Sau một giai đoạn 6 năm định hình từ 2018 đến nay, văn học trẻ Việt Nam đã để lại những dấu ấn đáng kể cả về chuyên môn sáng tác lẫn thành công thị trường xuất bản. Không “chăm chăm” tìm cách đánh cược để tạo ra những tác phẩm lớn, văn học trẻ hướng đến sự ổn định trong tinh thần sáng tác, tạo ra cộng đồng độc giả và liên kết thương mại với các ngành nghệ thuật khác. Điều này hàm chứa cả những thành quả tích cực lẫn những hạn chế lớn sẽ trở thành rào cản cho tương lai
Trước khi vào bài viết: tôi cũng là một thành phần của cùng một lứa bên trời lận đận này. Song tôi viết bài này với vai trò người làm nghiên cứu và phê bình văn học, với văn xuôi của thế hệ mới. Bởi có ai làm đâu!!!! Tất nhiên không thiếu nhà phê bình, giảng viên, giới chuyên môn các trường đại học... dành sự ưu ái cho văn học trẻ. Bản thân tác phẩm của chúng tôi cũng được dùng trong nghiên cứu ở trường đại học hoặc thạc sĩ. Song để nhìn tổng quát nhất, đòi hỏi phải đọc trọn vẹn trong mấy năm qua, điều rất khó trong cơn sốt ruột của thời đại, của nền kinh tế này. Rất may khi thành lập Linh Lan Books, chúng tôi cũng có được nhiều tác giả tài năng ưu ái hợp tác. Nhưng quan trọng hơn cả: tôi thích đọc văn của bạn bè. Ai cũng có thể đọc Kafka, Vargas Llosa... nhưng đọc văn của những bạn bè còn đang trẻ trung, đang yêu, đang dằn vặt, đang nhiều mơ ước và cay đắng... cũng tìm được nhiều giá trị độc đáo không ở đâu cho mình được. Nên tôi đành ăn nhầm ráy khoai mà làm một tổng thuật nho nhỏ về văn học Việt Nam thế hệ 9x và Z trong khoảng 5 năm qua. Chắc chắn còn nhiều thiếu sót, nhưng thôi ta cứ mở màn một series mới đã nhỉ. Xin cảm ơn một số nhà nghiên cứu, biên tập viên đã giúp đỡ chúng tôi trong series này.

Văn xuôi trẻ Việt Nam: đặc trưng và thành tựu

img_0
Kể từ khi Internet đến Việt Nam, một thế hệ mới (được gọi là thế hệ Millenials, thế hệ Z) được hình thành, thông qua việc du nhập các quan điểm mới, văn hoá mới, kéo theo đó, sẽ có những nguồn cảm hứng, kỹ thuật thể hiện khác và tạo ra những nhà văn của riêng thế hệ này. Điều này đã được các nhà nghiên cứu khẳng định nhiều lần. Tại hội nghị Viết văn trẻ lần thứ X năm 2022, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định: “Các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú, khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước, được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng được mở rộng”. Song để hái quả ngọt, bằng chính các tác phẩm văn học thì không phải là chuyện ngày một ngày hai. Trong bài viết này, chúng tôi tạm thời định nghĩa thành quả văn chương một cách tương đối cởi mở, theo đó, chúng sẽ nằm ở một trong các yếu tố: 1/ tác phẩm văn học hư cấu (tập truyện, tiểu thuyết) phát hành trên thị trường sách, tạo ra lợi nhuận và số lượng độc giả đông đảo hoặc 2/ tác phẩm văn học hư cấu (tập truyện, tiểu thuyết) trở thành tâm điểm của dư luận trong một thời gian vì nội dung của tác phẩm, thu hút các nhà nghiên cứu, các độc giả khó tính hoặc 3/ tác phẩm tạo ra những cách thể hiện mới, phong cách riêng biệt, được giới chuyên môn, các thế hệ nhà văn đi trước công nhận. Văn học trẻ Việt Nam đã ít nhiều có những tác phẩm đáp ứng được một hoặc hai trong ba yếu tố
