Hôm nay là 21/5, cũng chỉ hơn 1 tháng nữa là đến ngày thi đại học. Em ruột của mình đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho kì thi này, đoạn chat là cuộc nói chuyện của bọn mình về kết quả của lần thi thử. 
Như các bạn đọc ở đoạn chat, em mình gặp vấn đề cố hữu mà ai cũng gặp, đó là làm tốt trong các bài tự luyện nhưng lại gặp khó khăn trong kỳ thi thực tế. Điều này đến từ sự rối loạn tâm lý, lo âu, căng thẳng, hồi hộp, sự mất tập trung…… dẫn đến sai lầm và đạt thành tích kém.
Chúng ta đã nghe quá nhiều lời động viên như là: Chuẩn bị kĩ thì sẽ tự tin đi thi, cố gắng lên, bình tĩnh, tự tin, chiến thắng,….. Nhưng làm sao để bình tĩnh, tự tin thì chẳng ai dạy.
Mình từ bé đến lớn đi thi khá nhiều, cũng đã nếm đủ sự đau khổ khi phải nhiều lần nhận kết quả kém chỉ vì tâm trạng không ổn định khi đi thi. Do vậy mà mình rất để tâm đến chuyện điều khiển và chế ngự cảm xúc. 
Sau bảy năm học giáo lý Phật, và gần bốn năm thực hành, mình đã tìm thấy, học và thực hành một phương pháp để xử lý các nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và phán đoán. Sau đó, mình đã hướng dẫn lại cho em mình, và nó đã tỏ ra hữu ích trong việc kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh trong kỳ thi. Như các bạn thấy ở dòng tin nhắn cuối mà em phản hồi lại. Hôm đó mình có chỉ ra thêm các lỗi sai trong thực hành của em, đến bây giờ thì tổng hợp những cuộc trao đổi từ trước đến nay của bọn mình lại để viết bài này.
3 pháp sau đây mình sẽ đề cập đó là “Như lý tác ý”, “Định vô lậu”“Định chánh niệm - tỉnh giác”, 3 pháp này được Đức Phật và các bậc Thánh tăng ngày xưa sử dụng để quét sạch chướng ngại cảm xúc, phiền não, từ đó tâm được an định và đưa đến giác ngộ. Nên chuyện dùng nó để khắc phục một chút lo lắng, hồi hộp khi đi thi thì không thành vấn đề. 
Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, không có chuyện khắc phục một trở ngại lớn như tâm lý mà lại có thể dùng mấy câu khích lệ như trong sách self help hay một phương pháp ăn xổi nào đó. Pháp hành này yêu cầu một hiểu biết sâu sắc về nguyên lý và một cam kết nghiêm túc khi thực hành. Vậy nên các bạn cân nhắc về việc dành 20p để đọc bài viết này. 

I. Điều cốt lõi để bình tĩnh tự tin

Trước hết chúng ta xác định rõ, bản chất của tâm là sự tĩnh lặng, bình yên, không xáo động. Thế nên muốn tập trung làm bài hiệu quả, muốn tự tin, bình tĩnh, thì chúng ta sẽ diệt trừ hết những tác nhân làm mất đi sự tĩnh tại, an định vốn có của tâm, tức là các ác pháp, lậu hoặc. Bao gồm những cảm xúc lo âu, hồi hộp, căng thẳng, vọng tưởng, mất tập trung,….hay mọi loại trạng thái gây cản trở cho tư duy khác. 
Từ sự hiểu rõ cách nó vận hành, tác động và tăng trưởng, chúng ta sẽ thực hành các pháp để đối mặt, diệt trừ nó bao gồm “Như lý tác ý”, “Định vô lậu” và “Định chánh niệm - tỉnh giác”. Mục đích là làm chủ được thân và tâm, khi đó, chuyện bình tĩnh tự tin khi đi thi đâu có khó gì. 

II. Như lý tác ý

1. Tìm hiểu sự vận hành của thân tâm và thử dùng pháp tác ý

Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.”
Diễn giải: Những cảm xúc và phân tâm được gọi chung là ác pháp, phiền não, hay là lậu hoặc. Vì biết cách tác ý nên lậu hoặc tiềm ẩn không sinh khởi (sinh ra và khởi phát - phát triển, bùng phát), còn nếu đã sinh khởi thì bị diệt, mà bị diệt có nghĩa là chúng ta ở trong trạng thái tỉnh táo, an định, có thể tập trung 100% công phu vào làm bài.
Vậy tác ý là gì, đó là một năng lực của ý thức, vì thế nên chỉ có thể làm rõ nó qua thực hành. Chúng ta sẽ đến với một ví dụ nhỏ để thấy được sự vận hành của thân tâm, đồng thời ứng dụng pháp như lý tác ý để các bạn có thể thấy được sự làm chủ chính mình nhờ diệt trừ ác pháp.
Bây giờ hãy thử tưởng tượng cảnh bạn đang trong phòng thi đại học, có giám thị ngồi trên bấm giờ, bài thi khó quá, nhìn sang bên thì thấy các bạn đang hí hoáy làm bài còn mình thì chật vật, khó khăn, bối rối, căng thẳng nên nghĩ mãi không ra đáp án, ngước nhìn lên thì cô giám thị hô là còn 15p nữa hết giờ. Nào hãy nhắm mắt và đắm chìm trong tưởng tượng đi. Chỉ một lúc, bạn sẽ thực sự thấy lo âu, thấy căng thẳng ngay liền, bạn kiểm tra lại xem có phải bạn cũng đang hơi khó thở và căng tức ngực, bồi hồi trong lòng hay không. 
Vậy, suy nghĩ nảy sinh thì kéo theo cảm xúc, cũng đồng nhất với sự biến chuyển của thân, như nhịp tim, hơi thở, hormone,….. Hãy nhớ lại xem có phải lúc nào lo âu, căng thẳng, hồi hộp,…. một suy nghĩ, cảm xúc nào đó sinh ra trong đầu thì các bạn mặc sức nắm lấy, bám vào và nương theo nó. Như Phật đã nói: “Vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý, bởi vậy mà lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, hay lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.
Vậy. Tác ý, chính là tạo tác ý nghĩ, định hướng tư duy, dẫn dắt tâm tư của mình.
Có điều là trước đến nay do không tỉnh táo nên ta thường dẫn nó đi sai hướng. Đó là lý do mỗi lần có phiền muộn, căng thẳng, lo âu, hồi hộp,…. Các bạn không thể nào thoát ra được (hay lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng).
Vậy bây giờ ta sẽ sử dụng pháp như lý tác ý để hướng tâm vào một đối tượng, duy trì tỉnh táo và tập trung trên đó, tức là duy trì tỉnh thức nhằm xử lý ngay những phiền não do tưởng tượng vừa rồi, như Phật dạy: “tỉnh thức, trên thân quán thân khắc phục tham ưu” (phiền não, ác pháp) (quán thân là xem xét tất cả những gì đang diễn ra trên thân)
Bạn đứng dậy và đi bộ ở tốc độ chậm, ở đây mình cần bạn hướng sự chú ý của mình chỉ nội trong thân thể mà thôi. Tức là chỉ chú tâm đến cảm giác toàn thân, sự vận động của tay chân, từng cái vung tay, nhấc chân hiển hiện rõ trong tâm trí của bạn, từng hơi thở ra thở vào, bạn cảm nhận được nó một cách rõ ràng.
Cứ mỗi khi bạn nghĩ ngợi chuyện gì đó, hay khi sự chú ý hướng ra ngoài thân thể, bạn từ từ nhắc mình, nào, hãy tập trung lại trên thân, ý thức đặt trên thân, ý thức đặt trên bước đi. “Tôi đi, tôi biết tôi đang đi. Tôi thở, tôi biết tôi đang thở”. Hễ khi nào phân tâm thì bạn lại nhẹ nhàng nhắc mình như thế, “tôi đi, tôi biết tôi đang đi”. Nhắc như vậy rồi yên lặng cảm nhận sự tĩnh lặng bên trong mình, khi này thân được ra lệnh để bước, sự chú ý đặt trên bước đi. Tâm được khống chế để không phân tán. Bạn sẽ nhận ra mình thật sự tồn tại, thật sự sống ở trong cái gọi là hiện tại, thật sự làm chủ, thật sự điều khiển được thân tâm. Khi nào lại có suy nghĩ chen ngang, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở mình bằng câu tác ý “an tịnh thân hành, tôi biết tôi đang đi / tôi biết tôi đang thở”, nhẹ nhàng đẩy lùi những suy nghĩ và cảm xúc vẩn vương, sau đó tiếp tục tận hưởng cảm giác tỉnh thức tĩnh lặng này, với đối tượng là nội thân của mình, trên hành động bước đi và hơi thở ra thở vào.
Bài tập này chỉ mất vài phút ngắn ngủi nhưng cực kì quan trọng, vì sự nắm bắt được trạng thái tỉnh thức, sự tĩnh lặng bên trong nội tâm như vậy, cùng với sự làm chủ thân tâm chính là bước đầu hiểu pháp như lý tác ý. Tiếp đó tôi sẽ hướng dẫn các bạn kéo dài thời gian tĩnh lặng này, tức là làm chủ pháp như lý tác ý. Chỉ có làm chủ pháp này, bạn mới có thể hoàn toàn đẩy lùi những trở ngại cảm xúc tác động lên mình, từ đó duy trì sự tập trung trong làm bài thi hay mọi việc khác. Nếu không có sự thực tập này, thì mọi phần phía sau của bài viết sẽ là vô nghĩa
Thực hành được như trên, các bạn đã bước đầu làm chủ được pháp tác ý.

2. Phân biệt Tác ý và ý nghĩ thông thường.

Chúng ta sẽ làm rõ pháp tác ý, phân biệt nó rõ với ý niệm, suy nghĩ, tư duy trong đầu.
Tác ý là một năng lực của ý thức, giúp hướng tâm vào đối tượng mong muốn, làm chủ thân thể, tâm trí, thông qua đoạn diệt các ác pháp, các cảm xúc tiêu cực, nó là một thanh lợi kiếm. Nhưng dùng kiếm chém vào đâu, có nhìn rõ được đối tượng cần chém hay không, có biết nó chạy qua chạy lại thế nào hay không. Nếu không biết rõ, có thể chém nhầm vào tay mình. 
Chính vì thế nên khi dùng pháp tác ý thì cần khoá chặt đối tượng, quan sát cho rõ sau đó chém dứt khoát với một sự quyết tâm, quyết liệt bằng tất cả sức lực và tinh thần của mình. Sau khi diệt trừ ác pháp, tâm đã an tịnh thì hướng nó vào đối tượng mình muốn.
Ví dụ như đang học mà nghĩ đến người yêu, lấy ví dụ một câu tác ý: “Quán ly si, an tịnh thân hành, tôi biết tôi đang học”. Khi tác ý như vậy, “quán ly si” thì các bạn cần hướng vào ý niệm vừa nãy nghĩ đến người yêu, tức là si mê vọng tưởng, quán ly si, là nhắc cái ý niệm, cảm xúc này phải rời xa đi, không được tới lui nữa. Khi tác ý “an tịnh thân hành”, lúc này các bạn cần hướng tâm vào sự an tịnh mà mình đã cùng thực hành ở đầu bài viết, sau đó khi tác ý “tôi biết tôi đang học” thì phải hướng tâm vào việc học. 
Xin nhớ rõ, tác ý không phải là một ý niệm mà nó là sự điều hướng. Vì thế nên chỉ dùng khi muốn hướng tâm làm việc gì, hay khi tâm trí bị chệch hướng, chứ không phải lúc nào cũng niệm “an tịnh thân hành, tôi biết tôi đang học” liên tục trong đầu. Niệm liên tục một lúc là các bạn sẽ thấy phân tâm ngay, nếu thích các bạn có thể thử. Niệm liên tục 1 câu nào đó, một lúc sau sẽ có vọng tưởng len vào giữa. Chỉ khi nào có ác pháp, có sự mất tập trung thì mới dùng tác ý để hướng dẫn tâm. Hãy nhớ như thế.
Còn trên kia tại sao mình lại nói là nếu không cẩn thận thì kiếm sẽ chém nhầm vào tay. Như lý tác ý là một pháp rất dễ dùng sai, gây ra trường hợp ức chế tâm. Nghĩa là vọng niệm cứ đến liên tục, nhắc mãi không đi, càng hướng bản thân vào học hành, làm việc tập trung thì càng gây nhức đầu, mệt mỏi, thân thể khó chịu.
Ở đây, tên của pháp hành này là “Như lý tác ý”, nó không chỉ là tác ý, còn cụm từ “như lý” đi phía trước nữa. Vậy như lý nghĩa là gì? Như lý nghĩa là như lý giải thoát, như chân lý được thấu hiểu để tác ý, có như vậy thì mới có hiệu quả. Vậy ta hãy xem Phật đã dạy như thế nào ở phần tiếp theo. 

3. Những lưu ý quan trọng khi thực hành pháp Như lý tác ý

Lời Phật dạy - bài kệ trong kinh niệm xứ
Giữ thân được nhẹ nhàng Giữ thân được nhẹ nhàng Giữ tâm khéo giải thoát Không còn các sở hành Chánh niệm không tham trước Không phẫn nộ vọng niệm Không thuỳ miên dãi đãi Như vậy vị tu sỹ Sống giữa nhiều chướng ngại Đã vượt năm bộc lưu
Giữ tâm khéo giải thoát, nghĩa là tâm được ở trong trạng thái an lạc, tĩnh tại, yên lắng giống như khi nãy các bạn đã thực hành đi bộ chậm. Nhưng để kéo dài trạng thái đó thì các bạn lưu ý chữ “khéo”, chúng ta sẽ dần làm rõ chữ “khéo” này thông qua thực hành 3 câu kệ sau.
Chánh niệm không tham trước Không phẫn nộ vọng niệm Không thuỳ miên dãi đãi

Chánh niệm không tham trước.
Có nhiều khi ta dùng pháp tác ý để khiến cho tâm tập trung học hành, cũng biết rằng đây là giai đoạn cuối nên các bạn sẽ cố gắng học thật nhiều, ai cũng cảm thấy áp lực. Nhưng cẩn thận kẻo rơi vào trạng thái tham. Bình thường, con người chỉ tập trung tối đa hiệu suất trong vòng 25-30p. Đằng này không nói 25-30p, các bạn ngồi trên bàn làm việc đến mấy tiếng đồng hồ, không hề đứng lên đi lại, vươn vai, xoay người vận động, cũng không hề thư giãn, có nghỉ ngơi thì lại lấy điện thoại ra lướt, mà lướt điện thoại là não bộ cần tiếp thu và xử lý thông tin, các bạn lại hành hạ não tiếp. Như vậy mà dùng pháp tác ý để ép nó tập trung học hành, thì chẳng khác nào là dồn ép tâm trí và thân thể, đưa mình đến chỗ ức chế.
Vậy nên Phật mới dạy: Chánh niệm không tham trước. Ở đây, chúng ta cần tỉnh táo, tức là có chánh niệm để biết được khi nào mình lười biếng mà dùng tác ý, khéo léo khích lệ mình cố lên một chút nữa, cũng cần tỉnh táo để biết được khi nào mình cần nghỉ ngơi một chút, đừng bức bách bản thân. Tóm lại, đừng tham lam. Những phương pháp học khoa học, hẳn các bạn đã biết, nên mình không nói thêm nữa, biết tốt mà không làm sẽ gây tác hại lớn, đến phần sau mình sẽ đề cập rõ hơn.
Không phẫn nộ vọng niệm.
Cái tâm, cái thân vốn là tạm của chúng ta, nên nó dĩ nhiên thuộc quyền điều khiển của chúng ta, các bạn phải hiểu như vậy. Nhưng khi tác ý cần chú ý cân bằng giữa việc dứt khoát, mạnh mẽ và việc ép buộc, gò bó. Bởi đặc tướng của mỗi người khác nhau. Có người thì tâm như con trâu, con bò, cần phải mạnh mẽ, thẳng thừng ra lệnh cho nó mới được, khi đó hãy tác ý: “cái tâm này không được phân tâm nữa, không có ham thích hay nghĩ ngợi cái gì khác nữa, đây là giờ học, phải tập trung vào, tao không có cãi cọ đôi co với mày nhiều, bây giờ tao cần tập trung”. Cũng có người tâm của họ như con mèo, lúc thì ngồi im, lúc thì thích chạy nhảy, không làm sao bắt nó lại hay điều khiển được. Tương tự thì ta lại vào vai con sen đang chăm sóc hoàng thượng vậy, cứ nhẹ nhàng, cho nó ăn, nó thích nghĩ ngợi thì cho nó nghĩ một tí, sau đó từ từ lại gần, vuốt ve nó, rồi nó cũng phải ngoan, chứ cứ cố gắng đuổi bắt nó thì nó càng chạy xa. Vậy nên Phật mới dùng từ “khéo” ở câu “giữ tâm khéo giải thoát” là thế. Phải khéo léo và tinh tế.
Trường hợp làm đủ cách, tác ý đủ cách mà không được thì hãy nhớ “không phẫn nộ vọng niệm”, phẫn nộ tức là sân hận. Ở đây muốn đối trị với tâm sân thì Phật dạy cần dùng tâm từ, từ trong từ bi. Từ nghĩa là ôn tồn nhẹ nhàng, không nóng vội, không ép buộc. Khi này cần phải bình tĩnh lại trước bằng việc đưa tâm vào hơi thở, hay đưa tâm vào bước đi như bài thực hành trên kia. Mục đích là chúng ta sẽ thông qua hành động nhẹ nhàng đó để hơi thở và nhịp tim được bình ổn trở lại, từ sự bình ổn trên thân thể thì cảm xúc và tâm trí cũng được bình ổn trở lại theo. Lúc này ta quay lại với vọng niệm. Từ từ nhẹ nhàng đối thoại với nó và nhắc nhở bản thân không được phân tâm nữa. 
Câu tiếp theo
Không thuỳ miên dãi đãi.
Câu này nhắc nhở chúng ta không được nuông chiều, thoải mái với bản thân, từ đó gây ra lờ đở, uể oải hay tình trạng tâm trí thiếu minh mẫn, gọi chung là thuỳ miên. Điều quan trọng nhất đó chính là làm chủ được tâm, khi ta biết cái gì tốt thì làm, như là ăn hoa quả, uống nhiều nước, đi ngủ và dậy đúng giờ,…. Cái gì xấu thì không làm, ví dụ không ăn nhiều vì đồ ăn quá ngon, không ăn đồ ăn nhanh, không ăn vặt kẹo bánh - tức là không chiều cái miệng của mình, hay không lướt điện thoại quá nhiều,….. tức là ta đã tập luyện cho tâm biết nghe lời.
Điều này dẫn đến sự đồng nhất của tâm và ý. Có như vậy thì đến khi ngồi vào làm bài, bị vọng niệm hay cảm xúc quấy nhiễu thì nhắc nó sẽ đi ngay. Nếu các bạn nhiều lần vi phạm những điều các bạn biết là sai, các bạn không mạnh mẽ làm nhiều điều các bạn biết là đúng, đó chính là đã “thuỳ miên dãi đãi” với chính mình. Cái tâm các bạn đã quen thói không nghe lời, thế thì có tác ý chỉ như gãi ngứa với nó, hoàn toàn không có tác dụng, chỉ là một câu niệm lên ở trong đầu cho vui mà thôi. 
Qua đây các bạn cũng sẽ thấy được, tại sao câu kệ “giữ thân được nhẹ nhàng” lại được đặt ở đầu. Bởi vì thông qua việc không tham lam, không sân hận với tâm, cũng không thuỳ miên dãi đãi, tức là ăn ngủ khoa học, không ham ăn, ham chơi, ham ngủ, không làm việc quá sức, không bức bách thân tâm,….. thì thân thể mới nhẹ nhàng, khi đó tâm trí mới thanh tỉnh, giải thoát, học tập, làm việc mới có hiệu quả. 
Nếu các bạn làm tốt những điều trên, khi này sẽ “không còn các sở hành”, tức là diệt trừ các thói quen xấu. Chúng ta đã có thể điều khiển và làm chủ thân tâm. Đến đây, Phật nói: 
Như vậy vị tu sỹ  Sống giữa nhiều chướng ngại Đã vượt năm bộc lưu

Tức là thực hành đúng pháp thì sẽ vướt thoát được 5 bộc lưu, vượt thoát những ác pháp, lậu hoặc, phiền não cản trở bấy lâu nay. 

III. Định vô lậu

Định vô lậu là quán xét, tư duy một cách sâu sắc về những cảm xúc, suy nghĩ khiến cho tâm bị chướng ngại, tìm đến nguyên nhân của nó và giải quyết vào chính nguyên nhân đó. Khi tự bản thân đã thông hiểu, thấu suốt trên phần lý luận, thì thuyết phục chính mình buông bỏ suy nghĩ, cảm xúc đó không khó. Nếu lần sau ý niệm đó có tới thì chỉ cần tác ý, nhắc nhẹ là nó sẽ đi. 
Chúng ta hãy xem Phật dạy hộ trì ý căn, tức là bảo vệ cho tư duy, suy nghĩ của chúng ta được thanh tỉnh, sáng suốt bằng cách chế ngự thẳng vào nguyên nhân. Trích kinh Sa Môn Quả - kinh Trường Bộ
Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn
Sự tập trung đến từ việc từ bỏ hết những nguyên nhân gây ra mất tập trung, như cảm xúc hay suy nghĩ phân tán. Từ bỏ bằng việc tự trò chuyện với chính mình, tự khơi thông, giải toả cho mình. Một khi các bạn suy xét đủ sâu để tâm nhận ra rằng nó dính mắc vào các vấn đề như thế là đau khổ, và cũng thông qua sự thực hành thì các bạn cho tâm của mình quen dần với cảm giác tĩnh lặng, yên bình, sự tỉnh thức làm chủ thân tâm mà chúng ta đã nhắc đến trong xuyên suốt bài viết này. Khi tâm nhận ra nó đang khổ thì nó sẽ tự buông bỏ, không để dính mắc vào các nỗi khổ kia nữa và hướng về sự an tĩnh mà các bạn đã luyện tập.

IV. Định chánh niệm - tỉnh giác

Hãy nhớ lại khi các bạn thực hành đi bộ với pháp tác ý, bất cứ ý niệm hay cảm xúc nào xuất hiện thì các bạn đều biết và đều tác ý để loại trừ nó. Đó là các bạn đang ở trong trạng thái chánh niệm - tỉnh giác. Chánh niệm là ở trong ý niêm chân chính, tỉnh giác là đủ tỉnh táo để phát giác bất cứ thứ gì gây cản trở. 
Vậy nên nếu các bạn duy trì được năng lực chánh niệm - tỉnh giác này thì sẽ luôn biết khi nào mình bị phân tâm hay bị cảm xúc để dùng pháp tác ý mà ngăn diệt hiệu quả. Chứ để sự phân tâm hay cảm xúc kéo dài thì sẽ nhọc công hơn rất nhiều khi muốn tập trung trở lại.
Chánh niệm tỉnh giác cũng hỗ trợ cho định vô lậu, vì một khi tâm đã quen sống trong sự bình lặng, thanh thản, nó sẽ ý thức được sự đau khổ của cảm xúc và ý nghĩ xao nhãng nên nó sẽ tự buông bỏ. 
Luyện chánh niệm tỉnh giác không khó, nhưng đòi hỏi kỉ luật. Đơn giản là các bạn làm gì thì tập trung vào việc đó, tỉnh táo nhận thức hành động, lời nói, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Học tập trung, chơi hết mình, kể cả khi đi đứng, nằm ngồi, khi làm việc nhà, rửa bát, nấu cơm,….. hãy tập trung, hãy hướng vào bên trong để soi chiếu chính mình. 

V. Lời kết

Cuối cùng, tại sao mình lại đăng tải bài viết này vào tháng cuối cùng của kì ôn thi. Bởi vì chỉ có khi cấp bách, căng thẳng thì các bạn mới có đủ quyết tâm và sự dứt khoát để thực hành pháp này. Bởi nó thực chất là dùng thanh gươm đoạn diệt đi những gì gây cản trở cho các bạn mà thôi. Nhưng không dễ, bởi vì nó cần nhiệt huyết và sự kiên quyết, thấy việc đó là cần thiết, thì mới có thể làm được.
Cũng không cần lo thời gian không đủ. Thực chất thì mọi sự thực hành đúng đắn sẽ mang lại kết quả ngay, chỉ có thực hành sai pháp thì sẽ dậm chân tại chỗ, có khi còn đi lùi.
Chính Đức Phật đã nói: “Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu” *(KinhTăng chi bộ I)”. 
Nghĩa là pháp hành như việc người khát uống nước mát, uống liền đỡ khát, thực hành là có kết quả, chỉ cần nghiêm túc và làm đúng pháp. Pháp (Phật) - Phật pháp không có thời gian, đến để mà thấy, chính Phật đã nói như vậy, và Phật thì không gạt người, chính mình và em ruột mình đã kiểm chứng điều này nên các bạn yên tâm. 
Cuối cùng, chúc các bạn thành công.