Lời nói đầu

Để tránh mất thời gian của bạn, tôi sẽ tóm tắt siêu ngắn gọn nội dung trong vài dòng dưới đây: 
Trong loạt bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về tiềm năng của việc sáng tác sách truyện (cả fiction, lẫn non-fiction) ở Việt Nam, thông qua tổng hợp các đầu sách bán chạy nhất Việt Nam từ 2016 tới nay, phân tích số lượng bản in được đăng ký xuất bản, dựa vào kinh nghiệm cá nhân tôi, là một tác giả và cũng đồng thời là giám đốc một công ty sách.
Nội dung bài viết đầu tiên, tập trung vào việc đào sâu vào số liệu thu thập, tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng vận dụng năng lực chém gió để các bạn thấy các con số không quá khô khan. Nếu bạn là một người yêu viết, và có một câu hỏi lớn ở trong đầu "Liệu có nên theo nghiệp viết lách không?", tôi hy vọng loạt bài viết này sẽ giúp được cho bạn.

Lời xin lỗi cho anh em bên Spiderum

Đúng ra bài viết này đã được lên sóng từ rất lâu rồi.
Nhiều tháng trước, dựa vào các mối quan hệ quen biết nhất định, tôi mặt dày xin xỏ các bạn spiderum: "Cho anh xin blog có tên miền riêng, anh hứa sẽ viết chăm chỉ!". Nhưng rồi COVID-19 ập đến, và lời hứa "sẽ viết chăm chỉ" trôi tuột theo doanh số bán sách của công ty.
Tôi làm sách được khoảng 6-7 năm, không nhiều, nếu so với các anh chị đi trước. Tuy nhiên, với định hướng của Comicola là chỉ làm sách cho tác giả Việt, và ưu tiên mảng truyện tranh Việt, tôi nghĩ Comicola là đơn vị xuất bản duy nhất ở Việt Nam có tỷ lệ sách tự sáng tác áp đảo sách dịch. Trong hàng chục đầu truyện tranh Comicola đã xuất bản, chỉ có 2 đầu truyện của nước ngoài (do cam kết với đối tác trong quá trình thương lượng mua phiên bản điện tử). Còn lại, tất cả đều là sách của tác giả trong nước.
Và tất nhiên với định hướng cực kỳ sai lầm về mặt kinh tế học như vậy, Comicola cũng là công ty sách nghèo nhất Việt Nam. Nghèo lắm luôn.
Bên cạnh việc nghèo, thì chúng tôi còn có rất nhiều kinh nghiệm. Nhờ vậy, có nhiều thứ có thể chia sẻ, trong quãng thời gian làm sách này. Nhưng trong khuôn khổ bài viết đầu tiên, tôi chỉ chia sẻ với các bạn về xu hướng sản xuất sách tại Việt Nam suốt 5 năm qua. Cuốn sách nào là best-seller ở Việt Nam? Tác giả nào đang là best-seller tại Việt Nam? Viết gì sẽ ăn khách nhất?
Nếu ở một đất nước khác, sẽ có một đơn vị thống kê độc lập đứng ra ghi nhận các thông số này. Nhưng ở Việt Nam, những câu hỏi như trên không dễ giải đáp, do không có một hệ thống thống kê quy chuẩn, đồng nhất và minh bạch.

Các con số không biết nói dối

Những thống kê các bạn đọc sau đây được tôi lấy trực tiếp từ thông tin công khai của Cục xuất bản. Thật may mắn, thông tin về các đầu sách, số lượng đăng ký xuất bản trong những năm qua đều được công bố trên trang web của Cục. Sử dụng một vài câu lệnh python, tôi thu thập được đủ dữ liệu cho quá trình nghiên cứu của tôi.
Tôi biết, sử dụng thông số "Số lượng đăng ký xuất bản" sẽ không phản ánh được chính xác số sách tiêu thụ thực tế. Một công ty sách có thể đăng ký xuất bản 10.000 bản, nhưng thực tế chỉ in nhỏ giọt 1.000 bản và quan sát phản hồi thị trường. Tuy nhiên, do không còn số liệu nào khả tín hơn, tôi vẫn sử dụng số liệu này để thống kê. Dù sao đi nữa, số lượng đăng ký xuất bản vẫn thể hiện niềm tin và kỳ vọng của đơn vị xuất bản với tác phẩm sắp ra đời. Chẳng ai đăng ký xuất bản 100.000 cuốn rồi chỉ in có 2.000 cuốn cả.
Một vài lưu ý trước khi bạn đọc thống kê ở phần sau của bài viết:
1. Thời gian thống kê từ 1/1/2016 đến thời điểm viết bài này (9/8/2020)
2. Dữ liệu thống kê được tôi loại bỏ toàn bộ các loại xuất bản phẩm sau:
- Sách giáo dục (Không phải giải thích đúng không? Top 100 đầu sách được in nhiều nhất Việt Nam, sẽ có đến 90 đầu là sách giáo dục nếu như không loại trừ).
- Lịch các loại (Bạn nghĩ giờ còn ai treo lịch tường nữa, xem ngày tháng trên di động cho nhanh? Nhưng các đơn vị làm sách không nghĩ vậy, bằng chứng họ đã đăng ký xuất bản gần 3 tỷ cuốn lịch trong 5 năm qua).
- Sách thiếu nhi cho bé <6 tuổi (Tôi quan tâm đến những cuốn sách mà người mua sẽ là người trực tiếp đọc, chứ không phải bố mẹ mua cho con trẻ. Trẻ con ngày nay cần gì đọc sách nữa, vứt cho cái iPad cắm mặt vào cả ngày xem Youtube là được mà?).
- Các sách sản xuất với mục đích chính trị, đặt hàng bởi nhà nước (Bạn không muốn tham khảo một best-seller với Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam đứng ở vị trí #1 đúng không?)
- Các sách được tài trợ xuất bản với mục đích quảng cáo (Oriflame in hàng trăm ngàn cuốn, nếu coi Oriflame là một công ty sách thì hơi bị có số má đấy. Ngoại lệ duy nhất là Tủ sách "Nền Tảng Đổi Đời" của Trung Nguyên. Những cuốn sách này được tài trợ xuất bản, nhưng dù sao đó vẫn là những tác phẩm có tiếng vang từ trước, do vậy vẫn được đưa vào thống kê).
- Tôi còn thêm một vài bộ lọc khác, để đảm bảo dữ liệu cuối cùng tôi thu về là các cuốn sách fiction, hoặc non-fiction, có nội dung có tình tiết, và được xuất bản với mục đích kinh doanh.
Nếu bạn yêu thích phân tích dữ liệu, thì đây là formula chạy bộ lọc của tôi. Dữ liệu được kéo về, đưa vào Google BigQuery, và thể hiện thông qua DataStudio. 
Bộ lọc DataStudio để tôi có thể loại bỏ tất cả các xuất bản phẩm dở hơi có số lượng in đến hàng triệu bản
Nếu bạn không thích hiểu về số liệu thì có thể bỏ qua các cái rối rắm, lằng nhà lằng nhằng trên và đến với kết quả.
OK? Và sau đây là kết quả.

Cuốn sách bán chạy nhất Việt Nam, là Conan

Cuốn sách bán chạy thứ nhì, là Conan.
Cuốn sách bán chạy thứ ba, là Conan.
Cuốn sách bán chạy thứ tư, là Conan.

Nói cho chính xác, trong 20 đầu sách có tổng lượng đăng ký xuất bản lớn nhất Việt Nam 5 năm qua, Conan chiếm 8 slot. (xem bảng ở trên)
Như đã nói ở trên, chúng tôi chỉ lấy lượng đăng ký xuất bản. Hoàn toàn có thể nhà xuất bản Kim Đồng nổi hứng đăng ký xuất bản Conan hàng triệu bản, nhưng sau đó chỉ túc tắc in một tý cho vui.
Nhưng nếu nhìn vào danh sách đăng ký xuất bản các truyện khác của Nhà xuất bản Kim Đồng, thì có vẻ họ không đăng ký xuất bản Conan cho "vui". One Piece, Doraemon, những tượng đài truyện tranh Nhật Bản, vẫn được Kim Đồng đăng ký xuất bản với số lượng in vừa phải. Mỗi Conan là cao vọt lên.
Bên cạnh đó, bảng xếp hạng trên còn cho chúng ta nhiều thông tin khác. Không khó để nhận ra, trong top bảng xếp hạng các cuốn sách được đăng ký xuất bản nhiều nhất tại Việt Nam, là sự thống trị của vài cái tên. Đắc Nhân Tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Hành trình về phương Đông, Khuyến học.... với nhiều phiên bản khac nhau được lặp đi lặp lại. 
Và bạn đếm được mấy tác giả Việt Nam trong danh sách này?
Chúng ta sẽ đi đến phần quan trọng nhất của bài viết, bằng việc giới hạn lại các đầu sách trong nước (loại trừ các đầu sách dịch), chúng ta sẽ có được cái nhìn sơ bộ, tác giả best seller trong nước, họ là ai?

Vẫn là Nguyễn Nhật Ánh, sau 30 năm

Hình dưới đây là danh sách sau khi tôi đã giới hạn lại chỉ có tác giả trong nước. Khá dễ dàng để liệt kê tên các tác giả, vì chỉ có 4 người duy nhất: Nguyễn Nhật Ánh, Tony Buổi Sáng, Nguyên Phong và Rosie Nguyễn. Trong đó, ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, 3 tác giả còn lại đều thiên về thể loại non-fiction.

Nếu cuộn xuống thêm nữa, bảng xếp hạng trên, tôi có được một màn hình full tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chú Ánh vẫn là tác giả best seller tại Việt Nam, sau hơn 30 năm sáng tác và đem lại niềm vui cho nhiều thế hệ.
Là một fan của Nguyễn Nhật Ánh từ khá sớm (tôi đọc sách của chú Ánh tầm những năm 1996, lúc tôi 10 tuổi), tôi thực sự ấn tượng trước sức sáng tác bền bỉ của nhà văn, cũng như năng lực kể chuyện tuyệt vời, trẻ trung nhưng đầy lôi cuốn.
Tuy nhiên khi bước chân vào con đường sản xuất sách, thì sự độc tôn của nhà văn khiến tôi luôn cảm thấy băn khoăn "Bao giờ mới có người có thể soán ngôi của Nguyễn Nhật Ánh?". Tại sao sau bao nhiêu năm, chúng ta vẫn chưa có thêm được nhiều các tác giả xuất sắc?

Kết luận

Kết thúc bài bằng một đống số liệu và câu hỏi bỏ lửng thì không hay lắm, nhưng nó tạo ra không gian để mọi người tranh luận. Các bạn có gì phản bác bài viết của tôi, xin cứ comment ở dưới.
Đây là bài đầu tiên tôi viết trên spiderum, nên tôi sẽ không viết dài (tôi cũng lười nữa). Bài viết này thiên về việc chia sẻ các số liệu thống kê, để nhìn thấy thực trạng, không mong đợi sẽ có giải pháp tối ưu.
Cá nhân tôi có một vài kiến giải cho tình hình xuất bản hiện tại, cũng như một số kinh nghiệm thu thập được trong thời gian 6-7 năm làm sách, tiếp xúc với hàng trăm bạn tác giả Việt Nam ở đủ mọi độ tuổi. Tất cả các bạn ấy đều đặt cho tôi cùng một câu hỏi duy nhất.
Dự kiến, trong bài viết sau (chả biết bao giờ tôi đủ rảnh để viết được), tôi có thể chia sẻ với các bạn về quan điểm cá nhân của tôi cho câu hỏi đó: "Liệu tôi có nên theo đuổi con đường sáng tác chuyên nghiệp ở Việt Nam không?"