Dazai Osamu (sinh 19 tháng 6 năm 1909 – mất 13 tháng 6 năm 1948?) là một nhà văn Nhật Bản tiêu biểu cho thời kỳ vừa chấm dứt Thế chiến thứ Hai ở Nhật. Osamu sống và viết Cùng một nghĩa như nhau, thành thực mà bi đát [Wikipedia]. 
Tác phẩm của ông đi sâu thẳm nhất vào từng ngỏ ngách trong xã hội Nhật Bản thời bấy giờ: sự giả tạo, đạo đức giả, đố kị, chủ nghĩa hình thức, đề cao cảm xúc người khác mà đánh mất chính mình,... Từng mẫu chuyện như gửi gắm một phần gì đó chân thật nhất của chính cuộc đời ông vào con chữ được dịch giả Hoàng Long biến chuyển một cách sâu sắc. 
Dazai Osamu - đôi mắt buồn sâu thẳm.
Dưới đây là phần cảm nghĩ thật sâu sắc của chính dịch giả Hoàng Long viết cho Dazai Osamu và các tác phẩm của ông. Cái cảm giác như đã đi vào được tâm can của Dazai và hiểu ông đến thấu cùng vậy!

"Kẻ trưởng thành là kẻ thanh niên đã nếm mùi đời phản bội" (Dazai Osamu).
"Ta hận ta khi đối mặt đời" (Trúc Phương).
Con người, khi từ bỏ thế giới nhỏ bé của mình để bước ra cõi đời rộng lớn, đầu tiên luôn phải gặp gỡ với những vỡ mộng đắng cay. Văn chương và nghệ thuật thăng hoa lên từ đó để ru êm một kiếp đọa đày. Có những vẫy vùng, phản kháng, có những cam chịu, buông tay. Có những đường đời đi mất hút giữa sa mạc, có những đường đời chạy xuống vực sâu, có những đường đời men theo vách đá. Muôn nẻo khắc khoải khôn cùng. Vì công cuộc làm người là một khả thể, một sự trở thành nên con người có thể tiến lên hay thụt lùi sau cuộc đổ vỡ. Nhưng không bao giờ ngưng được cuộc tranh đấu mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Bỏ cuộc, buông xuôi, tự hủy, nổi loạn, tự sát đều là những cách thế khác nhau mà con người đem ra gầm ghè, tỉ thí với định mệnh oan khiên đã phủ chụp xuống thân phận mình không sao tránh khỏi.

Với nhà văn, cuộc tranh đấu ấy là sự viết. Đối với Dazai lại càng là như vậy. Tác phẩm. Đó là cái duy nhất còn lại. Là con đường sống duy nhất của Dazai. Ông nỗ lực không ngừng nghỉ để viết. Như trong truyện Một chuyến đi, gắng sức viết, dù cho không hiểu gì, dù cho xung quanh tất cả tối đen. Viết đối với Dazai là một hành trình tự hủy tâm hồn và sự phóng đãng là hành trình tự hủy thể xác từ từ để đi đến một bùng vỡ chung cuộc, như pháo hoa đêm mùa hạ.
Dazai, qua các nhân vật, đã đưa sự tranh đấu vùng vẫy của mình vào trong tác phẩm. Cái vẻ đẹp trong tác phẩm của Dazai, đúng như nhà văn Kakuta Mitsuyo đã nhận xét là sự mạnh mẽ của con người biết mình yếu đuối nhưng vẫn không ngừng đấu tranh. Như Yozo [Nhân vật chính trong tác phẩm Thất lạc cõi người], sống tận tụy với nỗi trăn trở cuộc đời mình dù không hiểu gì về thế gian và tha nhân. Yozo là hiện thân vẻ đẹp của một thiên thần sa ngã. Kazuko[Nhân vật chính trong tác phẩm Tà Dương] là vẻ đẹp của một đóa hàn mai, trong mềm mại có quật cường. Dù cuộc cách mạng đạo đức của nàng cũng chỉ góp phần sản sinh ra thêm một nạn nhân mới. Của ai? Hẳn nhiên là của cuộc đời.
Đối với chúng ta mà nói, để hiểu được nhân gian và chính bản thân mình chưa bao giờ là một điều đơn giản. Con người có thể càng ngày càng vươn xa đến ngoại giới nhưng nẻo về nội tâm thì có lẽ chưa bước sâu thêm được chút nào. Không dám đối diện nên con người trốn chạy, sợ nhìn vào sự trống rỗng của mình trong những đêm hoang liêu.
Lừa gạt người khác chưa đủ, chúng ta còn lừa gạt cả chính bản thân mình. Để rồi tạo nên cả thế giới này sai lạc. Như Naoji đã từng cay đắng trong tác phẩm Tà Dương rằng:
"Khi tôi giả vờ nghiêm chỉnh đĩnh đạc, người ta truyền tai nhau rằng tôi là người chín chắn. Khi tôi giả bộ lười biếng, người ta nói tôi là kẻ lười chảy thây. Khi tôi làm ra vẻ là mình không viết được tiểu thuyết, người ta lại nói tôi không viết tiểu thuyết được đâu. Khi tôi giả vờ nói dối, người ta bảo tôi là kẻ nói dối đấy. Khi tôi ra vẻ giàu có, người ta bảo tôi là kẻ lắm tiền. Khi tôi làm bộ lãnh đạm, người ta bảo tôi là kẻ lạnh lùng. Nhưng khi tôi đau khổ thật sự bất giác buông lời than thở, người ta lại bảo tôi đang làm bộ làm tịch khổ đau.
Thế giới này thật là sai lạc".
Quả thật là sai lạc. Nhưng lý do sai lạc này chỉ có một mà thôi, đó là lòng đố kị. Khi thấy được cái hay cái đẹp của người khác nghĩa là nhận ra được sự bất tài và rẻ tiền của chính bản thân mình. Không ai cam chịu được điều ấy vì ai cũng tự cho mình là tài giỏi hơn người khác cả. Dazai đã thấu hiểu rằng "con người không bao giờ chịu phục tùng con người". Đứng chung với ánh sáng, họ sợ người khác thấy mình tối tăm, nên cứ hơn người là lập tức bị ghẻ lạnh. Trong Nữ tác gia, chỉ cần có một bài văn được đăng báo là cô bé bị người bạn thân mỉa mai là "nữ sĩ Ichiyo, nữ sĩ Murasaki Shikibu" rồi lập tức xa lánh. Cái sự hắt hủi của người đời đúng là thứ thật khó nuốt trôi, nhất là đối với những tâm hồn nhạy cảm. Cõi đời rộng lớn mà lại không có chỗ nương thân, ta quay về với chính ta còn nguyên ủy.
Cái nguyên ủy ấy ban sơ là một nỗi thương đau, một sự lạc loài. Ta sống với chính nỗi đau của ta, và cao hơn một mức nữa là để đùa chơi với chính nó. Bởi ta đâu còn gì khác nữa để chơi? Yozo thấy những vết thương của mình như tình nhân, đêm đêm thì thầm những lời âu yếm.
Chơi với nỗi đau còn chưa đủ, Dazai còn đùa chơi với cả cái chết. Tự tử không chỉ là một đường thoát mà đã trở thành một thói quen. Chưa chết thì tiếp tục lay lắt sống và viết, rồi một ngày đẹp trời nào đó, ta lại tự tử. Những tác phẩm của Dazai từ đó luôn có phong vị hài hước trong nỗi bi ai. Cái văn phong vô cùng đặc trưng ấy không thể tìm được ở một người nào khác trong nền văn học Nhật Bản hiện đại.
Nỗi dằn vặt, hổ thẹn của Dazai đã kết thành một khối nghi tình, đập thẳng vào cõi nhân gian để chuốc lấy thương đau và sự bội phản. Không biết bao lần trong các tác phẩm của mình Dazai đã tự vấn về nhân gian, về cuộc đời là một thứ gì đó không thể nào hiểu nổi. Và cái công cuộc làm người thật là một đại sự quá lớn lao, sức cùng lực kiệt mà vẫn không thể nào hoàn thành. Ý thức về sự khác biệt của mình làm Dazai thêm lẻ loi. Một phần vì tính cách của ông quá nhạy cảm, gần như đến mức bệnh hoạn. Một phần vì tính cách ấy lại bị bỏ mặc, không người uốn nắn từ thuở ấu thơ nên càng làm Dazai thêm cô độc. Nếu người cha thay đổi cách giáo dục thì chắc Yozo cũng không cần phải đóng vai gã hề làm gì nữa. Nỗi niềm bị bỏ rơi của người thiếu nữ trong Nữ sinh đã dần biến thành sự phẫn uất:
"Nỗi khổ đau của chúng tôi chẳng một ai hay biết cả. Có lẽ khi chúng tôi trưởng thành chúng tôi sẽ nhớ lại nỗi sầu khổ cô đơn này mà cười vui nhưng cho đến lúc đó còn cả một khoảng thời gian dài khó chịu, chúng tôi biết sống làm sao đây? Chẳng ai chỉ cho chúng tôi cả. Có lẽ nó cũng như bệnh sởi cứ để mặc vậy thôi chứ chẳng còn cách nào khác. Nhưng cũng có người chết và cũng có người mù mắt vì bệnh sởi đấy. Thành ra cứ để mặc như vậy là không được đâu.
...Chúng tôi tuy không phải là những người theo chủ nghĩa hưởng lạc nhưng cứ chỉ tay lên ngọn núi xa tít kia, bảo rằng nếu lên đó nhìn phong cảnh sẽ đẹp lắm thì chúng tôi biết tuy đó không phải là lời nói dối trá một chút nào nhưng hiện tại thì đang đau bụng kịch liệt; đối với cơn đau bụng mà nói thì chúng tôi muốn nhìn cũng làm như không nhìn thấy vậy mà chỉ toàn nghe lời chỉ bảo ráng chịu thêm một chút nữa đi, rồi thì cứ leo lên đỉnh núi kia thì tuyệt vời lắm đấy... Chắc là có người sai ở đây. Và người xấu chính là các người đấy."
Chửi rủa, lên án nhưng rồi cũng phải sống thôi. Sống trong phản kháng đấu tranh và nổi loạn. Viết điên cuồng. Sống thác loạn để xua tan u uất. Con đường ấy tất yếu dẫn đến tự hủy nhưng cũng là một sự bám víu của Dazai:
"Bọn họ gọi tôi là "tiên sinh" và tôi làm mặt nghiêm nghị nhận lấy danh hiệu đó. Tôi chẳng có gì để mà tự hào cả. Học vấn không có, tài năng cũng không. Cơ thể yếu ớt, tâm hồn nghèo nàn. Chỉ duy có nỗi phiền muộn và nỗi phiền này nhẹ bớt đi khi được đám thanh niên này gọi tôi là "tiên sinh". Tôi chỉ còn có thế. Cho dù niềm tự phụ này có nhỏ bé như cọng rơm thì tôi cũng muốn mình bám víu lấy. Bao nhiêu người đã viết về tôi như một kẻ ích kỷ và hư hỏng nhưng biết được nỗi sầu khổ muộn phiền sâu thẳm trong tôi, thế gian này được có mấy người?" - Trích đoạn trong truyện ngắn Một trăm cảnh núi Phú Sĩ.
Nhưng thử điềm đạm mà ngẫm xem. Phải chăng nhân gian vốn không có bản chất mà do cách nhìn của mình đối với nhân gian như thế nào mà thôi. Phải chăng công cuộc làm người luôn phải dang dở, và kết thúc luôn bằng sự tự hủy hoại bản thân. Cuộc đời của ai kết thúc trong sự dở dang mãn nguyện và để thời gian hủy hoại bản thân bằng sinh lão bệnh tử thì được gọi là thành công? Còn những ai đẩy nhanh quá trình tự hủy bằng cách sống thác loạn, bằng ý thức điên cuồng thì bị gọi là thất bại? Điều ấy chưa chắc. Như Kazuko đã nhận xét về Uehara là sau này hậu thế phải cám ơn Uehara về chính sự thác loạn tự hủy ấy nhiều hơn là khía cạnh đàng hoàng của nhà văn Uehara. Đối với Dazai cũng đâu có gì khác. Nếu không nhờ sự dằn vặt bản thân rồi tranh đấu phản kháng đến mức loạn cuồng rồi bỏ cuộc, dùng chính sinh mệnh của mình ra làm trò đùa thì liệu rằng chúng ta hôm nay có được đọc Tà dương hay Thất lạc cõi người, để từ đó thấu hiểu về nỗi gian nan của công cuộc làm người, về sự phấn đấu không mệt mỏi của một số kiếp hiện sinh, dù không muốn cũng bắt buộc phải đi theo con đường đày ải? Dazai đã dùng chính cuộc đời đau thương và sinh mệnh của mình để trình bày cho chúng ta vấn đề trọng đại ấy. Cho nên nếu ta nghĩ rằng sự trình bày ấy mang nặng phần trình diễn thì quá bất công cho Dazai. Ta phải lĩnh hội, vì con người khôn ngoan lên một phần nhờ vào kinh nghiệm của kẻ khác. Đọc Dazai tuy có dằn vặt, có mệt mỏi nhưng đó là một cái giá quá hời để học được những điều mà Dazai trả giá bằng chính sinh mệnh của mình trong quay cuồng tuyệt vọng. Sau tất cả những điều đó, nếu có một điều gì chúng ta phải cám ơn Dazai, phải cám ơn văn chương đích thực nữa thì chính là điều này. Đó là sự đồng điệu rằng trên con đường đời gian khổ, những nỗi hoang mang, những nỗi gắng sức của chúng ta, dù trong tuyệt vọng cũng chưa bao giờ là đơn độc. Bao nhiêu thế hệ đã qua đi, lịch sử là sự lặp lại những cuộc đời, chỉ có điều trong một chiều kích khác, một tầm tâm thức khác. Một giọt nước nhỏ cũng mang trong mình yếu tính của cả một đại dương vĩnh hằng.
Chính trong thê thảm, trong thất bại, trong tư thế của kẻ yếu mà ý nghĩa của đời sống mới thực sự huy hoàng. Có người đọc Dazai chỉ thấy đau buồn mà không thấy sự hài hước của Dazai. Đó là một điều lầm lẫn. Ai cũng có thể chìm sâu vào nỗi đau buồn nhưng có thể lấy chính nỗi đau và cả sinh mệnh của mình ra mà đùa cợt thì thế gian có được mấy ai? Có thể điềm nhiên, lạnh lùng lấy chính nỗi đau và sinh mệnh của mình ra đùa cợt thì đó nếu không phải là kẻ táng tận lương tâm cũng là một con ác quỷ. Dazai chính là một ác ma của nền văn học Nhật Bản hiện đại. Vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị tinh thần khi đọc Dazai. Như khi đọc Nietzsche. Và nếu cảm thấy tác phẩm như cây búa sấm sét chẻ thẳng xuống bản thân mình thì bạn đã được chết để tái sinh.
Từ trong tro bụi.
Như con phượng hoàng kiêu hãnh, bay lướt trong ánh bình minh.
Nagoya, ngày 17/ 9/2012 Hoàng Long