“ Văn mẫu” trong nhà trường, thế lực đang cầm tù của tư duy người Việt
Bạn đã trải qua môn văn thời học sinh như thế nào?
Nỗi oan của "văn mẫu"
Học theo “văn mẫu” không phải là một lối học hạn chế và lạc hậu. Thuyết Tâm lý học của Albert Bandura về việc học mô phỏng, bắt chước của con người đề xuất một học thuyết học tập xã hội, cho rằng quan sát, bắt chước và hình mẫu hóa đóng một vai trò chủ chốt trong quá trình học tập của con người.
Khi chưa kịp hiểu logic, bản chất của sự vật hiện tượng, chưa có tư duy phán đoán, suy luận, trẻ em vẫn thường bắt chước những gì mà chúng muốn học. Như vậy, như một lẽ tự nhiên, việc trẻ em viết bắt chước những câu văn hay của người khác, có lẽ cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều năm qua, cách dạy học sinh viết theo những bài văn được coi là chuẩn mực, được áp dụng cho hầu hết các cấp phổ thông và giúp tạo ra những sản phẩm viết khá nhanh mà không tốn nhiều công sức. Vấn đề ở đây là, mô phỏng và bắt chước gần như trở thành cách dạy và học viết duy nhất mà giáo viên và học sinh đang áp dụng. Gần như không có một phương pháp dạy viết nào khác được giới thiệu, và lối học theo văn mẫu đã thống trị rất lâu trong giáo dục Việt Nam, tạo ra hẳn một “tư duy văn mẫu”.
Sự cầm tù của “văn mẫu”
Vì chưa thể nghiên cứu một cách khoa học về vấn đề này, tôi chỉ xin nêu ra một số biểu hiện, mà tôi gọi là “sự cầm tù của văn mẫu” đối với nhiều thế hệ giáo viên và học sinh, theo những quan sát cá nhân.
Sự cầm tù thứ nhất thể hiện ở chỗ, bắt chước và mô phỏng một khi đã thành nếp quen của tư duy, sẽ triệt tiêu khả năng sáng tạo – phẩm chất mà nền giáo dục khuyến khích phát triển ở học sinh.
Điều này có thể được giải thích dựa theo “cơ chế phòng vệ” của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Chính việc học văn bằng cách chép lại lời của người khác làm cho trẻ em, dù có thể không hiểu hết những gì văn mẫu viết, nhưng nhận thấy rõ ràng rằng văn mẫu là một điều gì đó rất có sức nặng trong diễn đạt đối với người lớn, và người lớn yêu thích nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bộc lộ suy nghĩ của mình ra bằng chữ viết là không an toàn khi những diễn đạt, suy nghĩ của các em không được chấp nhận ngay từ đầu. Như vậy, văn mẫu có thể trở nên một hòn đá tảng chẹn cứng cánh cửa mở vào trí tưởng tượng, năng lực tư duy và biểu đạt của các em.
Đáng sợ hơn, sống lâu trong bắt chước, người viết có khả năng nhầm lẫn việc mình đang bắt chước là đang sáng tạo. Không chỉ người học, mà ngay cả người dạy cũng không phân biệt được đâu là sản phẩm của mình, đâu là sản phẩm mô phỏng, bắt chước người khác. Đó mới thật sự là điều nguy hại của văn mẫu. Nó dễ làm cho con người lựa chọn viết và nói theo số đông và lâu dần, họ quên mất cách suy nghĩ độc lập và tự biện luận trước mỗi vấn đề.
Nguy hiểm thứ ba của văn mẫu là giáo viên văn lại là người bị “cầm tù” lâu nhất. Những thế hệ giáo viên được nuôi dưỡng trong “nền giáo dục văn mẫu” từ lúc là học sinh, thi đại học, cho đến khi được đào tạo trong các môi trường sư phạm, đều bị cầm tù trong định kiến về cách tư duy và diễn đạt. Tại các trường sư phạm, môn phương pháp giảng dạy chưa thực sự được chú trọng, vì thế giáo viên chỉ được “học về cách dạy” khi đã bước chân vào nghề, và đa phần đều phải tự lần mò, nên các thầy cô vẫn ưu tiên chọn cách nhanh nhất là mô phỏng, bắt chước cách dạy của thầy cô mình từng học ở các cấp phổ thông.
Học viết theo văn mẫu, học sinh bị giới hạn trong chuẩn mực của thầy cô về câu cú, tư duy, logic và cái đẹp, mà theo đó, chất văn là những câu mượt mà, bay bổng, êm tai; những ý văn phải ca ngợi, tích cực, thuận chiều. Bài viết phải tập hợp đủ loại các nhận định, tầm chương trích cú, ý kiến của các nhà phê bình nổi tiếng, và dung lượng phải dài lê thê (một bài văn viết trong 120 phút phải kín bốn tờ giấy thi mới là có chất lượng cao).
Trong khi đó, một bài viết của học sinh ít có cơ hội được xem xét về khả năng lập luận có chặt chẽ không, trích dẫn có chính xác không, người viết có hiểu vấn đề, có sáng tạo và có cảm xúc riêng không? Chính từ “gu” chấm điểm như vậy, bài làm của những học sinh tự viết, tự sáng tạo khó mà đạt điểm cao bằng những bài thuộc lòng và chép văn mẫu. Kết quả là, học sinh vẫn phải quay lại với văn mẫu, nếu muốn được điểm cao – hay như cách nói của các em là phải “bán linh hồn cho văn mẫu”.
Nói thêm về những bài văn mẫu mà các em, nhất là những học sinh cuối cấp như lớp 9 và lớp 12, vẫn phải học thuộc lòng và chép lại, không hề tốt như cái tên “văn mẫu”. Dù hình thức là nghị luận, nhưng có thể đó chỉ là những bài viết hoa mỹ mà không có nội dung; các kiến thức lí luận văn học được nhồi nhét; các liên tưởng, so sánh được tung ra vô tội vạ; trích dẫn của các nhà phê bình, các danh ngôn bị lạm dụng. Tất cả chỉ nhằm mục đích phô diễn và ngụy tạo một sự bề thế về kiến thức. Vậy mà các em vẫn học thuộc lòng và chép lại những thứ văn như thế để được điểm cao trong các kỳ thi. Các bài văn mẫu này thường do các giáo viên luyện thi soạn ra rồi được truyền tay nhau hoặc là những đoạn viết trôi nổi trên mạng được học sinh cóp nhặt mỗi khi bí về ý tưởng và cách diễn đạt.
Thoát khỏi “nhà tù” của văn mẫu
Trong khuôn khổ một bài viết, tôi không có tham vọng lý giải các nguyên nhân lịch sử của lối “tư duy văn mẫu” mà chỉ thử đề xuất cách“chữa lành” cho một nền dạy và học Văn chịu quá nhiều tổn thương như bây giờ.
Một là, bắt chước và mô phỏng phải được nhìn nhận và nghiên cứu lại như một phương pháp trong rất nhiều phương pháp dạy viết khác nữa, mà bản thân mỗi người dạy phải tìm ra trong quá trình dạy học.
Cũng không thể loại bỏ hoàn toàn lối học sao chép, bắt chước những bài văn, áng văn hay. Việc bắt chước, viết giống như lối văn hay của ai đó không có gì là xấu nếu các em được hướng dẫn cách học tự giác, có trách nhiệm khi dùng trích dẫn, nhận thức rõ là mình đang bắt chước, và quan trọng hơn là học văn mẫu nhưng luôn có ý thức phản biện để thoát để thoát khỏi văn mẫu đó.
Thêm vào đó, giáo viên phải bồi đắp cho học sinh phải khả năng đọc sách, truyện ngoài sách giáo khoa và chương trình học. Bản thân các thầy cô cũng phải nuôi dưỡng văn hóa đọc của mình. Có như thế thì văn mẫu mới không thể “cầm tù” trí não của thầy cô và học sinh.
Thứ hai là, việc học viết phải được nhìn nhận như một phương thức tư duy ngôn ngữ của con người. Có nghĩa là người dạy Văn nên ý thức được sứ mệnh của mình - nếu như dạy Toán là rèn luyện tư duy logic, thì dạy Văn phải là rèn luyện tư duy ngôn ngữ.
Học sinh, ngay từ đầu phải được hướng dẫn cách trình bày những điều mình suy nghĩ xuống trang giấy. Và các em cần luôn được khuyến khích, động viên khi dám trình bày suy nghĩ riêng của mình, cho dù cách biểu đạt còn non nớt, vụng về, hay lộn xộn. Việc uốn nắn cách viết cho các em phải được nghiên cứu, hướng dẫn kỹ lưỡng, để mọi sự góp ý đều đem lại cho các em sự tự tin vào bản thân và sự thoải mái khi thể hiện cảm xúc và góc nhìn riêng, thay vì khiến các em trở nên giấu mình.
Chỉ khi nào giáo viên dạy văn hướng dẫn được học sinh viết những ý nghĩ băn khoăn của các em ra giấy để có câu trả lời sáng rõ hơn. Làm các em hiểu rằng nếu chỉ suy nghĩ trong đầu, ý nghĩ dễ nhảy cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia (từ chuyện căng thẳng quân sự Nga-Ukraine sang luôn chuyện trưa nay ăn gì…). Viết xuống giấy là cách các em tập cho tâm trí đi bộ từng bước, từng bước, vững chãi trên mặt đất, ý nghĩ sẽ tuôn ra tuần tự, tuyến tính, và các em dần kiểm soát được nó.
Vừa viết vừa suy tư về vấn đề mà mình viết là một công việc không dễ, ngay cả với những người viết chuyên nghiệp. Vì vậy việc viết văn trong một bài thi giới hạn 120 phút, ở một kỳ thi bình thường mà học sinh có thể viết ba, bốn trang giấy thì đó khó có thể là sản phẩm của của việc viết-tư duy, mà khả năng cao là sản phẩm của việc thuộc lòng văn mẫu và chép lại một cách “vô tri”, rối bời mà thôi.
Chỉ khi nào môn Văn khiến cho học sinh cảm nhận được niềm vui của việc viết, vui khi những suy nghĩ được trải ra trên trang giấy, vui khi thấy tư duy của mình dần trở nên mạch lạc, sáng sủa hơn qua việc viết, thì khi đó môn học này mới lấy lại được vị trí môn học phát triển tư duy ngôn ngữ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất