Julius Caesar. Một chính khách thiên tài. Một chiến lược gia quân sự xuất chúng. Một con người có khả năng thay đổi vận mệnh của cả thế giới.
Nhưng ông cũng là nhân vật nguy hiểm nhất mà La Mã từng chứng kiến.
Caesar đã đối đầu với những kẻ thù vĩ đại nhất thời đại và đánh bại họ từng người một. Ông biến Cộng hòa La Mã thành Đế chế La Mã. Đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Caesar chính là sự sẵn sàng mạo hiểm. Ông xảo quyệt, mưu mô và không phải lúc nào cũng chân thành như những gì tuyên bố.
Vậy điều gì đã biến một chàng thanh niên quý tộc La Mã thành kẻ phá bỏ nền Cộng hòa?  Làm thế nào một người đàn ông có thể thuyết phục cả một quân đội hùng mạnh đi ngược lại chính quê hương mình?  Và quan trọng hơn cả, liệu Caesar thực sự muốn cứu La Mã, hay chỉ đơn giản là muốn chiếm đoạt nó cho riêng mình?
Ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Julius Caesar - nhà độc tài đã thay đổi cả thế giới phương Tây.
Tượng nhân vật chính của câu chuyện - Julius Caesar
Tượng nhân vật chính của câu chuyện - Julius Caesar

KHỞI ĐẦU GIAN KHÓ

Rome, năm 81 trước Công nguyên, sau 8 năm nội chiến đẫm máu, thành phố hùng mạnh nhất thế giới đã rơi vào tay một vị tướng. Tên ông là Sulla. 
Với Rome lúc bấy giờ, Sulla là hiện thân của một thay đổi nguy hiểm. Suốt hơn 400 năm, Rome vận hành dưới hình thức cộng hòa, một hệ thống trong đó quyền lực được phân chia giữa nhiều người và không ai được nắm giữ quyền lực vĩnh viễn. 
Chế độ độc tài là một chức vụ đặc biệt, chỉ được kích hoạt trong những thời điểm khẩn cấp. Một nhà độc tài có toàn quyền quyết định nhưng chỉ được giữ chức trong vòng sáu tháng hoặc cho đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc. Tùy theo thời gian nào ngắn hơn.
Nhưng với sự xuất hiện của Sulla, điều này thay đổi. Ông không đặt thời hạn cho việc từ bỏ quyền lực.
Chân dung của Sulla trên đồng denarius được đúc năm 54 trước Công nguyên
Chân dung của Sulla trên đồng denarius được đúc năm 54 trước Công nguyên
Chiến thắng của Sulla lập tức mở ra một cuộc thanh trừng tàn khốc chưa từng thấy. Hàng ngàn kẻ thù chính trị bị săn lùng và trừ khử không thương tiếc. Giữa cơn bão tàn khốc này, nhân vật chính của câu chuyện xuất hiện. Một thanh niên trẻ đang cận kề hiểm nguy. 
Gaius Julius Caesar sinh ra trong một gia tộc đã mất đi ánh hào quang. Tệ hơn, chú của Caesar là Marius và cha vợ Cinna đều là kẻ thù không đội trời chung với Sulla.
Về mặt chính trị, hai người này thuộc phe populares, tức "những người dân chủ". Họ là những quý tộc ủng hộ quyền lợi của tầng lớp bình dân và nông dân. Đối lập là phe optimates gồm những quý tộc bảo thủ, cố gắng duy trì trật tự hiện có mà mà Sulla cầm đầu. 
Giờ đây, sau khi phe populares đã thua cuộc, Caesar đứng trước bờ vực của cuộc tàn sát.
Yêu cầu của Sulla dành cho Caesar vừa đơn giản lại phức tạp: Hãy ly hôn với Cornelia, con gái của Cinna, kẻ thù mà Sulla cần loại bỏ. Cuộc hôn nhân này không chỉ là tình yêu, mà còn là mối liên kết chính trị nguy hiểm trong mắt nhà độc tài.
Từ chối có nghĩa là cái chết. Chấp nhận có nghĩa là phản bội cả tình yêu lẫn niềm tin.
Và Caesar đã chọn con đường nguy hiểm nhất. Ông từ chối ly hôn. Có lẽ vì tình yêu, có lẽ vì lòng trung thành chính trị, hoặc cả hai. Lịch sử không ghi lại rõ ràng. Nhưng quyết định này đã đặt ông vào tình thế vô cùng cấp bách.
Tên ông xuất hiện trên danh sách đen. Những kẻ săn tiền thưởng của Sulla bắt đầu cuộc truy lùng khắp các ngóc ngách của thành phố.
Caesar phải chạy trốn trong nhiều tháng. Đây được xem như  khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời ông. Và khi bị bắt bởi người của Sulla, Caesar buộc phải hối lộ chúng bằng toàn bộ số tiền mình có.
Trong khi đó, gia đình Caesar vẫn đang nỗ lực vận động Sulla ân xá cho ông. Cuối cùng, Sulla cũng nhượng bộ trước sự kiên trì của họ. Caesar được ân xá.
Nhưng trở về Rome không có nghĩa là an toàn. Thành phố vẫn nguy hiểm với một kẻ từng chống lại Sulla. Vì thế, Caesar chọn con đường khác. Ông gia nhập quân đội La Mã, tìm kiếm kinh nghiệm và cơ hội để có thể thăng tiến sau này.
Đây không chỉ là sự lựa chọn để tránh nguy hiểm, mà còn được xem như cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Mỗi quý tộc La Mã đều phải phục vụ trong quân đội. Đó là truyền thống thiêng liêng của một xã hội luôn tôn vinh những chiến binh.
Caesar được cử đến một hòn đảo của Hy Lạp, tham gia dẹp loạn một cuộc nổi dậy. Và chính ở đây, ông đã chứng minh bản thân không phải là một người lính bình thường.
Trong một trận chiến, khi thấy một đồng đội bị thương, Caesar không chút do dự lao vào vòng vây kẻ thù để cứu người. Hành động dũng cảm ấy đã mang về cho ông Vương miện Công dân Corona Civica. Đây là phần thưởng cao quý nhất mà nhà nước La Mã dành cho những anh hùng.
Suốt những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, Caesar không chỉ học hỏi về chiến tranh mà còn hiểu sâu sắc về bản chất của một đế chế. Ông nhận ra rằng tầm ảnh hưởng của La Mã vượt xa khỏi một thành phố. Nó là cả một thế giới mà ông muốn trở thành một phần không thể thiếu.
Năm 78 trước Công nguyên, tin vui đến với Caesar: Sulla qua đời. Cánh cửa trở về Rome cuối cùng đã mở ra. Sau bốn năm lưu vong, người đàn ông trẻ tuổi tài năng này đã sẵn sàng bước vào chính trường và bắt đầu hành trình đầy tham vọng của mình.

BƯỚC VÀO CHÍNH TRỊ 

Trở về Rome, Caesar bắt đầu sự nghiệp làm luật sư. Nhưng ai cũng biết đó chỉ là bước đệm. Ông khao khát được bước chân vào con đường chính trị. Và không như nhiều người, Caesar không muốn leo từng bước một. Ông muốn nhảy vọt lên.
Trong một Rome ngày càng chia rẽ giữa giàu và nghèo, nơi vô số dân chúng chen chúc trong những khu ổ chuột và sống nhờ vào trợ cấp, Caesar tin rằng ông có thể mang lại thay đổi. 
Mặc dù Sulla đã chết, nhưng những kẻ thân tín của hắn vẫn nắm quyền trong chính phủ. Tham nhũng tràn lan, và Caesar, vốn xuất thân từ phe populares  tin rằng ông có thể sửa chữa mọi thứ. Nhưng để làm được điều đó, ông cần quyền lực thực sự.
Và năm năm sau ngày trở lại La Mã, thời cơ cuối cùng cũng đến. Một biến cố chấn động đã làm rung chuyển toàn bộ đất nước.
Năm 73 trước Công nguyên, khi một nhóm đấu sĩ do Spartacus dẫn đầu vượt ngục khỏi trường huấn luyện của họ, chẳng ai ngờ đây sẽ là khởi đầu cho cuộc nổi dậy nô lệ lớn nhất trong lịch sử La Mã. Trong vài tháng, Spartacus đã tập hợp được một đội quân 120.000 nô lệ, gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có cho Rome.
Hai năm đầu của cuộc nổi dậy diễn ra vô cùng thuận lợi đối với Spartacus, nhưng lại là một thảm họa đối với người La Mã. Hai đội quân được Thượng viện La Mã huy động và tài trợ đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi cuộc nổi dậy của Spartacus là một tin xấu đối với nhiều người, thì nó lại là tin tốt đối với Caesar. Bão tố lại mang đến cơ hội. 
Trong khi Rome chìm trong khủng hoảng, ông tranh cử vào chức vụ quân sự đầu tiên của mình - dân biểu quân sự, tương đương với cấp đại tá ngày nay. Caesar  thắng lợi, và ngay lập tức nhìn thấy cơ hội để gây dựng tên tuổi cho mình. Nếu có thể góp phần đánh bại Spartacus, vị thế của ông trong nền Cộng hòa La Mã sẽ lên một tầm cao mới.
Người chịu trách nhiệm chỉ huy quân đội La Mã trong thời khắc nguy nan này là Marcus Licinius Crassus - người giàu có nhất La Mã. Đây không phải nhiệm vụ ai cũng dám nhận, đặc biệt khi Spartacus đã đánh bại nhiều tướng lĩnh La Mã danh tiếng trước đó. Nhưng Crassus khao khát danh tiếng quân sự để leo lên đỉnh cao quyền lực. Và với khối tài sản khổng lồ, ông ta có thể tự xây dựng và duy trì một đội quân riêng.
Tượng bán thân được tìm thấy trong Lăng mộ họ Licinian ở Rome,  được cho là của Crassus
Tượng bán thân được tìm thấy trong Lăng mộ họ Licinian ở Rome, được cho là của Crassus
Một ngày, Crassus bắt gặp Caesar đang vi phạm luật cấm đánh bạc. Thay vì trừng phạt, ông nhận ra cơ hội trước mắt. Crassus đã nghe về thành tích của Caesar, đặc biệt là Vương miện Công dân mà chàng trai trẻ đã giành được. Thách thức Caesar một ván cờ, Crassus đã mở ra cánh cửa cho một mối quan hệ sẽ kéo dài suốt 20 năm tiếp theo.
Trên bàn cờ, Caesar đi nước cờ táo bạo, khiến Crassus chú ý. Qua những lượt đi, Caesar không chỉ thể hiện trí thông minh sắc sảo mà còn bộc lộ tầm nhìn chiến lược của mình. Ông giải thích rằng sự hung hăng là chìa khóa chiến thắng, nhưng không phải là tất cả. Đấu sĩ được huấn luyện quá tốt nên không thể đánh bại chỉ bằng kiểu hung hăng đơn thuần. Caesar nhấn mạnh rằng người La Mã có một lợi thế khác: họ là những kỹ sư giỏi nhất thế giới. Tại sao phải đối đầu trực diện khi có thể làm suy yếu kẻ thù từ trước?
Crassus đã áp dụng chiến lược này. Ông ta dồn Spartacus xuống cực nam của Ý, rồi xây một bức tường dài 40 dặm để chặn đường thoát. Kế hoạch là bỏ đói quân nổi dậy, buộc họ phải đầu hàng hoặc suy yếu đến mức có thể dễ dàng bị tiêu diệt. Quả nhiên, quân của Spartacus dần cạn kiệt lương thực.
Nhưng rồi số phận đã can thiệp. Một cơn bão tuyết bất ngờ làm đầy các chiến hào, tạo cơ hội cho Spartacus và đội quân của ông ta trốn thoát khỏi vòng vây. Dù vậy, lợi thế vẫn thuộc về quân La Mã. Đội quân của Crassus đã đánh bại hoàn toàn những đấu sĩ đang kiệt sức và đói khát, chấm dứt mối đe dọa lớn nhất đối với Rome.
Cuộc chiến với Spartacus đã biến Crassus và Caesar trở thành đồng minh, thậm chí là bạn thân. Khi kết thúc cuộc chiến, Caesar có trong tay hai lợi thế lớn. Một là danh tiếng quân sự. Hai là sự ủng hộ từ Crassus, người giàu có nhất La Mã. Đây là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp chính trị của Caesar.
Nhưng ở Rome, tiền bạc và danh tiếng quân sự không phải là tất cả. Bên cạnh Crassus, còn một người khác cũng đang tranh giành vị trí quyền lực nhất La Mã.  Đó là Pompey. Trong khi Crassus là người đánh bại Spartacus, Pompey chỉ truy quét tàn quân còn sót lại. Tuy nhiên, ông ta đã khéo léo tận dụng cơ hội để tự nhận công trạng về mình.
Pompey từng nổi tiếng với biệt danh "Tên đồ tể trẻ tuổi" vì sự tàn nhẫn. Giờ đây, ông ta tự xưng với danh hiệu "Magnus" - nghĩa là "Vĩ đại". Pompey là một vị tướng tài ba, nhưng cũng là người nghiện vinh quang, luôn tìm kiếm danh tiếng ngay cả khi không xứng đáng. Trong giới quân sự, ông được biết đến như một bậc thầy trong việc cướp công lao của người khác.
Giữa Crassus và Pompey là mối thù không đội trời chung. Crassus coi Pompey là kẻ không xứng đáng với những danh vọng có được bởi chính ông đang bị tước đoạt những công trạng ấy. Về phía Pompey, ông ta xem Crassus là mối đe dọa lớn nhất đối với địa vị của mình. Cuộc đối đầu giữa hai người đã định hình toàn bộ chính trường La Mã lúc bấy giờ.
Điều này đặt Caesar vào tình thế khó. Ông không thể làm mất lòng bất kỳ ai trong số họ. Một bước đi sai lầm có thể chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp chính trị đang lên. Nhưng Caesar là người có tầm nhìn xa. Ông hiểu rằng trong mâu thuẫn này có cơ hội cho người thứ ba như ông.
Trong hai năm tiếp theo sau chiến thắng trước Spartacus, Caesar tập trung vào việc xây dựng danh tiếng của mình. Mục tiêu của ông rất rõ ràng:  tìm kiếm cơ hội để leo nhanh trong chính trường La Mã đầy quyền lực.
Nhưng vào mùa hè năm 69 TCN, khi Caesar vừa bước qua tuổi 31, định mệnh đã giáng xuống ông một đòn tàn nhẫn. Cornelia, người vợ mà ông từng liều mạng không chịu ly hôn dù bị Sulla đe dọa, nay đột ngột qua đời. Dù không có ghi chép chính xác về nguyên nhân, nhưng nhiều sử gia tin rằng bà đã mất khi sinh con, một nguyên nhân phổ biến đã cướp đi sinh mạng của một phần ba phụ nữ thời bấy giờ.
Cái chết của Cornelia không chỉ là một tổn thất cá nhân lớn lao, mà còn là một đòn giáng mạnh vào tham vọng của Caesar. Ông mất đi mối liên kết quan trọng với một gia tộc quyền lực.
Nhưng đúng như bản tính của mình, Caesar đã biến bi kịch cá nhân này thành một cơ hội chính trị. Ông quyết định tổ chức một đám tang công khai cho Cornelia, điều chưa từng có cho phụ nữ La Mã thời đó. Theo truyền thống, đám tang là cơ hội để tôn vinh những đóng góp của gia tộc đối với Nhà nước La Mã. Và Caesar đã tận dụng triệt để cơ hội này.
Đứng trước đám đông với ánh mắt trầm ngâm đầy cảm xúc, Caesar đã thực hiện một hành động táo bạo khiến toàn Rome phải chú ý. Trong tang lễ, ông cho trưng bày những chiếc mặt nạ tổ tiên của mình, đặc biệt là của chú ông - Marius, và cha vợ ông - Cinna. Dù Sulla đã chết, việc trưng bày những chiếc mặt nạ này vẫn bị coi là bất hợp pháp, bởi cả Marius và Cinna đều thuộc phe bại trận trong cuộc nội chiến.
Đây không đơn thuần là một nghi lễ tưởng nhớ . Đây là một tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ. Caesar đang gửi một thông điệp rõ ràng: đã đến lúc những người theo phe dân thường populares có thể ngẩng cao đầu trở lại. Hành động này tức thì khiêu khích phe bảo thủ optimates, những kẻ vẫn đang nắm quyền lực ở La Mã.
Nhiều người đã đứng lên phản đối với giọng phẫn nộ vang dội khắp thành phố. Họ cáo buộc Caesar đang tôn vinh những kẻ từng là tội phạm, phản loạn, kẻ thù của Cộng hòa La Mã. Nhưng Caesar không hề nao núng.
Trong đám đông những người phẫn nộ, nổi bật lên một nhân vật sẽ trở thành kẻ thù lớn nhất của Caesar, một cái tên nổi bật trong chủ nghĩa Khắc Kỷ. 
Tượng bán thân bằng đồng của Cato
Tượng bán thân bằng đồng của Cato
Cato là lãnh đạo chủ chốt của phe optimates bảo thủ. Ông không giấu giếm sự khinh miệt của mình và công khai chế nhạo Caesar, cho rằng ông nên cúi đầu vì xấu hổ vì chú và cha vợ đã thua trong cuộc chiến.
Mối thù giữa Caesar và Cato không chỉ là đối đầu chính trị. Đó là sự căm ghét đến tận xương tủy. Cả hai đều là những người tham vọng, đều khao khát vươn lên đỉnh cao quyền lực La Mã. Nhưng họ đại diện cho hai thế giới quan hoàn toàn đối lập: người cải cách và kẻ truyền thống.
Đứng trước sóng gió chỉ trích, Caesar không lùi bước. Ông tự giới thiệu mình với tư cách là Gaius Julius Caesar, người đến để tưởng nhớ vợ mình và đưa ra lời hứa với nhân dân. Đây chính là bước ngoặt chính trị của đời ông, khoảnh khắc ông công khai tuyên bố tham vọng của mình.
Trước đám đông, Caesar nhấn mạnh rằng gia tộc ông mang dòng máu của các vị vua. Ông đang khẳng định rằng gia tộc Julii - một dòng họ lâu đời và cao quý của La Mã  xứng đáng được tôn trọng như những gia tộc quyền lực khác. Nhưng không dừng lại ở đó,  Caesar còn tạo ra sự kết nối sâu sắc với người dân thường khi tuyên bố mình là một trong số họ, một người La Mã đích thực.
Đám đông bùng nổ trong tiếng vỗ tay nhiệt liệt khi Caesar chỉ trích những kẻ đang điều hành thành phố chỉ vì lợi ích cá nhân. Ông tuyên bố sẽ hành động để giúp đỡ người dân bình thường ở La Mã, kêu gọi họ đi cùng ông và hứa hẹn về những thành tựu họ có thể đạt được cùng nhau. Đám đông cuồng nhiệt hò reo, báo hiệu sự khởi đầu của một thời đại mới.
Qua bài diễn văn này, tham vọng chính trị của Caesar chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Ông không hề ngần ngại thể hiện rằng mình sẵn sàng thách thức trật tự hiện tại. Và ông cũng không quan tâm ai sẽ cản đường mình. Dù đó là phe optimates hay chính là những kẻ quyền lực nhất La Mã thời bấy giờ.
Trong khoảnh khắc định mệnh này, Caesar đã biến đau thương cá nhân thành bàn đạp chính trị. Tang lễ của Cornelia đã trở thành sự kiện đánh dấu sự trỗi dậy của một nhân vật sẽ làm thay đổi hoàn toàn nền Cộng hòa La Mã trong những năm tháng sắp tới.

HỘI TAM HÙNG

Sau thành công trong cuộc nổi dậy của Spartacus và thời điểm đột phá từ tang lễ của Cornelia, Caesar đã chính thức đặt chân vào chính trường Rome. 
Chỉ trong vòng vài tháng, ông đã tập hợp đủ sự ủng hộ chính trị để trở thành Nguyên lão - một bước ngoặt quan trọng trên con đường leo lên đỉnh cao quyền lực.
Thượng viện La Mã thời đó là tâm điểm của nền chính trị thế giới. Với khoảng 600 thành viên, đây là nơi tập trung những bộ óc quyền lực nhất đế chế. Ngay cả tên gọi "Senate" cũng bắt nguồn từ từ "senex", có nghĩa là "người già, người thông thái". Nguyên lão thực sự là những người có quyền lực nhất ở Rome.
Tuy nhiên, con đường chính trị tại Rome không hề dễ dàng. Mọi người không được trả lương cho công việc của họ. Ngược lại, họ phải chi tiền cho các chiến dịch tranh cử và thậm chí phải tự trang trải các dự án cơ sở hạ tầng như sửa cầu hay đường sá. Điều này khiến chính trường trở thành sân chơi chủ yếu của tầng lớp giàu có.
Caesar, dù xuất thân từ gia tộc quý tộc lại không phải là người giàu có khi bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông buộc phải vay mượn số tiền khổng lồ để duy trì hình ảnh và vị thế cá nhân. 
Đến năm 64 trước Công nguyên, khoản nợ của Caesar đã lớn đến mức khiến hai đồng cấp khác phải tuyên bố phá sản chỉ để theo kịp mức độ chi tiêu của ông.
Sau 5 năm trong chức vụ Nguyên lão, khoản nợ của Caesar ngày càng chồng chất. Muốn gây ấn tượng với dân chúng và tăng cường sự ủng hộ, ông quyết định tổ chức một sự kiện giác đấu lớn chưa từng có cho thành phố. Đây là cơ hội hoàn hảo để thể hiện sự hào phóng và khẳng định vị thế của mình trước công chúng.
Caesar cho tìm kiếm khắp nước Ý để tìm những đấu sĩ xuất sắc nhất. Nhưng đấu sĩ không phải hàng hóa rẻ tiền, và ông cần thêm sự trợ giúp tài chính. Vào thời điểm này, Caesar đã nợ khoảng 31 triệu sesterces, tương đương hơn 100 triệu đô la ngày nay. Một con số khiến mọi chủ nợ ở Rome đều mất kiên nhẫn. Họ ráo riết siết nợ ông.
Trong thời khắc nguy nan này, chỉ có một người duy nhất ở Rome có thể giúp Caesar. Đó chính là Crassus. Nhưng Crassus không phải là kẻ dễ dàng cho đi mà không nhận lại. Nếu ông ta giúp Caesar, Caesar sẽ phải trở thành người của Crassus. Mỗi quyết định ông đưa ra, suy nghĩ đầu tiên sẽ không phải là "Điều này có lợi cho Caesar như thế nào?" mà là "Điều này có lợi cho Crassus như thế nào?".
Đây là một canh bạc mạo hiểm từ Caesar. Ông đang đánh cược rằng mình sẽ leo cao đủ trên nấc thang chính trị La Mã để có thể trả nợ cho Crassus. Nếu thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo, ông có thể sẽ đối đầu với một trong những người quyền lực nhất Rome. Và đó sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị mất bao công gây dựng.
Trong 5 năm tiếp theo, Caesar và Crassus trở thành đồng minh chính trị và đối tác kinh tế. Caesar phải thăng tiến để Crassus có thể thu hồi khoản đầu tư. Và giờ đây, chỉ còn một chức vụ duy nhất mà Caesar khao khát. Đó là chức Quan Chấp chính.
Khi người La Mã xóa bỏ chế độ quân chủ, họ đã thay thế các vị vua bằng các Quan Chấp chính. Vị trí này mang lại quyền lực rất lớn. Quan Chấp chính là tổng tư lệnh quân đội La Mã, người đề xuất luật cho Viện nguyên lão, và còn đóng vai trò chánh án tối cao trong hệ thống tư pháp, quyết định bản án và thực thi hình phạt.
Caesar giờ 40 tuổi, độ tuổi trẻ nhất để có thể được bầu làm Quan Chấp chính. Đây là đỉnh cao trong sự nghiệp của bất cứ người La Mã nào. 
Tuy nhiên, con đường đến chức vụ này không hề dễ dàng. Hai người quyền lực nhất La Mã, Crassus và Pompey vẫn tiếp tục đấu đá nhau. Là người thuộc phe Crassus, Caesar sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ những người ủng hộ Pompey.
Caesar phải tìm ra một giải pháp để giải quyết tình thế này. Chính tại đây, Caesar đã thể hiện tài năng chính trị thiên bẩm. 
Trong một cuộc gặp bí mật, ông đã tiếp cận Pompey với một đề nghị táo bạo. Thay vì tiếp tục đấu đá lẫn nhau và làm suy yếu quyền lực, tại sao Crassus và Pompey không hợp tác? Nếu họ ủng hộ Caesar trở thành Quan Chấp chính, ông sẽ đảm bảo Viện nguyên lão phục vụ lợi ích của cả hai.
Để củng cố liên minh này, Caesar còn đưa ra một đề nghị cá nhân sâu sắc. Đó là gả con gái duy nhất của mình, Julia, cho Pompey. Ba người họ sẽ được ràng buộc bởi máu mủ và gia đình, tạo nên một liên minh không thể phá vỡ.
Đây là một canh bạc đầy tính toán. Caesar hiểu rằng cả Pompey và Crassus đều có những mục tiêu riêng mà họ không thể đạt được qua Viện nguyên lão. Pompey muốn đất đai cho các cựu binh của mình, Crassus muốn hỗ trợ tài chính cho những người thu thuế, và Caesar muốn trở thành Quan Chấp chính. Với sự hợp tác, cả ba người đều có thể đạt được một phần mục tiêu cá nhân.
Thỏa thuận bí mật mà Caesar thuyết phục Pompey và Crassus đồng ý được gọi là chế độ Tam hùng (The Triumvirate). Nó có nghĩa là quyền lực của ba người. Mỗi người trong số họ đều có thể đạt được điều mình muốn, và cùng nhau, họ có thể thống trị chính trị La Mã trong nhiều năm tới.
Caesar ngay lập tức dựa vào thỏa thuận này để đảm bảo mình sẽ được bầu làm Quan Chấp chính. Tam hùng là một mô hình quyền lực hoàn hảo: Caesar mang đến kỹ năng và sự khéo léo chính trị, Pompey mang đến sức mạnh quân sự, và Crassus đóng góp tài chính dồi dào.
Không ngạc nhiên khi hối lộ trở thành một phần không thể thiếu trong chiến dịch bầu cử của Caesar. Crassus đã không tiếc tiền để thúc đẩy người dân bỏ phiếu cho đồng minh của mình. 
Với sự hỗ trợ từ đồng minh mạnh mẽ và chiến dịch tranh cử xuất sắc, Caesar đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quan Chấp chính. Đỉnh cao quyền lực cuối cùng cũng trong tầm tay. Và liên minh Tam hùng đã sẵn sàng định hình lại chính trị La Mã theo ý muốn của họ.

CANH BẠC Ở GAUL

Chức vụ Quan Chấp chính chỉ kéo dài một năm. Với quỹ thời gian eo hẹp, Caesar hiểu rằng ông phải hành động nhanh chóng để thực hiện những cam kết dành cho đồng minh.
Luật đầu tiên mà Caesar phải thông qua là một dự luật đất đai, nhằm cấp đất cho các cựu binh của Pompey. Những người lính này đã hy sinh mạng sống vì Cộng hòa La Mã, nhưng giờ đây lại rơi vào cảnh nghèo đói. Pompey muốn cấp đất cho họ như một phần thưởng xứng đáng.
Trước Viện nguyên lão, Caesar hùng hồn bào chữa cho dự luật, nhấn mạnh rằng đất đai này nên được cấp cho những người đã chiến đấu vì Rome. Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Một trong những giọng nói phản đối mạnh mẽ nhất chính là Cato - kẻ thù cũ của Caesar và là thành viên hàng đầu của phe optimates bảo thủ.
Cato là người bảo thủ nhất ở La Mã. Ông có một tính cách khá đặc biệt. Tính cách này phản ánh ngay trong cách ăn mặc. một kiểu trang phục giống với những người lãnh đạo đầu tiên của La Mã. Ông còn đi chân trần và thậm chí không mặc đồ lót. Ông ấy ăn vận như người muốn quay về thời đơn giản hơn. Tuy nhiên, sự thật là Cato cũng  đang đại diện cho mục tiêu của một nhóm quý tộc nhỏ. 
