Người ta tìm kiếm điều gì khi ngước mắt lên nhìn một bầu trời đêm?
Chẳng phải là sự xúc động lạ lùng khi ánh mắt chạm vào hàng triệu tinh cầu đang lung linh mà ta chẳng biết chúng cách xa ta đến nhường nào...?!
Những tháng mùa xuân, khi ngước lên nhìn bầu trời đêm, tôi luôn trông thấy một chiếc nơ bướm lung linh phát sáng. Chiếc nơ được tạo thành từ 7 vì sao, cũng là hình thù rõ rệt nhất có thể dễ dàng trông thấy từ mọi hướng trên bầu trời.
Từ trước đến nay, thiên văn luôn là một trong những lĩnh vực gợi đầy sự hồ hởi khám phá trong tôi, nên không mất quá nhiều thời gian để tôi quyết tâm đi truy xuất nguồn cội của chiếc nơ khổng lồ kia. Sau khi ngồi tra cứu cọc cạch, tôi đã biết đáp án. Hóa ra, chiếc nơ là phần dễ thấy nhất nằm trong chòm sao Orion, hay còn gọi là chòm thợ săn. Tôi ngồi hí hoáy vẽ anh chàng hunter ra giấy, cái gút thắt chiếc nơ là vành đai lưng của anh chàng, cũng là ba ngôi sao trông như xếp thẳng một hàng san sát nhau. Hai cánh nơ chính là vai và đầu gối. Tôi cứ thế vẽ ra rồi chờ đến tối, khi các vì sao xuất hiện đầy đủ mới bắt đầu nhìn lên bầu trời, tẩn mẩn quan sát, ngắm nghía anh tráng sĩ đẹp mã của mình.
Trời đêm Đà Lạt mùa này có chút lấp loáng sương, thế nên thoạt nhìn, chàng thợ săn thiếu hẳn hai cánh tay và tấm khiên được nối từ sáu vì sao bên tay trái ( theo mô hình giấy tôi vẽ ). Chiếc đầu anh chàng thì hiện lên mờ mờ, nhận diện bằng một vì sao mang tên Meissa. Ngôi sao ở phía vai phải-sao Betelgeuse-sáng thứ 12 trên bầu trời- có màu đo đỏ, trầm trầm, khiến tôi thoạt nghĩ đến việc nó là một ngôi sao lùn đỏ ( đúng không nhỉ, cái việc mà một ngôi sao phát ánh sáng đỏ có nhất thiết phải là sao lùn không?-tôi chưa tìm hiểu điều này khi gõ bài viết)
" Sau khi gõ xong bài viết, kiểm tra lại thì tôi biết nó được gọi là siêu sao khổng lồ đỏ "
Nó cũng là ngôi sao sao sáng thứ hai trong chòm Lạp hộ (Orion), còn ngôi sao sáng thứ nhất của chòm thuộc về đầu gối trái của chàng hunter-sao rigel-siêu sao khổng lồ xanh sáng thứ 7 trên bầu trời. Thực ra, tôi trông thấy Rigel đang phát ánh sáng thiên về màu trắng hơn. Tôi cũng từng trông thấy những vì sao phát ánh sáng màu xanh, chúng chắc chắn là sao xanh rồi. Nhưng vì sao Rigel lại trông như phát ánh sáng trắng, tôi nghĩ là do ẻm có kích thước lớn và có độ sáng biểu kiến cũng lớn nốt (sao phát ánh xanh chắc kích thước nhỏ hơn), mặc dù nếu so về độ nổi bật thì người láng giềng bên kia quốc lộ- sao Betel trông chẳng kém cạnh chút nào, chỉ có điều ánh sáng đỏ có chút tối màu hơn ánh xanh hoặc trắng.
Tuy nhiên, cái mà người ta thích thú, cũng như dễ dàng đoán đích danh anh hunter chính  là vành lưng đai của anh chàng-ba ngôi sao sáng thẳng hàng nhau-mintaka, alnilam và alnitak. Từ vành lưng đai này dóng xuống một tí, trên thanh kiếm của anh chàng ( trong cánh nơ phía dưới ), tôi trông thấy một đám tinh vân lốm đốm, mờ nhạt, có thể M24 ( tinh vân lạp hộ ) chính là đây rồi ( tinh vân này là hỗn hợp của bụi, hydro, khí heli, các khí khác bị ion hóa, có khả năng phát xạ )
Bản thân chòm sao Orion luôn mang nhiều ý nghĩa và sự gắn bó thiêng liêng đến nhiều nền văn hóa xa xưa trên trái đất, điển hình như nền văn minh atlantic hay nền văn minh cổ đại trải dài từ Ai cập đến Mê hi cô. Vì có tìm hiểu về mấy điều này trước nên tôi không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi xúc động mỗi khi ngước lên bầu trời đêm, thấy chòm Hộ lạp đang nằm lặng yên giữa không trung bao la thẫm màu. Đặc biệt là nơi ba ngôi sao nối thành hình tam giác- Betelgeuse, meissa, bellatrix- lấp lánh ngự trì.                
( Nếu có dịp tôi sẽ viết sâu kĩ hơn về huyền thoại Orion cũng như lí giải cho cảm giác xúc động của tôi )         
 Một điều thú vụ là, khi xác định được chòm Orion, tôi cũng nhận ra được luôn cả chòm Chó bự nằm gần đó. Chó bự nằm chếch phía dưới chân của chàng thợ săn, cứ như nối gót theo chàng tráng sĩ trong cuộc săn bắn vậy. Nếu tôi dóng từ hai đầu gối- tức sao Rigel và sao Saiph, lập tức sẽ thấy ngay ngôi sao Sirius lung linh nổi bật. Sirius là tinh cầu sáng nhất sau mặt trời, cùng thêm năm ngôi sao khác nữa mờ hơn hợp thành chòm Chó bự. Bên phải chếch về phía trên của chòm Chó bự sẽ là chòm Chó nhỏ với sao Procyon- sáng thứ 8 trên bầu trời cũng đương long lanh chiu chíu, nhưng tôi chưa nghiên cứu đến chòm Chó nhỏ nên chưa thể dòm ra được toàn bộ chòm này có hình thù gì. 
Thôi thì hôm nay, tôi đành kết thúc bài viết tại đây, coi như là ghi chép vội chứ không bài viết trau chuốt câu chữ thường nhật. Nếu một ai từng nhìn lên bầu trời, thấy hàng vạn những vì sao đang tỏa sáng. giữa dải ngân hà lấp lánh ấy, chợt nhận ra được và gọi tên một tinh cầu nhỏ bé bất kì- cái cảm giác đó, xin thề là, không hề tệ chút nào đâu...!
...........................................................................................................................................
                                                                                                17/2/21
                                                                                               THE...2h25'