Nhắc đến Nguyễn Trãi, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới hình tượng một vị anh hùng nước Nam, là một khí phách điển hình, là tinh hoa của dân tộc Việt. Công lao quý giá và sự nghiệp vĩ đại nhất của ông là tấm lòng vì nước thương dân tha thiết và sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Ông đã dành cả tâm hồn, trí tuệ, tài năng cống hiến cho lợi ích của dân tộc trong phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần không nhỏ cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Với những đóng góp to lớn của Nguyễn Trãi trong thời đại của ông nói riêng, cho lịch sử quốc gia nói chung, ông xứng đáng được bước vào hàng ngũ những nhân vật bất tử trong lòng người dân đất Việt…
Thế nhưng, liệu đó có phải là sự thật? Hay đó chỉ đơn giản là một sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc, để tạo nên một niềm tự hào giả tưởng quá đà về người đã viết ra Bình Ngô Đại cáo, thứ được xem như “bản tuyên ngôn độc lập thứ hai” của lịch sử Việt Nam? Những tài liệu lịch sử đương thời viết về Nguyễn Trãi ra sao? Bài viết này được thực hiện để phần nào giải đáp những thắc mắc đó cho bạn đọc.
Tạo hình Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô Đại Chiến 2" của Việt Sử Kiêu Hùng
Tạo hình Nguyễn Trãi trong "Bình Ngô Đại Chiến 2" của Việt Sử Kiêu Hùng

Nguyễn Trãi có vai trò gì trong Khởi nghĩa Lam Sơn?

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng thông tin về Nguyễn Trãi trong chính sử rất rải rác và không quá sâu. Vậy nên cần phải chia theo từng mục nguồn tư liệu khác nhau, rồi mới bắt đầu phân tích vai trò thật sự của Nguyễn Trãi là gì. Khá đáng tiếc khi mà những tư liệu lịch sử dưới thời Hậu Lê hiện nay phần nhiều đã bị thất lạc hoặc phá huỷ. Tuy nhiên vẫn còn 3 bộ sử lớn được soạn dưới thời Hậu Lê, có độ tin cậy cao tồn tại những ghi chép về Nguyễn Trãi là Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lam Sơn Thực lụcĐại Việt Thông sử. Vậy nên các phân tích trong bài viết này sẽ dựa trên các ghi chép chủ yếu từ 3 bộ sử này. Ngoài ra, có tham khảo thêm các nguồn đương thời có đề cập tới khởi nghĩa Lam Sơn như Minh thực lục để tăng thêm tính khách quan và có được một cái nhìn toàn cảnh hơn về những gì đã diễn ra.
Dựa vào các tư liệu lịch sử đã nói ở trên thì cho đến nay, các ghi chép chỉ cho thấy Nguyễn Trãi đóng góp một cách rõ ràng vào giai đoạn cuối của khởi nghĩa Lam Sơn, khoảng những năm 1427-1428, cụ thể ở những công việc sau:
Đầu tiên, Nguyễn Trãi là người có công tham gia chiêu hàng những thành trì đã bị quân Lam Sơn vây khốn lâu ngày qua đàm phán trực tiếp hoặc viết thư. Đồng thời, Nguyễn Trãi cũng có vai trò phụ trách công tác ngoại giao với quân Minh ở Đông Quan (tức Thăng Long, hay Đông Đô) để đi đến hoà ước chấm dứt chiến tranh:
Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi, chỉ còn trông cậy vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước. Khi ấy, các tướng sĩ và người nước ta, khổ vì bọn giặc tàn ngược đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khoé biến trá, phải dùng quân mà đánh thắng chúng, khuyên vua hãy giết chúng đi. Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gửi về nước nói rằng: "Chớ vì một góc đất đai nhỏ nhoi mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng... như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được". Nên Trãi biết rất rõ chỗ mạnh yếu của giặc, mới chủ trương hoà nghị. Vua nghe theo. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Hoàng đế sai Nguyễn Trãi đi cùng với người đã hàng là viên chỉ huy họ Tăng đến thành Tam Giang chiêu dụ. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Vương Thông và Sơn Thọ bị bao vây khốn đốn, lại xin giảng hòa. Quốc dân ta đã bị cực khổ về chính sách tàn bạo của người Minh lâu năm, nên phần nhiều kéo nhau đến xin Hoàng đế đánh gấp và giết cho bằng hết để hả giận. Ngài bèn phán rằng: "Việc dụng binh, lấy sự toàn quân (không chết một mạng nào) là hơn cả. nay hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua nhà Minh, trả lại đất nước ta, không còn xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết, để kết mối thù với nước lớn". Ngài bèn ưng cho hòa và ra lệnh cho Lộ Bắc Giang và Lạng Giang, tu sửa lại cầu cống đường xá, sắm đủ ghe thuyền, để chờ đưa quân Minh về nước. Lại sai Hành khiển là Nguyễn Trãi soạn tờ biểu, viết lời Trần Cao dòng dõi họ Trần xin được dựng làm vua, đưa tờ biểu này nhờ Tướng ở Vân Nam là Mộc Thạnh và Tướng ở Quảng Tây là Cố Hưng Tổ chuyển tâu với triều Minh. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Quân Lam Sơn, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Quân Lam Sơn, ảnh của Việt Sử Kiêu Hùng
Thứ hai, Nguyễn Trãi có phục vụ trong bộ tham mưu, đọc và phân tích tình hình quân địch để thông báo cho nghĩa quân, thể hiện ở chi tiết đọc được thư bọc sáp của Vương Thông nên thuyết phục được các tướng chịu nghị hoà hay việc Lê Lợi dựng lầu cao bên ngoài Đông Quan, có Nguyễn Trãi ở ngay tầng dưới cũng thể hiện việc này. Điều đó cũng là dễ hiểu vì Nguyễn Trãi xuất thân nho sĩ, am hiểu văn hoá Hán lẫn chữ Hán. Chưa kể đến việc trước khi tham gia nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi từng có thời gian dài ở thành Đông Quan, và có thể đã từng phiêu bạt nhiều năm tại Trung Quốc, do đó ông có hiểu biết nhất định về quân Minh, được giao việc như vậy là hợp lý.
Phong cho viên Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi chức "Triều liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm Cơ Mật viện". Hoàng đế sai dựng một cái lầu mấy tầng trong dinh Bồ Đề, hằng ngày ngài ngự tại từng lầu trên cùng, để trông vào thành bên địch, cho Nguyễn Trãi ngồi ở tầng lầu dưới, để bàn luận cơ mưu hầu ngài, và thảo những thư từ gửi đi, xét những thư từ gửi tới. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gửi về nước [...] mới chủ trương hoà nghị. Vua nghe theo. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Cuối cùng, đó là phụ trách công tác thông tin và tuyên truyền. Điển hình là việc viết Bình Ngô đại cáo hay soạn thảo thư từ cho Lê Lợi.
Nhà vua từ khi khởi nghĩa, đến lúc bình được giặc, lấy lại được nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại ở trong quân, đều sai văn thần Nguyễn Trãi soạn ra. - Lam Sơn Thực lục -
Phong cho viên Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi chức "Triều liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm Cơ Mật viện" [...] thảo những thư từ gửi đi, xét những thư từ gửi tới. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Từ những ghi chép đã dẫn ở trên, có thể thấy Nguyễn Trãi đã thực sự đóng một vai trò nhất định trong giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, đóng góp của ông hầu hết chỉ xoay quanh công việc văn thư là chủ yếu. Do đó, để cho rằng Nguyễn Trãi đóng vai trò lớn ở mảng quân sự, thậm chí theo vài lời ngợi ca là giống như Gia Cát Lượng hay Hàn Tín thì thực là không có cơ sở. Đơn giản là vì, chúng ta không tìm thấy được một ghi chép hay dẫn chứng nào thuyết phục trong các tư liệu chính sử nói về khả năng quân sự của Nguyễn Trãi cả.

Vậy thì đóng góp của Nguyễn Trãi về mặt quân sự cho nghĩa quân Lam Sơn như thế nào? Có hay không?

Tuy rằng nói Nguyễn Trãi thực sự chẳng phải một vị tướng hay chí ít là có khả năng quân sự, nhưng dẫu vậy, vẫn có thể ghi nhận đóng góp nhất định của ông cho nghĩa quân về mặt này. Tuy nhiên, những đóng góp của Nguyễn Trãi chỉ ở một mức độ nào đó, hoàn toàn không có chuyện như ông là người có công lớn nhất khởi nghĩa Lam Sơn. Nào là ông là quân sư của Lê Lợi, người dắt toàn quân đến thành công; ông là linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Thậm chí nếu không kể đến những lời tâng bốc quá đà như vậy, thì nhiều người vẫn tin rằng Nguyễn Trãi có tài năng quân sự đáng kể và góp công nhiều vào các chiến thắng của nghĩa quân. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ các tài liệu lịch sử, ta sẽ thấy thực chất vai trò của Nguyễn Trãi cũng chỉ bình thường, nếu không muốn nói là kém hơn rất nhiều nhân vật khác trong đội ngũ nghĩa quân Lam Sơn.
Ngoại trừ những đóng góp về mảng thư từ qua lại với quân Minh đã được dẫn ra ở trên, ta khó có thể tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Nguyễn Trãi có đóng góp nổi trội về chiến lược hay quân sự cho quân Lam Sơn. Những chiến lược quan trọng hầu hết đều do bản thân Lê Lợi hay các tướng đưa ra. Xin dẫn một vài ví dụ như sau:
Đầu tiên, xin viện trợ từ Ai Lao để thoát khỏi mối nguy thiếu thốn quân nhu là Trịnh Khả và Trương Lôi:
Hoàng đế được biết Trịnh Khả và Lê Lôi (là Trương Lôi, do sau ông được ban họ Lê nên sách chép là Lê Lôi) đã từng đi đón tiếp con voi từ nước Ai Lao về, tất nhiên am hiểu tiếng nói và văn tự nước Ai Lao, bèn sai hai tướng này mang tờ thông điệp sang bảo Quốc Vương nước Ai Lao rằng: "Quốc gia tôi phụng tờ thông điệp của triều Đại Minh ban cho nhà vua. Vậy nhà vua hãy đem số lương thực đủ quân sĩ dùng trong 5 tháng, và khí giới cùng voi trận tới yết kiến, rồi nhận tờ điệp văn về thi hành, để khỏi phải bắt giải. Nếu không tuân mệnh, lập tức sai nước Xa Lý và Lão Qua hợp quân 6 nước tiến đánh" Vua nước Ai Lao sợ hãi, xin tuân mệnh trên. Hoàng đế nhờ được lương thực và quân dụng đó, nên thế quân lại trở nên phấn chấn. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Người hiến kế di chuyển địa bàn hoạt động vào vùng Nghệ An, tạo tiền đề cho sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn là tướng Nguyễn Chích:
Năm Giáp Thìn (1424) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 22, mùa thu, tháng 7, vua Thái Tông nhà Minh chết, Thái tử lên nối ngôi Thiên Tử, đổi niên hiệu là Hồng Hưng. Lúc này mới có tờ chiếu đình chỉ việc kiếm vàng bạc và các thứ hương ở Giao Chỉ ta, triệt hồi các viên Giám đốc về công tác trên. Ngày 20, tháng 9. Hoàng đế hỏi các bầy tôi rằng: "Nay chúng ta nên tới xứ nào để mưu đồ việc nước?" Thiếu úy Lê Chích (Nguyễn Chích được ban họ Lê nên sách chép là Lê Chích) đáp: "Hạ thần thường qua lại tỉnh Nghệ An nhiều lần, nên có biết những nơi hiểm yếu trong tỉnh ấy. Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành tỉnh Nghệ An, hễ ai hàng thì ta phủ dụ, nếu không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể sẽ thành" Hoàng đế cho lời bàn của Lê Chích là phải, bèn chia quân đến đánh úp phá thành Đa Căng, số quân địch bị giết và bị chết đuối có tới hơn một ngàn, ngụy Tham chánh là Lương Nhữ Hốt chỉ kịp chạy thoát lấy một mình, ta thu được chiến lợi phẩm vô kể, rồi đốt hết trại thành. Tướng của Cầm Bành là Hoa Anh dẫn quân lại cứu, ta lại đánh tan. Hoa Anh thua chạy vào Tây Đô. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Đại thắng ở Tốt Động - Chúc Động, tạo nên bước ngoặt cho cuộc khởi nghĩa là nhờ tài cầm quân của hai tướng Đinh Lễ, Lý Triện:
Lễ và Triện dùng luôn kế của giặc để đánh giặc, hạ lệnh cho các quân nghe tiếng súng nổ vẫn nằm im không được nhúc nhích. Giặc cho là không có quân, đi theo đường tắt tới, nổ súng rồi đem toàn bộ quân tiến sâu vào. Đến cách sông Yên Duyệt vài dặm thì phục binh ta ba mặt đều xông lên, hăng hái đánh vào các xứ Tốt Động, Chúc Động, phá tan quân giặc, chém được thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và 5 vạn quân giặc. Giặc chết đuối rất nhiều, nước sông ở Ninh Kiều do vậy mà tắc nghẽn. Bắt sống hơn 1 vạn tên giặc, thu được ngựa, quân tư, khí giới, xe cộ nhiều không kể xiết. Phương Chính theo đường bến Cổ Sở trốn về. Bọn Vương Thông, Mã Kỳ chỉ thoát được thân, chạy về thành Đông Quan. Tin thắng trận báo về hành dinh ở Lỗi Giang. Bấy giờ, vua đương đóng quân ở Thanh Hóa, hội các quân ở Hải Tây, nhận được thư báo thắng trận của bọn Lê Lễ, bèn đích thân dẫn đại quan và 20 thớt voi chia hai đường thủy, lục ngày đêm đi gấp. Ngày 11, tới sông Lũng Giang đóng dinh, các tướng tới đón mừng. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Và rồi trong khi các tướng đang đánh chặn viện binh của nhà Minh tại ải Chi Lăng, thì Nguyễn Trãi còn đang cùng Lê Lợi thư từ ngoại giao với giặc ở Đông Quan. Việc một vị quân sư ngồi tại chỗ chỉ đạo việc ngàn dặm ngoài xa chỉ có trong tiểu thuyết, nên thuyết âm mưu rằng những trận đánh đó có sự chỉ đạo của Nguyễn Trãi chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi.
Nhiều người cho rằng các cuộc dụ hàng thành địch của Nguyễn Trãi đóng vai trò chủ chốt trong việc triệt hạ các cứu điểm của quân Minh, nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại: các thành quả đàm phán đều bắt nguồn từ chiến thắng quân sự. Tất nhiên chúng ta không thể phủ nhận được Nguyễn Trãi đã có công dụ hàng được một số thành địch, nhưng như thế không có nghĩa chỉ cần vài ba bức thư là xong. Ta hãy xét kỹ việc chiêu hàng các thành địch của quân Lam Sơn như thế nào:
- Thành Nghệ An - đầu hàng (Toàn Thư - tháng 1/1427): theo Minh Thực lục thì ngày 29/9/1426 nhận được tin từ Trần Hiệp cho biết thành bị vây đánh ngày đêm.
- Thành Diễn Châu - đầu hàng (tháng 1/1427).
- Thành Tây Đô - cố thủ không hạ được, hàng tướng Thái Phúc đi chiêu hàng, cũng không thành. Mãi đến sau khi Vương Thông đầu hàng, Nguyễn Lôi mang tin báo đến thì thành mới hàng.
- Thành Bắc Nhàn - cố thủ không hàng: theo Minh Thực lục thì ngày 21/1/1427, quân Lam Sơn sai hàng tướng Hoàng Linh Châu đi chiêu dụ rồi vây đánh.
- Thành Cổ Lộng - cố thủ không hạ được, cũng như thành Tây Đô, sau khi Vương Thông đầu hàng rồi thành mới hàng.
- Thành Điêu Diêu - đánh cho phải hàng: Bùi Quốc Hưng cầm quân đánh, song song với Nguyễn Trãi viết thư chiêu hàng.
- Thành Thị Cầu - đánh cho phải hàng: Bùi Quốc Hưng cầm quân đánh, sau được Nguyễn Chích đem quân tiếp viện.
- Thành Tam Giang - đánh cho phải hàng: tháng 6/1427, Nguyễn Trãi và hàng tướng họ Tăng đi chiêu hàng; các tướng Trịnh Khả, Lê Khuyển vây đánh.
- Thành Khâu Ôn - phải đánh hạ, các tướng Trần Lựu, Lê Bôi cầm quân.
- Thành Chí Linh - cố thủ không hạ được.
- Thành Xương Giang - phải đánh hạ, các tướng Lê Sát, Lê Thụ vây đánh; Nguyễn Trãi viết thư chiêu dụ nhưng không được, kể cả kết hợp với hàng tướng Thái Phúc; sau có Trần Nguyên Hãn tăng viện mới hạ được.
- Thành Đông Quan - cố thủ rồi nghị hòa sau chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang. Vương Thông liều chết cố thủ, nhiều lần phản kích gây thiệt hại cho quân Lam Sơn (hai tướng giỏi bậc nhất của Lam Sơn là Đinh Lễ và Lý Triện đều tử trận do quân Minh phản kích khi vây Đông Quan). Mãi sau khi hai đạo viện quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh bị đánh tan, Vương Thông mới chịu hàng.
Như vậy, trong số 12 thành có được ghi chép lại trong sử liệu, ta thấy rằng chỉ một nửa trong số đó là quân Lam Sơn chiêu hàng được, còn lại đều liều chết cố thủ và bị hạ 2 thành. Mà kể cả trong số các thành chiêu dụ được, ta cũng thấy điểm chung là bị vây đánh lâu ngày, nản chí mới hàng. Cho nên, việc chiêu hàng các thành địch phải là sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự của quân Lam Sơn và các bức thư của Nguyễn Trãi. Hoàn toàn không có chuyện chỉ dựa vào một vài bức thư là có thể dụ hàng được hàng ngàn quân Minh. Đơn cử như trường hợp thành Xương Giang vậy. Thành này có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng và quân Lam Sơn muốn đón đánh viện quân Liễu Thăng - Mộc Thạnh thì buộc phải hạ được thành Xương Giang. Vì vậy nên thành cố thủ và chống cự rất ác liệt. Kể cả hàng tướng hay Nguyễn Trãi đi dụ cũng vô hiệu, và quân Lam Sơn đã phải vây đánh tới 9 tháng mới hạ được, vẻn vẹn 10 ngày trước khi viện quân kéo sang. Công lớn nhất hạ được thành này thuộc về tướng Trần Nguyên Hãn.
Dù vậy, vẫn có nhiều người cho rằng, nếu không có Nguyễn Trãi, việc chiêu hàng kẻ địch sẽ không thể diễn ra. Đây là một cách lí luận hết sức mơ hồ, ngầm khẳng định rằng ý tưởng chiêu dụ kẻ địch là của Nguyễn Trãi và chỉ Nguyễn Trãi mới đủ trình độ để dụ hàng kẻ địch. Để làm rõ ràng hơn về việc chiêu hàng thành trì của địch này là chủ ý của ai, chúng ta có thể dựa vào trích đoạn dưới:
Vua từng bảo mọi người: Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược. Phép dùng binh của vua là biết lấy mềm đánh cứng, lấy yếu thắng mạnh, cho nên phần nhiều đều dẫn tới thắng lợi. Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng, chưa từng giết lạm một người nào. Bắt được hơn 10 vạn viện binh của quân Minh, cũng đều tha cả. Vua kinh dinh thiên hạ trong khoảnh 10 năm, dẹp yên loạn lớn và dựng nên nghiệp đế. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Quan quân ta vây thành Đông Đô rất gấp. Vương Thông bị cùng quẩn quá! Bèn gửi thư giảng hòa, xin cho được đem hết quân sĩ về Trung Hoa. Hoàng đế rằng: "Binh pháp có câu: "Không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy" Ngài bèn bằng lòng cho hòa, và hẹn Vương Thông phải dồn tất cả người và lính ở các thành khác, về hội cả Đông Đô, càng sớm càng hay. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Có thể thấy rõ, việc chiêu hàng kẻ địch để tránh thương vong, lại giúp nâng cao danh nghĩa, các nhà chính trị lão luyện đều nghĩ tới chuyện đó, không cần Nguyễn Trãi phải hiến kế thì Lê Lợi cũng tự biết để thực hiện. Ngoài ra, 2 đoạn trích sau lại cho thấy rằng Nguyễn Trãi chỉ nói lại những chủ trương nghị hoà này của Lê Lợi mà thôi:
Vua thân đốc suất tướng sĩ ngày đêm đánh Đông Đô. Bọn Vương Thông, Sơn Thọ nhà Minh hễ đánh là thua, chán nản lo sợ, mưu kế đã cùng, viện binh không có, tình thế ngày một khốn quẫn, bèn sai người đưa thư xin hòa, mong được toàn quân trở về nước. Vua nói: "Câu đó đúng hợp ý ta. Vả lại, binh pháp không đánh mà khuất phục được quân của người là kế hay hơn cả." Bèn bằng lòng cho giảng hòa, hẹn ngày kíp gọi quân sĩ ở các thành cùng một lúc về tập hợp ở thành Đông Quan để cho về nước cả. Sai cận thần trao đổi với quân Minh, cho phép họ được đi lại, mua bán không khác gì dân thường. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế, trang [25a] -
Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi, chỉ còn trông cây vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước. Khi ấy, các tướng sĩ và người nước ta, khổ vì bọn giặc tàn ngược đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khoé biến trá, phải dùng quân mà đánh thắng chúng, khuyên vua hãy giết chúng đi. Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gửi về nước nói rằng: "Chớ vì một góc đất đai nhỏ nhoi mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng... như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được" Nên Trãi biết rất rõ chỗ mạnh yếu của giặc, mới chủ trương hoà nghị. Vua nghe theo. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế, trang [44b] -
Đoạn trích đầu tiên nằm ở trang [25a], cho thấy Lê Lợi đã có tâm thế chiêu dụ kẻ địch để tránh đổ máu không đáng có. Sang trang [44b], tức là thời điểm sau sự kiện đã xảy ra ở trang [25a], Nguyễn Trãi lại nói ra những lời với nội dung y như những gì Lê Lợi từng nói. Điều đấy chỉ cho thấy rằng Lê Lợi và Nguyễn Trãi có tư tưởng hợp với nhau, chứ chẳng hề cho thấy Nguyễn Trãi là người đưa ra ý tưởng nghị hoà cho Lê Lợi. Vậy phải giải thích ra sao về câu “Vua nghe theo”? Đặt vào trong văn cảnh, ta thấy rằng nếu chỉ một mình Lê Lợi chủ trương nghị hoà, trong khi các tướng sĩ lại đều muốn đánh thì dĩ nhiên là tâm thế chủ chiến sẽ áp đảo. Dùng quyền lực để đàn áp thì dĩ nhiên sẽ sinh ra sự bất mãn trong hàng ngũ quân đội, đo đó Lê Lợi mới phải mượn lời của nho sĩ như Nguyễn Trãi để giảm bớt sự bất đồng của các tướng lĩnh, định hướng họ thuận theo chủ trương nghị hoà của mình.
Như vậy, có thể thấy rằng dù không có Nguyễn Trãi, việc chiêu dụ kẻ địch đầu hàng để tránh đổ máu vẫn sẽ diễn ra. Vậy còn lập luận chỉ có Nguyễn Trãi mới đủ trình để chiêu dụ kẻ địch thì sao? Ta lại cùng xem một vài trích dẫn khác:
Người Minh giữ thành Thị Cầu là Đường Bảo Trinh ra hàng. Sai viên chỉ huy họ Tăng đã đầu hàng, theo Nguyễn Trãi đi chiêu dụ thành Tam Giang. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Bấy giờ bọn Thông ở trong thành đã quẫn bách lắm rồi, chỉ còn trông cây vào viện binh, thì viện binh lại bị ta đánh bại, cho nên phải giảng hòa, xin rút quân về nước. - Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển X, Kỷ nhà Lê, mục Thái Cao Tổ Hoàng Đế -
Quan quân ta vây thành Đông Đô rất gấp. Vương Thông bị cùng quẫn quá! Bèn gởi thư giảng hòa, xin cho được đem hết quân sĩ về Trung Hoa. - Đại Việt Thông sử, Quyển I -
Có thể thấy rằng, quân Minh đã có chủ trương hàng từ trước, sau một loạt thất bại quân sự dẫn đến suy sụp ý chí chiến đấu. Với những kẻ đã có tâm thế muốn hàng, khi đó mới có thể chiêu dụ. Do đó, chỉ cần là người có khả năng ăn nói, biết chữ Hán là có thể thực hiện công việc đàm phán này. Và cũng theo các đoạn đã dẫn, Nguyễn Trãi không phải người duy nhất làm được điều này.
Như vậy, với tất cả những dẫn chứng đã nêu ở trên, ta có thể rút ra kết luận rằng, Nguyễn Trãi có vai trò và đóng góp nhất định trong khởi nghĩa Lam Sơn, nhưng nó hoàn toàn không hề lớn lao như nhiều người lầm tưởng, và đa số cũng chỉ nằm ở mảng văn, không phải mảng võ. Thắng lợi mà quân Lam Sơn đạt được phần lớn vẫn phải là nhờ vào sức mạnh quân sự, mà việc đó thì tuyệt nhiên Nguyễn Trãi không hề có dự phần gì. Bằng chứng rõ nhất để đánh giá cho đóng góp của ông vào thắng lợi cuối cùng chính là việc ông được phong thưởng ra sao khi chiến tranh kết thúc. Theo Chức quan chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào tháng 5/1429, Lê Thái Tổ đã phong tước cho các khai quốc công thần, gồm 9 bậc:
- Huyện thượng hầu
- Á thượng hầu
- Hương thượng hầu
- Đình thượng hầu
- Huyện hầu
- Á hầu
- Quan nội hầu
- Quan phục hầu
- Trước phục hầu
Tổng cộng, có 93 người được phong tước, và trong số đó, Nguyễn Trãi được phong là Á hầu, tức là đứng hàng thứ sáu. Điều này cho thấy, vai trò của Nguyễn Trãi cũng chỉ đứng ở vị trí đại khái như vậy, không quá thấp, nhưng cũng chẳng phải cao. Xét công lao không ai rõ bằng những người trực tiếp tham gia khởi nghĩa, và lấy việc phong thưởng của Nguyễn Trãi làm dẫn chứng, tưởng cũng đã cho thấy rõ ràng vai trò thực sự của ông rồi.

Kết

Tổng kết lại, chúng ta đương nhiên có thể thấy rõ một sự thật: đóng góp của Nguyễn Trãi cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đương nhiên là có. Tuy nhiên, nó không hề quá mức lớn lao và thần thánh như nhiều người vốn tưởng. Những đóng góp của Nguyễn Trãi hầu hết chỉ nằm ở mảng văn thư, và về sau có góp phần chiêu dụ một số thành địch, còn đâu tuyệt nhiên chẳng hề có đóng góp gì nhiều nhặn về mảng quân sự. Lâu nay, nhiều người cứ mải đề cao Nguyễn Trãi một cách quá mức mà tưởng như bỏ quên mất bao nhiêu nhân vật khác của khởi nghĩa Lam Sơn, điều này xem ra hơi bất công. Thực tế hoàn toàn khác xa với tiểu thuyết hay những câu chuyện. Hoàn toàn không thể có chuyện một người đủ sức làm nên thành công cho cả một cuộc chiến. Thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn là nhờ đóng góp của biết bao nhiêu nhân vật cùng hàng chục vạn tướng sĩ không tên, và Nguyễn Trãi cũng chỉ góp một phần tương đối nhỏ trong đó mà thôi.
Cũng cần phải nói rõ rằng, bài viết này hoàn toàn không có ý phủ nhận đóng góp của Nguyễn Trãi với khởi nghĩa Lam Sơn. Tác giả đơn thuần chỉ muốn chỉ rõ ra cho mọi người thấy những đóng góp của ông ở mảng nào và mức độ đến đâu mà thôi. Ghi nhận đóng góp của Nguyễn Trãi là điều đúng, nhưng nâng tầm quá mức và thần thánh hóa con người ông, thì lại hoàn toàn chẳng nên chút nào.
Người viết: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark

Tài liệu tham khảo:

- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Đại Việt Thông sử
- Lam Sơn Thực lục
- Minh Thực lục