Chợt một dạo tôi bâng khuâng, thẫn thờ vì bỗng nhận ra cách chúng ta gọi, đặt tên cho những sự kiện lớn, dù là vô tình hay hữu ý, đã góp phần làm chia cách dân tộc mình.
Là một người con đất Việt, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, đã có quá nhiều câu chuyện quanh tôi, từ thuở bé đến thuở lớn, về những cuộc di tản lịch sử. Xin đừng vội phán xét thái độ chính trị hay gì gì về tôi cả vì bài viết này không đi vào khía cạnh ấy nhiều đâu. Vậy hen!
Lịch sử là những gì đã qua, tất nhiên chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng nó, nhưng xin đừng đem nó ra, dùng nó như một công cụ để sát muối lên nỗi đau của những người đồng bào cùng mang một dòng máu Việt. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói "30-4 là ngày mà triệu người vui, cũng có triệu người buồn.". Phía bên kia chiến tuyến, Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng có một phát biểu mà nhiều người dân miền Nam đến tận sau này vẫn tranh cãi "30-4 là ngày đất nước liền một dải- điều mà chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã không làm được."
Mỗi độ cuối tháng 4 này, tôi vẫn thường có những cảm xúc lẫn lộn khi nghĩ về lịch sử dù tôi chưa từng được sống trong thời khắc lịch sử ấy. Đất nước liền một dải, không còn chia Bắc Nam, bom đạn pháo kích thôi không còn nổ trên dải đất xinh đẹp này nữa. Nhưng nó cũng là ngày chứng kiến cuộc bỏ chạy của nhiều người dân Sài Gòn. Nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại biển khơi. Cái giá phải trả để di tản đến xứ sở cờ hoa có lẽ là quá đắt so với sự chịu đựng của nhiều gia đình. 
Tôi không gọi đây là ngày "lễ" được, vì nó chứa đựng quá nhiều những đau thương, những mất mát của quá nhiều đồng bào ta. Ngược lại, tôi cũng không gọi đây là ngày "mất nước" hay "quốc hận" gì cả, vì đất nước Việt Nam vẫn còn đó, vẫn liền một dải, từ Nam chí Bắc anh em vẫn thuận hòa. (vụ mất đảo tạm bỏ qua đi hen!) Với cá nhân tôi, 30-4 là một ngày trọng đại trong lịch sử Việt Nam, là ngày chiến tranh không còn và đất nước quy về một mối. Chỉ vậy thôi, và tôi cũng mong mọi người đừng gọi nó là ngày "lễ", vì thật sự bỏ tổ quốc ra đi, không hẹn ngày đến cũng chẳng nói ngày về, những sự việc tự sát của nhiều tướng lĩnh thuộc chế độ cũ như  Tướng Nguyễn Khoa Nam hay Lê Văn Hưng, tất cả đều là những sự kiện buồn. 
Thật khó để trong khoảnh khắc đầy xúc động khi viết bài này tìm ra được một từ ngữ chính xác gọi ngày 30-4, nhưng chỉ xin mọi người đừng xem đó là ngày "lễ" để vui chơi, tiệc tùng ca hát. Cũng mong những người ở hải ngoại đừng nghĩ về nó như ngày "mất nước" nữa. Sài Gòn vẫn đẹp đó thôi, vẫn đèn ngọn xanh ngọn đỏ, gái Sài Gòn vẫn cái mỏ cong cong.
Chỉ khi nào thôi nghĩ về nó một cách quá thiên vị, thì khi đó mới nghĩ đến việc hòa hợp hòa giải dân tộc được. Mà cũng chỉ có khi ấy, dân tộc Việt Nam mới trông mong đến ngày trở thành cường quốc!
---Ếch béo ngoài những lúc bay bổng thơ ca, cũng có lúc phải viết ra những dòng có phần buồn bã như vầy.---