Trước dự luật đất đai của Caesar, Cato liền phản đối kịch liệt. Ông thừa nhận dự luật có những điểm đáng khen ngợi. Nhưng lập luận rằng việc thiết lập một tiền lệ như vậy sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
Sự phản đối của Cato không chỉ là vấn đề chính trị mà còn có yếu tố cá nhân. Ông ta thực sự ghét Caesar, đặc biệt khi Caesar đang có quan hệ tình cảm với chị gái của ông ta, Servilia. Điều này càng làm tăng thêm sự quyết liệt trong mỗi lần Cato chống đối các đề xuất của Caesar.
Trước sự cản trở không ngừng từ Cato, Caesar đã phải hành động cứng rắn. Ông ra lệnh cho người của mình bắt Cato và đưa ông ta vào nhà tù. Mặc dù Caesar không đủ quyền lực để giam giữ Cato lâu dài, nhưng động thái này là một thông điệp rõ ràng: ông không ngần ngại sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu. Phe optimates căm ghét ông vì điều đó
Trong năm tiếp theo, liên minh Tam hùng - Caesar, Pompey và Crassus đã sử dụng mọi phương tiện cần thiết, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp để thúc đẩy kế hoạch của họ. Khi những biện pháp này trở nên ít bí mật và ngày càng công khai bạo lực, Tam hùng đã có một biệt danh mới: "Quái vật ba đầu."
Tuy nhiên, thời gian nắm quyền của Caesar đang cạn dần. Với chức vụ Quan Chấp chính chỉ kéo dài một năm, và không thể tái cử trong năm tiếp theo, Caesar cần một kế hoạch mới. Khi nhiệm kỳ kết thúc, ông sẽ mất đi quyền miễn trừ chính trị và có thể bị truy tố vì những hành vi vi phạm trong thời gian tại vị.
Những kẻ thù của Caesar, đặc biệt là Cato và phe optimates đang háo hức chờ đợi cơ hội để truy tố ông vì tất cả tội ác mà họ cho rằng ông đã phạm. Caesar cần tìm cách mở rộng quyền miễn trừ của mình để tránh bị Cato buộc tội.
Giải pháp của Caesar là một chức vụ quân sự. Cụ thể là vị trí thống đốc xứ Gaul ở Ý. Một thống đốc với binh quyền trong tay sẽ được miễn trừ khỏi bị truy tố. Hơn nữa, đây là cơ hội để Caesar giành được vinh quang quân sự ở quy mô lớn. Điều này hẳn ông vẫn còn thiếu. Và có lẽ quan trọng nhất, đây là cơ hội để Caesar thoát khỏi gánh nặng nợ nần khổng lồ.
Với sự hỗ trợ từ Pompey và Crassus, Caesar đã đảm bảo được vị trí thống đốc xứ Gaul ở Ý. Đây là khu vực ở cực Bắc của Cộng hòa La Mã, nằm trên biên giới giữa Pháp và Ý hiện đại. 
Gaul được xem như một vị trí chiến lược quan trọng, nhưng cũng đầy thách thức và nguy hiểm. Mặc dù xứ Gaul nằm dưới sự kiểm soát của La Mã, một phần lớn xứ này gồm nhiều khu vực hoang dã, độc lập, bao gồm Pháp, Bỉ, Hà Lan, thậm chí kéo dài đến sông Rhine ở Đức. Người Gaul không có một chính phủ thống nhất như La Mã. Theo nhà sử học La Mã Plutarch, có khoảng 300 bộ tộc luôn xung đột với nhau trong khu vực này.
Đối với Caesar, Gaul không chỉ như một mỏ vàng lớn chưa được khai thác, mà còn là một thùng thuốc nổ của các bộ tộc đang chực chờ bùng phát. Nếu chiếm được vùng đất này, ông có thể trở thành người giàu có và quyền lực nhất La Mã. Nhưng Caesar không thể tham gia quân sự ở Gaul nếu không có một lý do chính đáng.
Sau nhiều thời gian chờ đợi, cơ hội cuối cùng đã đến. Aedui, một bộ tộc đồng minh của La Mã ở biên giới  cầu xin sự giúp đỡ chống lại một bộ tộc khác tên Helvetii. Sống ở Thụy Sĩ ngày nay, Helvetii khi ấy đang tìm kiếm nơi định cư mới. Họ gây ra xung đột với các bộ tộc khác. Có bạo lực và đổ máu. Một số bộ tộc trong số đó là đồng minh của La Mã. Những bộ tộc này đến với Caesar để cầu tiếp viện.
Đây chính là cơ hội mà Caesar chờ đợi bấy lâu. Với tư cách là thống đốc và chỉ huy quân đội, ông có thể can thiệp một cách hợp pháp để bảo vệ các đồng minh của La Mã. Khi Helvetii tiếp tục di cư, Caesar quyết định chặn đứng họ. Một quyết định đầy tranh cãi và tàn nhẫn.
Nhiều nhà sử học cho rằng hành động của Caesar không phải là một chiến công quân sự vĩ đại mà đúng hơn là một hành vi tàn bạo. Helvetii, phần lớn là phụ nữ và trẻ em có thể được xem như những người tị nạn đang tìm kiếm nơi ở mới. Nhưng Caesar không quan tâm. Ông chỉ thấy một cơ hội để biến điều này thành một câu chuyện về chiến thắng quân sự, từ đó giúp ông nổi tiếng hơn ở La Mã.
Sau khi đàn áp người Helvetii, Caesar không quay trở về Ý như nhiều người kỳ vọng. Thay vào đó, ông tìm thêm lý do để ở lại Gaul. Khi một đồng minh khác cầu cứu, Caesar tuyên bố rằng bản thân có "nghĩa vụ" phải ở lại và giúp đỡ họ. Một nghĩa vụ không cần sự phê duyệt của Viện nguyên lão để thực hiện.
Chỉ vài tháng sau khi đánh bại Helvetii, Caesar đã đánh một canh bạc lớn hơn nhiều. Ông muốn chinh phục toàn bộ Gaul. Đây là một quyết định vô cùng mạo hiểm. Ông đang ở xa Rome hàng nghìn dặm, đối mặt với các bộ tộc đông hơn hẳn về số lượng. Cũng chẳng có đường tiếp tế hợp lý. Tuy nhiên, với Caesar, đây là canh bạc đáng để thử.
Để chinh phục toàn bộ Gaul, Caesar đã tập hợp quân đội từ những người dân địa phương.  Vấn đề là ông làm điều này mà không có sự cho phép của Thượng viện Rome.
Truyền thống của Rome rất rõ ràng. Khi tập hợp một quân đoàn, họ sẽ thề trung thành với La Mã. Nhưng quân của Caesar thề trung thành với ai? Có thể nói rằng họ chỉ trung thành với Julius Caesar. Điều này tạo ra một tình huống nguy hiểm chưa từng có.
Để trả lương cho quân lính, Caesar buộc phải liên tục chiếm thêm các vùng đất ở Gaul. Mỗi chiến thắng lại tạo ra nhu cầu về một chiến thắng khác. Ông bị mắc kẹt trong một vòng xoáy bạo lực và chinh phục không thể dừng lại.
Trong bốn năm tiếp theo, Caesar đã chiếm được phần lớn Gaul bằng chiến thuật chia để trị tinh vi. Ông không đơn thuần dùng vũ lực thô bạo. Thay vào đó, ông lập liên minh với một số bộ tộc và tuyên bố những bộ tộc khác là kẻ thù. Sau đó ông sử dụng các đồng minh để đối đầu với kẻ thù. Khi kẻ thù bị tiêu diệt, ông quay ngược lại tấn công chính những bộ tộc đồng minh.
Caesar thông minh, hấp dẫn và tàn nhẫn. Nhưng điều khiến ông trở nên đặc biệt là khả năng kể chuyện tuyệt vời. Trong mỗi trận chiến, ông luôn cẩn thận điều chỉnh cách câu chuyện sẽ được kể lại ở Rome.
Caesar nhận ra rằng kết quả cuộc chiến đang ở một ngã rẽ nguy hiểm. Thay vì để người khác kể câu chuyện, ông đã biến nó thành thứ gì đó mới mẻ, hấp dẫn, thậm chí giống như trong phim. Trong những ghi chép của mình, Caesar mô tả cách ông giật lấy khiên từ một người lính ở phía sau và lao thẳng vào tuyến đầu. Những báo cáo này được đọc công khai cho người dân Rome năm này qua năm khác. Ngôn ngữ của ông có sức thuyết phục khó miêu tả được. Ông là bậc thầy tuyệt vời trong việc viết lách.
Caesar cũng đang xây dựng sự biện hộ cho mình. Ông biết rằng mình đã vi phạm luật pháp La Mã. Từ những ghi chép của Caesar, chúng ta nhận được lý do ông đưa ra về việc bảo vệ lợi ích La Mã khỏi người Helvetii. Đó cũng là lý do ông tập hợp quân đội khi không có quyền làm như vậy.
Với mỗi báo cáo gửi về, sự nổi tiếng của Caesar với người La Mã bình thường ngày càng tăng cao. Đối với họ, ông là anh hùng bảo vệ vinh quang của La Mã. Nhưng với các nguyên lão, những hành động của Caesar đã dấy lên lo ngại nghiêm trọng.
Cato bắt đầu lập luận rằng Caesar đã vi phạm luật La Mã. Ông cáo buộc đây không phải là chiến tranh mà là tội phạm. Caesar cần phải bị tước quyền chỉ huy và đưa về Rome để ra tòa. Cato còn chỉ ra rằng quân lính của Caesar chỉ trung thành với ông chứ không phải với Viện nguyên lão. Điều này rất nguy hiểm. Cato thậm chí đề nghị giao Caesar cho người Gaul để họ phán xét.
Tuy nhiên, Cato không thể làm gì được miễn là Caesar còn là thống đốc và còn nhận được sự hỗ trợ từ Crassus và Pompey. Nhưng nếu tình thế thay đổi, Cato sẽ ra được đòn tấn công.
Vào năm 54 TCN, một sĩ quan mới được cử đến để hỗ trợ Caesar ở Gaul. Đó là Mark Antony, một liên lạc viên của Crassus. Caesar nhận ra ngay rằng Antony là người có tài năng thực sự. Anh ta vừa là chiến binh giỏi vừa rất sắc sảo. Antony nhanh chóng trở thành một trong những tướng lĩnh quan trọng nhất của Caesar.
Nhưng rồi một tin tức tàn khốc từ Rome. Con gái Caesar, Julia, đã qua đời trong khi sinh con. Đây là đứa con duy nhất của ông với Cornelia. Caesar bị sốc nặng vì mất đi con gái. Đây không chỉ là mất đi sợi dây liên kết cuối cùng với Cornelia mà còn là nguồn cơn của những ác mộng sẽ ám ảnh ông suốt một thập kỷ tiếp theo.
Về mặt chính trị, cái chết của Julia còn đem lại nguy cơ tiềm ẩn khác. Cô đã củng cố liên minh với Pompey thông qua hôn nhân. Đó là một phần quan trọng trong mối quan hệ hòa hợp giữa ba người trong Tam hùng. Giờ đây tất cả đã biến mất đột ngột.
Để càng thêm tồi tệ hơn cho Caesar, chỉ không lâu sau cái chết của Julia, Crassus bị giết trong một cuộc chinh phạt quân sự ở Iran ngày nay. Theo nhiều giai thoại, ông ta bị giết bằng cách đổ vàng nóng vào miệng bởi một kẻ thù đã nghe nói về sự yêu thích tiền bạc của Crassus.
Việc sụp đổ của Tam hùng làm tăng mức độ rủi ro cho Caesar ở Gaul. Ông nhận ra rằng khi trở về Rome, bản thân sẽ không còn Pompey và Crassus chống lưng nữa. Ông sẽ phải một mình đối mặt với Cato và phe optimates.
Nếu có thể giành chiến thắng tuyệt đối ở Gaul, có thể Caesar sẽ trở về với sự giàu có đủ đầy, sự nổi tiếng đủ lớn và quyền lực đủ để tránh khỏi sự tấn công của kẻ thù. Nhưng có một rào cản đối với kế hoạch của Caesar. Những người Gaul không sẵn sàng từ bỏ dễ dàng.
Vào năm 52 TCN, một mối đe dọa mới xuất hiện. Vercingetorix, con trai của một tù trưởng, người rất hấp dẫn và quyết tâm giải phóng dân tộc mình khỏi sự chiếm đóng của La Mã.
Tượng Vercingetorix của Frédéric Bartholdi
Tượng Vercingetorix của Frédéric Bartholdi
Vercingetorix đã tập hợp rất nhiều bộ tộc, bao gồm cả những bộ tộc từng thề trung thành với La Mã. Ông ta kêu gọi đồng bào nhận ra rằng Caesar và quân đội của hắn đã đến như đồng minh nhưng giờ đây lại cố gắng ở lại như kẻ xâm lược. Đây là cơ hội cuối cùng để chiến đấu giành lại tự do.
Điều này tạo ra cơn ác mộng tồi tệ nhất mà Julius Caesar có thể đối mặt. Đó là một kẻ thù đoàn kết. Nếu Vercingetorix có thể tập hợp tất cả người Gaul lại với nhau, họ sẽ vượt số quân của Caesar khoảng mười đối một.
Dân số Gaul ước tính khoảng năm triệu người. Đây là con số vượt xa quân đội mà Caesar đã triển khai. Trên thực tế, điều này thể hiện mối đe dọa trực tiếp với chính đế chế La Mã.
Trong giai đoạn ban đầu, chiến lược của Vercingetorix là ngăn chặn nguồn tiếp tế lương thực của Caesar thông qua chiến thuật tiêu thổ và chiến tranh du kích..
Vercingetorix đã chiến đấu với Caesar suốt sáu tháng cho đến khi đưa mọi thứ đến điểm cao trào tại Alesia. Ông nhận ra rằng chiến tranh du kích không đủ để đánh bại Caesar. Ông cần một trận chiến quyết định.
Khi Julius Caesar đến Alesia và thấy một thành phố được phòng thủ trên vị trí cao với 80.000 người Gaul bên trong, ông đánh giá đây là rủi ro quá lớn để tấn công trực diện. Caesar quyết định bao vây người Gaul. Về nhiều phương diện, đây là sự tái diễn quyết định của Crassus khi bao vây Spartacus ở miền Nam Ý. Chiến lược của Caesar là sử dụng quân đội của Vercingetorix chống lại chính họ. Cần rất nhiều lương thực để nuôi 80.000 người. Vì vậy, có thể bỏ đói họ rất nhanh.
Bức tường của Caesar bắt đầu với một chiến hào được đào lên. Phần đất thừa được xếp lên để tạo ra bức tường cao hơn 4.5 mét, kéo dài gần mười dặm xung quanh để bẫy quân đội của Vercingetorix. Bức tường này là một trong những chiến công quân sự vĩ đại của thế giới cổ đại. Phải mất khoảng một tháng để xây dựng.
Vercingetorix phái sứ giả đi trước khi việc bao vây hoàn tất. Ông ta muốn các bộ tộc khác mang quân đội lớn để tấn công Caesar từ phía sau, tạo ra thế gọng kìm rồi đè bẹp bằng sức mạnh quân số. Và việc cầu tiếp viện này được chấp thuận.
Khi nhận ra nguy cơ bị tấn công từ phía sau, Caesar đưa ra quyết định khiến nhiều người cho rằng ông đã điên. Ông ra lệnh xây dựng bức tường thứ hai xung quanh bức tường đầu tiên. Thay vì hướng vào trong, bức tường này hướng ra ngoài.
Nhưng khi vẽ toàn bộ bức tranh, ai đang bao vây ai? Khi quân đội cứu viện đến, Caesar sẽ bị bao vây cả từ bên ngoài và bên trong. Đây là vị trí cực kỳ dễ bị tổn thương.
Một ngày, họ nghe thấy những âm thanh khủng khiếp: tiếng hô xung trận của người Gaul. Quân đội cứu viện của Vercingetorix đã đến. Nếu là một lính La Mã nhìn vào quân cứu viện và thấy quân số của mình bị vượt trội gấp ba lần, bạn sẽ tự hỏi liệu mình có chết hay không. Nhưng họ có Julius Caesar. Và điều đó giúp cả một đội quân giữ được bình tĩnh.
Caesar là người rất điềm tĩnh dưới áp lực và là lãnh đạo quyết đoán. Một khi đã đưa ra quyết định, ông sẽ cam kết với nó. Caesar biết rằng đây sẽ là thời khắc cuối cùng của chiến dịch Gaul. Mọi thứ họ đã chiến đấu trong suốt bảy năm qua giờ đây đang trên vạch đích. Hoặc họ sẽ chiến thắng và toàn bộ Gaul sẽ bị chinh phục. Hoặc chính họ sẽ bị tiêu diệt. Với Caesar, vận mệnh của Alesia là tất cả. Ông đã đánh cược cả cuộc đời mình vào chỉ một khoảnh khắc này.
Thấy cuộc tấn công từ quân cứu viện ngoài thành, Vercingetorix lập tức phát động tổng tấn công từ bên trong Alesia. Caesar thật sự rơi vào tình thế nguy hiểm. Caesar sẽ chết, cùng với toàn bộ di sản của mình ngay tại khoảnh khắc này, Hoặc, bằng cách nào đó, ông sẽ thay đổi được tình hình.
Khởi đầu trận Alesia trông khá bất lợi với Caesar. Người Gaul có thể đánh vỡ một đoạn tường vây và chuẩn bị tiêu diệt đội quân La Mã ít ỏi. Caesar phải có hành động quyết liệt, nếu không sẽ mất tất cả.
Caesar phi thẳng lên tuyến đầu để khích lệ quân của mình. Ông nhắc nhở họ rằng họ đã đánh bại những dân man rợ này trước đây và sẽ làm lại lần nữa. Họ là những chiến binh vĩ đại nhất trên thế giới. Caesar nhìn thấy mình như người nâng cao tinh thần cho quân lính và giữ họ bên nhau trước kẻ thù đáng sợ.
Caesar đã khôi phục tinh thần cho quân đội để giữ vững trận tuyến và không cho quân Gaul xâm nhập gây hỗn loạn trong đội hình. Nhưng ông biết rằng quân La Mã không thể chịu đựng lâu trước sự vượt trội về quân số như thế này.
Cần các phương án khác. Làm sao có thể giải quyết sức ép này trong cuộc tấn công trực diện?
Caesar ra lệnh cho cánh tay phải đắc lực là tướng Labienus bảo vệ phòng tuyến bị vỡ. Đồng thời, ông quyết định triển khai quân kỵ binh bên ngoài vòng vây.
Quân kỵ binh La Mã chạy ra phía sau rồi đột ngột tấn công khiến quân Gaul hoàn toàn bất ngờ. Điều này làm bùng lên sự hoảng loạn. Quân Gaul nghĩ rằng mình bị bao vây hoàn toàn bởi quân La Mã và bắt đầu rút lui. Caesar ra lệnh tấn công tổng lực. Những người này bắt đầu chạy trốn để bảo toàn mạng sống thay vì chiến đấu để bảo vệ mạng sống. Quân kỵ binh La Mã đuổi theo họ, và trận chiến giờ trở thành một cuộc tắm máu.
