"Cuộc đời của Pi" (CĐCP) là một tựa sách khá nổi tiếng, đã được chuyển thể thành phim và cũng khá thành công. Đây quả là cuốn sách hoàn hảo cho những ai thích đọc về những chuyến phiêu lưu và những hành trình mang tính sống còn. Và "Life of Pi" không chỉ đơn thuần là một câu chuyện, ẩn chứa đằng sau nó còn là vô vàn những tầng lớp ý nghĩa. Mỗi chúng ta khi đọc xong quyển sách này sẽ rút ra được những ý nghĩa cho riêng mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy vô cùng hứng thú vì vừa được đọc một câu chuyện gay cấn và hấp dẫn của Pi trên hành trình giành giật lại sự sống, hay là ý nghĩa về niềm tin tôn giáo, ý nghĩa về thiên nhiên và các loài động thực vật,... Tuy nhiên, cái mà mình suy nghĩ nhiều nhất đó là cách hiểu về bản chất của con người được tác giả cài cắm trong câu chuyện.

Đọc thêm:


Trước hết cần phải biết "CĐCP" được kể như thế nào và có những câu chuyện gì. Đó là câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Piscine Molitor Patel, gọi tắt là Pi – sinh ra và lớn lên ở Pondicherry (Ấn Độ), cha cậu là chủ của một vườn thú. Bước ngoặt xảy ra khi cả gia đình Pi chuyển đến Toronto (Canada) để sinh sống, trên chuyến tàu vượt Thái Bình Dương, con tàu đã không may bị đắm. Thế nhưng, Pi đã “may mắn”  trở thành người duy nhất sống sót nhờ chiếc xuồng cứu hộ trong 227 ngày trên biển cho đến khi trôi dạt được vào đất liền. Nói sơ lược qua về cốt truyện là thế. Quyển sách có độ dài gồm 3 phần với chẵn 100 chương , và mình cá chắc là nhiều bạn sẽ thích "Phần hai: Thái Bình Dương" nhất so với hai phần đầu và cuối. Có một điều mình khá buồn khi đọc một số bài review về sách đó là đa phần các bạn chỉ chú ý đến Phần hai mà bỏ qua, thậm chí còn cho rằng Phần một và Phần ba là dài dòng, nhàm chán và thừa thải. Thực chất, Phần một và ba (theo mình) mới là trọng tâm nói lên ý nghĩa cốt lõi của tác phẩm này. Ở Phần một, tác giả giới thiệu về xuất thân, gia đình và niềm tin tôn giáo của Pi cùng một số quan điểm của Pi về thiên nhiên và động vật hoang dã. Thoạt nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng nó là cơ sở để ta hiểu rõ về Pi và câu chuyện sau này.

Đọc thêm:




Những ai đã đọc sách sẽ biết, Pi đã kể hai câu chuyện về chuyến hành trình sinh tồn của mình trên biển sau khi bị đắm tàu. Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện mà Pi sống sót trên xuồng cùng các con vật như linh cẩu, khỉ độc, ngựa vằn và con hổ Bengal tên Richard Parker. Ở phần ba của quyển sách, khi hai nhân viên của Vụ Đường Biển - Bộ GTVT Nhật Bản (những người chịu trách nhiệm điều tra về vụ đắm tàu của gia đình Pi): Okamoto và Chiba tỏ vẻ không tin tưởng vào câu chuyện đó vì quá khó tin và thiếu bằng chứng thuyết phục, Pi đã đành phải kể câu chuyện thứ hai. Trong câu chuyện đó thay vì sự xuất hiện của các con vật thì có Pi, mẹ của Pi, một gã đầu bếp và một tên thuỷ thủ. Ở cả hai câu chuyện, con tàu đều đắm, cả gia đình Pi đều chết, Pi đều là người còn sống cuối cùng. Vậy, thông qua việc để cho Pi kể thêm một câu chuyện với tuyến “nhân vật” tham gia vào là hoàn toàn khác nhau và đặc biệt, tác giả muốn cho ta thấy điều gì về bản chất thực sự của con người khi bị dồn đẩy đến đường cùng của sự sống?

* Câu chuyện nào mà con người muốn tin nhất? Và câu chuyện nào mà người ta muốn nghe (thích) nhất?

Sau khi kể cho Okamoto và Chiba nghe cả hai câu chuyện, Pi có hỏi họ rằng họ thích câu chuyện nào hơn, thấy câu chuyện nào hay hơn. Cả hai đều cho rằng họ thấy câu chuyện thứ nhất - câu chuyện có các con vật là hay hơn. Nhưng nếu chọn, họ lại muốn tin vào câu chuyện thứ hai hơn. Đơn giản bởi vì con người thường tò mò và thích thú với những câu chuyện không được xác minh rõ ràng, những câu chuyện huyễn hoặc, truyền miệng mang tính thần thoại hơn, nhưng lại không đủ đức tin để có thể thuyết phục bản thân rằng câu chuyện đó là thật. Okamoto và Chiba muốn Pi kể câu chuyện thứ hai vì họ biết họ có thể dùng câu chuyện đó để trình báo lại với cấp trên. Suy cho cùng, con người ta chỉ tin vào những gì mà họ muốn tin, những gì mà họ cảm thấy có ích hoặc thoả mãn suy nghĩ cá nhân của họ. Do đó, Pi đã để cho họ tự quyết định việc họ sẽ tin câu chuyện nào, vì đó là việc của họ, kể từ khi Pi kể thì đó đã trở thành câu chuyện của người nghe.
 Vậy, trước khi đọc tiếp, bạn hãy trả lời cho mình biết giữa hai câu chuyện trên, bạn tin câu chuyện nào là có thật và câu chuyện nào là do Pi tự vẽ ra? Riêng mình, sau khi đọc xong và suy nghĩ về các tình tiết, mình cho rằng câu chuyện thứ hai mới là câu chuyện thực sự đã xảy ra!

* Bạn có dám kể câu chuyện thực sự về cuộc đời mình?

Hãy tự hỏi lòng mình, có phải chúng ta luôn cảm thấy lo sợ khi phải phơi bày cuộc đời và con người mình trước người khác, để cho người ta biết về những góc tối của mình? Do đó khi nói về mình, dù ít dù nhiều thì ta luôn tô vẽ thêm một chút gì đó để bản thân cảm thấy hài lòng với câu chuyện mà ta kể. Chúng ta thường không muốn đối mặt với thực tại khốc liệt, với bản ngã trần trụi nhiều tổn thương của mình. Theo mình, câu chuyện thứ hai mà Pi kể là câu chuyện thực sự đã xảy ra - câu chuyện về phần con lấn át phần người mà vốn dĩ Pi luôn muốn che dấu đi. Sự tranh đấu giữa phần con và phần người trong Pi luôn được tác giả thể hiện một cách âm thầm trong cả tác phẩm.

 Xuyên suốt quyển sách có một chủ đề mà tác giả tô điểm khá nổi bật đó chính là tôn giáo và đức tin của con người thông qua Pi. Mình thì không hiểu nhiều về tôn giáo lắm nên xin phép không bàn luận về chủ đề này trong tác phẩm. Cái mình muốn nói đến là những gì về tôn giáo mà tác giả đã xây dựng cho nhân vật Pi đã thể hiện bản chất của Pi. Lúc nhỏ, vì thiếu niềm tin vào tôn giáo và khao khát tìm hiểu về niềm tin đó nên Pi đã chọn theo cả 3 tôn giáo: Hồi Giáo – Công Giáo và Hindu Giáo. Do đó, trong suốt hành trình của Pi ta luôn cảm nhận được sự chênh vênh do không biết bám víu niềm tin vào cái gì cụ thể, sự tranh đấu giữa phần bản năng trần trụi của một con vật và cái lương tri tốt đẹp của phần người. Điều này càng thể hiện rõ hơn qua những đoạn mà Pi phân tích hay có thể nói là khá hiểu về đời sống của các loài vật. Rằng con người thì cũng là một loài vật với đủ các tập tính hoang sơ nhưng chẳng qua bị kiềm hãm một phần bởi chúng ta tự hào là loài động vật bậc cao có suy nghĩ. Giao thoa giữa câu chuyện thứ nhất và câu chuyện thứ hai là việc dùng hình ảnh những con vật để tượng trưng cho con người: Pi là Richard Parker, mẹ Pi là con khỉ độc, gã đầu bếp là con linh cẩu và anh thuỷ thủ và con ngựa vằn bị thương. Trong tình cảnh sống còn, họ không có cách nào khác là phải bộc lộ phần “con” của mình ra, giết hại và ăn thịt lẫn nhau. Pi có thể đã không dám kể câu chuyện thực sự vì nó quá tàn bạo và cho thấy kể cả Pi – người trước đây ăn chay trường – nay đã phải bộc lộ sự thú tính trong mình khi dám ăn thịt người, ăn thịt uống máu rùa và cá.

* Ý nghĩa của chi tiết con hổ Richard Parker sau khi vào đất liền đã bỏ đi mà không quay lại nhìn Pi lần cuối.

Tuy nhiên, sau tất cả, Pi vẫn sống và về với đất liền. Trong câu chuyện thứ nhất,Richard Parker sau khi tiếp đất đã bỏ đi mà không thèm nhìn Pi một cái, dẫu cả hai đã cùng nhau trải qua giai đoạn sinh tử trên con xuồng ấy. Với rất nhiều người đọc, họ cho rằng chi tiết đó ám chỉ sự hối hận của Pi vì đã vô ơn với bố mẹ, không kịp nói với bố mẹ lần cuối rằng cậu biết ơn bố mẹ như thế nào – giống như RP đã bỏ cậu đi vậy. Nhưng mình không nghĩ như vậy, bởi trong cả phần đầu, ta chưa khi nào thấy Pi tỏ ra một chút gì đó là vô ơn với bố mẹ mình, hay con tàu chìm quá nhanh và quá bất ngờ đến nỗi làm sau Pi có thể nói lời từ biệt? Và bởi vì mình tin vào câu chuyện thứ hai hơn nên mình nghĩ chi tiết đó có ý nghĩa khác.

Như đã nói, trong câu chuyện thứ hai thì Pi là hiện thân của Richard Parker, Pi chính là “con hổ” chứ không có con hổ nào thực cả. Richard Parker là đại diện cho cái ác và phần con trong Pi. Nó trỗi dậy khi Pi buộc phải duy trì mạng sống của mình. Khi con xuồng trôi dạt vào đất liền, cái ác đó đã từ bỏ Pi mà đi, Pi đã lấy lại được phần tốt đẹp trong con người mình. Pi khóc, có lẽ là vì một phần thấy biết ơn nó đã giữ cho Pi sống sót, một phần vì giờ đây Pi đã có thể trở lại như trước. Trước đây, Pi luôn hoang mang vì đức tin của mình. Nhưng sau chuyến hành trình khổ nạn ấy, Pi đã thấu hiểu và xác định được niềm tin của mình. Niềm tin ấy đã giữ cho Pi sống, tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước để có thể gạt đi câu chuyện khủng khiếp ấy mà sống tiếp phần đời còn lại.
 Cuối cùng thì, bạn tin vào câu chuyện nào nhỉ? Như đã phân tích ở trên, mình đã có sự lựa chọn cho niềm tin của mình. Nhưng cũng như Okamoto và Chiba, mình thích câu chuyện có các con vật hơn. Hành trình của Pi dù thực dù giả, vẫn là một khúc hùng ca bi tráng về con người chống chọi với số phận, vượt lên cả những giới hạn của bản thân. Mình sẽ nhớ về CĐCP theo cách như thế ^^!

Có một chút gì như là truyện biển, lướt nhẹ qua chủ nghĩa hiện thực huyển ảo, còn lại tràn đầy là thiên tài kể chuyện đã làm nên tiểu thuyết của Martel" - New Jersey Star-Ledger.


Cuộc đời của Pi là hắc ảo thuật song hành cùng hiện thực, một ngụ ngôn tinh tế và công phu về đức tin dưới nhiều tầng lớp" - Irish Times.