Vì sao không cấm được thuốc lá ở Việt Nam
Thuốc lá, hay rượu bia, mang theo nhiều lý do để không thể bị cấm trên thế giới và Việt Nam. Bởi đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp bạc tỷ cần phải được kiểm soát.
Cái thú “hút thuốc” là một điều rất khó để giải thích cho những người chưa bao giờ đụng tới. Chúng tôi thích những đêm mưa buồn có điếu thuốc trên môi làm bạn, hay những khi anh em bạn bè trò chuyện, cũng có điếu thuốc lá mớm chuyện. Hay chỉ đơn giản là rít vài hơi sau những khi làm việc để “giải tỏa căng thẳng”. Nhưng dù sao, mọi nguyên do dẫn đến việc nghiện thuốc, theo tôi, đều là những sự “bao biện” không hơn không kém. Mặc dù cho tới nay, tác hại từ những điếu thuốc là gì, ai cũng rõ, và tôi cũng chẳng cần phải nhắc lại trong bài viết này. Nhưng đó, như Bác đã từng viết,
“Thuốc lá! Là vàng như lụa, đường như mật
Nụ cười trong khói thuốc, tâm hồn lững lờ”.
Câu hỏi đặt ra bao lâu nay bởi những người chưa từng hút thuốc, “hại như vậy sao không cấm quách đi cho rồi”. Nhưng không giống như những loại chất gây nghiện khác. Thuốc lá, hay rượu bia, mang theo nhiều lý do để không thể bị cấm trên thế giới và Việt Nam. Bởi đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp bạc tỷ cần phải được kiểm soát.
Thuốc lá có gì mà nghiện?
Thuốc lá đã tồn tại trong văn hóa và lịch sử của con người từ rất lâu. Trong lịch sử ghi chép, thuốc lá đã được sử dụng từ thời cổ đại, trong các nền văn minh như Ai Cập cổ đại, Hy Lạp, La Mã, và các nền văn minh châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Thành phần chính của thuốc lá là lá thuốc lá khô, được thu hái và xử lý từ cây thuốc lá. Lá thuốc lá chứa nhiều hợp chất hoạt động, bao gồm nicotine, tar, carbon monoxide và nhiều hợp chất khác. Để phân tích từng loại thành phần chính trong thuốc lá, chúng ta có:
Tar: Là chất thô và đen, được hình thành từ nhựa thuốc lá. Tar chứa nhiều chất gây ung thư và gây hại cho hệ hô hấp.
Carbon monoxide: Là chất khí độc, có khả năng kết hợp với hồng cầu trong máu, gây giảm lượng oxy cần thiết cho cơ thể.
Nicotine: Là chất gây nghiện chính trong thuốc lá. Nó tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra cảm giác thư giãn và tạo nên sự nghiện.
Chính bởi tác dụng của Nicotine mà ban đầu thuốc lá được sử dụng như một dạng chất an thần trong việc hỗ trợ điều trị y tế. Nhưng sau đó, nó đã dần trở thành một thói quen và thú vui cá nhân do tính chất gây nghiện.
Nguyên do khiến con người tìm tới thuốc lá không hề cố định, nhưng luôn xoay xung quanh tác dụng an thần tạm thời của Nicotine. Nicotine có tác động nhanh chóng và tác động kéo dài ngắn hơn so với một chất an thần gây nghiện khác là Morphine, tuy vậy lại mang đến những tác dụng phụ “ít nguy hiểm” hơn nên trở thành lựa chọn hữu hiệu nhất cho con người. Cụ thể, Nicotine có thể gây ra nhiều tác động phụ khác nhau, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư và vấn đề sức khỏe về hô hấp. Morphine có tác động phụ nghiêm trọng hơn, bao gồm nguy cơ quá liều, hạ huyết áp, rối loạn hô hấp và tạo ra một cảm giác rất nặng nề và chìm đắm.
Trong xã hội hiện đại, mỗi cá nhân đều có khó khăn nhất định trong cuộc sống của mình. Có thể là công việc, có thể là các mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu,... Chẳng ai là có một quãng đường thẳng băng không có một chút trắc trở. Để tinh thần và tâm lý được ổn định trở thành điều tiên quyết để chúng ta vượt qua những chông gai trước mắt, hướng tới những mục tiêu lớn lao và cao cả. Ai cũng sẽ cần có một điểm tựa, một động lực để thúc đẩy tinh thần và tâm lý. Động lực đó có thể đến từ nhiều nguồn hoạt động khác nhau. Nhưng như tôi đã nói, thời gian để con người được nghỉ ngơi và giải tỏa dần trở nên hạn hẹp. Ví dụ, trả lời cho câu hỏi “bạn làm gì để giải tỏa căng thẳng”, chơi Game sẽ ngốn của bạn kha khá thời gian, đi du lịch và shopping sẽ khiến tài khoản ngân hàng của bạn bị ảnh hưởng tương đối, tình dục thì có phải ai cũng có người yêu hay người sẵn lòng nằm ra cho bạn giải quyết một cách an toàn? Lúc ấy, một điếu thuốc chỉ ngốn của bạn đâu đó 5 phút đồng hồ, chi phí và giá thành cũng không tốn kém tới vậy. Điều này khiến cho thuốc lá ngày càng phổ biến trong Việt Nam, nhưng đồng thời lại mở ra cả một ngành công nghiệp lớn, đem lại nguồn tài chính vô cùng dồi dào.
Vì sao không cấm được thuốc lá
Việt Nam là một quốc gia không cấm thuốc lá, thậm chí là còn có giá cả rẻ hơn nhiều so với các nước khác. Theo tổng hợp từ báo cáo của WHO năm 2021, dưới đây là giá một bao thuốc lá nhãn hiệu phổ biến ở VN so với các nước khác trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Hay để cụ thể hơn, thử so sánh giá của tại thị trường Việt Nam và Nhật Bản. Một bao Marlboro tại Nhật có giá 599 Yen, tương đương khoảng 120 ngàn VNĐ. Trong đó, giá ở VN chỉ bằng ¼. Bên cạnh việc chênh lệch tỷ giá và mức sống của cả 2 quốc gia, Nhật Bản là nước đánh thuế rất nặng đối với thuốc lá.
Tỷ lệ thuế thuốc lá tại Nhật Bản được áp dụng theo cấu trúc phí thuế theo khối lượng (specific tax) và phí thuế theo giá trị (ad valorem tax). Hiện tại, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Nhật Bản là khoảng 13.5 USD cho mỗi cây 20 bao thuốc. Đây là mức thuế thuốc lá cao nhất trong các nước phát triển. Trong khi đó, theo thông tin từ năm 2021, thuế thuốc lá tại Việt Nam được áp dụng theo cơ cấu thuế đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể, tỷ lệ thuế đặc biệt trên thuốc lá là 65% đối với thuốc lá xì gà và 70% đối với thuốc lá còn lại. Ngoài ra, còn áp dụng thuế VAT với tỷ lệ 10% trên giá trị sản phẩm. Trên lý thuyết thì là như thế, nhưng thực tế, tỷ lệ thuế so với giá thuốc lá bán lẻ trên thị trường chỉ chiếm 38.8%, chỉ cao hơn Campuchia và Lào trong khu vực.
Giá cả thấp chỉ là một phần lý do cho việc thuốc lá đang được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Các chính sách liên quan tới thuốc lá cũng không được nhà nước và xã hội thắt chặt. Giả dụ, quá dễ dàng để bắt gặp hình ảnh một học sinh cấp 2 ngồi quán nước vỉa hè hút thuốc lá bắn thuốc lào. Và chẳng ai nói gì được cậu học sinh đó, thậm chí là cha mẹ. Bởi chỉ một số rất ít những nơi ở Việt Nam thực sự bắt người mua thuốc lá phải xuất trình căn cước.