Sau bảy năm chiến tranh, Caesar đã dập tắt sự kháng cự của Gaul một lần và mãi mãi. Cuộc chinh phục Gaul của Caesar là một trong những thành tựu ấn tượng nhất trong lịch sử loài người. Thực tế là ông đã thực hiện chiến dịch khổng lồ này với lượng nhân lực tối thiểu.
Cuộc chinh phục Gaul của Caesar mở rộng lãnh thổ La Mã thêm hơn 300.000 dặm. La Mã giờ đây mở rộng từ biển Đại Tây Dương ở phía Tây đến sông Rhine ở phía Đông.
Phải khẳng định, chinh phục Gaul trong bảy năm là chiến công quân sự ấn tượng. Nhưng sẽ thiếu sót nếu không để ý rằng Caesar thực sự đã tiến hành diệt chủng. Chính ông đã tuyên bố giết một triệu và nô lệ hóa hơn 1 triệu người người trong cuộc chinh phục Gaul. Ông đã giết hoặc nô lệ hóa khoảng 20% dân số Bắc Âu.
Sau chiến thắng hoàn toàn ở Gaul, sự nổi tiếng của Caesar với người dân La Mã ngày càng tăng cao. Họ coi ông là định nghĩa hoàn hảo của một thủ lĩnh quân sự La Mã.
Nhưng vinh quang này cũng đồng nghĩa với nguy hiểm. Caesar giờ đây đã trở thành người đàn ông quyền lực và nổi tiếng nhất ở Rome. Và điều đó sẽ khiến những kẻ thù của ông phẫn nộ hơn bao giờ hết.

NỘI CHIẾN

Sau chiến thắng vang dội ở Gaul, Caesar trở thành một huyền thoại sống. Ông muốn ngày khải hoàn phải thật vinh quang. Đồng thời, Caesar khao khát được đắc cử nhiệm kỳ thứ hai làm Quan Chấp chính và một lần nữa trở thành người đứng đầu Rome. 
Nhưng số phận lại đưa Caesar đến với một bức tường thành khác. Không phải bằng đá như ở Alesia mà bằng thù hận và quyền lực chính trị. Người xây nên bức tường này không ai khác ngoài Cato.
Kẻ thù cũ của Caesar từ những ngày đầu ở Rome giờ đây đã trở thành thế lực chính trị đáng gờm nhất. Cato thừa nhận Caesar đã giành được những chiến công vĩ đại cho Cộng hòa La Mã. Nhưng những chiến thắng này phải trả một cái giá quá đắt. Caesar đã tập hợp một quân đội chỉ trung thành với riêng mình chứ không phải với Rome. Điều này chính là cơn ác mộng lớn nhất mà các nguyên lão La Mã có thể tưởng tượng. Một tướng quân có đội quân riêng không phục tùng ai khác ngoài ông ta. Đây chính là con đường dẫn đến chế độ độc tài mà La Mã đã từng phải gánh chịu dưới thời Sulla.
Cato và phe optimates cực kỳ mất lòng tin vào Caesar. Họ căn cứ trên nhiệm kỳ Quan Chấp chính trước đây của ông và sự mở rộng quyền lực ở Gaul. Một số nguyên lão lo ngại rằng ông có thể chiếm quyền ở Rome. Và nỗi sợ này đang dần trở thành hiện thực.
Ghen tỵ cũng đóng vai trò không nhỏ trong cuộc đối đầu này. Những nguyên lão danh giá bất mãn vì Caesar đã trở thành người nổi tiếng nhất ở Rome trong khi họ chỉ có thể ngồi nhìn từ xa. Cato đề nghị tước quyền chỉ huy của Caesar và đưa ông về Rome để truy tố.
Tình thế của Caesar càng trở nên nguy hiểm khi liên minh Tam hùng hoàn toàn sụp đổ. Crassus đã chết trong một cuộc chinh phạt thảm bại. Pompey không còn là đồng minh chính trị nữa.  Phe optimates coi đây là thời điểm để chấm dứt sự nghiệp của Caesar một lần và mãi mãi. Nhưng họ cần một thứ mà họ không có. Đó là quân đội.
Cato biết rằng phe mình không thể đưa Caesar ra tòa nếu không có lực lượng ủng hộ. Và người duy nhất có thể tập hợp quân đội để đối đầu với Caesar chính là Pompey. Cuộc đàm phán giữa hai người này sẽ quyết định vận mệnh của toàn bộ đế chế.
Cato nhấn mạnh rằng Caesar đã trở thành mối nguy hiểm thực sự đối với Cộng hòa. Ông ta mạnh hơn bất kỳ người La Mã nào trước đây. Mạnh hơn cả Sulla. Thậm chí có thể mạnh hơn cả chính Pompey. Lời nói này đã chạm vào điểm yếu của Pompey. Lòng tự trọng và ghen tỵ cuối cùng đã chiến thắng lý trí. Pompey quyết định đứng về phía Cato và phe optimates quý tộc. Caesar thực sự đã thay thế Pompey để trở thành người được yêu mến nhất trong quân đội La Mã. Điều này mà Pompey không thể chấp nhận được.
Khi tình hình ở Rome nóng lên, Caesar gửi Antony trở lại để đại diện cho mình tại Viện nguyên lão. Antony nhắc nhở Thượng viện tất cả những gì Caesar đã làm cho Rome. Ông đã phục vụ trung thành khi là quan chấp chính và dẹp yên Gaul.
Caesar thề sẽ hạ vũ khí nếu Pompey cũng làm như vậy. Nhưng nếu Viện nguyên lão không hiểu ra, Caesar sẽ bảo vệ danh dự cá nhân của mình bằng mọi giá.
Cato lập tức khẳng định đây chính là một tuyên bố chiến tranh. Ông đề nghị Viện nguyên lão tuyên bố Caesar là kẻ thù chung của nhà nước La Mã. Lo sợ quyền lực ngày càng lớn của Caesar, Viện nguyên lão đã đồng thuận với quyết định này.
Giờ đây, Caesar phải đối mặt với quyết định lớn nhất trong cuộc đời mình.
Sông Rubicon là một con sông nhỏ đến mức vào thời điểm đó gần như chỉ là một dòng suối, cách Rome khoảng 200 dặm về phía Bắc. Nhưng dòng nước nhỏ bé này lại là ranh giới quan trọng nhất của đế chế. Nó ngăn cách giữa Gaul Ý và lãnh thổ trực tiếp của Rome.
Vượt qua Rubicon với quân đội có nghĩa là phản quốc. Đây sẽ được xem như lời tuyên bố chiến tranh trực tiếp đối với Nhà nước La Mã. Caesar biết rằng ông đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Chỉ có hai lựa chọn. Đầu hàng và trở về Rome trong hòa bình để đối mặt với cái chết gần như chắc chắn. Hoặc mang quân vượt sông và dựa vào sự nổi tiếng của mình để giành quyền lực.
Theo một giai thoại, Caesar đã trích dẫn một câu nói trong kịch Hy Lạp khi chuẩn bị đưa ra quyết định. "Hãy để xúc xắc được gieo!" Nói cách khác là hãy liều một lần và để mọi thứ xảy ra theo ý muốn của số phận.
Đây là canh bạc khủng khiếp nhất mà Caesar từng thực hiện. Nó có nghĩa là chỉ có một con đường duy nhất để thoát khỏi tình huống này. Đánh bại Viện nguyên lão và biến mình thành trung tâm quyền lực ở Rome. Mọi kết quả khác đều dẫn đến cái chết và sự hủy diệt hoàn toàn.
Caesar tin rằng ông đang bảo vệ những lý tưởng dân chủ của Nhà nước La Mã trước sự tham nhũng của giới quý tộc. Nhưng rõ ràng điều này cũng liên quan đến danh dự cá nhân và khát khao quyền lực ngày càng lớn. Điều quan trọng nhất là Caesar không bao giờ lùi bước trước bất kỳ thách thức nào.
Caesar tiến vào Ý với một đội quân nhỏ bé. Pompey đã tự tin tuyên bố rằng ông chỉ cần dậm chân và các quân đoàn sẽ mọc lên từ đất Ý. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Quân của Pompey chưa sẵn sàng chiến đấu.
Caesar hành quân với tốc độ chóng mặt và lướt qua các khu định cư. Điều bất ngờ là nhiều người dân đã chào đón ông. Sự nổi tiếng từ những chiến thắng ở Gaul đã tạo ra một lợi thế không ngờ. Caesar đang tăng cường sức mạnh mỗi ngày.
Sau tám năm chiến tranh ở Gaul, quân lính hoàn toàn trung thành với Caesar. Ông đã gấp đôi lương của họ và cho mỗi người một nô lệ riêng. Đây chính là loại lòng trung thành cá nhân làm cho Caesar trở nên mạnh mẽ nhưng cũng đặc biệt nguy hiểm trong mắt Viện nguyên lão.
Trước thềm cuộc tổng tiến công, Caesar còn phải đối mặt với một sự phản bội nghiêm trọng. Labienus đã quyết định sang phe Pompey. Đây chính là cánh tay phải đắc lực nhất của Caesar trong suốt chiến dịch Gaul. Có thể Labienus đã quay lưng lại vì bị xúc phạm bởi những hành động của Caesar. Hoặc đơn giản là ông ta quay lại với người chủ cũ Pompey. Cuộc nội chiến này buộc mọi người phải chọn phe. Hiếm khi nó liên quan đến chính sách hay lý tưởng mà chủ yếu là lòng trung thành cá nhân. Một sự thật đau đớn mà Caesar phải chấp nhận.
