“Cuộc sống luôn đầy những lúc bận rộn, chạy theo vô vàn deadlines. Tiếng nói cười xung quanh, thông báo trên Facebook luôn đỏ rực, thông báo của các ứng dụng trên điện thoại nháy liên tục, tin nhắn đến,… Ngày nào cũng là vô vàn thông tin, vô vàn nội dung, đổ lên đầu em. Hết chạy từ tin này đến tin khác, deadlines này đến deadlines khác, em như một chú chuột trong cũi, trong một cái vòng lặp.
Hẳn sống thế là đủ ổn cả đời, cho đến một ngày, em thấy trong trái tim em một “lỗ hổng” lớn.
Em thấy thiêu thiếu điều gì đấy. Dù vô vàn cuộc chơi, vô vàn tiếng cười nói mỗi ngày, luôn khiến em thật “high”, thật hào hứng, nhưng trong một khoảng trống không, khi tiếng nói cười tắt ngúm, em lại thấy trống rỗng. Em khao khát tìm lại những sự ồn ào, náo loạn ấy, để cho bớt trống. Nhưng sau cùng, càng tìm kiếm, càng loạn. Sự rỗng không như một cái lỗ đen vũ trụ, hút em vào thật sâu, thật sâu, dù cố gắng kéo mình ra, vẫn cứ bị hút vào.“
– “Đừng sợ sự trống rỗng ấy. Đừng sợ lỗ hổng ấy. Đừng sợ sự im lặng đấy. Bởi một khi, em thả mình ra, bước vào lỗ đen vũ trụ ấy, em mới nhận ra được – chính em chờ em, phía sau lỗ đen.
HỐ ĐEN VŨ TRỤ.  SOURCE: VCHAL/ISTOCK/GETTY IMAGES PLUS
Đừng quên em là ai. Đừng dùng âm thanh bên ngoài, để lấn át sự im lặng – nơi âm thanh trong tim em, âm thanh vọng từ linh hồn của em, tồn tại. Bởi một khi em trốn chạy, hố đen ấy – sẽ hút cạn năng lượng của em, khi em đang chới với, cố nắm giữ lấy điều gì bên ngoài. Ở tận cùng hố đen ấy – chính là em.””
Hố đen vũ trụ, ở đây, là “mặt tối” bên trong bạn, là những cảm xúc bị chôn giấu thật sâu, những khao khát, suy nghĩ bị chôn vùi đi, theo những âm thanh bên ngoài.
Nhiều bạn chia sẻ với mình, các bạn không biết mình là ai, các bạn cảm thấy trống rỗng, vô định, mệt mỏi. Một cái hố đen vũ trụ ở sâu bên trong lồng ngực – như hút cạn mọi năng lượng, niềm vui của các bạn. Vẫn cứ đi theo những gì được những người xung quanh chỉ dẫn, vẫn cứ làm tốt những gì các bạn cần làm, nhưng tận sâu bên trong, vẫn là rỗng không, vẫn là sự thiếu vắng, sự chới với.
Cái hố đen này, sẽ xuất hiện vào bất kỳ lúc nào, nhiều khi đang cười tươi vui vẻ lúc làm việc, bỗng thấy hụt hẫng, trống rỗng. Có lúc sắp đi ngủ, bỗng không ngủ được, vì sự chới với vô định, và sự trống vắng – trong lồng ngực. Cảm giác như đang thiếu đi một điều gì đó, mà dù có gặp bao nhiêu người, làm bao nhiêu việc, thì sự thiếu, sự trống vắng đấy, vẫn cứ âm ỉ.
Sự trống vắng đấy – là tiếng gọi từ linh hồn bạn. Đã đến lúc quay về “bên trong”, về với ngôi nhà bên trong, về với linh hồn mình, về với chính mình. Đã đến lúc – “tìm lại chính mình”.
Con đường tìm về chính bản thân – có thể dựa trên hai cách:
1. Sử dụng những mối quan hệ của bản thân với người ngoài – như một dạng “tấm gương phản chiếu” lại thế giới bên trong của mình. Cách bạn nhìn nhận thế giới bên ngoài, tương tác với thế giới bên ngoài, là một phương thức cực hữu ích để bạn thấu hiểu về bản thân mình, khao khát của mình.
Những bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên mới vào năm nhất, hoặc sắp ra trường, thường hay bỡ ngỡ, thấy vô định – không biết mình là ai, mình cần làm gì. Nếu trong suốt thời gian học ở trường, các bạn luôn có người chỉ cho phải làm cái này cái kia, vẽ ra con đường cho các bạn, thì khi bước vào môi trường đại học, hay “trường đời”, không còn ai thay bạn đưa ra quyết định cho bản thân nữa, mà chỉ còn chính bản thân bạn. Bởi vậy, việc thấy thiếu định hướng là điều dễ hiểu, và thời gian các bạn từ 17 – 25 tuổi, vô số câu hỏi về cuộc đời, bản thân sẽ liên tiếp xuất hiện. “Mình là ai? Mình muốn điều gì? Công việc gì mang lại sự ổn định, và hạnh phúc cho mình? Nếu mình làm công việc không phù hợp, thì sẽ như nào? Giá trị mình có thể mang lại là gì?” Vô vàn những câu hỏi bủa vây trong suốt cái thời kỳ đầu tuổi trẻ này, đặc biệt khi những người trẻ được sinh ra trong gia đình có đầy đủ điều kiện về kinh tế, có ăn có mặc, thì việc chỉ kiếm tiền để sống qua ngày thôi sẽ không đủ mang lại sự thoả mãn về tinh thần. Các bạn trẻ khao khát tìm kiếm bản thân, tìm kiếm một điều gì đó dành cho mình. Đấy là một khao khát rất đẹp đẽ, và đấy là những câu hỏi quan trọng cần trả lời, bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ tinh thần, và hạnh phúc sau này của các bạn.
Với những bạn trẻ này, thì điều cần thiết với các bạn hiện tại, chính là trải nghiệm. Trải nghiệm bằng cách gặp đủ loại người, thử những công việc bạn muốn thử – và bạn có khả năng để thử. Đặc biệt, với những bạn vừa mới thi xong đại học, thì môi trường đại học ở Việt Nam là một cơ hội để các bạn trải nghiệm những gì bạn muốn trải nghiệm. Trừ những bạn đi theo các ngành nghề có chuyên môn sẵn – như Y, dược, Luật, Công An,… các bạn ở những môi trường khác, như kinh tế, sẽ cảm thấy rất mông lung, không biết đâu mà lần. Đây là một điều thiệt thòi, nhưng cũng là một cơ hội rất tuyệt vời cho các bạn thuộc chuyên ngành kinh tế, tài chính, v.v. bởi các bạn sẽ có cơ hội thử nhiều thứ, gặp đủ loại người – nếu bạn chịu khó bước ra khỏi vùng an toàn, và tự trải nghiệm. Những kinh nghiệm, những người bạn gặp, những mối quan hệ xung quanh – là cơ hội để bạn vừa làm, vừa chiêm nghiệm lại bản thân: “Mình có khả năng gì? Mình có nỗi sợ gì cần vượt qua? Mình thích khía cạnh nào trong công việc này? Mọi người đánh giá mình ra sao, và mình cần phát triển thêm ở những khía cạnh nào?”
–> Chốt lại, với những bạn ít trải nghiệm, và có khao khát muốn tìm hiểu bản thân là ai, muốn gì, thì việc bạn cần làm, chính là Trải nghiệm và Chiêm nghiệm. Sử dụng những trải nghiệm, nhận xét của người xung quanh – như một tấm gương phản chiếu, để bạn nhìn nhận lại bản thân. Dành thời gian để chiêm nghiệm, song hành cùng những trải nghiệm, là cơ hội tuyệt vời để bạn tìm hiểu về bản thân, về những góc cạnh tính cách, những gì chôn sâu trong tiềm thức mình, mà trước nay mình không nhận ra về bản thân, con người mình. Chiêm nghiệm và trải nghiệm là hai thứ luôn cần phải song hành với nhau, bởi nếu bạn quá sa đà vào trải nghiệm, bạn sẽ không có thời gian để nhìn nhận lại bản thân, thấu hiểu bản thân; còn nếu quá sa vào “chiêm nghiệm”, suy nghĩ, bạn thiếu đi những kinh nghiệm thực tế, những góc nhìn khác từ người ngoài, để nhận ra những “điểm tối” của nhận thức bạn. Ví dụ, bạn là một người giàu sự cảm thông, yêu thương với người khác, nhưng nếu bạn ít giao tiếp với mọi người, bạn sẽ không bao giờ nhận ra điểm mạnh đó ở bản thân mình.
2. Tìm về bản thân, trong yên lặng.
Đây là phương án dành cho những con người bận rộn, luôn hoạt động hết công suất, nhưng vẫn cảm thấy sự chấp chới, trống vắng từ bên trong. Sự trống vắng này có thể đến từ những cảm xúc bị kìm nén bên trong bạn – đặc biệt nếu bạn không phải là người có sự gắn kết với cảm xúc bên trong của mình, cái phần “anima” – tính nữ bên trong bạn, đối lập với “animus” – tính nam bên trong. Bất cứ người đàn ông nào cũng có những thiên tính nữ của mình – “anima”, và người phụ nữ nào cũng có cả thiên tính nam – “animus”. Sự thiếu cân bằng giữa tính nam và tính nữ bên trong gây ra sự mất cân bằng, và sự thiếu cân bằng sẽ thể hiện rõ rệt trong cảm xúc, trong cuộc sống của bạn, bằng cảm giác trống vắng này.
Khi bạn bận rộn liên tục, đây là lúc năng lượng “nam tính” trong bạn đang hoạt động hết công suất, và dĩ nhiên, sẽ xảy ra sự thiếu cân bằng giữa năng lượng nam và năng lượng nữ bên trong bạn. Năng lượng nam là năng lượng thiên về hành động (acting), suy nghĩ (thinking); năng lượng nữ là năng lượng thiên về sự yên tĩnh (being), và cảm nhận (feeling). Thiếu đi sự gắn kết với năng lượng nữ, bạn sẽ mất đi kết nối với trực giác hết sức nhạy bén của bản thân, những thông điệp, chỉ dẫn từ cảm xúc của bạn, từ trái tim bạn, từ linh hồn bạn. Bạn sẽ thấy chấp chới, thấy trống rỗng, thiếu vắng; đầu óc hoạt động quá nhiều, sẽ gây ra sự mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng.
Để cân bằng lại với tính nữ bên trong, tiếng gọi của linh hồn bạn, sự bình yên, tĩnh tâm, yên lặng – là hết sức quan trọng. Đấy là lý do nhiều công ty khuyến khích nhân viên học thiền, và rất nhiều tỷ phú, những người thành công trên thế giới tìm đến thiền. Bởi thiền là một công cụ giúp cân bằng lại những năng lượng xao động bên trong bạn, giúp bạn có sự rõ ràng, thông suốt trong đầu óc, cân bằng được cả đầu óc logic, suy nghĩ của mình; và đầu óc sáng tạo, trực giác của mình. Với sự hướng dẫn từ linh hồn, từ tiếng gọi bên trong của trực giác, kết hợp với tầm nhìn xa, lên kế hoạch, chiến lược từ đầu óc logic, bạn sẽ biết bạn cần làm gì, cần đi về đâu, để luôn đúng hướng – với những khao khát trong tim bạn, mà đồng thời có thể đạt được những thành công, những ấn tượng lên thế giới bên ngoài, mà bạn mong muốn. Về hướng dẫn thiền cho người bắt đầu, bạn có thể thử phương pháp thiền Vipassana, mà mình có chia sẻ trong bài viết này: Thiền:  Phương pháp chữa lành cảm xúc; hoặc tìm tới các khoá học thiền đang được mở rất nhiều gần đây.
Sau cùng, khi bạn không biết bạn là ai, hoặc bạn quên mất bạn là ai, không còn sự kết nối với linh hồn, trực giác của bạn, thì cái “hố đen vũ trụ” đấy sẽ luôn còn âm ỉ trong lồng ngực bạn, hút cạn mọi niềm vui, hạnh phúc được sống, được trải nghiệm kiếp người. Bằng cách tìm lại về bản thân, dù là bằng việc trải nghiệm nhiều hơn, hay chiêm nghiệm, hay thiền đi nữa, mong bạn sẽ tìm lại được tiếng nói của trái tim bạn, của linh hồn bạn, đủ can đảm để lắng nghe những chỉ dẫn từ bên trong, dám trải nghiệm, và dám “lặng yên”, để có thể sống một cuộc sống đủ đầy nhất, thoả mãn nhất – cho cả thế giới bên trong, và thế giới vật chất bên ngoài.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady

Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady