Mình vẫn nhớ như in ấn tượng của lần đọc đầu tiên năm 2017, không phải chỉ vì cái bút pháp phải gọi là quá ư tinh tế (đến từng chi tiết) của tác giả, mà phần lớn hơn là vì hình tượng bố Atticus. Ở cái giai đoạn vẫn đang loay hoay mông lung tìm cách để có thể thực sự hòa nhập vào môi trường bên này sau mấy năm du học, GCCN như làm mình bừng tỉnh và hiểu ra rằng, hóa ra bấy lâu nay mình toàn đặt sai câu hỏi: làm thế nào để có thể trở thành một người bạn/người anh em/người cậu/vv. tốt, trong khi câu hỏi duy nhất quan trọng là: Làm thế nào để trở thành một con người tốt đẹp, sống đúng với lương tâm của mình? Vì nếu làm được như vậy, mọi thứ khác rồi cũng sẽ tự an bài mà thôi.
Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông: đó là lương tâm của con người – Atticus
Đồng thời, thứ cũng làm mình thực sự ấn tượng trong lần đọc đầu tiên ấy chính là cách mà bố Atticus nuôi dưỡng và giáo dục Gem và Scout. Đó, đến thời điểm này, vẫn là ví dụ ấn tượng nhất trong văn chương mình từng gặp về việc áp dụng Đạo của Lão Trang trong cuộc sống, hay nói cách khác, làm thế nào để mọi vật đều có thể sống được đúng cái sống của chúng, có được cái tự do để phát triển và tự hoàn thiện bản chất tự nhiên, thay vì gò bó và tạo nên những khuôn mẫu nhìn qua thì tưởng đẹp nhưng lại ẩn chứa muôn vàn gò bó méo mó bên trong. Cách truyện được viết từ góc nhìn của cô bé Scout, với tất cả những suy nghĩ, đôi lúc cực kỳ ngây thơ, đôi lúc lại là những cảm nhận tinh tế đến ngỡ ngàng của trẻ nhỏ, gián tiếp khiến người đọc thấm được cái cách mà bố Atticus “làm tất cả những gì ông có thể làm” cho hai đứa con: thực ra lại là làm rất ít - dạy mà không dùng lời, dạy qua hành động của bản thân, và chỉ cung cấp những thông tin chúng hỏi vào lúc chính chúng thấy cần hỏi mà thôi.
Nhưng điểm quan trọng nhất mà mình thu được trong lần đọc này lại hoàn toàn khác. Đó là, mình tập trung hơn vào cái thông điệp có thể nói là trung tâm của toàn bộ tác phẩm: 
“Con không bao giờ thực sự hiểu được một người nếu không xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó, tức là sống và cư xử y như anh ta.” (You never really understand a person until you consider things from his point of view… until you climb into his skin and walk around in it“
Vậy nên mình đã thử nhìn mọi thứ qua góc nhìn của Bob Ewell, tên quỷ dữ đã mưu toan giết hại Gem và Scout. Và thực sự, chỉ khi ngồi đủ lâu nghĩ đủ sâu, và thực sự đặt toàn bộ tâm trí và cảm xúc vào nhân vật ấy, mình mới hiểu nếu một người bị tách biệt đến nhường ấy khỏi xã hội, bị coi khinh, nguyền rủa, ruồng bỏ, xem như thú vật, mà hoàn cảnh lại vô tình đưa cho anh ta một vài cá nhân cụ thể, đặc biệt để anh ta có thể coi như kẻ thù, thì việc anh ta tìm mọi cách để hủy hoại cuộc đời những người đó, bao gồm cả việc giết con cái của họ, lại không khó hiểu đến nhường ấy.
Phải nói suy nghĩ ấy đau lắm ... đến nỗi mình đã phải ngồi lặng đi mất một lúc khá lâu và cực kỳ cực kỳ mệt, thậm chí mắt cũng đã rưng rưng.
Nhưng, chẳng hiểu sao, cái suy nghĩ “Bob Ewell là một con thú vật chứ không phải con người” chẳng còn hằn sâu trong đầu mình như lần đọc đầu tiên nữa.
Mình cũng không biết nữa. Mình nghĩ giải pháp chỉ có thể là mong rằng cộng đồng sẽ không bao giờ để một người đến bước đường cùng như thế. Nhưng, nghe nó có vẻ khá kiểu utopia hão huyền thế nào ấy …
Anw, một vài câu quotes, hy vọng đủ để khiến bạn với tay lật giở cuốn này ít nhất 1 lần trong đời:
Trước khi bố có thể chung sống với người khác, bố phải học cách chung sống với chính mình
Không một người sáng suốt nào lại tự hào về tài năng của bản thân mình
Và:
Cho đến khi tôi sợ rằng sẽ mất nó, thì tôi chưa bao giờ yêu thích việc đọc. Người ta đâu có yêu việc thở
A Dreamer