủ thắp sáng cả một thế giới của những con người còn lại. 
Ray không kỳ vọng bản thân phải trở thành người, phải có lý tưởng, đam mê như Tiana, cá sấu Louis và hoàng tử Naveen. Cũng như Charlotte, cô sống với sự hồn nhiên, hai lần hôn hụt hoàng tử vẫn vui vẻ không hề hấn gì. Họ giúp người xem hiểu, rằng Almost There không phải điều xấu. Thứ chúng ta muốn để có chưa chắc làm bản thân hạnh phúc. Chính việc hiểu bản thân, biết mình cần gì để thay đổi mình mới là điều quan trọng.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Một vài câu chuyện của mình: 

Princess and The Frog làm mình gợi nhớ đến hai câu chuyện, 1 ở năm ngoái và 2 của năm nay.

Về hình ảnh Naveen chọn tụ tarot để quyết định cuộc đời gợi mình nhớ đến meme của gen Z- hôm nay chọn tụ gì để đưa ra quyết định cuộc sống 

Năm ngoái, mình có một giai đoạn mở Youtube chọn tụ. Lần ấn tượng nhất là lúc mình đang trải qua một mối quan hệ độc hại. Đêm xem tụ khi nghe người trải bài bảo đây là karmic relationship, mình đã khóc rất nhiều. Kể cả khi linh cảm ở lúc ấy người đó không dành cho mình,mình không đủ dũng cảm để nói một lời tạm dừng đàng hoàng tử tế. Lúc hỏi bạn mình về chuyện này, bạn chỉ hỏi có ổn không, có suy xét mọi thứ kỹ càng lại. Bạn bảo mục đích của tarot chỉ là sự tương đối, quyền tin hay không là ở mình. Mình đã nghĩ về điều này khá nhiều. Bản thân mình từng quen một chị bạn mở dịch vụ tarot, chị làm với phương châm số mệnh 50% là do mình quyết định, 50% là dựa theo sự đưa đẩy. Một người bạn khác cũng từng đọc tarot, nói mình rằng dù cậu có chuyện gì đi nữa, hãy nhớ lựa chọn là do mình ra. Những người này không tin tưởng vào các trang chọn tụ, cũng như sẽ nhìn người, hiểu người trước khi giảng giải ý nghĩa. Ngẫm lại thấy buồn cười, mình nhớ về những lần chọn lá tarot ấy, chẳng có linh cảm mách bảo nào, cùng tần số năng lượng nào. Chỉ đơn giản thấy hòn đá ấy màu hợp với mình, rồi nghe. Nghe để giết thời gian, thay vì hiểu được thứ mình cần.
Không phải ai cũng có linh cảm nội tâm vững chắc đủ chắc để chọn lá bài hợp cho mình. Có người nói trúng và có người nói tạch lơ.Chắc gì trong lúc nhắm mắt đã tập trung để chọn lá cần rút. Và reader cũng chưa hẳn hợp với tần số, có đủ trình để lựa bài không là một chuyện khác. Việc của mình, thay vì lao vào những thứ bất định, thì hiểu được thứ gì cần để phát triển mình tốt nhất.

Cuộc đối thoại giữa bố với mình

Mỗi lần mở Princess and The Frog, mình lại nghĩ đến bố. Bản thân tôi là sinh viên Y năm cuối, còn bố trước đó cũng từng là bác sĩ. Bố tốt nghiệp bằng đỏ, á khoa toàn trường năm ấy, nhưng không chọn con đường bác sĩ nội trú. Học sơ bộ Nhi, vào được biên chế là lúc bố gặp mẹ, hai người kết hôn, có tôi, rồi bố được học bổng chính phủ toàn phần đi du học về Sức khoẻ cộng đồng. Về trường cũ làm giảng viên, dạy từ Y chính quy, đến khối Dược, các khối cử nhân, vậy mà sáng muốn mua ổ bánh mì hay đi đổ xăng cũng đắn đo tới lui. Một thời gian sau, bố nghỉ việc, chính thức những năm tháng đi làm ở các công ty Dược lớn với vai trò quản lý nhỏ. Rất nhiều lần được cất nhắc lên vị trí cao hơn, bố cũng không nhận. Mùa dịch phải work from home, mình chứng kiến một ngày bố tham dự ít nhất hai cuộc họp, rồi lại đọc nghiên cứu, nghe các ca lâm sàng. Trong khi đứa con gái chả làm được gì ra hồn.
Tuy vậy, trong lúc học đại học, tình cờ những thầy cô dạy mình lại là đồng nghiệp bố. Có người học chung khoá tốt nghiệp với một tấm bằng khá và trở nên xuất sắc lên chức Phó giáo sư trong lĩnh vực Dịch tễ bố từng làm. Người phụ nữ dành cả đời cho khoa học và lâm sàng ở bệnh viện Nhi. Một người bạn thân khác của bố, học không giỏi nhưng lên chức phó trưởng khoa của một bệnh viện lớn (hiện là bệnh viện điều trị Covid) ở Sài Gòn. Một người đàn anh khác, học hành không nổi bật, nhưng có tư duy của một kỹ sư trở thành chuyên gia máy thở của ngành Y tế. Rất nhiều người khác nữa tôi từng biết có xuất phát điểm không bằng bố, nhưng sau này khởi sắc về con đường sự nghiệp hơn bố. Mình gặp họ, hỏi han họ. Điều ngạc nhiên là tất cả mọi người đều nhớ đến bố tôi, dù cả chục năm. Họ tấm tắc khen bố tôi giỏi tiếng Anh ra sao, chuyên môn và tư duy cứng thế nào. Nhìn họ đứng ở vị trí đó, mình đôi lúc tầm tiếc cho bố. Thế là về nhà và ngẫm nghĩ thật lâu: Đã bao giờ bố hối hận về quyết định của mình chưa?
 Bố chỉ trả lời:
“Những gì họ có được là xứng đáng. Họ cũng nỗ lực học, đi làm không công suốt mấy năm, cũng chịu kham khổ. Còn bố thì không thích lối học của Nội trú. Sau này khi làm giảng viên dù thích đi dạy lắm, nhưng nghĩ về gia đình, lúc đó bà nằm viện mà bố không làm được gì nhiều, thì bố bỏ. Và giờ bố vẫn thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, cả nhà được đi chơi, lo tiền cho hai đứa đi học mà không phải đắn đo gì.”
Lúc này mình chỉ im lặng. Mình cũng hỏi mẹ, và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Mẹ chỉ thêm vào một nhận định: Nếu con đã chọn điều gì, tham vọng từ ban đầu thì hãy đấu tranh. Bố mẹ chọn một gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Mà con nghĩ chắc gì lựa chọn theo tham vọng là đúng. Đã leo cao đòi hỏi nhiều sự kiểm soát bản thân, phải đấu đá, mệt mỏi. Mỗi người có một lựa chọn riêng của mình, hãy tôn trọng với lựa chọn đó. 
Mình nghe và cố cầm nước mắt. Bố mẹ mình đã không kỳ vọng về sự giỏi giang của mình. Họ kỳ vọng điều lớn hơn, đó là bản thân mình tự lo, làm chủ cuộc đời và không kỳ vọng vào ai. Cuộc sống mỗi người mỗi khác, miễn họ thực sự có sự thiện lương và hiểu thứ mình cần là được.
Giờ mình sắp 25. Khi viết về điều này, rất nhiều lần mình nghĩ đến những khoảnh khắc “Almost There” của mình. Sém nữa thì tốt nghiệp, sém thì thứ này thành, thứ kia thành. Giờ trước dịch bệnh này, mọi thứ chẳng khác gì việc mình bị biến thành con ếch, chệch hướng đi vậy. Có lẽ, thứ mình có được là học cách giữ lại điều mình cần.  
Vĩnh Anh