Khi Caesar tiếp tục tiến về Rome, Pompey đã cố gắng đàm phán một lần cuối. Dù Caesar đã vượt qua Rubicon nhưng hai người vẫn có thể trao đổi bình thường với nhau. Pompey bày tỏ sự tiếc nuối khi mọi chuyện đã đến mức này. Còn về Caesar, ông cũng đưa ra đề nghị cuối cùng. Cả hai đều sẽ rời khỏi Ý và để lại mọi chuyện cho Viện nguyên lão giải quyết. 
Nhưng ở Rome, Cato đã từ chối thẳng thừng. Caesar cần phải đối mặt với hình phạt và điều đó có nghĩa là họ phải đánh bại ông trong trận chiến.
Nhưng sự thật thì Caesar mới đang là người chiếm thế thượng phong. Ông đang tiến đến Rome với toàn bộ quân đội. Pompey lại không có đủ quân trung thành ở Ý để bảo vệ Rome. Quân đội của ông đang phân tán khắp Địa Trung Hải. Họ cần thời gian. Vì vậy họ phải rời khỏi thành phố. Ai ở lại để chào đón Caesar sẽ bị coi là kẻ phản bội Cộng hòa.
Sau khi Pompey và Viện nguyên lão chạy trốn khỏi Rome, Caesar dẫn quân truy đuổi quyết liệt. Đầu tiên là đến Nam Ý rồi sau đó là Hy Lạp. Đây là một trong những căn cứ quyền lực của Pompey nơi ông có thể tập hợp quân lính để chống lại Caesar.
Hai quân đội cuối cùng gặp nhau tại Pharsalus ở Hy Lạp. Lúc này Pompey đã giành lại ưu thế. Quân đội của Caesar ở rất xa các tuyến cung cấp và tiếp viện. Họ đang đói. Còn Pompey lại vượt trội về quân số, vũ khí mạnh mẽ hơn và các tuyến cung cấp lương thực cũng dồi dào hơn. Caesar hoàn toàn bị thiếu lực lượng và đang ở trong tình huống bất lợi
Tranh về trận Pharsalus
Tranh về trận Pharsalus
Pompey muốn bao vây và bỏ đói để buộc Caesar đầu hàng. Chiến lược này có thể mất một tháng nhưng sẽ ít gặp tổn thất binh lính. Tuy nhiên, Cato và các quý tộc khác đã thúc ép Pompey chiến đấu ngay. Họ tin rằng có thể đánh bại Caesar một cách dễ dàng.
Pompey đã tập hợp lực lượng khổng lồ từ tất cả các lãnh thổ mà ông chinh phục trước đó. Các lính đánh thuê Do Thái, người Ai Cập, người Syria và Hy Lạp. Một đội quân đa quốc gia hùng mạnh chiến đấu vì tự do và luật pháp chống lại kẻ chiếm đoạt quyền lực.
Nhưng Pompey đã già và lâu rồi chưa thực sự tham gia một trận đánh. Chưa kể là việc có một lực lượng quân đội thiếu kinh nghiệm. Ngược lại, Caesar sở hữu đội quân kỳ cựu và dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Trên hết, họ có niềm tin mãnh liệt vào người chỉ huy của mình.
Trong trận chiến, Caesar phải đối mặt với thuộc cấp cũ Labienus đang chỉ huy kỵ binh của Pompey. Pompey có gấp bảy lần số kỵ binh so với Caesar. Kế hoạch là đẩy bộ binh ra giữa trung tâm và giữ vững chiến tuyến, đồng thời cho kỵ binh của Labienus di chuyển vòng quanh và bao vây quân của Caesar.
Caesar nhanh chóng thích nghi với tình thế bất lợi. Ông giấu bộ binh trong đội kỵ binh và sử dụng lao để đâm vào quân kỵ binh địch. Đây là chiến lược hoàn toàn mới mà Caesar nghĩ ra cho trận đánh này.
Quân của Labienus bị sốc và hoảng loạn. Họ buộc phải rút lui. Caesar đã giành được lợi thế quyết định. Ông lập tức điều quân bộ binh tiến lên để kết thúc trận chiến.
Quân của Pompey chưa bao giờ chiến đấu cùng nhau trong khi quân của Caesar đã nếm trải chiến thắng nhiều lần. Họ có sự tự tin lớn hơn và phá vỡ hàng phòng ngự của Pompey. Nhận ra rằng mình đã thua trận, Pompey quyết định chạy trốn để bảo toàn mạng sống và có thể chiến đấu vào ngày khác.
Trận Pharsalus thể hiện Caesar ở đỉnh cao thiên tài quân sự. Chiến thuật mà ông sử dụng chống lại kỵ binh của Labienus thực sự xuất sắc. Caesar có thể là tay đánh bạc nhưng ông là con bạc thông minh. Và những con bạc thông minh thường thắng.
Nhưng chiến thắng tại Pharsalus chỉ là khởi đầu. Caesar biết rằng miễn là Pompey vẫn còn ở ngoài kia thì ông chưa thực sự chiến thắng trong cuộc chiến này. Ông cần phải ngăn chặn Pompey trước khi đối phương có thể tập hợp một quân đội mới.
Cuộc rượt đuổi cuối cùng sẽ dẫn hai người đàn ông quyền lực nhất Rome đến vùng đất cổ xưa của các Pharaoh. Nơi một trong hai sẽ gặp kết cục bi thảm và người còn lại sẽ trở thành chủ nhân của thế giới.
Pompey nghĩ ông có thể nhận được sự giúp đỡ ở Ai Cập, vì người Ai Cập nợ ông. Pompey là người bảo trợ cho cha của 1 vị  vua, Ptolemy XII.
Nhưng mọi chuyện không như mong đợi. Các nhà cai trị ở đây coi Trận Pharsalus là quyết định trong cuộc nội chiến. Và họ muốn làm vừa lòng người chủ mới của thế giới La Mã. Trong một cuộc ám sát thảm khốc, đầu của Pompey bị cắt đứt và cơ thể bị ném xuống biển. Pompey đã chết sau ngày sinh nhật thứ sáu mươi của mình. 
Kẻ thù lớn nhất của Caesar đã bỏ mạng. Nhưng thay vì nhanh chóng trở về Rome để nhận những vinh quang xứng đáng, Caesar lại có những kế hoạch khác. Ông dành chín tháng ở Ai Cập bên cạnh một đồng minh và người tình mới. Nữ hoàng Cleopatra, chị gái của vua Ptolemy Theos. Đây không chỉ là mối quan hệ tình cảm mà còn là liên minh chính trị quan trọng. Họ thậm chí còn có một đứa con với nhau là Caesarion.
Cuối cùng vào mùa hè năm 47 trước Công nguyên, gần một năm sau khi đến, Caesar mới rời khỏi vùng đất của các Pharaoh. Nhưng cuộc chiến chưa thực sự kết thúc. Những đồng minh còn lại của Pompey đã tập hợp dưới sự lãnh đạo của Cato và đang chiến đấu tại Bắc Phi.
Cato đang phòng thủ thành phố cảng Utica. Khi thành phố này thất thủ, Caesar đã ban cho kẻ thù một ân huệ cuối cùng. Ông sẵn sàng tha mạng nếu Cato xin lỗi và chấp nhận quyền cai trị của mình.
Nhưng Cato đã từ chối. Thay vì phục tùng ý chí của Caesar, ông quyết định rằng một người La Mã tốt sẽ chọn cái chết hơn là sự khuất phục. Cái chết của Cato đúng như cách ông sống, vô cùng kịch tính. Đối với nhiều người, ông đã trở thành biểu tượng của những ai chiến đấu cho tự do và sẵn sàng chết hơn là chấp nhận chế độ độc tài.
Hơn một thập kỷ sau khi lần đầu đặt chân đến Gaul, Caesar cuối cùng trở về Rome. Không phải như một kẻ phản loạn mà là người cai trị tuyệt đối của thành phố vĩ đại nhất thế giới.

CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI QUAY TRỞ LẠI

Khi Caesar trở về Rome vào năm 46 trước Công nguyên, không ai có thể so sánh với quyền lực mà ông nắm giữ. Đế chế La Mã dưới thời Caesar giờ đây kéo dài hơn 2500 dặm từ bờ biển Đại Tây Dương của Pháp đến sông Euphrates ở Syria.
Caesar được trao danh hiệu vinh dự cao nhất mà một quan chức La Mã có thể nhận được. Một cuộc khải hoàn. Đây là cuộc diễu hành quân sự hoành tráng nhất để đón chào ông trở lại thành phố.
Caesar xuất hiện với khuôn mặt được sơn đỏ. Đối với nhiều người, cuộc diễu hành này tượng trưng rằng ông được trao đặc quyền trở thành một vị thần. Nhưng ngay cả khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, vẫn có một người nô lệ đi bên cạnh thì thầm vào tai ông. "Hãy nhớ rằng ngài chỉ là một người phàm. Hãy nhớ rằng ngài không phải là thần thánh."
Như một phần của buổi lễ, các tù nhân cấp cao bị hành quyết trước đám đông. Vercingetorix, người thủ lĩnh của cuộc kháng chiến Gaul đã bị giam giữ suốt sáu năm kể từ sau thất bại ở Alesia, giờ đây bị hành quyết tại Rome.
Cuộc khải hoàn này củng cố một thông điệp rõ ràng. Caesar là anh hùng đã chinh phục Gaul cho Rome. Đây là khoảnh khắc để người dân Rome hả hê về chiến thắng và cuộc chinh phục vĩ đại của họ.
Thách thức lớn nhất của Caesar bây giờ là hợp nhất Rome dưới quyền lực vô song của mình. Nhưng vấn đề ở chỗ Rome vốn dĩ là một nền dân chủ cộng hòa. Quyền thống trị của Caesar hoàn toàn bất thường trong lịch sử gần đây của Rome. Điều này chỉ xảy ra một lần trước đó dưới thời Sulla.
Caesar yêu cầu Viện nguyên lão phong ông làm nhà độc tài. Tại thời điểm này, Viện nguyên lão không còn khả năng chống cự. Caesar đã thắng. Chế độ độc tài là một quyền lực đặc biệt đáng lẽ chỉ được trao trong thời gian ngắn. Nhưng Caesar sử dụng danh hiệu này như một tấm màn che giấu rằng thực ra quyền lực của ông là vô hạn.
Với quyền lực chưa từng có tiền lệ, Caesar bắt đầu ban hành những cải cách mà ông cho rằng cần thiết để cải tổ một nền cộng hòa đang sụp đổ. Caesar tin rằng Cộng hòa La Mã không còn có thể vận hành vì nó được thiết lập chỉ để cai trị một thành phố nhỏ nhưng giờ đây họ đang cai trị một đế chế rộng lớn.
Bộ máy chính quyền của nền cộng hòa đơn giản là không còn có thể kiểm soát tình hình. Caesar đi đến kết luận rằng cách duy nhất để cứu Cộng hòa là phá bỏ nó hoàn toàn và xây dựng lại từ đầu. Ông cần tạo ra một hệ thống mới trung tâm xoay quanh chính mình. Không còn bầu cử mở. Không còn các phe đối lập trong Viện nguyên lão. Giờ đây chỉ còn ý chí của Caesar.
Khi quyền lực ngày càng tăng, Caesar tìm kiếm những cách mới để thể hiện điều đó trước công chúng nhằm hợp thức hóa vai trò của mình. Ông mặc áo choàng màu tím bất cứ khi nào muốn. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì màu tím là màu của hoàng gia.
Cuối cùng Caesar làm một điều chưa từng có. Ông kéo dài chế độ độc tài của mình đến vĩnh viễn. Từ giờ trở đi, ông sẽ cai trị như một nhà lãnh đạo duy nhất suốt đời. Caesar hiện nắm trong tay quyền lực còn lớn hơn cả kẻ mà ông từng căm ghét và chạy trốn là nhà độc tài Sulla. Với một người từng tự nhận là đại diện cho nhân dân và luôn đứng về phía những kẻ yếu thế, giờ đây ông bắt đầu bị cuốn vào sự kiêu ngạo vô độ.
Đây từng là một con người theo đuổi cải cách nhưng giờ đây, ông chỉ muốn có quyền lực tuyệt đối. Caesar từ lâu đã chỉ mang danh nghĩa là người của dân chúng. Thực chất ông không quan tâm đến việc cải thiện cuộc sống của người dân. Họ chỉ là phương tiện để ông đạt được mục đích.
Khi các cố vấn cảnh báo rằng các nguyên lão kỳ cựu có thể không hài lòng, Caesar đáp lại với sự tự tin tuyệt đối. Ông khẳng định mình là người quyền lực nhất mà Rome từng chứng kiến và đã đến lúc chính thức hóa điều đó. Khi được nhắc đến nền Cộng hòa, Caesar tuyên bố rằng chính ông là nền Cộng hòa.
Với mỗi chiến thắng, tham vọng của Caesar lại lớn hơn. Còn điều gì hơn Rome và quyền cai trị Rome? Rome đã không có vua suốt 400 năm. Liệu ông có thể trở thành một vị vua?
Từ những ngày đầu tiên khi Sulla ép ông phải ly hôn Cornelia, Caesar đã là một kẻ đánh cược. Ông luôn sẵn sàng ném xúc xắc. Rome được xây dựng bởi các vị vua và chính điều này đã được Caesar viện dẫn từ tận những ngày Cornelia qua đời. Con đường duy nhất còn lại của Caesar là trở thành một vị vua thực sự và hoàn thành sứ mệnh chính trị mà ông đã đặt ra từ nhiều năm trước.
Tại một lễ hội công khai, Caesar để Mark Antony thử đội vương miện cho mình để xem phản ứng của dân chúng ra sao. Caesar đang đặt cược rằng người La Mã sẽ chấp nhận vị vua đầu tiên sau 400 năm.
Nhưng canh bạc này thất bại. Tiếng la ó phản đối vang khắp quảng trường. Dân chúng hét lên rằng chỉ Jupiter mới là vua của người La Mã. Caesar nhanh chóng tuyên bố rằng ông không phải là vua mà chỉ là Caesar. Tiếng hoan hô vang dội đáp lại.
Các nguyên lão không thể chấp nhận việc có một vị vua ở Rome. Đó sẽ là dấu chấm hết của nền Cộng hòa. Đó sẽ là sự sụp đổ của mọi thứ mà họ coi là thiêng liêng. Đối với họ, đây là ranh giới không thể vượt qua.

CÁI KẾT

Trong Viện nguyên lão, một nhóm ngày càng lớn đang tổ chức chống lại Caesar. Khoảng 60 nguyên lão bắt đầu cảm thấy bất an trước quyền lực ngày càng gia tăng của Caesar. Họ bắt đầu gọi ông là một bạo chúa.
Một tháng sau vụ trao vương miện thất bại, vào ngày 15 tháng Ba, ngày mà lịch sử gọi là ngày u ám tháng Ba, Caesar được mời đến gặp một nhóm nguyên lão. Một trong những kẻ chủ mưu chính trong âm mưu chống lại Caesar là Marcus Brutus.
Khi Caesar đến, họ vây quanh ông dưới cái cớ trình bày một thỉnh cầu. Rồi những thanh kiếm sáng loáng xuất hiện. Tiếng rên đau đớn và tiếng hét vang lên trong hội trường Viện nguyên lão. Khi thấy Brutus cũng tham gia vào vụ ám sát, Caesar thốt lên những lời cuối cùng.
Cả thế giới biết đến câu nói cuối cùng của Caesar là "Et tu, Brute?" có nghĩa là  "Cả ngươi nữa sao, Brutus?" Nhưng thực tế những lời này không xuất phát từ nguồn tài liệu cổ mà đến từ tác phẩm của Shakespeare. Lời thật sự mà Caesar nói với Brutus là "Ngươi cũng vậy, con trai ta sao?"
Mẹ của Brutus là Servilia, tình nhân lâu năm của Caesar. Thậm chí có người cho rằng Brutus có thể chính là con ruột của Caesar. Nỗi đau của một người cha khi thấy con mình cầm kiếm đâm vào lưng mình có lẽ là cảm xúc cuối cùng của Caesar.
Mọi con bạc đều biết rằng cuối cùng vận may rồi cũng sẽ cạn kiệt. Caesar đã đánh cược liên tục cho đến khi cuối cùng ông thua cuộc. Điều trớ trêu lớn nhất trong cuộc đời Caesar là ông đã chạy trốn khỏi một kẻ độc tài nhưng rốt cuộc lại đi nguyên một vòng lặp rồi kết thúc cuộc đời mình như một kẻ độc tài.
Những kẻ ám sát Caesar hy vọng giết ông để khôi phục nền Cộng hòa cũ. Nhưng trên thực tế kết quả lại là thảm họa. Họ đã không thể khôi phục nền dân chủ. Khi Caesar chết, có quá nhiều kẻ tham vọng và quyền lực xung quanh ông.
Mark Antony tự coi mình là người kế vị của Caesar nhưng người thừa kế thực sự trong di chúc lại là cháu trai Octavian, một kẻ đầy mưu mô. Những năm tiếp theo của lịch sử La Mã là một chuỗi năm cuộc nội chiến đẫm máu. Đặc biệt là cuộc đấu tranh giữa Mark Antony và Octavian để tranh giành quyền lực của Caesar.
Cuối cùng Octavian giành chiến thắng và trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Rome, thiết lập nên cái mà ngày nay ta gọi là Đế chế La Mã. Điều quan trọng là Octavian không bao giờ tự xưng là vua.
Đế chế La Mã tồn tại ở phương Tây thêm 500 năm và ở phương Đông thêm 1500 năm. Tất cả đều bắt nguồn từ Julius Caesar.
Dù Julius Caesar không phải hoàng đế nhưng có lý do vì sao các vị quân vương châu Âu sau này tự gọi mình bằng cái tên Caesar. Bởi vì ông là hình mẫu cho khả năng lãnh đạo và chinh phục dù tốt hay xấu. Trong Thế chiến thứ nhất, Đức có Kaiser, Nga có Sa hoàng. Cả hai từ này đều xuất phát từ cái tên Caesar.
Di sản của Caesar chính là chế độ độc tài. Là cái cớ để một nền dân chủ khi gặp khủng hoảng có thể bị đặt dưới quyền lực của một người duy nhất. Từ Napoleon, Mussolini đến Pinochet, tất cả đều học theo Julius Caesar.
Caesar là một thiên tài xuất sắc cả về chính trị, quân sự và văn chương. Nhưng ông cũng là một kẻ tàn bạo đã gây nên diệt chủng. Có một thực tế đáng buồn là những người có tài năng phi thường cũng thường có tham vọng phi thường. Caesar có thể đã làm được rất nhiều điều không tưởng. Nhưng cuối cùng, ông bị chính quyền lực của mình hủy hoại.
Tham vọng vô hạn kết hợp với năng lực vô song là một con dao hai lưỡi. Khi ai đó tin rằng mình là người thông minh nhất trong phòng và chỉ có mình họ có tất cả câu trả lời. Thì thảm họa là điều tất yếu.