Từ nhỏ cho đến tận bây giờ, chuyện mẹ vào bếp lo nấu nướng trong lúc ba nằm xem ti vi là quá ư thường tình. Mình thấy bình thường, ba mẹ cũng vậy, và nhiều gia đình khác cũng như vậy. Nhưng bình thường không có nghĩa là chuyện này không cần thay đổi.
Ngoài thiên chức có thai và sinh con, phụ nữ và đàn ông không có nhiều khác biệt về tiềm năng trong những vai trò khác. Tất nhiên đàn ông có thể không chăm con khéo bằng phụ nữ, và phái yếu có thể không đủ cứng cỏi để đảm đương những vị trí đòi hỏi nhiều sức mạnh, nhưng ít ra thì mình nghĩ chúng ta cũng nên dần đưa mọi chuyện về thế cân bằng hơn.
Mình đọc cuốn “Dấn thân” của Sheryl Sandberg và ngộ ra nhiều điều, để biết rằng xã hội chúng ta vẫn có cái nhìn khắt khe hơn với người phụ nữ. Tất nhiên không bàn tới những xã hội còn nặng nề tư tưởng phong kiến, tôn giáo cực đoan,… Những ví dụ đó quá rõ ràng và khắc nghiệt. Nhưng ở những cộng đồng tiến bộ, vẫn có những điều tồn tại mà Sheryl chỉ ra như:
– “Khảo sát năm 2011 của McKinsey ghi nhận nam giới thăng tiến dựa trên tiềm năng, trong khi phụ nữ thăng tiến dựa trên thành tích đã đạt được.”
– “Tham vọng thành đạt trong nghề nghiệp ở nam giới được xem là tất yếu, trong khi đối với nữ giới là vô thưởng vô phạt – hay thậm chí tệ hơn, bị đánh giá tiêu cực”
– “Trong số các nước công nghiệp trên thế giới, Mỹ là nước duy nhất không có chính sách nghỉ hộ sản được trả lương.”
– “Mối quan hệ cố vấn và tài trợ thường hình thành giữa những người có cùng mối quan tâm hay do người trẻ gợi cho người lớn hơn về hình ảnh của mình. Điều này có nghĩa là nam giới thường thiên về tài trợ cho nam thanh niên mà họ thấy có điểm tương đồng. Do nam giới nắm giữ đa số các vị trí cấp cao tại mọi ngành nghề, mạng lưới của họ ngày càng mở rộng.”
– “Sợ hãi là gốc rễ của nhiều rào cản mà phụ nữ phải vượt qua. Sợ không được yêu quý. Sợ đưa ra lựa chọn sai lầm. Sợ thu hút sự chú ý không tốt. Sợ mình vươn xa quá. Sợ bị người ta đánh giá. Sợ thất bại. và nỗi sợ lớn nhất: sợ là một người mẹ/vợ/con không tốt”. Điều này đúng, chính phụ nữ cũng không đủ tin tưởng vào “nữ quyền” của mình. Rất nhiều lao động nữ như mình băn khoăn khi lựa chọn nghề nghiệp, lo sợ liệu khi lập gia đình và có con, chúng ta có thể đảm đương cả “việc nước lẫn việc nhà” hay không? Chúng ta vẫn sợ bị đánh giá nếu nấu ăn không ngon, không giỏi tề gia nội trợ dù chúng ta có giỏi kiếm tiền đến đâu. Điều quan trọng ở đây là, để có được nữ quyền, chúng ta phải chống chọi với chính mình.
– “Các kết nối cá nhân dẫn đến cơ hội làm việc và thăng tiến, do đó xã hội phải chấp nhận cho nam và nữ có thời gian riêng với nhau như giữa nam với nam.” Thật vậy, một lãnh đạo nam ngồi với nhân viên nam trong quán cà phê thì nhiều người khẳng định họ đang bàn công việc, nhưng một lãnh đạo nam ngồi với nhân viên nữ thì lại là một chuyện khác. Sự suy diễn mờ ám cũng là một cản trở cho phụ nữ. Nếu họ ngừng lại việc mở rộng mối quan hệ với một cố vấn nam, sự nghiệp của họ sẽ bị hạn chế. Nhưng nếu họ tiếp tục thì sẽ trở thành mục tiêu trong những cuộc “gossip” điển hình của các bà chị đồng nghiệp.
Điều ngạc nhiên là trong cuốn “Dấn thân”, Sheryl đề cập rất nhiều con số so sánh có liên quan đến Việt Nam, và hầu hết chúng đều rất tích cực. Ví dụ: “Tại Việt Nam, khoảng 5.23% các công ty trên sàn chứng khoán Tp. HCM và HN do phụ nữ nắm quyền tổng giám đốc, và đây là tỉ lệ cao nhất thế giới.” Hoặc “Tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là 72%”.
Theo ý kiến cá nhân, ở Việt Nam, những nơi như trường học, công ty, tổ chức xã hội, khoảng cách phân biệt giữa phụ nữ và đàn ông không lớn, nhìn chung khá bình đẳng. Nhưng trong đời sống thường ngày, mình vẫn thấy thiếu công bằng khi những định kiến cũ rích hay câu khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” khiến phụ nữ chịu nhiều mệt mỏi. Nói điển hình ở quê mình, cả bố và mẹ đều làm việc kiếm tiền, nhưng hầu như chỉ có một mình người mẹ sau giờ đi làm là tiếp tục công việc nhà, nấu nướng, trồng rau, chăn gà, nấu cơm,… Họ còn là người đối ngoại chính yếu của gia đình, người đi vay tiền, người đi họp phụ huynh, người đi mua sắm, người lo giỗ chạp hội hè,… Học làm người, học việc kiếm tiền không chưa đủ, con gái đến tuổi cập kê còn phải sắm cho mình kiến thức bếp núc, chăm lo quán xuyến gia đình trước khi kết hôn, phòng trường hợp bị mẹ chồng chê mình không phải là người dâu tốt, người vợ hiền? Hừm?
Thật ra thì, mình nghĩ phụ nữ biết việc bếp núc, biết chăm lo cho cuộc sống cá nhân và những người thân là vô cùng tốt. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta mặc định mớ trách nhiệm đó là của riêng phụ nữ. Vậy nên từ khi em trai mình bắt đầu lớn, mình đề nghị với ba mẹ cho phép mình giao việc nhà cho nó, dạy nó biết nấu ăn đơn giản, rửa chén, lau nhà, tưới rau. Mình cũng mừng vì trong họ hàng, các anh chị em đến tuổi lớn đều rất tự giác, những ngày tụ họp giỗ chạp lễ Tết, mỗi đứa dù trai gái lớn bé đều biết vào bếp phụ các dì các mẹ, vừa vô cùng công bằng vừa gắn kết gia đình.
Cuối cùng thì mình nghĩ, nữ quyền với mình không phải là “phụ nữ lên nắm quyền”, mà là “phụ nữ được có quyền”. Có thể không cần là giám đốc, chính trị gia hàng đầu, nhưng cần được đối xử công bằng, được quyền nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
“Phụ nữ phải được trao quyền trong công việc, và tương tự nam giới cũng phải được trao quyền chăm sóc gia đình”.
Mình cũng có đọc cuốn này và cũng tìm hiểu kha khá về tác giả, cũng có một số thông tin trái chiều về quan điểm và lối sống của cô ấy. Tuy nhiên thì ai cũng vậy, có mặt tốt xấu, lợi - hại, nên sau khi đọc một cuốn sách và chiêm nghiệm về nó thì chọn lọc ra những gì phù hợp nhất đối với mình thôi.
Đó là bình đẳng trên lý thuyết (mục tiêu, định hướng), còn trên thực tế thì chưa được như vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta có Luật Bình đẳng giới, có Chiến lược thức đẩy Bình đẳng giới,... Và, thế nào mới là "bình dẳng" cũng không phải là câu hỏi dễ trả lời. Bình đẳng là sự cào bằng ngang nhau một cách tuyệt đối hay sẽ phải dựa vào các yếu tố về tâm sinh lý, về đặc điểm giới tính... (nếu vậy thì sự khác biệt cần có ở đây là gì, và khác biệt ở mức độ nào thì đảm bảo đc sự bình đẳng). Mọi việc không đơn giản như bạn nghĩ đâu.
Nữ quyền thì cũng quy lại là quyền con người cả. Khác biệt về giới đương nhiên là có một vài cái không thay đổi được nhưng cái cần phải thay đổi là quan điểm cứng nhắc của xã hội (thời nào cũng có), thứ vô hình chung áp đặt lên phụ nữ, đàn ông và mọi người trong gia đình, trong cộng đồng. Phụ nữ đồng ý là thường xuyên bị "đóng khung" trong những giới hạn do xã hội áp đặt (nhiều hơn là nam giới) nhưng cũng phải hiểu là bản chất của "đóng khung" này phần nào do "thiên mệnh" đặc thù của phụ nữ - làm mẹ, mà người phụ nữ luôn được gán cho và đôi khi bản thân phụ nữ cũng muốn "hy sinh" cho sứ mệnh này (làm mẹ nên phải chăm con, ở nhà và không đi làm, không tiếp xúc xã hội nên cũng ít có cơ hội phát triển như đàn ông). Điều phụ nữ cần làm là nhìn nhận được những vấn đề này và không để những rào cản từ xã hội và văn hòa ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và đưa ra quyết định của mình một cách độc lập. Vì cơ bản quyền con người hay nữ quyền cũng đều xoay quanh việc cho phép một người tự do trong suy nghĩ và hành động như mong muốn của họ.
Đó là lý do tại sao chúng ta có Luật Bình đẳng giới, có Chiến lược thức đẩy Bình đẳng giới,...
Và, thế nào mới là "bình dẳng" cũng không phải là câu hỏi dễ trả lời. Bình đẳng là sự cào bằng ngang nhau một cách tuyệt đối hay sẽ phải dựa vào các yếu tố về tâm sinh lý, về đặc điểm giới tính... (nếu vậy thì sự khác biệt cần có ở đây là gì, và khác biệt ở mức độ nào thì đảm bảo đc sự bình đẳng).
Mọi việc không đơn giản như bạn nghĩ đâu.