Việc người dân hút thuốc ở nơi công cộng cũng không phải hành vi phạm pháp và cũng chẳng bị ai truy cứu, trong khi đó, điều này đã bị cấm triệt để ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Singapore, Canada, Úc, Nhật… Mức phạt cũng rất cao đối với các hành vi này, ở Singapore là ~734 USD, ở Hàn là tối đa 90 USD, Anh là 277 USD,… “Chỉ được hút thuốc tại những nơi dành riêng cho việc hút thuốc” dần trở thành một khái niệm bình thường, chứ không phải là “Không hút thuốc ở những nơi bị cấm” ở Việt Nam. Việc hút thuốc nơi công cộng dần trở thành một hành động liên quan tới ý thức nhiều hơn là trách nhiệm.
Các lý do trên đã phần nào giải thích cho việc tại sao thuốc lá trở thành một thị trường quá lớn ở Việt Nam. Nó đóng góp một số lượng lớn doanh thu cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, và cả chính phủ. Theo các báo cáo thống kê, ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam đạt doanh thủ tổng cộng khoảng 148.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trong năm 2020. Nếu tự dưng “cấm” thuốc lá tại Việt Nam, những hệ lụy gì có thể xảy ra?
Hệ lụy nếu bỗng dưng “cấm” thuốc lá ở Việt Nam
Thực ra, nếu bỗng dưng “cấm” thuốc lá ở bất cứ đâu cũng sẽ gây ra những hệ lụy không đáng có chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chúng ta có thể đưa ra 3 hệ lụy chính.
Một trong những lý do phổ biến để không cấm hoàn toàn thuốc lá là tôn trọng quyền tự do cá nhân và quyền tự quyết của người dùng thuốc lá. Việc can thiệp vào quyền tự do cá nhân có thể gây tranh cãi, thậm chí là rất khó chấp nhận đối với một số cá nhân. Quyền tự do cá nhân là một giá trị cơ bản trong xã hội và việc hạn chế quyền này có thể tạo ra phản kháng, dễ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng và khó lường hơn. Việc cấm hoàn toàn thuốc lá có thể gây ra tình trạng mua bán, trao đổi và sử dụng không qua kiểm soát. Có thể dẫn tới việc hình thành một Black Market mạnh mẽ, dẫn đến hoạt động buôn lậu và tiêu thụ các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc và chất lượng.
Vấn đề kinh tế và thuế cũng là một yếu tố quan trọng khi đánh giá khả năng cấm hoàn toàn thuốc lá. Như đã phân tích ở trên, ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp một phần quan trọng vào kinh tế và thuế của một quốc gia. Việc cấm hoàn toàn thuốc lá có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu từ thuế và thu hút đầu tư. Ngoài ra, việc giảm bớt quy mô hoạt động của ngành công nghiệp thuốc lá có thể tác động tiêu cực đến việc làm và sinh kế của một số người.
Việc cấm hoàn toàn thuốc lá là một quyết định phải xem xét kỹ lưỡng và đánh giá tổng thể các yếu tố kinh tế, xã hội và sức khỏe. Cần có sự cân nhắc tỉ mỉ và nghiên cứu chi tiết để đảm bảo rằng những quyết định được đưa ra có lợi cho sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng, đồng thời không gây ra những tác động không mong muốn và tiêu cực khác.
Không thể cấm tiệt hoàn toàn thuốc lá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, nhưng không đồng nghĩa với việc chính phủ không có những hành động nhằm giảm thiểu tình trạng hút thuốc trong xã hội. Luật phòng chống tác hại của thuốc lá được thông qua năm 2012 và vẫn đang liên tục được sửa đổi bổ sung nhằm tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và sử dụng thuốc lá. Hay về chính sách tăng thuế và giá bán thuốc lá theo chu kỳ 2 năm tăng một lần, thúc đẩy không gian không thuốc lá,... Nhưng dù cho dù có chính sách nào được đưa ra đi chăng nữa, quyết tâm và nghị lực của người sử dụng thuốc lá vẫn là vấn đề mấu chốt của mỗi người. Vì vậy, hãy có trách nhiệm hơn với sức khỏe của chính bản thân mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất