“Nhưng, giả sử Văn Cao vẫn sáng tác, thì bây giờ liệu các ca khúc hệt như Trương Chi, Thiên thai, Suối mơ ngày xưa có còn ai nghe? Tôi nghĩ là không, vì không có sự đổi mới. Mà nghệ thuật, nghệ sĩ là phải đổi mới không ngừng!” 
Phạm Duy nói đúng, Văn Cao đã không còn relevant nữa. Ngày nay, không còn giấc mộng lên tiên như Lưu Thần và Nguyễn Triệu trong Thiên thai (1941), không còn những chàng ngọng nghịu lời yêu như Trương Chi (1945), chỉ biết gửi tấc lòng qua lời ca tiếng đàn, cũng không còn người phụ nữ ngồi đan áo trông ngóng bóng tình quân lướt đi ngoài sương gió như trong Buồn tàn thu (1939) nữa.
Ngập tràn những cung đàn, tơ đồng, sóng nước, hoa đào, tiếng phách, điệu múa, tiên nữ, đào nguyên, các tình khúc của Văn Cao tuy đã tiếp nhận và phát huy đến bậc cao toàn bộ âm hưởng lãng mạn của thi ca tiền chiến, và cả những điệu buồn chậm rãi truyền kiếp phảng phất trong buổi phôi thai của tân nhạc Việt Nam, nhưng giờ đây đó chỉ còn là một thời vang bóng.
Dẫu vậy, chúng ta có thể kỳ vọng về sự tươi mới trong sáng tạo ở Văn Cao, bởi ông luôn muốn “tập trung tất cả những giấc mơ và khát vọng của con người làm thành mũi nhọn kéo lê đi phía sau cái thực tế chậm chạp” (Một vài ý nghĩ về thơ, 1957).
Và Văn Cao đã làm được điều đó, ở ngay quãng chuyển tiếp giữa tiền chiến và kháng chiến, như một dấu gạch nối sáng giá. Thoát khỏi cái điệu buồn của tân nhạc thời kỳ đầu, và cả lối đặt lời nhiều ước lệ, khuôn sáo, Văn Cao, khởi sự đổi mới với Tiến quân ca (1944), và sau đó là Làng tôi (1947), với dáng điệu khỏe khoắn như nước triều mới. Rồi trong cùng một năm, nhạc sĩ đạt đến đỉnh cao với Sông Lô, mà Phạm Duy đã đánh giá là “đại diện cho sự trưởng thành của tân nhạc”, còn nhạc sĩ Lê Hoàng Long nhận thấy “cấu trúc có sự hoàn chỉnh tương ứng với bản valse nổi tiếng Bên dòng Danube xinh đẹp của Johann Strauss II”.
Mũi nhọn khai phá của Văn Cao không dừng ở đó. Sau 1950, Văn Cao viết nhiều bài thơ chứa đựng những ẩn dụ khác hẳn thơ tiền chiến, là những hình ảnh như "cánh cửa", "khuôn mặt", "mùa xuân", và những kết hợp từ cụ thể - trừu tượng như "buổi sáng có trong sự thật", "những câu thơ còn xanh", "dĩ vãng giữ trong tôi như một mùi cỏ"… như phó sản của một sự tiếp nhận những chất liệu suy tư mới. 
Lẽ ra chúng ta đã có thể thấy một Văn Cao của trọn vẹn một con đường sáng tác với bề dày đồ sộ trong cả ba lĩnh vực thơ, nhạc, họa. Nhưng tiếc là, con người tài hoa ấy đã phải im lặng suốt 30 năm. Văn Cao kể từ 1958 chỉ còn “những ngày buồn không nói được”.
Có lúc
một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
có lúc
ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
có lúc
nước mắt không thể chảy ra ngoài được
(Có lúc, 1-1963)
Một Văn Cao nhút nhát trước các cô gái chỉ biết gửi lời yêu trong âm nhạc, và một Văn Cao từng cầm súng bắn Đỗ Đức Phin rất dứt khoát, nhanh gọn; một Văn Cao từng sôi nổi tiếng đàn hát, và một Văn Cao thu mình trong im lặng. Người nhạc sĩ ấy chứa đựng trong mình những nghịch lý lớn của cả một thời kỳ. Đó là một Văn Cao của “nhiều im-lặng-biết-nói, và nhiều câu nói không-nói-gì” (chữ dùng của Trần Dần trong Đêm núm sen). 
Phải xem phim tài liệu Buổi sáng có trong sự thật do hãng phim Trẻ & hãng phim Giải Phóng làm năm 1995 để thấy được cách Văn Cao chơi dương cầm. Cái âm thanh dội lên khi ông nắm hai bàn tay lại thành nắm đấm và đập liên tiếp vào những phím đàn được ông gọi là “những nốt nhạc làm tan đi nỗi cô đơn”. Đó là catharsis của Văn Cao. 30 năm câm lặng ấy đã đổ bóng dài trên nửa đời còn lại của Văn Cao:
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.
(Ba biến khúc tuổi 65, 9-1988)
Tạ Tỵ từng kể về cái đêm nghe Văn Cao đọc Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Ông nói Văn Cao có một cái giọng đọc ghê lạnh lắm.
“Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách”
(Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ)
16.08.20