Người ở lại
Một người đồng nghiệp của bố tôi vừa qua đời. Các thầy gọi điện báo cho bố tôi sang nhìn mặt bác ấy lần cuối. Bố tôi có những người...
Một người đồng nghiệp của bố tôi vừa qua đời. Các thầy gọi điện báo cho bố tôi sang nhìn mặt bác ấy lần cuối.
Bố tôi có những người anh em cùng quê, năm ấy họ là những chàng trai tuổi đôi mươi, tràn đầy nhiệt huyết. Đoàn giáo viên toàn những người trẻ xa quê, lập nghiệp ở một nơi thật xa. Khi người ta cần sự viện trợ của các giáo viên từ địa phương khác, họ đến đây từ những ngày tháng tóc họ còn xanh, khi nơi này còn là chốn hoang sơ, cho đến hôm nay nó đã chuyển mình thành phố xá sầm uất, người người tứ xứ đổ về, trở thành một trong những thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất Việt Nam.
Những tháng ngày vượt đoạn đường đi xe khách năm bảy tiếng đồng hồ, ngồi tàu gỗ lênh đênh trên biển gần chục giờ. Cái thuở lương nghề giáo bèo bọt, chỉ toàn sống bằng đồ ăn nhà phụ huynh cho, có người bỏ nghề, có người chọn tiếp tục bám trụ. Những tháng ngày có con cá củ khoai cùng chia sẻ, một tô canh chua nóng hổi cũng làm ấm lòng người xa quê. Những giờ ra chơi uống trà rồi bốn năm cái đầu tụm lại một ván cờ tướng. Những trận tranh luận gay gắt trong buổi họp chuyên môn, rồi ra về anh em lại khoác vai nhau cười hề hề kéo vào sân bóng. Những cuộc nhậu thâu đêm đàn ca nướng khô mực chén chú chén anh, rồi hứa hẹn mần sui, "con gái chú lớn nhớ gả cho con trai anh"... Những tháng ngày ấy, bố tôi có các bác cùng đồng hành. Thấm thoát mấy chục năm, bố tôi và các bác gắn bó cuộc đời với một vùng đất xa lạ, nơi giờ đây trở thành kỷ niệm, là máu thịt, là quê hương.
Có người từng hỏi tôi rằng: "Em có muốn sống đến 100 tuổi không?". Tôi đã lặng người trong giây lát. Tôi không hiểu sao dù tôi còn trẻ nhưng tôi lại nghĩ về cái chết nhiều đến vậy. Tôi nhớ từ khi còn là học sinh tiểu học tôi đã thắc mắc rằng khi chết con người sẽ ra sao. Tôi nhớ mình đã từng tưởng tượng về cái chết với một màn đêm bao trùm khắp nơi đáng sợ như thế nào. Tôi nhớ tôi từng nghĩ về mấy gói thuốc chuột khi tôi ở vào cái tuổi dở dở ương ương. Tôi nhớ mình đã từng tưởng tượng thấy cảnh những người thân yêu sẽ đau lòng khóc lóc vật vã nếu tôi ra đi.... Tôi sợ chết. Nhưng khi có người hỏi tôi có muốn sống đến 100 tuổi hay không, tôi ngẫm nghĩ và đã nói: "Em không muốn". Vì sao ư? Tôi lúc đó đã trả lời rằng nếu nhìn vào gương mà thấy mình già nua cằn cỗi quá, tôi sẽ đau lòng lắm. Nhưng bây giờ tôi đã rõ hơn tôi sợ điều gì. Tôi sợ nhìn thấy từng bạn bè người thân rời xa tôi, trong khi tôi ở lại... Khi ta đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, chứng kiến từng người thân thiết hóa thành cánh hạc bay xa, mắt ta khi ấy có màu gì. Ngẫm nhìn thế sự đổi thay, tri kỷ ở đời mấy ai thấu hiểu, khi ấy mắt ta có màu gì. Tôi nghĩ về những người già, tôi nghĩ về những người ở lại. Cô đơn.
Tôi nhớ lại đám tang một người bạn của bố tôi cách đây không lâu, bố tôi túc trực ngày đêm, xong đám đó bố tôi gầy đi hẳn. Đêm trước ngày tiễn bác ấy về nơi an nghỉ cuối cùng, bố tôi chơi guitar bài Hạ trắng, đó là bài hát bác thích. Tôi đã nhớ mãi ánh mắt bố tôi hôm ấy. Tôi thắc mắc bố tôi đã nghĩ gì trong giây phút chia ly. Mấy câu thơ Nguyễn Khuyến viết cho Dương Khuê cứ luẩn quẩn trong đầu tôi.
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Người đàn ông gần sáu mươi với mái tóc hoa râm ôm cây guitar trong một đêm mưa rả rích, bên cạnh chiếc quan tài người đồng hương chí cốt. Dáng bố cao cao, gầy gò. Bóng bố ẩn hiện trong làn khói hương nghi ngút. Lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra tình bạn thiêng liêng đến thế nào. Bố tôi và những người đàn ông ấy. Những người đàn ông mê Toán đến nỗi tôi đã nghĩ chắc tâm niệm đời họ cũng hệt như lời nhắn nhủ của Poisson với bạn bè: "Giá tôi được sống thêm một cuộc đời nữa thì tôi cũng sẽ làm Toán như tôi đã làm". Những người đàn ông vào ván cờ tướng là quên luôn giờ đón con tan trường. Những người đàn ông bên ly cà phê sáng thảo luận với nhau về việc từ "chuẩn" là tính từ, danh từ hay là động từ rồi lại đi đến kết luận gọi điện hỏi một con nhóc như tôi phân định xem ai đúng. Những người đàn ông hôm nay đã làm bố, thậm chí làm ông rồi mà cứ mỗi khi gặp nhau, họ như quên hết thảy mọi điều, hồn nhiên yêu đời như là những cậu trai mười tám.
Làm sao để ta chấp nhận được sự xa cách? Khi tôi đọc đoạn cuối trong bài dịch mới đây của anh Andy Lương, câu hỏi ấy quấn lấy tâm trí tôi. "Cái ta cần là luôn nghĩ về bạn mình, vì tâm trí thì không bao giờ vắng mặt, và nó có thể nhìn thấy người nó muốn...".
Chia tay tri kỷ, bố tôi là người ở lại. Chắc bố sẽ vẫn loanh quanh với bàn cờ tướng, với cây guitar. Những buổi cà phê sáng cùng anh em sẽ trống một chiếc ghế. Những buổi nhậu vào đêm sẽ dư một cái chén. Nhưng bản nhạc Hạ trắng chắc chắn vẫn cất lên, da diết hơn.
"Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau....".
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất