Tác phẩm Thiên Long Bát Bộ (tên tiếng Anh: Demi-Gods and Semi-Devils) được bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hồng Kông và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3 tháng 9 năm 1963 đến ngày 27 tháng 5 năm 1966, liên tục trong 4 năm. Đây là tác phẩm viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung (gần hai triệu chữ). Nội dung tác phẩm thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Có thể nói Thiên long bát bộ là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Kim Dung.

Tranh minh họa Thiên Long Bát Bộ từ trang này

Tinh thần Phật giáo được thể hiện ngay ở tựa đề tác phẩm. Bát Bộ là cụm từ chỉ tám bộ chúng sinh, trong đó có loài giống người nhưng không phải người (nhân-phi-nhân) thường đến nghe Phật thuyết giảng trong kinh Đại Thừa. Các loài này đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Trước khi Phật giáo ra đời, người dân Ấn Độ đã thờ phụng tám loại thần linh đó rồi. Về sau chúng được kết nạp vào đạo Phật, trở thành các vị thần hộ trì thế gian nhưng vẫn chưa thoát khỏi kiếp luân hồi.

Kim Dung đã xây dựng hình tượng các nhân vật trong Thiên Long Bát Bộ dựa theo tám loại thần linh hộ pháp đó, nhưng càng đi sâu vào viết thì càng khó phân biệt rạch ròi. Thiên Long bát bộ chính là hình ảnh phản ánh “thế giới chúng sinh”, ngụ ý tượng trưng cho tầng tầng chúng sinh trong đại thiên thế giới, phía sau bao hàm sự vô biên và siêu thoát của Phật Pháp. Ý nghĩa chính của toàn bộ tiểu thuyết đơn thuần chính là “vô nhân bất oán, hữu tình giai nghiệt”, tức là không người nào mà không ai oán, có tình đều là nghiệt. 

1. Thiên

Đứng đầu tám bộ là Thiên, hay còn gọi là Thiên Chúng. Trong tiếng Ấn Độ, phiên âm của Thiên là Deva, bao gồm các chúng sinh ở sáu cung trời có thân hình phát hào quang rực rỡ. Deva luôn là nam (dạng nữ của Thiên là Devi,) làm thiện, nói thiện, và nghĩ thiện. Chư thiên tuy được hưởng phúc báu to lớn hơn người thường nhưng vẫn nằm trong vòng sinh tử. Trước khi chết, chư thiên sẽ có năm triệu chứng: quần áo mủn nát, hoa trên đầu tàn héo, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, đứng ngồi không yên, đó là thời kỳ đau khổ nhất của chư thiên. Vua trời Đế Thích (Indra) là thủ lĩnh chư thiên.

Tranh vẽ Indra cưỡi voi ba vòi.

Cảm giác mà Tiêu Phong mang đến cho người ta trong toàn bộ tiểu thuyết chính là hình ảnh của Thiên Chúng, bất kể là thân hình, tướng mạo, khí chất, cho đến công phu, nhân phẩm, tính cách đều toát ra được phong thái của Thiên Chúng. Ngoài ra, Tiêu Phong cũng là nhân vật chính đầu tiên trong truyện, ăn khớp với địa vị đứng đầu của vị Thần hộ Pháp này.

Khi Tiêu Phong lần đầu tiên xuất hiện, uy vũ của chàng đã khiến Đoàn Dự chấn động tâm thần, không kiềm được nảy lòng ngưỡng mộ.

Một đại hán ngồi ở phía tây nghe thế quay đầu lại nhìn, đôi mắt lạnh lùng sáng quắc lướt qua mặt chàng. Đoàn Dự thấy người đó thân thể thật là cao lớn, chừng trên dưới ba mươi, mặc áo vải màu tro cũ kỹ đã sờn rách, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, khuôn mặt vuông vức hình chữ quốc, tuy nhuốm vẻ phong sương nhưng đầy vẻ uy nghiêm.

Tranh vẽ Tiêu Phong trên bìa sách

Tiêu Phong trước là bang chủ Cái Bang nhà Tống, sau lãnh chức Nam Viện đại vương nhà Liêu, khí chất lãnh tụ luôn hiển hiện. Tiêu Phong thỏa mãn tất cả những tiêu chí hào quang, nhân hậu, vĩ đại của một bậc chư thiên, và cũng không tránh khỏi cái chết. Nếu năm triệu chứng trước khi qua đời của chư thiên được gọi là “thiên nhân ngũ suy,” thì Tiêu Phong cũng trải qua năm bi kịch cá nhân: cha mẹ bị hại, Cái Bang khai trừ, bằng hữu tuyệt giao, giết lầm A Châu, phản lại Khiết Đan. Cái chết của Tiêu Phong là sự dâng hiến cho hoà bình, nhưng cũng là cách tự kết thúc đau khổ.

2. Long

Long là Long Thần (Naga) chúa tể cai quản các loài thủy tộc, nhưng rồng trong kinh Phật không có chân, trông giống như một con mãng xà lớn. Quan niệm về rồng và về Long Vương của Trung Hoa chính là vay mượn từ trong kinh Phật mà ra. Người Ấn Độ ngày xưa rất sùng bái Long Vương, cho rằng rồng là chúa tể các loài trong nước nên người Trung Hoa thường dùng chữ long để chỉ những gì cao quí và đức hạnh. Trong kinh có chép là một con rắn tên là Mucilinda da cuộn thành một cái tàn che cho đức Phật nhập định trong một cơn giông bão và nhiều con rắn thần khác thường giả dạng người đến để nghe Thế Tôn thuyết pháp. Vì loài rồng được tôn sùng thế nên hoàng giả trong thiên hạ cũng lấy rồng làm biểu tượng. Thân thể của vua gọi là Long thể, giường nằm thì là Long sàng, áo của Thiên tử mặc thì gọi là Long bào...

Long thần bảy đầu che mưa nắng cho đức Phật

Nhân vật tương ứng với Long thần của Thiên Long Bát BộĐoàn Dự.

Đoàn Dự là nhân vật có thật trong lịch sử, chính là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý. Ông trị vì từ 1108 đến 1147, cũng là quân vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Đại Lý. Cháu nội Đoàn Trí Hưng của ông cũng được tiểu thuyết hóa thành Nam đế trong Xạ Điêu Anh Hùng truyện. Suốt phần lớn chiều dài Thiên Long Bát Bộ, Đoàn Dự là một vương tử trẻ trung có phần ngờ nghệch nhưng đã có uy của loài rồng.

Thứ nhất, chàng là con trai duy nhất của Đoàn Diên Khánh chính tông nhà Đại Lý, là thái tử chân truyền. Cuối truyện chàng lên ngôi đường hoàng làm vua Đại Lý, chính là trở về “nguyên bản” loài rồng.

Thứ hai, hoàng gia Đại Lý sùng đạo Phật, các triều hoàng đế khi rời ngôi đều xuất ngôi ở Thiên Long tự. Bản thân Đoàn Dự cũng có tấm lòng hướng Phật, chàng thường xuyên trích dẫn kinh Phật, ghét bạo lực, nhân ái thương người, coi thường vật chất.


Theo kinh Phật, trong tám loại thần chỉ có Thiên được hưởng phúc vi diệu, và Long có thần nghiệm màu nhiệm nhất, còn sáu loài còn lại tuy có tài biến hóa nhưng tâm chưa đủ tốt. Thế nên Thiên và Long đứng đầu tám bộ chúng sinh, dẫn đến gọi tắt là Thiên Long Bát Bộ. Trong tác phẩm này của Kim Dung, Tiêu Phong và Đoàn Dự cũng là hai nhân vật chính số một, số hai ăn khớp với thứ hạng của Thiên và Long.

Lâm Chí Dĩnh trong vai Đoàn Dự

Bài tiếp theo: Ai là Dạ Xoa và ai là Atula?

Theo Soi.today