Sau 5 năm biết tới cuốn sách và 3 lần đọc, điều mình ấn tượng vẫn là cái tinh thần Holden. Xem danh sách các tác phẩm của cô Phùng Khách dịch, thấy chủ yếu là sách triết học và tôn giáo, thì Bắt trẻ đồng xanh đứng đó như một kẻ lạc loài, có phải sư cô đã thấy được tính triết học và tôn giáo toát ra theo một cách nào đó từ tác phẩm về thằng nhõi choai choai mở miệng ra là chửi thề? Dù thế nào thì có một từ trong sách mà mình chú ý hơn cả, đó là “bộ tịch”.
    Và chẳng biết từ lúc nào mình trở nên săm soi hơn hẳn. Cụ thể là mỗi lần mình gặp một người lớn nào đó, vâng, chính là người lớn, chứ còn trẻ con mà bộ tịch thì nhận ra ngay, và chả đáng trách chút nào. Sao mà quá nhiều người lớn trong số những người lớn mà mình tiếp xúc, ai cũng thích bộ tịch. Tự dưng ở đâu tới, vào nhà người ta rồi kêu trẻ con trong nhà phải chào họ. Ôi, lúc trước thì mình cho đó là điều hiển nhiên, trẻ con phải chào người lớn trước. Nhưng gần đây, mình thấy rất là không bằng lòng với điều đó. Mình đã chuyển sang kiểu hành xử là mình phải thích ai thì mình mới chủ động chào. Còn mình không thích ai thì còn lâu, và mình chẳng ép ai phải chào mình trước, kể cả con nít, còn không thì “lặng lẽ bước qua đời nhau nhé”.


    Rồi mình nhìn ai cũng thấy họ rất là bộ tịch, rất là ra vẻ này nọ, mà thực chất thì không như cái vẻ ngoài bóng bẩy, lịch thiệp của họ. Mình âm thầm nhìn vào mắt họ, quan sát những hành vi nhỏ của họ, mình thấy mấy cái đấy mới đáng kể, mới nói lên con người của họ. Xem cách họ đối xử với những người yếu thế hơn như người già, trẻ em và phụ nữ, lắng nghe họ nhận xét về một ai đó trước mặt và sau lưng người ta, buồn thay là quả thực chẳng ai tốt đẹp như bản thân họ tưởng về chính họ. Túm lại là người ta thiếu đi khả năng tự soi xét bản thân, thiếu đi sự khiêm nhường và khả năng thấu cảm với người khác. Người ta thường tít mắt trước những bề ngoài thu hút. Thậm chí nghĩ lại những giáo viên từng dạy mình, mình thấy nhiều trong số họ là thợ dạy chứ không phải thầy cô để mình bồi hồi nhớ về mỗi dịp 20/11. Thế là mình chẳng còn muốn gặp nhiều người lớn nữa.
    Mình thích Holden vì cái sự bướng bỉnh, chẳng nề hà bố con thằng nào. Và không chỉ có vậy, cùng với cái sự dở dở ương ương của tuổi thiếu niên, cậu đã nghĩ tới nghĩ lui xem mấy con vịt sẽ đi về đâu khi dòng sông đóng băng, tới các cô bạn cậu khi lớn lên sẽ lấy phải mấy thằng chẳng ra làm sao (những thằng cha rất bần tiện, những thằng cha không bao giờ đọc sách, những thằng cha rất đáng chán), cố xóa đi mấy dòng tục tĩu trên tường vì sợ bọn nhỏ sẽ đọc được, và ước mơ trở thành người coi chừng bên vách đá nơi cánh đồng lúc mạch trong khi bọn trẻ nô đùa. Đây là một biểu tượng vô giá, là thứ đẹp đẽ nhất của tâm hồn con người, đối với mình. Mấy bạn đã bao giờ mơ về một thế giới như thế, nơi toàn Holden, chúng ta sẽ tự do chửi thề cho mấy điều vớ vẩn, thấy thằng nào chướng mắt thì tẩn luôn, nhưng không ai bắt nạt kẻ yếu thế. Người ta đều biết đám vịt ở đâu khi đông đến. Những bức tường trong trường sẽ không có dòng chữ mất dậy nào nữa. Không còn chỗ cho những kẻ bộ tịch. Bọn trẻ an toàn.
    Dù cậu chàng có chửi bậy thêm một tỷ lần thì mình vẫn yêu quý cậu ta. Vì cậu ấy đã khuyến khích mình sống thật hơn, đầu tiên là với chính mình.
    Hôm bữa có một người họ hàng vào nhà mình, cháu mình (7 tuổi) đứng ở cầu thang trân trân ngó người lạ mặt ấy. Người đó nhanh nhảu: Bác chào con! Thằng bé im lặng. Người kia lại tiếp: Bác chào con! ... Thằng bé: Con chào bác! Rồi hai bác cháu cứ thế hỏi chuyện nhau. Một lúc sau đứa nhỏ hơn (4 tuổi) gào mồm từ trên gác: Anh ơi khách về chưa? (Vì lúc trước nó thấy bóng khách vào nên chạy phắt lên nhà). Thằng anh chưa kịp đáp thì người họ hàng đã: Chưa, còn lâu bác mới về, không phải hỏi!
    Đây là một hành vi người lớn thú vị nhất mình từng chứng kiến. Thật vậy, những người lớn biết ngồi xuống ngang hàng với trẻ quả thật rất đáng khen và muốn dạy chúng điều gì thì tự họ phải làm được đã. Tấm gương đặt trước chúng ra sao thì chúng sẽ trở thành như thế. Ai lớn hơn cần tự giác.
 Khi đọc xong một tác phẩm, một thời gian sau mình quên đi nhiều nội dung, nhưng cái cảm giác mà tác phẩm đem lại thì mình lại nhớ rất lâu, vì nó gợi lên bên trong mình một câu chuyện nào đó mình từng trải qua. Mình thích đọc những review ghi lại cảm xúc của người đọc và cả kỷ niệm cá nhân với tác phẩm, hơn là một cái review theo đúng công thức phải ghi thể loại, thời gian, các phần chính, nội dung blablo. Nhưng mình vẫn thích Holden hơn cả, một kẻ có vẻ hư nhưng không bao giờ hỏng :P
Thế đấy, anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con, và không có ai ở đấy – không có ai là người lớn, anh muốn nói vậy – trừ anh. Và anh thì đứng trên một mỏm đá điên khùng nào đó. Điều anh phải làm là, anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy đến gần mỏm đá. Nghĩa là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, thì anh sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng. Anh sẽ làm như thế suốt ngày. Anh sẽ làm người bắt trẻ đồng xanh các thứ. Anh biết thật là điên khùng, nhưng đấy là điều độc nhất anh muốn làm.