Bài viết này sẽ thử nhìn lại chặng đường khoảng 5 năm, là khoảng thời gian không quá hẹp để nhìn một thế hệ sáng tác, không quá rộng để mất tính đương đại. Nhưng không chỉ vậy, có nhiều cơ sở hơn để cho rằng mốc 5 năm trở lại đây, tính từ 2019 có nhiều thay đổi. Đáng kể nhất là sự thoái trào của một cuộc thi sáng tác văn học hư cấu rất uy tín: cuộc thi Văn Học Tuổi 20 do NXB Trẻ tổ chức. Mùa giải thứ 7 cũng là cuối cùng được phát động từ ngày 1/1/2019 và kết thúc vào tháng 5 năm 2022 thu hút số lượng tác phẩm gửi đến rất lớn và giới thiệu được không ít tựa sách giá trị, nhưng nhìn chung đã nhạt nhoà so với 6 lần tổ chức trước, cả về mặt truyền thông, tổ chức lẫn hiệu ứng độc giả, cuối cùng đã công bố dừng lại. Nhưng cùng lúc ấy, Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội nhà văn Việt Nam ra đời, chính thức được công bố vào ngày 6/5/2021. Sự khác biệt của giải thưởng này nằm ở tính thường niên: nghĩa là đây không phải một cuộc thi, mà là một giải thưởng có ý nghĩa dõi theo và vinh danh sự phát triển của văn học trẻ. Sự lùi lại của một phong trào sáng tác mà người ta phải chờ đợi đến 5 năm cho kết quả và sự xuất hiện của một giải thưởng thường niên ở cấp độ Hội nhà văn VIệt Nam, là bằng chứng của một quá trình thay đổi trên diện rộng: văn chương trẻ đang có nhiều khuynh hướng hơn, đi vào nhiều địa hạt sáng tác hơn và hướng đến những phân khúc khác nhau của một thị trường sách đa dạng, sôi động hơn.
<i>Ngẫu nhiên nhớ một vài chiếc bìa của một số tác phẩm được nhắc trong bài này</i>
Ngẫu nhiên nhớ một vài chiếc bìa của một số tác phẩm được nhắc trong bài này
Đúng như vậy, nếu ta nhìn vào năm 2019, có lẽ là dấu mốc đầu tiên cho thấy một số dòng tiểu thuyết hư cấu của Việt Nam bắt đầu cạnh tranh với sách của “nước bạn”. Bộ tiểu thuyết Săn Mộ: Thông Thiên la Thành của tác giả sinh năm 1993 Hoàng Yến ra mắt năm 2019, được tái bản nhiều lần. Đề tài của cuốn sách này vẫn là truyện kỳ ảo như trào lưu fantasy giai đoạn 2008 - 2015, nhưng khác biệt ở chỗ, lấy bối cảnh huyền sử Việt Nam. Cũng trong quãng thời gian này, một cuộc đua trên thị trường sách diễn ra giữa các tác giả viết tiểu thuyết truyền kỳ - linh dị, nhóm này gồm Thảo Trang (với các tác phẩm Tết ở làng Địa Ngục, 25 độ âm), Thục Linh (Rừng than khóc, Khế ước bán dâu...), Emma Hạ My (Sĩ số lớp vắng 0, Tổng đài kể chuyện lúc 0h)... Các tựa sách được sản xuất và tiếp thị bằng các nền tảng truyền thông hiện đại, cùng với phần thiết kế theo xu hướng mỹ thuật đương đại cầu kỳ và bắt mắt, tất cả đều có số lượng phát hành trên 7000 bản, con số thực sự vượt mặt rất nhiều sách trinh thám, kinh dị của nước Mỹ tại Việt Nam. Văn học đại chúng được sáng tác bởi các tác giả trẻ, tuy chưa chạm đến giới chuyên môn, nhưng đã tạo được ít nhiều ảnh hưởng lên thị trường sách và thị trường điện ảnh. Điều đặc biệt là trong khoảng ba năm gần đây, nền giải trí thế giới chuyển dịch sang hướng tìm tòi những điều mới lạ ở bản địa thay vì văn hoá phương Tây như nhiều thập kỷ qua. Vì thế trong tương lai đây là một cơ hội rất lớn cho văn học Việt Nam, nhất là văn học đại chúng.
Cũng trong thời gian đó, song song với những tác phẩm đã tham gia vào nền văn học đại chúng là những màu sắc khác nhiều tính chất ưu tư hơn với các chủ đề đương đại và tương lai. Dường như đề tài này không xa lạ, thậm chí sát sườn và là vấn đề trung tâm trong đời sống của thế hệ mới vốn được sống trong thế giới toàn cầu hoá rất sớm. Con người trong thế giới đương đại phải đối phó, ứng biến với những thay đổi chóng mặt, những cơ sở hạ tầng - kỹ thuật mới, những thước đo giá trị mới trong văn hoá đại đồng. Ở thế giới ấy, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có những bước vươn lên mạnh mẽ, đồng nghĩa với việc đời sống lao động cũng gặp nhiều thách thức hơn, không chỉ phải giải quyết ở cấp độ hệ thống mà còn là ở ý chí của mỗi cá nhân. Nhiều tác giả là đại diện tiêu biểu của nhóm đề tài này, có thể kể đến như Nhật Phi, Yang Phan, Nguyễn Hải Nhật Huy, Đỗ Quang Vinh, Hiền Trang, Maik Cây, Nguyên Nguyên, Triều Dương. Ở các tác phẩm của họ ta chưa thấy được thông điệp mới mẻ so với văn học quốc tế, nhưng ít nhiều đã đồng thanh hô ứng với những chủ đề của tiểu thuyết toàn cầu. Đó là tương lai của công nghệ, đó là con người “thậm phồn và tạp niệm” nhưng hết sức cô đơn giữa tràn ngập thông tin, quảng cáo. Đó là các trào lưu nữ quyền, giới, sinh thái. Lần đầu tiên các tác phẩm văn học Việt Nam lấy những bối cảnh “cosmopolitan” - tức không phải những bối cảnh cụ thể của một khu vực văn hoá nào, và có tham vọng kể một câu chuyện sâu sắc của loài người hoàn vũ.
Những khuynh hướng sáng tác truyền thống cũng chưa bao giờ giảm đi sức hấp dẫn với nhiều tác giả trẻ rất năng nổ sinh hoạt văn chương trên các tạp chí văn nghệ địa phương và trung ương. Truyện ngắn của họ tiếp nối những suy tư, mang mác hoài niệm về đời sống nông thôn xưa và nay, những phận người chìm nổi trong biến đổi của thời cuộc, những tàn dư quan niệm cũ của thời kì trước đổi mới. Tiêu biểu ta có thể nhìn ra các tác giả Phan Đức Lộc, Cao Nguyệt Nguyên, Phát Dương, Nguyệt Chu, Lê Quang Trạng, Võ Đăng Khoa, Lê Vũ Trường Giang. Trong đó, Lê Vũ Trường Giang đã đoạt giải thưởng Tác giả trẻ 2022 với tập truyện ngắn Bạc Màu Áo Ngự.
Để chỉ ra tóm gọn những đặc trưng của văn học trẻ Việt Nam, chúng tôi sẽ bám theo các tiêu chí tương ứng với các yếu tố tạo nên thành quả văn chương đã đề ra: đặc điểm về thị trường độc giả, đặc điểm về phong cách và đặc điểm về nội dung.
<i>Thảo Trang (giữa) là đại diện của nhà văn BestSeller của thế hệ này. </i>
Thảo Trang (giữa) là đại diện của nhà văn BestSeller của thế hệ này.
Thứ nhất, đặc điểm về nội dung, các tác phẩm văn học trẻ chú trọng việc giữ chân hoặc tạo ra đối tượng độc giả, do đó tác phẩm luôn nhắm tới những đề tài cụ thể, không “lan man”, không cài cắm quá nhiều mục đích vào một cuốn tiểu thuyết hay một truyện ngắn. Những mối quan tâm lớn thường nằm trong những nhóm sau. Một là, các đề tài về phản địa đàng, về tương lai bất định của nhân loại trước những biến đổi về khí hậu, môi trường sống hoặc nền tảng công nghệ thông qua các tác phẩm tiêu biểu như Quán bar trong bụng Cá voi (Hiền Trang, 2023), Thiên thần mù sương (Đức Anh, 2019), Biến thể của cô đơn (Yang Phan, 2023), Nơi không có tuyết (Huỳnh Trọng Khang), Hai người trong một ngăn tủ (Phát Dương, 2023), Nửa lời chưa nói (Duy Ân), Tổng đài kể chuyện lúc 0h (Emma Hạ My)... Hai là, những mảng chuyện, những nhân vật lịch sử có thể tạo ra lượng công chúng lớn như Thượng Dương (một nhân vật triều Lý) trong Thượng Dương (Hoàng yến, 2020), Phụng Dương công chúa trong Như Sơ (Việt Chi, 2024), các nhân vật nữ có vai trò quyền bính lớn như trong tập truyện dã sử Tước gấm giấu đay (Đào Thu Hà và các tác giả trẻ khác), các nhân vật lịch sử trong Nắng thổ tang (Đinh Phương)... Ba là các đề tài kinh dị, trinh thám có tính chất giải trí như Tết ở làng địa Ngục (Thảo Trang, 2020), Rừng than khóc (Thục Linh, 2024), Sĩ số lớp vắng 0 (Emma Hạ My)... Bốn là về căn cước cá nhân trong thế giới hậu hiện đại với những tác phẩm như Lạc đà bay (Võ Đăng Khoa), Nhân Sinh kép: Sống hai cuộc đời (Đức Anh), Không gì ngoài cơn mưa (Triều Dương), Của thần và người (Phạm Giai Quỳnh), Thị trấn mùa đông (Nhật Phi), Vạn sắc hư vô (Nguyễn Khắc Ngân Vy), Wittgenstein ở thiên đường đen (Maik Cây).. Và năm là về đề tài thiếu nhi, hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác, tiêu biểu như Giải cứu chả chìa (Đào Thu Hà), Cá linh đi học (Lê Quang Trạng)...
Thứ hai, đặc điểm về thị trường, các tác giả trẻ Việt nam coi tác phẩm văn học của mình là một sản phẩm lưu thông trên thị trường, đóng góp vào công nghiệp văn hoá Việt Nam. Dẫu là ý thức hay vô thức, các tác giả tương đối chú trọng khâu quảng bá tác phẩm. Những tác giả đều có kênh truyền thông riêng, đều tham gia những cộng đồng đọc sách trẻ như Hội yêu sách, Đảo sách, Bình thư quán... và quảng bá tác phẩm văn học qua đây. Không những vậy, họ có thêm những chiến thuật marketing để giữ chân độc giả: tạo ra độ khan hiếm những ấn bản đặc biệt, kèm với quà tặng; không ngần ngại bày tỏ mình trên các diễn đàn, tổ chức hội thảo ra mắt sách; không bỏ qua các cơ hội truyền thông trên báo chí, các mạng xã hội mới như Tiktok, Threads, Substack và không ngần ngại đầu tư tiền bạc để quảng bá tren các kênh đa phương tiện đông đảo khách hàng tiềm năng, đặc biệt là trên những Booktok (các kênh tiktok về sách thu hút lượng lớn độc giả tò mò).
Thứ ba, đặc điểm về phong cách, phần đông các tác phẩm đều đã được chọn trước cho mình các nhóm đề tài kinh dị, lịch sử, trinh thám... Các tác phẩm tuân thủ nguyên tắc của đề tài, nhằm mục đích giữ cảm giác ổn định, phục vụ việc đọc sách của độc giả, nhất là độc giả trẻ. Việc bám sát những yếu tố kỹ thuật như tạo mâu thuẫn, tạo cốt truyện li kì, tạo ra nút thắt, mở hợp lý là những điều nổi bật ở thế hệ sáng tác mới. Ngôn ngữ sáng tác văn xuôi dường như là tổng hợp của rất nhiều nguồn ảnh hưởng, trong đó đáng kể là văn học dịch, là sáng tác của người đi trước và thậm chí cả phim ảnh hay ngôn ngữ mạng. Tuy nhiên, đáng tiếc là không nhiều tác giả chú trọng ngôn ngữ của mình trong câu chuyện.
<i>Mấy tác phẩm khác, trong đó hai tác phẩm 17 âm 1 và Sĩ số lớp vắng 0 có viral cực mạnh</i>
Mấy tác phẩm khác, trong đó hai tác phẩm 17 âm 1 và Sĩ số lớp vắng 0 có viral cực mạnh
Tiếp tục căn cứ vào các tiêu chí đã đề ra ở đầu bài viết, chúng ta có thể tóm gọn được một vài thành tựu và dấu ấn đáng kể của văn học trẻ Việt Nam. Thứ nhất, thế hệ tác giả đã mang đến cách thể hiện mới, những đề tài mới chưa từng có, đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam. Thứ hai, thế hệ tác giả này cũng đã tiếp nối những thành tựu của các thế hệ trước, trong việc khám phá, nghiên cứu và đưa những trăn trở về giá trị Việt, bản sắc Việt vào trong tác phẩm, đồng thời ở chiều ngược lại, cập nhập và thể hiện những yếu tố văn hoá mới trong bối cảnh Việt Nam đương đại. Ta thấy có những tác giả mang lại một phong cách hành văn mới mẻ theo tư duy du nhập phương Tây, và cũng có những tác giả chủ trương viết văn “thuần Việt”. Thứ ba, với nhiều tác phẩm bán chạy, dành các giải thưởng lớn, thuyết phục độc giả, nhất là ở địa hạt tiểu thuyết, văn học Việt Nam có thêm nền tảng vững chắc cho tương lai, khi đã ít nhiều vượt qua được những đánh giá trái chiều về tiềm năng của văn học trẻ Việt Nam.

Những thiếu sót còn bỏ ngỏ

Như trên ta đã thấy cả một thành tựu không hề nhỏ của một thế hệ viết văn thực sự đã đứng vững trên thị trường sách. Họ có tiếng nói, có thị trường, thậm chí có cả ảnh hưởng về kinh tế. Bản thân tác giả bài viết này từ lâu đã được nghe các tác giả khẳng định “hoàn toàn có thể sống bằng tác phẩm văn học”, và tin chắc rằng đó là khẳng định có căn cứ trong một thời đại mà quả ngọt sẽ luôn luôn dành cho những sáng tạo độc đáo. Năm năm nhìn lại, một số tác giả đã thực sự lên tay trong sáng tác.. đây là những điều để ta trông đợi một tương lai tươi sáng, đắp nên từ những học hỏi, bởi không giống như thơ, văn chương không ăn sẵn thiên tài, mà nó còn cần những bài tập, cần sự kiên trì đào luyện, đôi khi là một rẽ hướng đột ngột để tìm lên những tác phẩm lớn.
Tuy nhiên, sẽ là làm không hết trách nhiệm nếu như không nói về những khoảng trống thiếu sót của văn học trẻ Việt Nam ở mảng văn xuôi. Thứ nhất, các tác phẩm đâu đó thiếu một độ lùi nhân sinh để tạo ra những khoảng hài hước, điều này nghe có vẻ không quá quan trọng, nhưng thực ra lại luôn là yếu tố để một tác phẩm có thể lớn hơn chính nó. Bởi nó là tín hiệu của một cái nhìn điềm đạm, tinh tế và có phần “lọc lõi” về cuộc đời, trong đó có cả những bao dung và giải trừ những cao giọng không cần thiết. Nguyên nhân gốc nằm ở tuổi đời sáng tác còn rất trẻ. Ta hãy xem nhóm tác giả có lượng sách phát hành lớn tính đến thời điểm của bài viết này cũng mới chỉ ở ngưỡng 20, 30... Tuy đúng với tính chất “văn học trẻ” nhưng thực sự chưa phải là độ tuổi để văn chương có một độ chín muốn, với đủ nét đau đời lẫn cái cười dung dị, cái chất “quái” của những người từng trải và với khoảng thời gian chiêm nghiệm đủ dài. Đặc điểm xã hội học cũng là một lý do khác: trong một xã hội ngày càng chuyên môn hoá sâu sắc, ít người được từng trải qua nhiều nghề nghiệp, được bôn ba nhiều nên nhìn chung (dù không phải tất cả) thiếu những trải nghiệm sống động qua các khu vực văn hoá.
Tuy nhiên những điều này không phải là rào cản lớn, vì qua thời gian, sự trưởng thành, chín muồi sẽ đến. Và phía trước còn rất nhiều điều để mong chờ từ thế hệ người viết tài năng này.
Nhưng điều này đáng nói hơn cả: mặc dù có đủ các loại tham vọng (về việc trở thành top sách bán chạy, về đề tài lớn, có sức hút), ít thấy tác phẩm có tham vọng tư tưởng. Các tác phẩm có thể không thoát được tinh thần khiêm tốn của những thử nghiệm học hỏi, hay của những gì na ná như Franz Kafka, Haruki Murakami hay Raymond Carver. Đó là tinh thần của con người cô đơn trong thời đại, muốn cất lên tiếng nói, muốn phản ứng, muốn kể những câu chuyện li kì hoặc phù phiếm trong thoáng chốc với những mối tình đẹp đẽ, gay cấn. Nhưng cá nhân người viết cho rằng, tinh thần ấy không mới lạ với thế giới. Song song với tư tưởng, cũng chưa có nhiều sự thể nghiệm hay tìm cách đột phá về phong cách. Cũng chưa đậm nét một phong cách văn chương, hệ thống tu từ, độc đáo riêng biệt để cho thấy một sức mạnh của người dùng chữ tiếng Việt như trước đây văn học nước nhà đã từng có.
Tại Hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác trẻ năm 2023 do Bộ Văn hoá Thể Thao và Du Lịch tổ chức, giới chuyên môn nhận định: “Trên thực tế, nhiều cây bút trẻ mang trong mình khát khao được trở thành những nhà văn, nhà thơ thực thụ. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được cho mình hướng đi đúng đắn, định vị được tên tuổi trong đời sống văn chương”. Nhận định này hàm chứa một vấn đề mà các nhà văn trẻ sẽ gặp phải khi “hết trẻ”: khi đã bắt đầu dấn thân vào đời sống mưu sinh khắc nghiệt, khi độc giả trung thành năm xưa của họ cũng già đi, khi những đề tài vốn thời thượng của hiện tại đã là cũ với thế hệ độc giả mới. Tóm lại, những gì mang lại vinh quang của bây giờ hoàn toàn có thể biến mất một cách khách quan trong ngày mai, điều đã gặp phải ở nhiều thế hệ tác giả văn chương. Thực ra khi sáng tác lúc còn trẻ, người ta đủ thơ ngây và say mê để thừa thắng xông lên, để phăng phăng đoạt lấy những vòng nguyệt quế đầu tiên của nghệ thuật. Nhưng cái thơ ngây và say mê ấy không là vô hạn. Lẽ bắt buộc khi muốn đi tiếp cùng văn chương, các tác giả trẻ phải thực sự coi văn chương là lẽ sống, không phải một thú giải trí cuối tuần.
Đức Anh Kostroma (Bài viết đã đăng tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 6/2024)
Kỳ tiếp theo: Văn học Cyberpunk ở Việt Nam