Phùùù, vậy là cũng cày xong Hồng Lâu Mộng. Thực sự là một tác phẩm đồ sộ, mà có lẽ mình sẽ chẳng đủ kiên nhẫn để đọc hết nếu chỉ vài ba năm trước đây thôi. Thế mới thấm được là: phải sống đủ lâu để có thể hiểu, có thể chấp nhận được tất cả những cái tủn mủn, vụn vặt, (phần nhiều là nhàm chán) của cuộc đời, thì mới nghiệm, mới thấm được những bài học cốt lõi, sâu sắc ẩn sâu trong ấy về cái cõi “vạn sự vô thường, việc đời đa đoan” này.
img_0
Tự dưng nhớ đến mấy câu rất hay trong bài hát của Thơm mà mình cực kỳ tâm đắc:
Tiệc tùng là tiệc tùng nào không lúc tan Kịch là kịch nào kịch không lúc hạ màn Đời người là nhiều ngày ngồi ôm thở than Ngóng có mấy phút vui là sung sướng vô vàn
Một trong những đoạn để lại cho mình nhiều suy nghĩ nhất trong "Hồng Lâu Mộng" là đoạn Giả Bảo Ngọc, vì tiếc thương người trong mộng Lâm Đại Ngọc, mà buồn đến chết đi sống lại. Bảo Thoa, vợ của Bảo Ngọc mới lựa lời khuyên cậu, nhắc cậu nhớ về người bà hết lòng thương yêu cậu, người mẹ cả đời chăm nom cậu, trông đợi vào cậu. Dù vẫn buồn phiền, nhưng vì không thể làm cho bà và mẹ vì mình mà đau lòng, sinh bệnh tật, nên Bảo Ngọc cũng buộc phải làm bộ tươi tỉnh nguôi ngoai để mọi người thôi lo lắng.
Hiển nhiên, cách thuyết phục ấy của Bảo Thoa là thấu tình đạt lý, dùng cái lẽ tình thương gia đình mà khuyên can Bảo Ngọc.
Tình cờ đúng đợt này mình cũng đọc lại Epictetus, về những con người anh dũng bậc nhất trong lịch sử, những người có thể vì phẩm cách của mình mà ngay cả khi nhà vua đe dọa cũng dám thẳng thừng tuyên bố: “Nhà vua có quyền chặt đầu ta, nhưng ngài không có quyền ngăn cản ta nói hay làm những điều mà mình cho là đúng đắn”.
Thực sự mỗi lần đọc lại về những nhân vật như thế, lòng tự dưng cũng cảm thấy cái khí khái, cái chất anh hùng ấy, và lại thầm tâm niệm phải cố gắng hơn nữa để có thể thực sự sống được cho đúng với những phẩm cách mà mình trân trọng. Nhưng, khi cùng ngày lại đọc đến đoạn trên trong Hồng Lâu Mộng, tâm trí không khỏi có cái suy nghĩ:
Vậy nếu có một người bà, người mẹ hết lòng yêu thương chờ đợi ở nhà, liệu người anh hùng dũng cảm ấy có dám thẳng thừng vứt bỏ cái mạng sống của mình như thế hay không?
...
Thực sự, mình cũng chẳng thể có câu trả lời cho giả dụ ấy.
Chỉ biết là, hai câu trong bộ “Dám bị ghét + Dám hạnh phúc” vẫn cứ mãi canh cánh bên tai:
All problems are interpersonal relationship problems All joy is interpersonal relationship joy Dịch: Mọi vấn đề của chúng ta đều đến từ những mối quan hệ với người khác Và mọi niềm vui, hạnh phúc của chúng ta cũng đến từ những mối quan hệ với người khác
Thế mới biết, ông Nguyễn Huy Thiệp đã sâu sắc đến mức nào khi viết trong truyện ngắn “Sống dễ lắm” của mình:
Phải! Điều cốt nhất là phải không có một bóng người nào! Như thế thì sống dễ lắm! Nhất định rồi ông sẽ về đấy mà! Ông sẽ về đấy… Ông nghĩ như thế? Cho ngày mai… mai…